Ngày 7/4, tại Hà Nội, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam (VAST) đã phối hợp với Viện Khoa học và công nghệ Hàn Quốc tổ chức Diễn đàn kinh tế sáng tạo về KH&CN Việt Nam - Hàn Quốc.
Tham dự Diễn đàn có Thứ trưởng Bộ KH&CN Trần Quốc Khánh; GS.TSKH. Dương Ngọc Hải, Phó giám đốc Viện Hàn Lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam; ông Lee Sang – Mok, Nguyên Thứ trưởng Bộ Khoa học - Truyền thông Hàn Quốc; ông Shin Hyung-Ho, Giám đốc Viện Khoa học và Công nghệ Hàn Quốc và các lãnh đạo, chuyên gia nghiên cứu và học giả thuộc lĩnh vực khoa học công nghệ của Việt Nam và Hàn Quốc.
Phát biểu tại diễn đàn, Thứ trưởng Trần Quốc Khánh đánh giá cao mối quan hệ Việt Nam – Hàn Quốc những năm gần đây đã có những bước phát triển mạnh mẽ, sâu rộng. Thứ trưởng cho biết, từ khi hai nước thiết lập quan hệ đối tác chiến lược vào năm 2009. Việt Nam và Hàn Quốc đã ký kết hiệp định hợp tác KH&CN cấp Chính phủ năm 1995. Trên cơ sở đó đã triển khai 7 khóa họp của Ủy ban hỗn hợp về KH&CN giữa Việt Nam – Hàn Quốc, triển khai nhiều nhiệm vụ hiệu quả theo Nghị định thư từ năm 2000 đến nay. Thông qua các chương trình hợp tác, nhà khoa học Việt Nam có cơ hội sang Hàn Quốc nghiên cứu học tập ngày càng tăng. Những vấn đề KH&CN cả hai bên quan tâm đã được giải quyết, năng lực cán bộ KH&CN nâng cao, làm chủ các KH&CN được triển khai. Bên cạnh kết quả đã đạt được, tiềm năng hợp tác giữa hai nước còn rất lớn.
Cùng với nhận định đó, ông Lee Sang – Mok, Nguyên Thứ trưởng Bộ Khoa học - Truyền thông Hàn Quốc cũng cho rằng: Mối quan hệ giữa 2 chính phủ đã kéo dài hơn 20 năm qua. Nội dung cụ thể của hợp tác giữa KH&CN Việt Nam – Hàn Quốc, chủ yếu là các dự án được thực hiện ở ĐH Quốc gia Hà Nội và ĐH Bách khoa Hà Nội, với những lĩnh vực hợp tác đa phần là công nghệ thông tin, hóa học và y tế. Năm 2014, ủy ban công tác chung về KH&CN được tổ chức, 48 đề tài nghiên cứu đã được nêu ra. Đối với các nghiên cứu chung khoa học, tập trung vào một số các cơ quan đặc thù và lĩnh vực nghiên cứu thường tập trung vào nghiên cứu cơ bản, trong đó, 68,3% là những nghiên cứu được thực hiện theo hình thức chung quốc tế.
Xét trên phương diện nghiên cứu chung giữa hai quốc gia thì yêu cầu cần thiết là chia sẻ lẫn nhau về tầm nhìn hợp tác cũng như xây dụng lộ trình cho sự hợp tác đó. Trong đó, cần quan tâm xây dựng lộ trình ngắn hạn trung hạn và dài hạn, đặc biệt là tạo ra sự giao lưu thường xuyên giữa các nhà khoa học. Theo các chuyên gia, thời gian tới, cần xây dựng chương trình phản ánh tất cả các nghiên cứu cơ bản, nguồn lực tri thức và nguồn lực thúc đẩy đổi mới và sử dụng nền tảng hỗ trợ hoạt động nghiên cứu khoa học chung giữa hai quốc gia. Đó là Ủy ban hỗn hợp về KH&CN. Ngoài ra, cũng cần cân nhắc nguồn lực hai bên, mở rộng những lĩnh vực nghiên cứu và tạo ra giá trị lợi ích chung giữa hai bên.
Ông Shin Hyung-Ho, Giám đốc Viện Khoa học và Công nghệ Hàn Quốc nhận định: Hàn Quốc đã trải qua giai đoạn phát triển với các điều kiện tương đồng như Việt Nam hiện nay, điều này càng tạo điều kiện thuận lợi để Việt Nam có thể tham khảo, vận dụng các bài học thành công của Hàn Quốc để phát triển KH&CN cũng như kinh tế-xã hội. Đặc biệt, Việt Nam có nguồn nhân lực dồi dào, thông minh, có lịch sử lâu đời với những chiến công nổi bật. Hàn Quốc cũng đã đi lên từ những khó khăn của những năm 60 để được như bây giờ, do đó đây là thời điểm Việt Nam vận dụng các tri thức để tạo thành nguồn lực đổi mới. Tôi rất mong muốn những nguồn lực mà Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam đã tích lũy trong bao nhiêu năm nghiên cứu của mình để có thể tiếp nối những thành quả đó đóng góp cho sự phát triển kinh tế của đất nước.
GS.TSKH.Dương Ngọc Hải, Phó giám đốc Viện Hàn Lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam cho rằng, hàng chục, hàng trăm cán bộ của VAST đã được đào tạo và nhận bằng Thạc sỹ, Tiến sỹ ở các viện của Hàn Quốc. Diễn đàn này nhằm thúc đẩy hơn nữa hợp tác khoa học công nghệ và kinh tế sáng tạo giữa Việt Nam và Hàn Quốc. Cùng với Bộ KH&CN, các nhà khoa học, diễn đàn còn có sự tham dự của đại diện các doanh nghiệp Hàn Quốc và Việt Nam. VAST đã thúc đẩy rất mạnh hoạt động thương mại hóa, đưa KH&CN vào cuộc sống và sẽ làm nhiệm vụ trọng tâm trong 5 năm tới. Cùng với nghiên cứu KH&CN, đào tạo trình độ cao trong khoa học thì thúc đẩy thương mại hóa, phát triển và đưa các sản phẩm KH&CN vào trong cuộc sống, phát triển kinh tế là một trong những nhiệm vụ thời gian tới của VAST.
Tin, ảnh: Bùi Hiếu