Ngày 13/10, tại Hà Nội, Trung ương Hội Nông dân Việt Nam chủ trì, phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam tổ chức Diễn đàn Nông dân quốc gia lần thứ V. Với chủ đề: "Vốn và công nghệ trong liên kết 6 nhà (Nhà nước; Nông dân; Nhà khoa học; Doanh nghiệp; Ngân hàng; Nhà phân phối.)", hội nghị nhằm định hướng cho sự phát triển một nền nông nghiệp đạt được cả "3 cao" (năng suất cao, chất lượng cao, giá trị cao).
Phát biểu khai mạc, Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam Thào Xuân Sùng nhấn mạnh: Ngành nông nghiệp cần thống nhất những giải pháp căn cơ nhất để huy động vốn, sử dụng có hiệu quả 2 vấn đề mấu chốt là "vốn và công nghệ trong liên kết 6 nhà", tạo điều kiện tốt nhất, thuận lợi nhất để đưa vốn, KH&CN vào sản xuất nông nghiệp với chi phí hợp lý nhất, từ đó nâng cao được sản lượng, chủng loại, chất lượng nông sản cho thị trường trong nước và xuất khẩu.
Tại diễn đàn, các đại biểu nghe các báo cáo tham luận về thực tế ứng dụng KH&CN trong sản xuất và kinh doanh nông sản, ứng dụng KH&CN sản xuất nông nghiệp trong liên kết 6 nhà; trao đổi kinh nghiệm làm thế nào để tiếp cận các dự án ứng dụng khoa học của địa phương.
Ông Chu Thúc Đạt, Phó Vụ trưởng Vụ Phát triển KH&CN địa phương, Bộ KH&CN cho biết, một trong những vấn đề mang tính chất quyết định đến sự phát triển bền vững của sản phẩm đó là “chất lượng sản phẩm”. Điều đó rất cần tác động của KH&CN. Yếu tố KH&CN đóng vai trò đặc biệt quan trọng đến tất cả các khâu trong từng sản phẩm và cần phải được đi trước một bước.
Theo ông Ngô Xuân Bình, Phó Vụ trưởng Vụ KH&CN các ngành KT - KT, trong mối liên kết 6 nhà doanh nghiệp cần được coi là "đầu tàu", hạt nhân để hình thành vùng nguyên liệu sản xuất, hỗ trợ đầu vào và thu mua nông sản. Đồng thời liên kết thực hiện đồng bộ các khâu từ sản xuất đến chế biến, truy xuất nguồn gốc sản phẩm, giúp nhà nông đến gần với các mô hình kỹ thuật 4.0 và hiểu rõ hơn tầm quan trọng của việc áp dụng công nghệ cao.
T.S Cấn Văn Lực, Chuyên gia kinh tế trưởng ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV), đã đưa ra hàng loạt đề xuất tháo gỡ vướng mắc về vốn và công nghệ trong sản xuất nông nghiệp công nghệ cao.
Nhà sáng chế Phạm Văn Hát bày tỏ các sản phẩm do anh sáng chế thật sự rất cần thiết với người nông dân, tuy nhiên vấn đề đăng ký bản quyền đang gặp nhiều khó khăn. Anh Hát cho biết, yếu tố quan trọng nhất trong các sản phẩm anh đều được dựa trên các yêu tố tiên quyết như hữu dụng - có thể áp dụng trực tiếp trên thực địa; hiệu quả cao với giá thành phải chăng, phù hợp với túi tiền của người làm nông Việt Nam.
Ông Nguyễn Thanh Tân, nông dân sở hữu trang trại nuôi lươn quy mô hàng chục ngàn m2 ở Vĩnh Long đã trình bày mô hình nuôi lươn công nghệ cao kiếm hàng tỷ đồng mỗi năm tại diễn đàn.
Nhân dịp này, Ban Tổ chức Cuộc thi “Làm nông thời công nghệ 4.0” tổ chức trao giải cho các cá nhân đoạt giải. Theo đó, 1 giải Vàng cho ông Nguyễn Thế Hải với dự án “Ứng dụng công nghệ lọc nước tuần hoàn trong ấp trứng cá tầm, cá hồi và xử lý nguồn nước trước và sau sử dụng”, 1 giải Bạc được trao cho ông Trần Văn Tân với dự án “Trồng dưa lưới Taki, rau thủy canh trong nhà lưới, nhà màng, nhà kính”, 1 giải Đồng được trao cho ông Nguyễn Thanh Tân với dự án “Sản xuất kinh doanh lươn giống nhân tạo, kết nối khách hàng qua Internet, nuôi lươn thương phẩm bằng phương pháp tự động hóa điều khiển bằng phần mềm PLC” và 3 giải Khuyến khích.
PV