Banner TOP trái 1
Banner TOP phải 3
Hoạt động KH&CN Thứ tư, 27/11/2024 , 03:21 am
Cập nhật : 16/03/2012 , 14:03(GMT +7)
Điểm tin khoa học và công nghệ trong tuần từ10-16 /3.
Hoa Thiên điểu được trồng thử thành công tại tỉnh Vĩnh Phúc.( Ảnh: Internet)
Trồng thử thành công hoa Thiên điểu; Dùng tảo, sò huyết xử lý nước thải ao nuôi tôm; Việt Nam sản xuất ống giấy bảo quản đạn cối; …là một số thông tin khoa học và công nghệ đáng chú ý đăng trên các báo trong tuần từ 10-16/3.

Vĩnh Phúc: Trồng thử thành công hoa Thiên điểu

Theo bà Phùng Thị Nga, Giám đốc Trung tâm ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ tỉnh Vĩnh Phúc, cho biết năm 2011 Trung tâm đã tiến hành trồng thử nghiệm thành công loài hoa Thiên điểu. Qua hơn 1 năm theo dõi 2.000 khóm hoa Thiên điểu trồng trên diện tích 720m2 cho thấy tỷ lệ cây sống đạt 100%, tỷ lệ sâu bệnh hại thấp từ 1-2,5%, không phải sử dụng đến biện pháp dùng thuốc trừ sâu, trừ bệnh, rất phù hợp với điều kiện tự nhiên, khí hậu và đồng đất Vĩnh Phúc.

Kết quả từ 2.000 củ giống chứa mầm cây con ban đầu đã cho thu hoạch trung bình 34.000 cành hoa Thiên điểu. Với giá bán hoa Thiên điểu trung bình ngoài thị trường là 3.000-4.000 đồng/bông thì sau 1 năm trồng cho thu lãi khoảng gần 50 triệu đồng. (Theo Vietnamplus 10/3)

Dùng tảo, sò huyết xử lý nước thải ao nuôi tôm

ThS Dương Thị Thành và nhóm cộng sự ở Khoa Môi trường Trường ĐH Bách khoa TPHCM, đã nghiên cứu thành công việc ứng dụng sò huyết và tảo để xử lý nước thải ao nuôi tôm.

ThS Dương Thị Thành cho biết đã sử dụng loại tảo Tetraselmis sp. vì trong quá trình quang hợp, tảo này có tác dụng làm giảm các chất ô nhiễm trong ao nuôi tôm. Tảo Tetraselmis sp. cũng là nguồn thức ăn của các loài nhuyễn thể. Trong các loài nhuyễn thể, sò huyết khi nuôi trong ao sẽ có tác dụng như một nhà máy lọc sinh học, do sò huyết có khả năng lọc nước trong ao, giữ lại các cặn bã hữu cơ, tảo, động vật phù du… Vì vậy, kết hợp tảo và sò huyết để xử lý nước thải ao nuôi tôm là một giải pháp đặc biệt thân thiện với môi trường. (Theo Người lao động 14/3).

Việt Nam sản xuất ống giấy bảo quản đạn cối

Các kỹ sư Nhà máy Z115, thuộc Tổng cục Công nghiệp quốc phòng đã hoàn thành quy trình công nghệ sản xuất ống giấy bảo quản đạn cối 82mm và đạn 73mm (kiểu OG-9) với công suất thiết kế 300.000 sản phẩm/năm.

Khẩu đội pháo cối sẵn sàng chiến đấu. (Ảnh: Đất Việt)

Đây là dây chuyền sản xuất hoàn chỉnh, công suất cao, sử dụng nhiều thiết bị trong nước, giá thành sản phẩm thấp hơn so với các sản phẩm cùng loại hiện có trên thị trường.

Ống giấy có thể dùng để bảo quản đạn cối trong điều kiện môi trường có độ ẩm cao, nhiệt độ môi trường thay đổi lớn. Đặc biệt, ống giấy có thể dùng để bảo quản đạn trong môi trường biển đảo có độ mặn cao. Sản phẩm đã được nghiệm thu đánh giá đạt chất lượng tốt, được phép đưa vào sử dụng rộng rãi. (Theo Vnexpress 14/3).

Dùng công nghệ để chiết xuất collagen từ da cá tra

Sau thời gian nghiên cứu thử nghiệm thành công, Công ty cổ phần Vĩnh Hoàn, tỉnh Đồng Tháp đã chính thức đưa vào hoạt động dự án sử dụng công nghệ tiên tiến chiết xuất collagen từ da cá tra với quy mô 7,2 tấn bột phẩm/năm.

Việc sử dụng da cá tra sản xuất sản phẩm collagen của Công ty Vĩnh Hoàn được xem là mô hình kinh tế hiệu quả, bởi giá trị của sản phẩm collagen cao gấp 10 lần so với sản phẩm cá philê xuất khẩu và tận dụng triệt để nguồn da cá tra vốn là phế phẩm trước đây. (Theo Vietnamplus 14/3).

FSpace tham gia chế tạo vệ tinh phát hiện cháy rừng

Phòng Nghiên cứu Không gian FPT (FSpace) sẽ hợp tác với đội dự án UNIFORM của Nhật Bản chế tạo chùm vệ tinh nhỏ nhằm phát hiện cháy rừng sớm.

Mô hình thử nghiệm đầu tiên của vệ tinh UNIFORM-1 đang được kiểm tra trong phòng sạch tại Khoa Kỹ thuật Hàng không vũ trụ Đại học Tokyo (Nhật Bản). Dự kiến vệ tinh đầu tiên sẽ được phóng lên quỹ đạo cuối năm 2013.

Việt Nam có thể tham gia dự án UNIFORM ở phần thiết kế, chế tạo và thử nghiệm vệ tinh, xây dựng trạm mặt đất thu tín hiệu từ vệ tinh và hệ thống lưu trữ, phân phối thông tin đến người sử dụng một cách nhanh chóng. (Theo Người lao động 14/3)

Ưu tiên hỗ trợ phát triển tài sản trí tuệ Việt Nam ở nước ngoài

Ngày 14-3, trao đổi với báo chí, ông Hoàng Văn Tân, Phó Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ - Bộ KH-CN cho biết, trong 5 năm (2006 - 2010) số đơn đăng ký sáng chế của người Việt Nam đạt gần 1.200 đơn, bằng cả số đơn của 24 năm trước đó (1981 - 2004) cộng lại; đơn đăng ký giải pháp hữu ích đạt trên 700 đơn, gần bằng 17 năm trước (1988 - 2005); đơn đăng ký kiểu dáng công nghiệp đạt trên 6.100, bằng 10 năm (1988 - 1998). Đặc biệt số lượng đơn đăng ký nhãn hiệu hàng hóa đạt trên 100.000 đơn, gần gấp đôi so với số đơn của cả 24 năm trước (1982 - 2005) cộng lại.

Theo ông Hoàng Văn Tân, giai đoạn tiếp theo sẽ tập trung ưu tiên cho việc hỗ trợ phát triển tài sản trí tuệ của Việt Nam tại thị trường nước ngoài. (Theo Sài Gòn Giải Phóng 15/3)

Đà Nẵng: Tặng bằng khen cho tám nhà sáng tạo trẻ

Ngày 15-3, tại Đà Nẵng, Liên hiệp các hội Khoa học và Công nghệ, Sở Giáo dục và Đào tạo, Sở Khoa học và Công nghệ, Thành đoàn Đà Nẵng phối hợp tổ chức trao giải cuộc thi sáng tạo dành cho thanh thiếu niên, nhi đồng TP Đà Nẵng lần thứ 7.

Tặng bằng khen cho 8 “sáng tạo trẻ”. (Ảnh: Nhân Dân)

Tại buổi lễ, Ban tổ chức cuộc thi đã trao tặng bằng khen cho tám tác giả và nhóm tác giả cùng với tám đề tài xuất sắc đã đoạt giải trong cuộc thi sáng tạo dành cho thanh thiếu niên, nhi đồng toàn quốc lần thứ 7.

Năm 2011, Đà Nẵng có 43 đề tài tham gia. Trong đó, có 35 đề tài phù hợp với tiêu chí cuộc thi được chọn dự thi toàn quốc. Và đã đạt được tám giải: ba giải nhì, ba giải ba và hai giải khuyến khích. (Theo Nhân Dân 16/3).

Ứng dụng công nghệ cao trồng dưa lê siêu ngọt

Trung tâm Ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ tỉnh Vĩnh Phúc phối hợp với Công ty Trách nhiệm hữu hạn tư vấn dịch vụ khoa học nông nghiệp, Đại học Nông nghiệp 1 Hà Nội đã triển khai xây dựng thành công mô hình ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất dưa lê sạch, siêu ngọt.

Áp dụng quy trình quản lý cây trồng tổng hợp (ICP) bằng quản lý dịch hại hợp lý, xử lý môi trường đất trước khi trồng, đảm bảo môi trường thông thoáng và giữ vệ sinh đồng ruộng, Trung tâm Ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ Vĩnh Phúc đã đưa hệ thống nhà lưới đơn giản vào trồng dưa lê sạch và siêu ngọt, đem lại kết quả rất tích cực. (Theo Vietnamplus 16/3).

Ngọc Anh (Tổng hợp)



Ý kiến của bạn
Tên của bạn : *
E_mail : *
Tiêu đề : *
Nội dung : * (Bạn vui lòng gõ tiếng Việt có dấu)
 
Mã bảo mật :   
   
Các tin khác

   
Xem tin theo ngày
   
 
Xem nhiều nhất

English
Thăm dò ý kiến
Bạn biết website “truyenthongkhoahoc.vn” qua nguồn thông tin nào?
Bạn bè giới thiệu
Qua Google
Qua sách báo, quảng cáo banner