Banner TOP trái 1
Banner TOP phải 3
Hoạt động KH&CN Thứ tư, 27/11/2024 , 09:18 am
Cập nhật : 15/07/2011 , 13:07(GMT +7)
Điểm tin khoa học và công nghệ trong tuần từ 9-15/7.
Áp dụng công nghệ vi sinh, phân hủy rơm, rạ để làm phân bón(Ảnh minh họa)
Dưới đây là một số thông tin khoa học và công nghệ đáng chú ý đăng trên các báo trong tuần từ 9-15/7.

Hà Nội: Tăng cường ứng dụng CNTT trong cơ quan hành chính.

Sở Khoa học và Công nghệ (KHCN) Hà Nội phối hợp với một số sở, ngành liên quan xây dựng lại một số nội dung cho phù hợp với nội dung "Mô hình khung hệ thống quản lý chất lượng (QLCL) cho các loại hình cơ quan hành chính nhà nước tại địa phương" của Bộ KHCN về triển khai áp dụng hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn TCVN 9001:2008.

Trên cơ sở đó, Sở KHCN sẽ tập hợp danh sách các đơn vị xin hỗ trợ để trình UBND TP ra quyết định.

Trong quá trình chờ mô hình khung chuẩn, các sở, ngành, quận, huyện đã đẩy mạnh việc triển khai xây dựng, cập nhật các quy trình liên quan đến việc ứng dụng hệ thống QLCL ISO 9001:2008 trong quản lý hành chính. (Theo Hà nội mới 12/7)

Máy tuốt lạc đa năng.

Anh nông dân Nguyễn Đức Thành, thôn Cầu Thượng, xã Nhã Nam, huyện Yên Thế, tỉnh Bắc Giang. Tìm tòi nghiên cứu và đầu năm 2009 chiếc máy tuốt lạc đã được hoàn thiện như ý muốn Nhỏ gọn, trọng lượng 35kg, có thể chạy bằng máy nổ, mô tơ điện hoặc bằng động cơ xe máy.

Sáng chế của Nguyễn Đức Thành lọt vào “mắt xanh” của Hội Nông dân tỉnh Bắc Giang và tháng 4/2011. Với sự trợ giúp của Hội Nông dân tỉnh, anh Thành tiếp tục cải tiến và hoàn thiện chiếc máy tuốt lạc.

Sau hơn 3 tháng lao động cật lực anh Thành cho ra đời chiếc máy tuốt lạc đa năng, cải tiến sàng rung lắc để tách lạc mẩy, lạc non và đất ra từng phần khác nhau. Máy được đặt trên khung sắt lắp bánh xe tiện cho việc di chuyển. (Theo báo nông nghiệp 13/7)

Xử lý rơm rạ thành phân bón Nguyên Khê.

Việc chuyển giao công nghệ sản xuất phân hữu cơ, phân hữu cơ vi sinh từ rơm, rạ bằng công nghệ lên men vi sinh của Viện Công nghệ sinh học thuộc Viện Khoa học -  Công nghệ Việt Nam cho bà con nông dân tại nhiều địa phương trong thời gian qua cho kết quả tốt, được nông dân hồ hởi đón nhận.

Sau vụ gặt, nông dân chỉ cần thu gom rơm rạ vào một góc ruộng, hòa chế phẩm vi sinh (sản phẩm của Viện CNSH cung cấp) cùng với nước và phân NPK rồi tưới lên rơm rạ, che phủ bằng nilon hoặc trát bùn kín, chỉ sau 17- 25 ngày rơm rạ sẽ mủn ra và trở thành một loại phân bón rất tốt cho cây trồng. (Theo báo nông nghiệp 13/7)

Lại câu được cá mập “nhí” trên biển Quy Nhơn.

Sáng 13/7, đoàn nghiên cứu cá dữ tấn công người ở biển thuộc Viện Hải Dương Học cùng 4 ngư dân tiếp tục câu được một con cá mập con nặng khoảng 7kg.

Con cá mập con dài 0,98m, chu vi bụng 45cm, trên biển giữa đảo Hòn Ngang và Hòn Khô (thuộc  đảo Nhơn Châu, Quy Nhơn, Bình Định). Trước đó, tối ngày 11/7 cũng tại đảo Hòn Ngang - Hòn Khô, ngư dân đã câu được một con cá mập sọc trắng nặng 38kg.

Như vậy chỉ trong 2 ngày liên tiếp, đoàn nghiên cứu cá dữ tấn công người ở biển Quy Nhơn đã bắt được 2 con cá mập. Trong đó cá mập sọc trắng (tên khoa học là Carcharhinus amblyrhynchoides) thuộc loại cá hung dữ. (Theo Dân trí, Tiền phong 13/7)

Cụ Rùa được thả lại xuống lòng hồ Gươm.

Sau gần 3 tháng được đưa lên bờ chữa trị vết thương, cuối giờ chiều ngày 12/7, Cụ Rùa đã được thả lại về lòng hồ, hoàn tất quá trình chữa bệnh.

Giám đốc sở Khoa học Công nghệ Hà Nội Lê Xuân Rao cho biết việc thả rùa trở lại hồ Gươm được quyết định sau khi kiểm tra các vết thương và sức khỏe của cá thể rùa đã hoàn toàn bình phục. (Theo Tuổi trẻ, Vnmedia 13/7).

Đồ chơi Việt Nam lần đầu đạt kỷ lục Guinness thế giới.

Với thời gian quay liên tục trong 24 giờ 35 phút và 15 giây, con quay TOSY đã trở thành sản phẩm đồ chơi Việt Nam đầu tiên được Tổ chức Guinness trao tặng kỷ lục: "Con quay tự quay lâu nhất thế giới".

Con quay TOSY là sáng chế đồ chơi thông minh, khởi nguồn từ trò chơi quay dân gian của Việt Nam - từng rất thịnh hành vào những năm 70-90 của thế kỷ trước.

TOSY đã biến trò chơi dân gian này thành trò chơi hiện đại, công nghệ cao, có thể tự quay trong nhiều tiếng đồng hồ nhờ thiết kế động cơ điện bên trong và người chơi có thể sử dụng chiếc cần điều khiển với nam châm cực mạnh để đấu quay với đối thủ. (Theo vnexpress 13/7)

Thêm 3 giống lan Hoàng Thảo mới.

Tiến sĩ Phạm Thị Liên, Trung tâm Thực nghiệm Sinh học nông nghiệp công nghệ cao (Viện Di truyền Nông nghiệp) đã nghiên cứu và cho ra đời 3 giống lan mới thuộc giống lan Hoàng Thảo.

Ba giống lan Hoàng Thảo mới này có tên là Trắng Tím, Trắng Tuyền và Trắng Môi Tím. Tiến sĩ Phạm Thị Liên cũng đã xây dựng được quy trình nhân nhanh giống bằng in vitro và quy trình sản xuất thương phẩm 3 giống phong lan này. Qua thử nghiệm, 3 giống hoa lan mới đã cho ra hoa quanh năm với năng suất cao, phù hợp với điều kiện khí hậu miền Bắc. (Theo Người lao động 13/7)

Xu hướng phát triển công viên phần mềm tới năm 2020.

Diễn đàn với chủ đề "Công viên phần mềm: Xu hướng 2020” diễn ra trong 2 ngày (13, 14-7) tại TP. Hồ Chí Minh do Công viên Phần mềm Quang Trung và Liên minh các Công viên phần mềm Châu Á - Châu Đại Dương tổ chức thu hút trên 40 doanh nghiệp trong lĩnh vực công nghệ thông tin đến từ Việt Nam, Thái Lan, Hàn Quốc,...

Tại diễn đàn, các mô hình, kinh nghiệm về công tác quản lý các công viên phần mềm của một số nước đã thu hút nhiều tranh luận sôi nổi. Qua diễn đàn, các doanh nghiệp Việt Nam rút ra được nhiều kinh nghiệm quý báu trong quá trình định hướng kế hoạch phát triển của ngành phần mềm trong những năm tiếp theo. (Theo Đại đoàn kết 14/7)

Hợp tác đào tạo khoa học công nghệ.

Ngày 13 .7 tại Hà Nội, Tổng Giám đốc Cty Cổ phần Tiến bộ Quốc tế (AIC) Nguyễn Thị Thanh Nhàn đã ký kết hợp đồng nguyên tắc trong lĩnh vực hợp tác nghiên cứu khoa học công nghệ và đào tạo nhân lực với ông Dorokhov Igor N. - Viện sĩ, GS-TSKH Nga, Chủ tịch Viện Hàn lâm các khoa học hệ thống CHLB Nga (MASI).

Theo đó, hai bên sẽ thực thi hợp tác trong các lĩnh vực nghiên cứu khoa học công nghệ và đào tạo nhân lực cho Việt Nam

Phát biểu tại lễ ký kết, GS - TSKH Nga, Viện sĩ Dorokhov Igor cho rằng: Việc hợp tác trên lĩnh vực đào tạo giữa hai đơn vị của hai nước Việt - Nga là bước tiếp nối truyền thống hợp tác đã đạt nhiều thành tựu giữa hai nước. (Theo Lao động 14/7)

Loại bỏ chất gây sảy thai ra khỏi lá lô hội.

Ngày 13/7, hội đồng nghiệm thu do Sở KH-CN TP.HCM lập đã tổ chức nghiệm thu đề tài chiết tách aloin từ lá lô hội do TS Nguyễn Ngọc Hạnh và ThS Phan Nhật Minh, thuộc Viện Công nghệ hóa học nghiên cứu.

Aloin là một chất có tác dụng như một loại thuốc nhuận tràng, trị táo bón hoặc dùng như một số loại thuốc xổ. Chất này khi đưa vào cơ thể có thể gây co bóp, tiêu chảy hoặc thậm chí có thể gây sảy thai đối với phụ nữ. Nghiên cứu trên sẽ tạo tiền đề cho việc nghiên cứu một số loại thuốc về sau. (Theo Đất Việt 14/7).

Sản xuất thành công giấy chống gỉ.

Đây là thành công mới của các nhà khoa học thuộc Viện Công nghiệp giấy và Xenluylô thông qua việc thực hiện đề tài "Nghiên cứu công nghệ sản xuất giấy chống gỉ dùng để bao gói các sản phẩm cơ khí làm từ sắt thép".

Chất lượng giấy chống gỉ sản xuất thử nghiệm đã được kiểm tra chất lượng đạt yêu cầu và tương đương với chất lượng mẫu giấy xeo trong phòng thí nghiệm.Việc làm chủ công nghệ sản xuất giấy chống gỉ dùng để bao gói các sản phẩm cơ khí làm từ sắt thép đáp ứng nhu cầu thực tiễn của ngành cơ khí khi bấy lâu nay. (Theo Hà nội mới 15/7)

Ngọc Anh (Tổng hợp)


Ý kiến của bạn
Tên của bạn : *
E_mail : *
Tiêu đề : *
Nội dung : * (Bạn vui lòng gõ tiếng Việt có dấu)
 
Mã bảo mật :   
   
Các tin khác

   
Xem tin theo ngày
   
 
Xem nhiều nhất

English
Thăm dò ý kiến
Bạn biết website “truyenthongkhoahoc.vn” qua nguồn thông tin nào?
Bạn bè giới thiệu
Qua Google
Qua sách báo, quảng cáo banner