Banner TOP trái 1
Banner TOP phải 3
Hoạt động KH&CN Thứ tư, 27/11/2024 , 01:42 am
Cập nhật : 11/05/2012 , 14:05(GMT +7)
Điểm tin khoa học và công nghệ trong tuần từ 5-11/5
Áo giáp và tấm chống đạn làm từ vật liệu oxit nhôm tăng bền.
Việt Nam chế tạo thành công áo chống đạn như của Mỹ; Việt Nam đón xem nhật thực hình khuyên sáng 21/5; Sinh viên chế tạo robot chơi đàn organ cực "siêu"; Chung kết Robocon 2012 mở màn đầy kịch tính; Dùng chế phẩm san hô thế xương người;… là những thông tin khoa học và công nghệ đáng chú ý đăng trên các báo trong tuần từ 5-11/5.

Việt Nam chế tạo thành công áo chống đạn như của Mỹ

Viện Công nghệ (Tổng cục Công nghiệp quốc phòng) đã nghiên cứu chế tạo thành công áo giáp chống đạn từ vật liệu gốm oxit nhôm (Al2O3) siêu mịn tăng bền bằng Zr¬O2 nano và vật liệu dyneema, có khả năng chống đạn đạt tiêu chuẩn cấp III+ theo tiêu chuẩn NIJ0101.04 của Mỹ.

Đây là sản phẩm của đề tài khoa học cấp Nhà nước “Nghiên cứu chế tạo áo giáp chống đạn trên cơ sở gốm Al2O3 tăng bền bằng nano ZrO2” do Tiến sĩ Tạ Văn Khoa thuộc Phòng Vật liệu (Viện Công nghệ) làm chủ nhiệm.

Kết quả nghiên cứu của đề tài mở ra khả năng chủ động về công nghệ sản xuất áo giáp chống đạn trong nước với số lượng lớn, chất lượng tốt để trang bị cho các đối tượng sử dụng. (Theo Bee 6/5).

Việt Nam đón xem nhật thực hình khuyên sáng 21/5

Người yêu thiên văn Việt Nam có cơ hội nhìn thấy nhật thực một phần hình khuyên-một hiện tượng thiên văn được nhiều người chú ý diễn ra vào rạng sáng ngày 21/5.

Theo tính toán của NASA, thời gian nhật thực hình khuyên diễn ra từ khoảng 4 giờ 12 phút và kết thúc vào khoảng 6 giờ 13 phút sáng 21/5 theo giờ Việt Nam-tức là khi Mặt Trời mới mọc chưa cao. Vào ngày 21/5 tại Hà Nội mặt trời mọc vào lúc 5 giờ 17 phút, điều này đồng nghĩa với việc vào thời điểm 5 giờ 20 phút mới có thể quan sát thấy nhật thực từ phía Đông-khi nhìn về phía chân trời. Tại các đô thị, không thể nhìn thấy chân trời thì thời gian quan sát sẽ muộn hơn. (Theo Vietnamplus 8/5).

Sinh viên chế tạo robot chơi đàn organ cực "siêu"

Với chiếc đàn organ bên cạnh robot đã chơi (đánh đàn) được năm bản nhạc đơn giản, dễ chơi, như: cả nhà thương nhau, con chim non, Romio và Juliet… Một tay robot dùng đánh hợp âm và một tay chạy nốt nhạc như một nhạc công.

Robot đang thể hiện khả năng chơi đàn của mình. Ảnh: Thái Ngọc

Robot này do hai sinh viên Lê Đăng Quang, Nguyễn Cảnh Thịnh, sinh viên Khoa cơ khí, Trường ĐH Bách khoa Đà Nẵng chế tạo. Ý tưởng chế tạo robot chơi đàn organ từ một sinh của trường khiếm thị Nguyễn Đình Chiểu, thành phố Đà Nẵng. Sau gần 10 tháng nghiên cứu, Lê Đăng Quang, Nguyễn Cảnh Thịnh đã cho ra đời robot chơi đàn organ.

Robot trên đang được giới thiệu tại Robocon Techshow, ở Nhà thi đấu quân khu 7, nơi đang diễn ra vòng chung kết Robocon 2012. (Theo Đất Việt 9/5).

Chung kết Robocon 2012 mở màn đầy kịch tính

Ngày 8/5, tại Nhà thi đấu Quân khu 7 - Tp.HCM đã khai mạc Vòng Chung kết Robocon toàn quốc năm 2012 do Đài truyền hình Việt Nam và Công ty ô tô Toyota Việt Nam tổ chức.

32 đội tuyển Robocon xuất sắc nhất đã vượt qua 218 đội tuyển đến từ 47 trường đại học, cao đẳng sẽ cùng nhau tranh tài qua các vòng 1/32; 1/16 và 1/8 để tìm ra nhà vô địch Robocon Việt Nam 2012.

Vòng chung kết sẽ diễn ra từ ngày 8/5 đến ngày 13/5. Đội vô địch sẽ đại diện cho Việt Nam tham dự Cuộc thi Sáng tạo Robot Châu Á- Thái Bình Dương tổ chức tại Hồng Kông (Trung Quốc) vào tháng 8/2012. (Theo Vietnamnet 9/5).

Dùng chế phẩm san hô thế xương người

Nhóm nghiên cứu khoa học của tác giả Lê Minh Thông và các cộng sự thuộc đại học Y dược TP.HCM đã thực hiện thành công đề tài “Nghiên cứu điều trị gãy sàn hốc mắt kết hợp lót chỗ gãy bằng chế phẩm san hô lấy từ vùng biển Việt Nam”. Giải pháp này vừa được trao giải nhì tại hội thi sáng tạo khoa học kỹ thuật toàn quốc lần thứ 11, do quỹ Hỗ trợ sáng tạo kỹ thuật Việt Nam tổ chức.

Chế phẩm Biosporites chiết xuất từ san hô biển Việt Nam, có thành phần cơ bản như hydroxyapatites, nhóm nghiên cứu đã thử nghiệm trên mô hình động vật là thỏ (ghép san hô vào đầu dưới xương đùi) và chó (ghép san hô vào đốt sống lối sau bên). Kết quả ghi nhận mức độ dung nạp và hiệu quả điều trị của vật liệu này ở mức độ cao. Việc thay xương từ san hô có giá rẻ hơn vật liệu ngoại nhập, phù hợp điều kiện kinh tế của nhiều bệnh nhân nghèo. (Theo Sài gòn tiếp thị 9/5).

Công dụng mới của nấm hầu thủ  

Theo Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam, PGS-TS Lê Mai Hương và cộng sự ở Viện Hóa học các hợp chất thiên nhiên vừa bào chế thành công một loại thực phẩm chức năng mới từ nấm hầu thủ (còn gọi là nấm đầu khỉ), có tên gọi là Heriglucan.

Nấm Hầu Thủ (còn gọi là nấm đầu khỉ), có tên gọi là Heriglucan

Loại thực phẩm này có khả năng tăng cường hệ miễn dịch; tăng trí nhớ, phòng chống Alzheimer; chống lão hóa, làm đẹp da và tóc; tăng cường sức khỏe sau phẫu thuật, chống phóng xạ; hỗ trợ phòng và điều trị ung thư đường tiêu hóa, đặc biệt là gan và dạ dày. Heriglucan đã được Cục An toàn vệ sinh thực phẩm chứng nhận tiêu chuẩn. (Theo Hà nội mới 11/5).

Trao giải thưởng sáng chế TPHCM 2011

Ban tổ chức Giải thưởng sáng chế TPHCM cho biết 10/22 đề tài tham gia đã được chấm trao “Giải thưởng sáng chế TPHCM 2011”.

Có 1 giải nhất, 1 giải nhì, 5 giải ba và 3 giải khuyến khích. Sáng chế “Máy gặt đập lúa” của tác giả Phạm Hoàng Thắng, doanh nghiệp tư nhân Hoàng Thắng, tỉnh Cần Thơ đã được trao giải nhất. Sáng chế trên đã được nhận bằng độc quyền sáng chế của Cục sở hữu trí tuệ (Bộ KH&CN). (Theo Người lao động 9/5).

 

Ngọc Anh (Tổng hợp)


 






 


Ý kiến của bạn
Tên của bạn : *
E_mail : *
Tiêu đề : *
Nội dung : * (Bạn vui lòng gõ tiếng Việt có dấu)
 
Mã bảo mật :   
   
Các tin khác

   
Xem tin theo ngày
   
 
Xem nhiều nhất

English
Thăm dò ý kiến
Bạn biết website “truyenthongkhoahoc.vn” qua nguồn thông tin nào?
Bạn bè giới thiệu
Qua Google
Qua sách báo, quảng cáo banner