Banner TOP trái 1
Banner TOP phải 3
Hoạt động KH&CN Thứ ba, 26/11/2024 , 11:34 pm
Cập nhật : 10/08/2012 , 14:08(GMT +7)
Điểm tin khoa học và công nghệ trong tuần từ 4-10/8
Anh Nguyễn Thái Linh bên máy ghép cây giống do mình chế tạo (Ảnh: Techmart VietNam).
Thiết bị kiểm tra chất lượng sản phẩm IC; Triển vọng từ dự án sản xuất muối có trải bạt PVC; Máy cắt ghép cây giống; Nuôi thành công giống gà siêu trứng; Máy xử lý rác tự chế của Nguyên “khùng”;… là một số thông tin khoa học và công nghệ đáng chú ý đăng trên các báo trong tuần từ 4-10/8.

Thiết bị kiểm tra chất lượng sản phẩm IC

ThS Lê Phước Lâm ở Trường ĐH Công nghệ Sài Gòn đã nghiên cứu, chế tạo thành công thiết bị kiểm tra chất lượng sản phẩm IC (ứng dụng trong lĩnh vực công nghệ vi mạch). Đây lần đầu tiên thiết bị này được chế tạo tại Việt Nam.

Bước đầu, thiết bị đã được sử dụng thử nghiệm trong phòng thí nghiệm của Trường ĐH Công nghệ Sài Gòn (mức sai số trong khoảng nhỏ hơn 10%). Thiết bị sử dụng tương đối đơn giản, có thể kết nối với máy tính, với chương trình ứng dụng được cài trên máy tính nên dễ dàng thay đổi các yêu cầu nội dung kiểm tra sản phẩm IC.  (Theo Người lao động 7/8).

Triển vọng từ dự án sản xuất muối có trải bạt PVC

Sở Khoa học và Công nghệ Sóc Trăng vừa đánh giá nghiệm thu Dự án "Thực nghiệm sản xuất muối có trải bạt PVC trên sân kết tinh" được thực hiện tại các địa phương chuyên sản xuất muối tại vùng duyên hải Vĩnh Châu.

Mô hình sản xuất muối ứng dụng công nghệ trải bạt. Ảnh: TL

Dự án được tổ chức thực nghiệm tại 3 điểm thuộc 3 Hợp tác xã sản xuất Muối - Tôm - Artemia ở các xã Lai Hòa, Vĩnh Tân và Vĩnh Phước, mỗi hộ tham gia thực hiện dự án được đầu tư 1 sân kết tinh có trải bạt PVC với diện tích 257 m2.

Qua hai vụ mùa năm 2008 - 2010 cho thấy, việc sản xuất muối trên nền sân có trải bạt PVC có những ưu điểm hơn sân đất và sân bêtông, sân kết tinh chỉ cần cải tạo một lần trong vụ sản xuất, khả năng hấp thu nhiệt tốt nên muối kết tinh nhanh, độ kết tinh của muối cao hơn và muối trắng hơn…(Vietnamplus 7/8).

Máy cắt ghép cây giống

Trong 8 giờ, máy cắt ghép cây giống có thể ghép được 6.000 cây giống. Nếu ghép thủ công chỉ ghép được tối đa khoảng 2.000 cây. Chỉ mất 4 – 5 giây, máy đã cắt, ghép xong một cây.

Chính nhờ thời gian cắt, ghép nhanh sẽ giúp kết dính cây một cách lành lặn, giúp cây ghép có tỷ lệ sống cao và phát triển tốt. Chiếc máy ghép cây nói trên do nông dân Nguyễn Thái Linh, xã Lạc Lâm, Đơn Dương, tỉnh Lâm Đồng nghiên cứu, chế tạo.

Máy hoạt động theo nguyên lý dùng chân điều khiển công tắc điện để động cơ hoạt động đẩy dao cắt, dao cắt sẽ cắt gốc và ngọn ghép cùng một lần. Người điều khiển giữ gốc và ngọn ghép trên tay, xoay ngang đưa vào ống thun, máy rung rơi ống thun xuống vị trí cố định để ghép cây vào. Ngoài ra, ống thun còn có tác dụng hạn chế tối đa mầm bệnh thâm nhập mối ghép. (Theo Đất Việt 8/8).

Nuôi thành công giống gà siêu trứng

Sở Khoa học và Công nghệ Hà Tĩnh cho biết từ tháng 11-2010, Trung tâm Chuyển giao khoa học và công nghệ huyện Kỳ Anh đã tiến hành triển khai dự án nuôi thử nghiệm giống gà VCN-G15 tại xã Kỳ Lâm - Kỳ Anh.

Sau 18 tháng du nhập, 2.000 con gà giống VCN-G15 được nuôi thử nghiệm cho thấy giống gà này có sức sống tốt, tỉ lệ nuôi sống cao (trên 90%). Sản lượng trứng trung bình đạt 224,15 quả/con/52 tuần.

Đây là giống gà siêu trứng do Viện Chăn nuôi lai tạo giữa gà trống Ukraine với giống gà mái thả vườn của Ai Cập. Giống gà này có tập tính nhanh nhẹn nên có thể nuôi theo nhiều hình thức, như nuôi nhốt tập trung, nuôi bán thả hoặc nuôi trong nông hộ vẫn cho năng suất cao hẳn so với các giống gà địa phương. (Theo Người lao động 9/8).

Máy xử lý rác tự chế của Nguyên "khùng"

Sau hơn hai năm nghiên cứu miệt mài, anh Ngô Thái Nguyên có biệt danh “Nguyên khùng” sống ở làng biển Liên Hưng, xã Hải Bình, huyện Tĩnh Gia, Thanh Hoá đã tạo ra chiếc máy xử lý rác thải tự động trước sự thán phục của người dân trong làng.

Rác được thu gom rồi chuyển về khu bồn chứa của máy. Tại đây, một mô-tơ khuấy trộn sẽ trộn đều các loại rác. Những loại rác nhẹ như túi nilon, giấy,…khi khuấy trong bồn (có nước) sẽ nổi lên bề mặt và được hất lên băng chuyền tải về máy. Rác nặng như gạch, đá, sắt, thép lắng xuống đáy bồn và trượt theo máng ra mặt sàng. Còn loại rác như củ, quả, phân trâu sẽ lắng dưới đáy bồn trước khi chúng̃ được đẩy về hầm biogas.

Với chiếc máy sáng chế của anh Nguyên, hầu hết rác thải sau khi qua xử lý đều được tận dụng làm gas, gạch ép, phân bón. Ảnh: Lê Hoàng.

Theo tính toán của Nguyên, chiếc máy hoạt động một ngày 6 giờ đồng hồ sẽ xử lý được khoảng 10 m3 rác tổng hợp. Sau khi số rác ấy đã được máy xử lý, chỉ còn lại 1/4 khối lượng rác vụn hữu ích. (Theo Vnexpress 9/8).

Đánh giá nguy cơ tiềm ẩn phóng xạ

Từ ngày 8 đến 10-8, tại Đà Lạt đã diễn ra hội thảo quốc tế về Nghiên cứu tác động có thể của phóng xạ phóng thích từ sự cố Fukushima đến vùng biển khu vực châu Á - Thái Bình Dương.

Tham dự hội thảo có đại diện Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế - IAEA, đại diện 17 nước thành viên hợp tác vùng (RCA), trong đó có Việt Nam và 7 nước không thành viên.

Mục tiêu của hội thảo là đánh giá quá trình thực hiện Dự án RAS/7/021 (trong 1 năm qua) về nghiên cứu những tác động có thể và những nguy cơ tiềm ẩn của phóng xạ, thông qua việc dùng các kỹ thuật đo đạc hạt nhân để phân tích tồn dư phóng xạ trong môi trường biển... (Theo Sài gòn giải phóng 10/8).

Sản xuất than sinh học từ phế phẩm nông nghiệp 

Đây là thành công mới của các nhà khoa học thuộc Viện Môi trường nông nghiệp (Viện Khoa học nông nghiệp Việt Nam).

Dăm gỗ, mùn cưa, rơm, rạ, trấu, bã mía, ngô, cà phê… được đưa vào lò và nung dưới nhiệt độ trên 500 độ C, sau một thời gian, các phế phẩm này sẽ tự chuyển hóa thành than sinh học và bà con nông dân có thể dùng làm phân bón ruộng, giúp đất tăng khả năng giữ nước, dưỡng chất và bảo vệ vi khuẩn có lợi. Mặt khác, loại than này còn có tác dụng cô lập và nhốt khí CO2 trong đất, giúp làm sạch không khí. (Hà nội mới 10/8).


Ngọc Anh (Tổng hợp)











 


Ý kiến của bạn
Tên của bạn : *
E_mail : *
Tiêu đề : *
Nội dung : * (Bạn vui lòng gõ tiếng Việt có dấu)
 
Mã bảo mật :   
   
Các tin khác

   
Xem tin theo ngày
   
 
Xem nhiều nhất

English
Thăm dò ý kiến
Bạn biết website “truyenthongkhoahoc.vn” qua nguồn thông tin nào?
Bạn bè giới thiệu
Qua Google
Qua sách báo, quảng cáo banner