Banner TOP trái 1
Banner TOP phải 3
Hoạt động KH&CN Thứ tư, 27/11/2024 , 05:11 am
Cập nhật : 06/01/2012 , 09:01(GMT +7)
Điểm tin khoa học và công nghệ trong tuần từ 31/12/2011-6/1/2012
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng tặng hoa cho Chủ tịch Hội đồng Khoa học của Quốc hội Uông Chu Lưu
Một số thông tin KH-CN đáng chú ý đăng trên các báo trong tuần từ 31/12/2011-6/1/2012.

Sáng chế đèn lặn từ vỏ chai

Từ chiếc vỏ chai và những vật liệu đơn giản như bóng đèn, miếng mút, xi măng,… ông Nguyễn Thanh Nam (Quảng Ngãi) đã mày mò sáng chế ra đèn lặn, được những thợ lặn ưa thích bởi giá thành rẻ, sử dụng an toàn, hiệu quả.

Sau khi cắt cổ chai, ông Nam rửa sạch rồi đưa bóng đèn tròn vào bên trong, dùng 1 miếng mút tròn được khoét lỗ ở giữa để cố định đuôi đèn cùng với dây điện dài 30 cm ở giữa lòng chai, đổ một lớp xi măng dày để cố định bóng đèn và tạo độ nặng cho đèn, sau đó bó một lớp giấy bên ngoài rồi đổ nhựa đường trám cả miệng chai.

Chỉ cần nối điện từ máy nổ của tàu xuống là có thể lặn sâu dưới biển 40-50 m, ánh sáng phát ra khá rõ, xa đến 4 m nên dễ dàng phát hiện cá. (Theo Thanh niên 31/12).

Thành lập Hội đồng Khoa học của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội nhiệm kỳ 2011-2016

Chiều 3/1, Tại Văn phòng Quốc hội đã diễn ra lễ công bố Nghị quyết thành lập Hội đồng Khoa học của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội nhiệm kỳ 2011-2016 trước sự chứng kiến của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng.

Theo Nghị quyết, Hội đồng gồm 19 thành viên, đứng đầu là Tiến sĩ Uông Chu Lưu, Phó Chủ tịch Quốc hội. Hội đồng có nhiệm vụ giúp Uỷ ban Thường vụ Quốc hội chỉ đạo xây dựng kế hoạch nghiên cứu khoa học và điều phối hoạt động nghiên cứu khoa học trong các cơ quan của Quốc hội. Hội đồng được thành lập từ năm 2009 và đây là nhiệm kỳ hoạt động thứ hai. (Theo Tia sáng 3/1)

Sản xuất thành công lúa Một bụi đỏ gạo hồng

Sau 6 tháng trồng thử nghiệm trên 52 ha, đến nay 100% diện tích lúa Một bụi đỏ gạo hồng đã cho thu hoạch với năng suất bình quân đạt 5,5 tấn/ha, tổng sản lượng lúa thu về hơn 280 tấn. Với năng suất và sản lượng này, Bạc Liêu khẳng định dự án sản xuất lúa Một bụi đỏ gạo hồng tại huyện Hồng Dân đạt kết quả cao.

Ông Trần Quốc Dũng (một nông dân tại thị trấn Ngan Dừa) phấn khởi trước sự phát triển tốt của giống lúa chịu mặn Một bụi đỏ hạt gạo màu hồng. (Ảnh: Quốc Minh)

Phó giáo sư, tiến sỹ Võ Công Thành (trường Đại học Cần Thơ), “cha đẻ” của giống lúa này cho biết: “Gạo Một bụi hồng là loại gạo quý hiếm ở Việt Nam. Theo kết quả phân tích chất lượng, gạo này cơm rất thơm ngon, bổ dưỡng, giàu chất sắt (Fe = 6.70mg/kg gạo). Ưu thế vượt trội của gạo còn có tác dụng bổ xương, bổ máu, chống ung thư”. (Theo vietnamplus 3/1).

Sinh viên thiết kế máy lắp ráp cho doanh nghiệp

Tại hội nghị nghiên cứu khoa học sinh viên lần 17 vừa được Trường đại học Lạc Hồng tổ chức, nhóm sinh viên Nguyễn Thanh Tú, Nguyễn Văn Dũng của khoa cơ điện đã giới thiệu chiếc máy lắp ráp tự động một số chi tiết cho các loại bút băng xóa của Công ty TNHH công nghiệp Plus Việt Nam. Đây là sản phẩm của đề tài nghiên cứu khoa học do nhóm sinh viên này thực hiện trong thời gian thực tập tại công ty.

Hiện Công ty Plus đã đưa chiếc máy này vào sử dụng, giúp giảm thời gian sản xuất bốn lần và tiết kiệm cho công ty mỗi năm khoảng 250 triệu đồng. (Theo Tuổi trẻ 3/1).

Đêm nay có mưa sao băng

Ông Nguyễn Đức Phường, Phó tổng thư ký Hội thiên văn và vũ trụ Việt Nam, cho biết từ 23 giờ đêm nay 3.1 kéo dài đến rạng sáng mai, cùng với người dân nhiều nơi trên thế giới, chúng ta có cơ hội được chiêm ngưỡng trận mưa sao băng đầu tiên và cũng là trận mưa sao băng lớn của năm 2012: mưa sao băng Quadrantids.

Theo ông Phường, trong trận mưa sao băng này, số sao băng dự đoán khoảng 40 vệt/giờ tại thời điểm cực đại. Thậm chí trong điều kiện quan sát tốt, dự đoán có thể lên đến 120 vệt/giờ tại cực đại của cực điểm. (Theo Thanh niên 3/1).

Một ứng dụng “made in SV” có hơn 170.000 lượt tải

Ứng dụng trò chơi mang tên HeliAr của nhóm sinh viên năm cuối Trường ĐH Bách khoa (ĐHQG TP.HCM) là Tô Kiến Tường, Nguyễn Văn Thịnh, Lê Đại Dương đã được người dùng tải về hơn 170.000 lượt từ kho ứng dụng dành cho điện thoại di động Nokia. Đây là ứng dụng đang chiếm vị trí cao nhất tại VN của cuộc thi phát triển ứng dụng dành cho điện thoại di động “Tap That App”.

“Tap That App” là chương trình hợp tác giữa Nokia với các trường ĐH, tạo điều kiện cho sinh viên tham gia phát triển các ứng dụng cho điện thoại di động. (Theo Tuổi trẻ 3/1).

Nghiên cứu dùng bã thải gyp thay thế thạch cao nhập ngoại

Nhóm nghiên cứu Lê Văn Quang, Tạ Ngọc Dũng, Trịnh Thị Châm, Trường đại học bách khoa Hà Nội, đã khảo sát khả năng sử dụng bã thải gyp thay thế thạch cao tự nhiên trong công nghiệp xi măng.

Việt Nam không có thạch cao tự nhiên nên phải nhập khẩu. Tuy nhiên, nước ta lại có nhiều nguồn thạch cao nhân tạo. Vì vậy, các nhà khoa học đã thử nghiên cứu sử dụng thạch cao nhân tạo lấy từ phế thải nhà máy phân bón DAP Đình Vũ thay thế thạch cao nhập ngoại.

Kết quả nghiên cứu cho thấy, thạch cao nhân tạo từ phế thải nhà máy phân bón DAP Đình Vũ có thể thay thế thạch cao tự nhiên nhập ngoại, làm phụ gia điều chỉnh thời gian đông kết của xi măng. (Theo Khoa học phổ thông 5/1).

Xe máy đa nhiên liệu

Lắp ráp bình gas cho xe máy đa nhiên liệu (Ảnh: Khánh Mai)

Xe gắn máy được cải tiến để có thể sử dụng được nhiều loại nhiên liệu như xăng, LPG, và biogas. Đó là một nghiên cứu mới của Phòng Thí nghiệm trọng điểm động cơ đốt trong, trường ĐH Bách khoa TP.HCM.

Chiếc xe máy Lead thử nghiệm sau khi được cải tiến đã có thể chạy được với cả 3 loại nhiên liệu trên. Xe có thể hoạt động với nhiều chế độ như sử dụng 100% nhiên liệu lỏng, 100 % nhiên liệu khí hoặc chế độ hybrid (lỏng/khí). Theo thử nghiệm, khi xe chạy với 100 % LPG, 1 kg nhiên liệu lỏng khí có thể chạy được 80 km. Nồng độ phát thải CO2, CO, HC, NOx đều giảm so với khi xe chạy với nhiên liệu xăng truyền thống. (Theo Đất việt 6/1).

Tự kiểm tra an toàn thực phẩm

Nhóm nghiên cứu của TS Nguyễn Thị Thanh Mai vừa nghiên cứu, chế tạo được một bộ kit xác định nhanh peroxid trong dầu ăn và thực phẩm chế biến (peroxid là sản phẩm sơ cấp của quá trình ôxy hóa). Bộ kit có 2 loại: Bộ xác định peroxid với cách so màu bằng mắt, thực hiện đơn giản, có thể báo định lượng nhanh peroxid với các mẫu dầu, mỡ lỏng không chứa màu thực phẩm.

Trước đó, nhóm các nhà khoa học ở vườn ươm doanh nghiệp công nghệ cao thuộc Khu Công nghệ cao TPHCM đã nghiên cứu, chế tạo thành công bộ kit Elisa, thông qua bộ kit này có thể phát hiện nhanh dư lượng hormone tăng trọng clenbuterol trong gia súc và độc tố nấm mốc aflatoxin trong nông sản.

Kỹ sư Đỗ Văn Thường, tác giả của nghiên cứu này, cho biết bộ kit Elisa được nghiên cứu phát triển trên nền công nghệ sinh học miễn dịch. Bộ kit có độ nhạy, độ chọn lọc cao ứng với các độc tố cần phân tích. Giá thành của bộ kit chỉ bằng 3/4 so với sản phẩm ngoại, dễ sử dụng, cho kết quả nhanh. (Theo Người lao động 4/1).

 

Ngọc Anh (Tổng hợp)

 

 


 


Ý kiến của bạn
Tên của bạn : *
E_mail : *
Tiêu đề : *
Nội dung : * (Bạn vui lòng gõ tiếng Việt có dấu)
 
Mã bảo mật :   
   
Các tin khác

   
Xem tin theo ngày
   
 
Xem nhiều nhất

English
Thăm dò ý kiến
Bạn biết website “truyenthongkhoahoc.vn” qua nguồn thông tin nào?
Bạn bè giới thiệu
Qua Google
Qua sách báo, quảng cáo banner