Banner TOP trái 1
Banner TOP phải 3
Hoạt động KH&CN Thứ tư, 27/11/2024 , 08:35 am
Cập nhật : 01/09/2011 , 20:09(GMT +7)
Điểm tin khoa học và công nghệ trong tuần từ 27/8-2/9.
Phạm Ngọc Anh Tùng và chiếc xe hai bánh tự cân bằng. (Ảnh do nhân vật cung cấp)
Một số thông tin KH-CN đáng chú ý đăng trên các báo trong tuần từ 27/8-2/9.

Xe điện hai bánh “made in Vietnam”

Phạm Ngọc Anh Tùng sinh viên trường đại học Bách khoa TP HCM đã chế tạo chiếc xe hai bánh tự cân bằng, di chuyển thuận lợi trong điều kiện giao thông tắc nghẽn, và hạn chế ảnh hưởng tới môi trường.

Chiếc xe hai bánh tự cân bằng được thiết kế và chế tạo dựa trên lý thuyết cân bằng con lắc ngược, linh động khi di chuyển trên địa hình phức tạp.

Nghiên cứu trên của Tùng vừa giành giải ba trong cuộc thi "Sáng tạo tiết kiệm năng lượng 2011" vừa qua. (Theo vnexpress 27/8).

Xử lý nước rỉ rác bằng năng lượng mặt trời

Kết quả nghiên cứu của ThS. Trần Thị Ngọc Diệu, Phó viện trưởng Viện khoa học công nghệ và quản lý môi trường, KS. Đinh Triều Vương, Trường ĐH công nghiệp TP.HCM cho thấy, áp dụng phương pháp quang Fenton để xử lý nước rỉ rác trong điều kiện của Việt Nam là hoàn toàn khả thi.

Qua các thí nghiệm được tiến hành, hiệu quả xử lý cao nhất của quá trình khi sử dụng ánh sáng mặt trời đạt khoảng 83%. Nếu có thêm tác nhân axit oxalic thì hiệu quả xử lý cao nhất đạt khoảng 87%. Thời gian lưu nước cho hiệu quả xử lý cao là từ 1 đến 1,5 giờ. (Theo Khoa học phổ thông 27/8).

Thu hoạch ngô chuyển gen ở Tây Nguyên

Ngày 27/8, Viện Khoa học Kỹ thuật Nông Lâm nghiệp Tây Nguyên đã phối hợp với Viện Di truyền Nông nghiệp tiến hành thu hoạch, kết thúc đợt khảo nghiệm diện rộng các giống ngô chuyển gen ở Đắk Lắk.

Theo đánh giá khảo nghiệm, năng suất của các giống ngô này đạt năng suất tối ưu 11 tấn/ha. Sức sống của cây con ở các giống này đều tốt. Các giống ngô chuyển gen có thời gian từ gieo hạt đến trỗ cờ, phun râu ngắn. Tuy nhiên chiều cao của cây và đóng bắp cao hơn so với đối chứng. (Theo Bee 28/8).

Máy ấp trứng dùng năng lượng mặt trời

Sinh viên trường đại học Nông Lâm TP HCM chế tạo thành công máy ấp tứng tự động sử dụng năng lượng mặt trời, đạt tỷ lệ trứng nở trên 85%.

Chiếc máy ấp trứng mà Lê Tấn Phúc tạo ra có thể làm việc hơn 14 giờ không cần ánh sáng mặt trời, tiết kiệm hơn 90% điện năng. Nhiệt độ bên trong buồng ấp vẫn đảm bảo ổn định ở mức 37,5 độ C và cứ 90 phút, trứng sẽ tự động đảo. (Theo Thanh niên 29/8).

Nuôi trồng thành công nấm Lục bảo Linh chi

PGS-TS Ngô Anh - Trưởng bộ môn Thực vật - Khoa Sinh học - Trường Đại học Khoa học Huế đã nuôi trồng thành công Lục bảo Linh chi dùng cho việc chữa nhiều loại bệnh hiểm nghèo.

Hiện nay, các quy trình để trồng và sản xuất Lục bảo Linh chi đã hoàn thành, khi các công ty dược có nhu cầu và mục đích rõ ràng thì PGS – TS Ngô Anh sẽ sẵn sàng bàn giao lại công nghệ sản xuất đó để có thể đưa vào y học chữa trị một cách có hiệu quả nhất các loại bệnh. (Theo Công an nhân dân 29/8).

Chế tạo thành công máy đào đậu phộng

PGS.TS. Phan Hòa và nhóm cộng sự ở Trường đại học nông lâm Huế đã nghiên cứu thiết kế, chế tạo thành công máy đào đậu phộng (lạc) MĐL-1,2 có năng suất đạt khoảng 0,32 ha/giờ, so với nhổ bằng tay thì năng suất cao hơn 10 lần.

Ứng dụng máy đào đậu phộng MĐL-1,2 vào thực tế tại xã Hương Văn, huyện Hương Trà (Thừa Thiên Huế) cho thấy, máy làm việc tốt, chắc chắn, quay vòng nhẹ nhàng, dễ sử dụng, đáp ứng được cơ bản các yêu cầu kỹ thuật nông học. (Theo Khoa học phổ thông 29/8).

Sản xuất chế phẩm EM đa năng

Trung tâm ứng dụng kỹ thuật sinh học (Liên hiệp các Hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam) vừa nghiên cứu ứng dụng và sản xuất thành công chế phẩm sinh học EM phục vụ cho sản xuất nông nghiệp và xử lý môi trường nông thôn.

Sau khi phun hoặc bón cho cây trồng, chuồng trại chăn nuôi, khu vực bị ô nhiễm, chế phẩm sinh học EM sẽ có tác dụng như một loại phân bón vi sinh, kích thích tăng trưởng cây trồng và vật nuôi, khử trùng và làm sạch môi trường mà không gây độc hại, bảo vệ sức khỏe cộng đồng. (Theo Đất việt 30/8).

Dùng năng lượng mặt trời nuôi trồng thủy sản

KS Nguyễn Đình Minh Toàn, Công ty Điện tử & Dịch vụ Công Nghiệp Sài Gòn (TPHCM) cùng nhóm cộng sự đã nghiên cứu thành công ứng dụng năng lượng mặt trời vào nuôi trồng thủy sản.

Cấu tạo mô hình gồm nguồn cung cấp là hai tấm pin panel năng lượng mặt trời cung cấp nguồn điện cho toàn bộ hệ thống điện chiếu sáng, motor sục khí, mô tơ bơm nước.

Ứng dụng này giúp bà con nông dân giảm chi phí, tiết kiệm năng lượng, nhiên liệu hàng tháng trong quá trình nuôi thủy sản và góp phần bảo vệ môi trường. (Theo Bee 30/8).

Thử nghiệm thành công tàu đệm khí

Ngày 30/8, chiếc tàu đệm khí ba chỗ do Khoa kỹ thuật giao thông, Trường ĐH Bách khoa TP.HCM chế tạo đã được cho chạy thử nghiệm và hoạt động ổn định trên mặt đất. Tàu đệm khí này được thiết kế, chế tạo trong khuôn khổ đề tài nghiên cứu khoa học trọng điểm cấp Đại học Quốc gia TP.HCM.

TS Lê Đình Tuân, Bộ môn Kỹ thuật tàu thủy, Khoa Kỹ thuật giao thông, Trường ĐH Bách khoa TP.HCM trưởng nhóm thiết kế, chế tạo cho biết: con tàu được chế tạo dùng cho mục đích cứu hộ, du lịch. (Theo Đất việt 31/8).

Máy phong điện giá rẻ của nhà phát minh nghiệp dư

Chiếc máy phát điện chạy bằng gió của nhà văn Đặng Hồng Quang là loại thẳng đứng - thiết kế hiếm hoi hiện nay, có thể sản xuất đủ điện để chiếu sáng cho một gia đình với mức chi phí ban đầu chưa đến 2 triệu đồng.

Máy phong điện của ông Quang thiết kế theo dạng trụ đứng với nhiều cánh có khoảng chắn gió lớn để có thể hoạt động trong điều kiện gió yếu. Máy phong điện nếu hoạt động liên tục trong một ngày có thể sản xuất được 6 kWh điện, đủ để phục vụ nhu cầu chiếu sáng cho gia đình, phù hợp tại các vùng sâu xa. (Theo vnexpress 31/8).

Ngọc Anh (Tổng hợp)


Ý kiến của bạn
Tên của bạn : *
E_mail : *
Tiêu đề : *
Nội dung : * (Bạn vui lòng gõ tiếng Việt có dấu)
 
Mã bảo mật :   
   
Các tin khác

   
Xem tin theo ngày
   
 
Xem nhiều nhất

English
Thăm dò ý kiến
Bạn biết website “truyenthongkhoahoc.vn” qua nguồn thông tin nào?
Bạn bè giới thiệu
Qua Google
Qua sách báo, quảng cáo banner