Banner TOP trái 1
Banner TOP phải 3
Hoạt động KH&CN Thứ ba, 26/11/2024 , 07:27 am
Cập nhật : 15/11/2013 , 15:11(GMT +7)
Điểm tin KH&CN từ ngày 9-15/11
Bộ trưởng Bộ KH&CN Nguyễn Quân trao giải nhất cho ông Phạm Hoàng Thắng
Cuộc thi Sáng chế năm 2013: Sáng chế Máy gặt đập lúa đoạt giải nhất; Triển lãm sản phẩm sáng tạo Khoa học – Công nghệ năm 2013; Khai mạc Techmart Daknong 2013; Biến lục bình thành gas… là những thông tin KH&CN đáng chú ý trong tuần qua.

Cuộc thi Sáng chế năm 2013: Sáng chế Máy gặt đập lúa đoạt giải nhất

Tối 9-11, tại TPHCM, Ban Tổ chức cuộc thi Sáng chế năm 2013 đã tổ chức lễ trao giải Cuộc thi Sáng chế năm 2013. Đây là cuộc thi do Bộ KH-CN phối hợp với Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO), Tổng cục Sở hữu trí tuệ Hàn Quốc (KIPO) và Trung tâm Sách Kỷ lục Việt Nam (Vietkings) tổ chức nhằm khuyến khích các hoạt động sáng chế, sáng tạo tạo ra những công nghệ có tính ứng dụng rộng rãi, dễ dàng và tiết kiệm chi phí, đáp ứng các nhu cầu thiết thực của cuộc sống.

Tại lễ trao giải, ban tổ chức đã trao giải nhất cho sáng chế Máy gặt đập lúa của ông Phạm Hoàng Thắng (TP Cần Thơ), giải nhì cho giải pháp Hệ thống xử lý phân tán nước thải sinh hoạt tại Việt Nam của Công ty TNHH Thoát nước và phát triển đô thị Bà Rịa - Vũng Tàu và giải ba được trao cho sáng chế Vòng bi cổ xe máy - Upsidedown của ông Nguyễn Vĩnh Sơn (TPHCM). (Sài gòn giải phóng 10/11).

Triển lãm sản phẩm sáng tạo Khoa học – Công nghệ năm 2013

Ngày 10/11, tại Hà Nội, Cục Phát triển thị trường và doanh nghiệp khoa học và công nghệ - Bộ Khoa học và Công nghệ phối hợp với Trường Cao đẳng nghề Công nghệ cao Hà Nội tổ chức Triển lãm sản phẩm sáng tạo Khoa học – Công nghệ năm 2013.

Tại triển lãm có gần 90 sản phẩm được trưng bày, giới thiệu. Sản phẩm trưng bày tại triển lãm là những thiết kế sáng tạo của sinh viên Trường Cao đẳng nghề Công nghệ cao Hà Nội. Những sản phẩm này phục vụ cho công tác tác đào tạo trong nhà trường.

Triển lãm là cơ hội để sinh viên và giảng viên nhà trường giới thiệu các sản phẩm sáng tạo đến với các nhà đầu tư, các tổ chức, doanh nghiệp. (Theo Đại biểu nhân dân 11/11).

Khai mạc Techmart Daknong 2013

Ngày 12/11, Chợ công nghệ và thiết bị Nam Trung Bộ - Tây Nguyên (Techmart Daknong 2013) đã chính thức khai mạc.

Techmart lần này có tất cả 334 gian hàng trưng bày, giới thiệu, chào bán hơn 1.000 công nghệ, thiết bị và sản phẩm của 243 đơn vị thuộc các viện nghiên cứu, trung tâm, trường đại học, doanh nghiệp và cá nhân đến từ 27 tỉnh, thành phố trong cả nước.

Các sản phẩm, công nghệ được giới thiệu chủ yếu tập trung vào các lĩnh vực: cơ khí - chế tạo máy (33%); nông - lâm - thủy sản và chế biến thực phẩm (26,4%); điện-điện tử - tự động hóa (9,4%).... (Theo Công an nhân dân 13/11).

Biến lục bình thành gas

Cứ khoảng 100 kg lục bình tươi đưa vào hầm biogas thì người dân có thể sử dụng gas trong khoảng 3 ngày. Đó là giải pháp mới giúp xử lý tình trạng lục bình tràn ngập trên sông Vàm Cỏ Đông tại Tây Ninh, bước đầu mang lại hiệu quả kinh tế thiết thực.

Ông Trần Hoài Ân, Trưởng phòng Quản lý khoa học công nghệ (KH-CN), Sở KH-CN Tây Ninh cho biết, tháng 11.2010, UBND tỉnh Tây Ninh cho triển khai đề tài “Ứng dụng công nghệ biogas trong xử lý lục bình ở Tây Ninh” do Trung tâm ứng dụng tiến bộ KH-CN thực hiện. Đến nay, đề tài đã triển khai thí điểm ở 20 hộ sống ven lưu vực sông Vàm Cỏ Đông, rạch trên địa bàn 4 huyện Châu Thành, Bến Cầu, Gò Dầu và Trảng Bàng. Theo đó, hầm biogas được thiết kế thành 10 hầm ủ thể tích 4 m3/hầm và 10 hầm ủ thể tích 8 m3/hầm. Kinh phí xây dựng khoảng 6-8 triệu đồng/hầm biogas, tùy kích cỡ. Ở giai đoạn thí điểm, các hộ dân được ngân sách hỗ trợ 100%, tổng kinh phí thực hiện khoảng 1 tỉ đồng.

Dự kiến tháng 12.2013, Sở KH-CN Tây Ninh sẽ tiếp tục nhân rộng mô hình này. Trước mắt, Sở sẽ hỗ trợ về kỹ thuật và một phần kinh phí ban đầu để người dân có thể thực hiện. (Theo Thanh niên 13/11).

Mỗi tháng gia đình ông Huẩn tiết kiệm hơn 500.000 đồng tiền mua gas

Phê duyệt Chương trình phát triển thị trường khoa học và công nghệ đến năm 2020

Thủ tướng Chính phủ vừa phê duyệt Chương trình phát triển thị trường khoa học và công nghệ đến năm 2020 với mục tiêu tăng giá trị giao dịch mua bán các sản phẩm và dịch vụ khoa học và công nghệ trên thị trường hằng năm bình quân không dưới 15%, không dưới 20% đối với một số công nghệ cao được ưu tiên đầu tư phát triển.

Nhiệm vụ của Chương trình là thúc đẩy hoạt động dịch vụ thị trường khoa học và công nghệ; Đầu tư xây dựng các sàn giao dịch công nghệ quốc gia tại Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Đà Nẵng với mạng lưới tổ chức dịch vụ khoa học và công nghệ đồng bộ đi kèm; Hỗ trợ thành lập các công ty đánh giá, định giá công nghệ, xuất nhập khẩu công nghệ, tổ chức chuyển giao công nghệ trong các trường đại học và viện nghiên cứu; Đào tạo, xây dựng đội ngũ tư vấn chuyên nghiệp về dịch vụ công nghệ và thị trường khoa học và công nghệ; Thúc đẩy nhu cầu công nghệ và nâng cao năng lực chuyển giao công nghệ; Hoàn thiện cơ chế thúc đẩy hợp tác công tư, liên kết tổ chức khoa học và công nghệ với doanh nghiệp để thúc đẩy thương mại hóa kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ;…

Đồng thời, áp dụng hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật tiên tiến;  hỗ trợ và tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức khoa học và công nghệ đăng ký bảo hộ tài sản trí tuệ; tăng nhanh số lượng tài sản trí tuệ được đăng ký bảo hộ; khai thác có hiệu quả nguồn tài sản trí tuệ… (Theo Đại biểu nhân dân 13/11).

Làng phần mềm đầu tiên ở khu công nghệ cao Hòa Lạc hoạt động

F-Ville, dự án làng phần mềm đầu tiên và lớn nhất trong lĩnh phần mềm tại Khu Công nghệ cao Hòa Lạc chính thức đưa vào hoạt động ngày 13/10 khi hoàn thiện giai đoạn 1. Dự án làng phần mềm F-Ville do Công ty TNHH Phần mềm FPT (FPT Software) là chủ đầu tư, được xây dựng theo xu hướng phát triển chung của các DN phần mềm lớn trên thế giới.
F-Ville xây dựng theo mô hình campus (khu làm việc trên một diện tích rộng, tích hợp các khu tiện ích thể thao, giải trí,…) có tổng diện tích 6,4ha, được chia làm ba giai đoạn. Giai đoạn một có tổng vốn đầu tư 48,6 triệu USD, gồm một khối nhà văn phòng với diện tích mặt sàn 16.000m2, cung cấp chỗ làm việc cho khoảng 1.700 - 1.900 nhân viên.

Với việc khánh thành F-Ville, khu Công nghệ cao Hòa Lạc đang cải thiện và đẩy nhanh tiến độ các dự án sau thời gian triển khai quyết liệt công tác giải phóng mặt bằng theo chỉ đạo của lãnh đạo thành phố Hà Nội. Qua đó hoàn thiện các miếng ghép của ”thành phố khoa học tầm cỡ quốc gia” – khu công nghệ cao hiện đại nhất cả nước. (Theo Tiền phong 14/11).

Toàn cảnh F-Ville

Khai mạc hội nghị quốc tế về công nghệ nano

Sáng nay 14.11, Hội nghị quốc tế về công nghệ nano và ứng dụng lần thứ 4 (IWNA 2013), diễn ra từ ngày 14-16.11, đã khai mạc tại thành phố Vũng Tàu.

Đại học Quốc gia TP.HCM (VNU-HCM) và Phòng Thí nghiệm công nghệ nano (LNT) và MINATEC - Cộng hòa Pháp, đồng tổ chức hội nghị, với khoảng 280 đại biểu, trong đó có gần 100 đại biểu đến từ nước ngoài, tham dự.

Hội nghị mở ra cơ hội cho các nhà khoa học trao đổi kiến thức về công nghệ nano, đồng thời tạo diễn đàn trao đổi giữa các nhà khoa học, nhà nghiên cứu, các chuyên gia trong và ngoài nước thuộc lĩnh vực công nghệ nano và các công ty có nhu cầu nghiên cứu, ứng dụng. (Theo Thanh Niên 14/11).

Hà Trang (Tổng hợp)


Ý kiến của bạn
Tên của bạn : *
E_mail : *
Tiêu đề : *
Nội dung : * (Bạn vui lòng gõ tiếng Việt có dấu)
 
Mã bảo mật :   
   
Các tin khác

   
Xem tin theo ngày
   
 
Xem nhiều nhất

English
Thăm dò ý kiến
Bạn biết website “truyenthongkhoahoc.vn” qua nguồn thông tin nào?
Bạn bè giới thiệu
Qua Google
Qua sách báo, quảng cáo banner