Banner TOP trái 1
Banner TOP phải 3
Hoạt động KH&CN Thứ ba, 26/11/2024 , 01:44 pm
Cập nhật : 12/07/2013 , 14:07(GMT +7)
Điểm tin KH&CN từ ngày 6-12/7
GS Đàm Thanh Sơn (trái) và GS Ngô Bảo Châu
Quỹ đổi mới công nghệ quốc gia có vốn 1000 tỷ đồng; Chế tạo thành công máy xử lý rác thải với giá thấp; Hệ thống thiết bị sản xuất bê-tông dự lạnh; Công nghệ xử lý nước nhiễm Asen và kim loại nặng; GS Ngô Bảo Châu và GS Đàm Thanh Sơn được Quỹ Simons tài trợ dài hạn;…là những thông tin KH&CN đáng chú ý trong tuần qua.

Quỹ đổi mới công nghệ quốc gia có vốn 1000 tỷ đồng

Quỹ đổi mới công nghệ quốc gia (CNQG) đã được Thủ tướng Chính phủ ban hành, có vốn điều lệ 1000 tỷ đồng do ngân sách Nhà nước về hoạt động khoa học, công nghệ cấp. Quỹ được cấp vốn bổ sung hằng năm từ ngân sách Nhà nước để đạt tổng mức vốn điều lệ của Quỹ. Quỹ được sử dụng đến 50% vốn ngân sách Nhà nước cấp để thực hiện các hình thức hỗ trợ lãi suất vay, cho vay ưu đãi, bảo lãnh để vay vốn.

Quỹ tài trợ một phần hoặc toàn bộ chi phí cho các nhiệm vụ, dự án: Nghiên cứu phát triển công nghệ mới, công nghệ tiên tiến, công nghệ cao của doanh nghiệp; ươm tạo công nghệ; sản xuất thử nghiệm sản phẩm mới; chuyển giao công nghệ;…(Theo Quân đội nhân dân 6/7).

Chế tạo thành công máy xử lý rác thải với giá thấp

Từ thực tế hoạt động của doanh nghiệp, anh Trần Văn Kiều ở xã Xuân Tiến, huyện Xuân Trường, tỉnh Nam Định, Giám đốc Công ty trách nhiệm hữu hạn Tân Thiên Phú đã chế tạo thành công máy nghiền rác thải.

Máy có công suất nghiền 5-7 tấn rác thải tổng hợp/giờ, có thể nghiền 3-5 tấn rác thải rắn thành bột/giờ, tiêu thụ 15kW điện/giờ. Bên cạnh đó, máy có khả năng nghiền các loại rác hữu cơ, vô cơ; tách được chất thải nhẹ như túi nilon và nghiền nhỏ các loại chất thải rắn sinh hoạt như gạch, ngói,…

Ưu điểm là đơn giản, dễ vận hành. Tổng vốn đầu tư máy thấp, khoảng 300 triệu đồng/máy và chi phí xử lý rác thấp, khoảng 15.000 đồng/tấn. Năm 2012, máy xử lý rác thải do anh Kiều chế tạo được Tổng cục Tiêu chuẩn đo lường chất lượng kiểm định và cấp phép quyền sử dụng. (Theo vietnamplus 6/7).

Hệ thống thiết bị sản xuất bê-tông dự lạnh

Tiến sĩ Nguyễn Ðức Minh và các cộng sự (Công ty TNHH một thành viên Viện máy và dụng cụ công nghiệp) đã nghiên cứu thiết kế chế tạo thành công hệ thống thiết bị sản xuất bê-tông dự lạnh công suất 120 m3/giờ dùng cho xây dựng đập bê-tông khối lớn. Ðây là lần đầu tiên hệ thống nói trên được nghiên cứu chế tạo tại Việt  Nam.

Hệ thống có cấu trúc phức tạp, kích cỡ lớn cả về mặt bằng và công suất lắp đặt, bao gồm nhiều hạng mục, ứng dụng nhiều công nghệ khác nhau, có mức độ tự động hóa cao. Hệ thống có một số thiết bị như nguồn lạnh đặc thù cho công nghệ dự lạnh bê-tông như máy sản xuất nước lạnh, máy sản xuất đá mảnh. Hệ thống do Viện IMI chế tạo có giá thành chỉ bằng từ 50 đến 60% giá thành máy có cùng công suất do nước ngoài sản xuất. Ðề tài nói trên đã đoạt Giải nhì Giải VIFOTEC năm 2012. (Theo Nhân Dân 7/7).

Công nghệ xử lý nước nhiễm Asen và kim loại nặng

Từ kết quả thực hiện đề tài "Hoàn thiện công nghệ và chế tạo thiết bị xử lý nước nhiễm Asen sử dụng vật liệu hấp phụ hiệu nặng cao NC - F20 cho vùng nông thôn Hà Nam" của Viện Hóa học (Viện hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam) đã nghiên cứu, ứng dụng thành công hệ thống xử lý nước nhiễm Asen và kim loại nặng bằng công nghệ nano VAST, bước đầu mở ra triển vọng xử lý Asen và kim loại nặng bằng công nghệ nano VAST.

Kỹ sư Phạm Văn Lâm, Chủ nhiệm đề tài cho biết, hiện được thiết kế, chế tạo tương đối chuyên nghiệp với các ưu điểm nổi trội như không dùng hóa chất, điều khiển hoàn toàn tự động hoặc bán tự động. Ðồng thời chất lượng nước sau xử lý bảo đảm tiêu chuẩn nước ăn uống, sinh hoạt với hàm lượng Asen cho phép dưới 10ppb.

Năm 2011, thiết bị xử lý Asen và kim loại nặng đã được lắp đặt, ứng dụng tại trạm y tế xã Nhân Khang, huyện Lý Nhân (Hà Nam), có khả năng loại bỏ Asen từ 200ppb xuống 5ppb (tiêu chuẩn cho phép là 10ppb). Hệ thống nano VAST đến nay đã được triển khai, nhân rộng tại khá nhiều địa phương trong cả nước; nhất là sử dụng tiện lợi cho quy mô xí nghiệp, trường học, bệnh viện, cụm gia đình với các loại công suất 0,8m3/h, 1,2m3/h, 1,5m3/h...  (Theo Nhân Dân 7/7).

Thi công lắp đặt thiết bị xử lý Asen trong nước tại Trạm y tế xã Nhân Khang, huyện Lý Nhân (Hà Nam)

GS Ngô Bảo Châu và GS Đàm Thanh Sơn được Quỹ Simons tài trợ dài hạn

Hai nhà khoa học Việt Nam tại Đại học Chicago là GS. Ngô Bảo Châu và GS. Đàm Thanh Sơn là hai trong số 13 nhà khoa học được nhận giải thưởng tài trợ Simons Investigators từ Quỹ Simons năm nay. Đây là giải thưởng tài trợ dài hạn dành cho các nhà khoa học thuộc ba lĩnh vực toán học, vật lý lý thuyết, và lý thuyết khoa học công nghệ thông tin.

Quỹ Simons là một tổ chức tư nhân có trụ sở tại TP. New York, do Jim và Marilyn Simons thành lập năm 1994, với nhiệm vụ đặt ra nhằm thúc đẩy các nghiên cứu mới nhất trong toán học và các ngành khoa học cơ bản. Giải thưởng Simons Investigators thuộc Ban Toán học và các ngành Khoa học Vật lý – một trong ba mảng lớn của Quỹ Simons – phụ trách, có mục tiêu nhằm tài trợ kinh phí nghiên cứu một cách ổn định, lâu dài, giúp các nhà khoa học xuất sắc tiến hành nghiên cứu những vấn đề khoa học mang tính dài hạn. Đa số các lựa chọn trao giải đều phải căn cứ trên kết quả một quá trình bình duyệt. (Theo Tạp chí Tia sáng 10/7).

Thiết bị chưng cất tinh dầu hồi

Các nhà khoa học thuộc trung tâm Nghiên cứu lâm sản ngoài gỗ, viện Khoa học lâm nghiệp Việt Nam đã nghiên cứu chế tạo thành công hệ thống thiết bị chưng cất tinh dầu hồi.

Hệ thống gồm lò đốt, nồi chưng cất, thiết bị trao đổi nhiệt và thiết bị phân ly tinh dầu. Công suất của hệ thống này đạt 300kg quả khô (tương đương 1.000kg quả tươi) cho một lần chưng cất, hiệu suất chưng cất đạt trên 90%, chất lượng tinh dầu sau khi chưng cất được đánh giá tốt. Hệ thống thiết bị chưng cất tinh dầu hồi quy mô nhỏ đã được thử nghiệm thành công tại một số cơ sở sản xuất của hội sản xuất, chế biến và kinh doanh hồi tỉnh Lạng Sơn. (Theo Sài gòn tiếp thị 10/7).

Thiết bị giám sát hành trình CRIAT-iBOX

Thiết bị giám sát hành trình CRIAT-iBOX do Trung tâm Nghiên cứu công nghệ thông tin và tự động hóa (Trường Đại học Giao thông Vận tải) nghiên cứu thiết kế, chế tạo phù hợp với Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về thiết bị giám sát hành trình của ô tô theo QCVN 31:2011/BGTVT.

Thiết bị có các đặc điểm kỹ thuật như: lưu trữ và truyền số liệu qua mạng Internet (thông tin về xe và lái xe; hành trình của xe; tốc độ vận hành của xe; số lần và thời gian dừng, đỗ xe; số lần và thời gian đóng, mở cửa xe; thời gian làm việc của lái xe); xuất dữ liệu ra máy in (biển số xe, thông tin về giấy phép lái xe; tốc độ tức thời của xe tại 10 thời điểm bất kỳ trong suốt hành trình chạy của xe; số lần xe chạy vượt quá tốc độ giới hạn và duy trì liên tục 30 giây trong suốt hành trình chạy của xe; số lần đóng, mở cửa xe trong suốt hành trình chạy của xe). (Theo Khoa học phổ thông 10/7).

Thiết bị giám sát hành trình CRIAT-iBOX

Công nghệ nào được ưu tiên mua bằng ngân sách?

Các sản phẩm công nghệ thông tin được sản xuất tại Việt Nam, được cấp văn bằng bảo hộ sở hữu trí tuệ... sẽ được ưu tiên đầu tư, mua sắm bằng ngân sách nhà nước.

Đây là nội dung chủ đạo của dự thảo Thông tư quy định chi tiết về đầu tư, mua sắm các sản phẩm, dịch vụ công nghệ thông tin dùng nguồn vốn ngân sách nhà nước do Bộ Thông tin và Truyền thông xây dựng.

Theo đó, đối với sản phẩm phần cứng, điện tử, việc ưu tiên sẽ áp dụng khi doanh thu từ hoạt động sản xuất, lắp ráp, kinh doanh sản phẩm phải đạt tối thiểu 10 tỷ đồng/năm (trong 2 năm liên tiếp gần nhất) hoặc có tối thiểu 05 cơ quan nhà nước hoặc 10 tổ chức, doanh nghiệp hoặc 500 cá nhân đã và đang sử dụng…. (Theo vietnamplus 11/7).

Hà Trang (Tổng hợp)


Ý kiến của bạn
Tên của bạn : *
E_mail : *
Tiêu đề : *
Nội dung : * (Bạn vui lòng gõ tiếng Việt có dấu)
 
Mã bảo mật :   
   
Các tin khác

   
Xem tin theo ngày
   
 
Xem nhiều nhất

English
Thăm dò ý kiến
Bạn biết website “truyenthongkhoahoc.vn” qua nguồn thông tin nào?
Bạn bè giới thiệu
Qua Google
Qua sách báo, quảng cáo banner