Banner TOP trái 1
Banner TOP phải 3
Hoạt động KH&CN Thứ ba, 26/11/2024 , 09:09 am
Cập nhật : 14/10/2013 , 08:10(GMT +7)
Điểm tin KH&CN từ ngày 5-11/10
Ông Tạ Bá Hưng phát biểu tại Hội thảo
Hội thảo thúc đẩy hợp tác KH-CN và đổi mới sáng tạo Việt Nam – EU: Cơ hội nghiên cứu tại EU; Phân lập ba hợp chất từ vỏ cây mắm ổi; Khởi động năng lượng lò phản ứng hạt nhân Đà Lạt với nhiên liệu độ giàu thấp; Gạch không nung bằng công nghệ Việt;…là những thông tin KH&CN đáng chú ý trong tuần qua.

Hội thảo Thúc đẩy hợp tác khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo Việt Nam - EU: cơ hội nghiên cứu tại EU

Ngày 8.10.2013, tại Hà Nội, Cục Thông tin KH&CN Quốc gia đã tổ chức Hội thảo quốc tế “Thúc đẩy hợp tác khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo Việt Nam - EU: Cơ hội nghiên cứu tại EU” với sự tham gia của các nhà quản lý, các nhà khoa học đến từ các trường đại học, viện nghiên cứu trong và ngoài nước.

Tại Hội thảo, các đại biểu đã được tiếp cận với cổng thông tin EURAXESS - một công cụ mạng của Ủy ban châu Âu cung cấp quyền truy cập tới các thông tin và dịch vụ hỗ trợ các nhà khoa học và các tổ chức KH&CN theo đuổi sự nghiệp nghiên cứu tại châu Âu trong việc tìm kiếm tài năng nghiên cứu xuất sắc;…

Hội thảo không chỉ là cơ hội cho các nhà khoa học trong nước tiếp cận với mạng lưới nghiên cứu châu Âu và nhiều thông tin, kinh nghiệm hữu ích phục vụ cho việc tìm kiếm các nguồn kinh phí quốc tế hỗ trợ cho các nghiên cứu mà còn là dịp để các nhà khoa học gặp gỡ, tìm kiếm đối tác nhằm mở rộng các nghiên cứu của mình trong tương lai. (Theo tchdkh.org.vn 8/10).

Phân lập ba hợp chất từ vỏ cây mắm ổi

Nhóm nghiên cứu Lê Thanh Phước và Lâm Thuý Phương, đại học Cần Thơ đã phân lập và nhận dạng được ba hợp chất triterpen từ cao petroleum ether của vỏ cây mắm ổi, gồm: taraxerol, taraxerone và betulin.

Taraxerol có hoạt tính kháng vi sinh vật, chống viêm và chống khối u... Taraxerone có hoạt tính chống bệnh sốt đen do ký sinh trùng Leishmania donovani gây bệnh và hoạt tính chống khối u đối với dòng tế bào bạch cầu K562... Betulin được dùng làm nguyên liệu ban đầu để chuyển hoá thành axit betulinic có hoạt tính sinh học cao, thể hiện hoạt tính chống HIV, bảo vệ gan…(Theo Sài gòn giải phóng 9/11).

Khởi động năng lượng lò phản ứng hạt nhân Đà Lạt với nhiên liệu độ giàu thấp

Một kết quả nghiên cứu ứng dụng quan trọng vừa được PGS. TS. Nguyễn Nhị Điền, Viện Nghiên cứu hạt nhân Đà Lạt (Viện NCHN) công bố, đó là việc nghiên cứu tính toán chuyển đổi nhiên liệu lò hạt nhân Đà Lạt.

PGS. TS. Nguyễn Nhị Điền đã trình bày báo cáo các kết quả chính về khởi động vật lý và khởi động năng lượng Lò phản ứng hạt nhân Đà Lạt với nhiên liệu độ giàu thấp thực hiện trong giai đoạn 2011-2012, là kết quả quan trọng của dự án chuyển đổi nhiên liệu Lò phản ứng hạt nhân Đà Lạt từ độ giàu cao sang độ giàu thấp thực hiện gần 10 năm nay, từ năm 2004. Kết quả của việc khởi động thành công lò phản ứng, đưa lò vào làm việc an toàn, tiếp tục khai thác có hiệu quả lò phản ứng ghi nhận thành tích xuất sắc của đội ngũ cán bộ khoa học và kỹ thuật của Viện NCHN.

Thành công của chương trình chuyển đổi nhiên liệu không chỉ mang lại các lợi ích về kinh tế mà còn giúp đào tạo cán bộ và mở rộng hợp tác quốc tế. Từ đây, Lò phản ứng hạt nhân Đà Lạt sẽ có đủ nhiên liệu để tiếp tục vận hành trên 15 năm nữa, ngành Năng lượng nguyên tử Việt Nam vẫn có một thiết bị hạt nhân, tuy công suất không cao nhưng sẽ tiếp tục phục vụ hiệu quả cho các ngành y tế, công nghiệp, nông nghiệp, đào tạo nguồn nhân lực,… (Theo Khoa học phổ thông 8/10).

Lò phản ứng hạt nhân Đà Lạt

Gạch không nung bằng công nghệ Việt

Một nhóm kỹ sư cơ khí tại TPHCM đã hợp tác nghiên cứu, cho ra đời dây chuyền sản xuất gạch không nung có giá thành rẻ hơn 30% so với hàng nhập ngoại. Dây chuyền sản xuất có tên LA block – brick, nằm trong Dự án Hoàn thiện công nghệ, thiết kế và chế tạo dây chuyền sản xuất gạch block không nung do Trung tâm Nhiệt đới Việt-Nga chi nhánh phía Nam và Công ty TNHH Phan Lâm Anh, TPHCM là chủ đầu tư. Tổng kinh phí thực hiện dự án là 2,4 tỷ đồng. Trong đó, Sở KH-CN TPHCM đối ứng 30% kinh phí.

Sau 3 tháng ra mắt thị trường, LA block - brick đã được thị trường đón nhận. Đến nay đã chuyển giao được hơn 20 dây chuyền sản xuất với tổng giá trị gần 6 tỷ đồng. Trong đó, có 3 dây chuyền xuất khẩu sang thị trường Campuchia. (Theo Sài gòn giải phóng 9/10).

Phát hiện loài thực vật mới ở Khánh Hòa

Các nhà khoa học vừa phát hiện loài thực vật mới thuộc họ Ráy có tên Nam tinh Hòn Bà ở Khánh Hòa.

Loài mới có tên khoa học Arisaema honbaense Luu, Tich, G.Tran, D.Nguyen & V.Le; thuộc họ Ráy (Araceae). Chúng được phát hiện bởi nhóm nghiên cứu thuộc Viện Sinh thái học miền nam (SIE) và Sở NN&PTNT  Khánh Hòa trong khuôn khổ dự án xây dựng Cơ sở dữ liệu đa dạng sinh học rừng địa phương.

Sau khi phân tích và đối chiếu, nhóm khoa học cho rằng, đây là loài thuộc chi Arisaema chưa từng được biết đến. Chúng có đặc điểm hình thái khác biệt so với các loài được mô tả trước đây.

Các chuyên gia nhận định, việc phát hiện loài thực vật mới góp phần nâng cao giá trị đa dạng sinh học rừng Hòn Bà. (Theo vnexpress 10/10).

Hình thái chung của loài Nam tinh Hòn Bà

Bười Năm Roi được bảo hộ chỉ dẫn địa lý

Mới đây, Cục Sở hữu Trí tuệ đã ra quyết định cấp giấy chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm bưởi Năm Roi Bình Minh. Đây là chỉ dẫn địa lý thứ 33 của nước ta được bảo hộ.

Sau khi được bảo hộ chỉ dẫn địa lý, từ nay chỉ có bưởi trồng ở các xã Mỹ Hòa, Mỹ Thuận, Đông Bình, Đông Thành, Đông Thạch, Thuận An và thị trấn Cái Vồn thuộc huyện Bình Minh, tỉnh Vĩnh Long mới được dùng tên “Bưởi Năm Roi Bình Minh”. Được biết, UBND tỉnh Vĩnh Long là cơ quan quản lý chỉ dẫn địa lý này.

Cùng với việc xây dựng thương hiệu, thực hiện qui trình trồng, chăm sóc, thu hoạch, bảo quản sản phẩm để được cấp chứng nhận EUREP GAP, việc xây dựng và cấp chứng chỉ chỉ dẫn địa lý cho bưởi Năm Roi Bình Minh của Vĩnh Long sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho loại cây ăn quả này nhanh chóng vươn xa ra thị trường trong và ngoài nước. (Theo Đất Việt 10/10).

Sinh sản nhân tạo cá chốt trắng

Vừa qua, Khoa Thủy sản, Trường ĐH Cần Thơ đã nghiên cứu thành công sinh sản nhân tạo cá chốt trắng.

Cá chốt trắng là một đối tượng có giá trị kinh tế cao, phân bố rộng ở vùng ĐBSCL (nước ngọt, lợ và mặn). Vì thế, việc nghiên cứu kích thích sinh sản nhân tạo bằng các loại hormon và quy trình ấp trứng cá chốt trắng là rất cần thiết để kích thích sinh sản, góp phần xây dựng quy trình SX giống nhân tạo và đa dạng hóa đối tượng nuôi.

Hiện nay nghề nuôi cá chốt trắng chưa được phát triển, đa phần dựa vào nguồn đánh bắt ngoài tự nhiên do thiếu nguồn giống nhân tạo. (Theo Nông nghiệp 11/10).

Hà Trang (Tổng hợp)
 


Ý kiến của bạn
Tên của bạn : *
E_mail : *
Tiêu đề : *
Nội dung : * (Bạn vui lòng gõ tiếng Việt có dấu)
 
Mã bảo mật :   
   
Các tin khác

   
Xem tin theo ngày
   
 
Xem nhiều nhất

English
Thăm dò ý kiến
Bạn biết website “truyenthongkhoahoc.vn” qua nguồn thông tin nào?
Bạn bè giới thiệu
Qua Google
Qua sách báo, quảng cáo banner