Banner TOP trái 1
Banner TOP phải 3
Hoạt động KH&CN Thứ hai, 25/11/2024 , 05:27 am
Cập nhật : 04/11/2016 , 17:11(GMT +7)
Điểm tin KH&CN từ ngày 29/10-4/11
Thứ trưởng Bộ KH&CN - Trần Văn Tùng cùng các đại biểu tham quan gian hàng giới thiệu sản phẩm
Chế nước rửa chén từ rác thải; Gặp chàng trai 9X có 15 công bố khoa học quốc tế; Tiếp tục đẩy mạnh phát triển ứng dụng công nghệ sinh học;...là những thông tin KH&CN đáng chú ý trong tuần qua.

Gặp chàng trai 9X có 15 công bố khoa học quốc tế

Vừa tròn 26 tuổi với 15 công bố quốc tế ISI, Trần Quốc Quân có lẽ đang giữ kỷ lục của Việt Nam về số công bố quốc tế ở độ tuổi của mình. 

Bắt đầu nghiên cứu khoa học từ năm thứ 2 đại học, tới thời điểm hiện tại, sau khoảng 5 năm, Trần Quốc Quân, nghiên cứu sinh của Phòng thí nghiệm Vật liệu và Kết cấu tiên tiến, Trường ĐH Công nghệ - ĐHQGHN, đã sở hữu 22 bài báo và báo cáo khoa học trong đó có 15 công bố ISI (hệ thống các tạp chí khoa học uy tín nhất thế giới) với chỉ số tác động (IF) lớn hơn 2. 

Theo Quân, nghiên cứu khoa học cơ bản như hướng nghiên cứu em đang theo đuổi thì việc đánh giá kết quả chủ yếu dựa vào các bài công bố quốc tế. Tuy nhiên, nghiên cứu cơ bản cũng phải xuất phát từ thực tế và hướng tới việc ứng dụng vào thực tế chứ không chỉ là để công bố quốc tế thuần túy. (Theo báo điện tử vietnamnet 29/10).

Chế nước rửa chén từ rác thải

Ngày 29/10 báo Nhân Dân Chị Trịnh Thị Hồng (Hòa Phú 5, phường Hòa Minh, quận Liên Chiểu, TP Đà Nẵng) đã đạt được những thành công từ sản phẩm nước rửa chén, nước lau nhà được chế biến từ rác thải. 

Cách làm khá đơn giản, các loại rác thải từ rau, củ, quả, hoa rửa sạch, để ráo cho vào thùng nhựa cùng ba gram đường hòa tan với 10 lít nước, đậy kín, đặt nơi thoáng mát. Sau 30 ngày mang nước ra lọc bỏ phần rác, sẽ thu được dung dịch thô mầu vàng. Cứ 10 lít dung dịch này sẽ cho ra được 2 lít thành phẩm qua quá trình lọc, chiết nhiều lần. Sau đó, trộn với chất hữu cơ chiết xuất từ dừa để tạo độ sánh, có bọt và mùi thơm. Tuy quy trình đơn giản nhưng những thử nghiệm ban đầu, chị thất bại liên tục. Với lòng đam mê và sự kiên trì không nản lòng, hằng ngày, chị đi quanh phố xin rác về để thực nghiệm. Cuối cùng chị đã thành công với sản phẩm dung dịch nước rửa chén, lau sàn nhà có nguồn gốc từ thực vật, không hóa chất, an toàn với sức khỏe con người và bảo vệ môi trường.

Các chế phẩm do chị Hồng tạo ra có thể rửa chén, lau nhà và các vật dụng sinh hoạt trong gia đình.

Đầu năm 2016, mô hình của chị được lựa chọn làm “hạt giống” cho vườm ươm doanh nghiệp Đà Nẵng với mong muốn được đào tạo bài bản hơn, áp dụng công nghệ cao vào quy trình sản xuất của mình. (Theo Nhân Dân 29/10).

Tiếp tục đẩy mạnh phát triển ứng dụng công nghệ sinh học

Ngày 31/10 báo điện tử Khám phá đưa tin, Văn phòng Chính phủ vừa có văn bản truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về đẩy mạnh phát triển và ứng dụng công nghệ sinh học phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Thủ tướng Chính phủ, Bí thư Ban cán sự đảng Chính phủ yêu cầu các bộ, cơ quan có liên quan theo chức năng và các nhiệm vụ đã được phân công, tổ chức rà soát, đánh giá, triển khai thực hiện có hiệu quả Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Chỉ thị số 50-CT/TW, Kế hoạch tổng thể phát triển và ứng dụng công nghệ sinh học ở Việt Nam đến năm 2020 và các đề án, nhiệm vụ có liên quan đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Khoa học và Công nghệ chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan liên quan xây dựng Kế hoạch tổng thể phát triển công nghệ sinh học đến năm 2030, bao gồm cả nhiệm vụ quy hoạch và xây dựng các trung tâm kiểm định an toàn sinh học tại các vùng, miền; chú trọng đổi mới cơ chế quản lý, tạo động lực đột phá về huy động nguồn lực và ứng dụng, chuyển giao công nghệ sinh học phục vụ mục tiêu chuyển dịch cơ cấu kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, xây dựng nền công nghiệp đa chức năng, thích ứng với biến đổi khí hậu. Trình Thủ tướng Chính phủ trong quý I/2017 để xem xét, quyết định.

Hơn 3,7 triệu USD đầu tư phát triển đèn chiếu sáng trong nông nghiệp

Ngày 1/11, tại Hà Nội, Ban Quản lý dự án Đẩy mạnh đổi mới sáng tạo thông qua nghiên cứu, khoa học và công nghệ (FIRST) đã ký thỏa thuận tài trợ đề xuất “Nghiên cứu và phát triển công nghệ sản xuất, thử nghiệm và thương mại hóa sản phẩm LED dùng trong chiếu sáng nhân tạo nông nghiệp công nghệ cao tại thị trường Việt Nam” do Công ty Cổ phần Bóng đèn Phích nước Rạng Đông làm thành viên đứng đầu. 

Nhóm hợp tác do Công ty cổ phần bóng đèn phích nước Rạng Đông làm thành viên đứng đầu bao gồm 8 thành viên, trong đó có 2 trường đại học, 1 viện nghiên cứu và 5 doanh nghiệp. Nhóm liên kết được hình thành dựa trên cơ sở nhu cầu của thị trường, xây dựng mô hình liên minh, liên kết đáp ứng chuỗi giá trị sản phẩm từ nghiên cứu triển khai, thiết kế, thử nghiệm, sản xuất, marketing và phân phối phát triển sản phẩm đèn LED dùng trong chiếu sáng nhân tạo nông nghiệp công nghệ cao tại thị trường Việt Nam.

Tổng kinh phí thực hiện đề xuất khoảng 78 tỷ đồng, tương đương hơn 3,7 triệu USD, trong đó Dự án FIRST tài trợ hơn 40% tổng kinh phí thực hiện, phần còn lại là kinh phí đối ứng bằng tiền của nhóm hợp tác với gần 60% mức tổng kinh phí. Thời gian thực hiện 32 tháng. (Theo Báo công thương 2/11).

Techmart Daily: Ký kết chuyển giao công nghệ trị giá 48 tỉ đồng

Ngày 3/11 báo khám phá đưa tin, 2 biên bản nghi nhớ chuyển giao công nghệ trị giá 48 tỉ đồng trong lĩnh vực nông nghiệp đã được ký kết tại Chợ công nghệ và thiết bị chuyên ngành nuôi trồng, chế biến thực phẩm an toàn- Techmart Daily.

Sự kiện này do Trung tâm Thông tin và Thống kê Khoa học và Công nghệ TP.HCM, thuộc Sở Khoa học và Công nghệ (KH&CN) TP.HCM tổ chức trong 2 ngày 03 và 04/11, với sự tham dự của 33 đơn vị và 36 gian hàng. 

Các gian hàng của các đơn vị, doanh nghiệp, viện nghiên cứu là kết quả nghiên cứu chuyên sâu trong lĩnh vực công nghệ sau thu hoạch. 100 công nghệ, thiết bị này sẵn sàng chuyển giao phù hợp với nhu cầu đầu tư, đổi mới công nghệ của doanh nghiệp tại TP.HCM và các tỉnh phía nam.

Các công nghệ, thiết bị điển hình được giới thiệu tại sự kiện như công nghệ nuôi cấy mô, cung cấp giống cây trồng; công nghệ bảo quản rau quả, trái cây tự nhiên; công nghệ làm lạnh cấp đông nhanh IQF; chế phẩm sinh học phục vụ cây trồng các loại; dây chuyền thiết bị lựa quả, đóng thùng trái cây…

Ngoài ra, sự kiện Techmart Daily còn có 4 hội thảo với 5 chuyên đề giới thiệu, trình diễn công nghệ và thiết bị trong lĩnh vực thực phẩm an toàn. 

Máy bắt muỗi kiêm quạt đá của 2 học sinh cấp II

Đó là sản phẩm do hai học sinh Cao Hoàng Vũ đang học lớp 8 còn Trần Thị Bích Ngân học lớp 9 Trường THCS Hòa An (xã Hòa An, huyện Phú Hòa, tỉnh Phú Yên) sáng chế, vừa đoạt giải nhất cuộc thi Sáng tạo thanh thiếu niên và nhi đồng tỉnh Phú Yên lần thứ 1 và giải ba cuộc thi này cấp toàn quốc năm 2016.

Mày mò suốt một tháng, cuối cùng hai học sinh giỏi vật lý cũng làm được một sản phẩm “hai trong một”: vừa bắt và diệt muỗi, vừa là quạt đá “giải nhiệt” cho gia đình khi trời nóng bức.

Hai học sinh dùng một chậu nhựa trồng hoa kiểng để làm “họng” hút muỗi. Bao ngoài “họng” hút muỗi là một lưới bảo vệ, bên trong là lưới đốt lấy từ vợt bắt muỗi, lớp trong cùng là một quạt cũ tận dụng từ máy lạnh hỏng.

“Phía trước của họng hút muỗi, tụi mình dùng 10 bóng đèn LED màu xanh gắn xung quanh để dụ muỗi vì chúng thường bị hấp dẫn bởi màu sắc này. Khi muỗi đến gần thì sẽ bị luồng gió xoắn từ cánh quạt hút văng vào lưới đốt làm muỗi chết. Theo hai bạn trẻ, để thu hút muỗi đến với... máy diệt chúng nhiều hơn, các bạn đã lên mạng tìm hiểu và sử dụng ít rượu nho hoặc yaourt, dưa cải muối chua... để trước “họng” hút thì muỗi nhào tới rần rần và bị hút vào máy nhiều hơn....(Theo báo  Tuổi trẻ ngày 4/11).

Ứng dụng khoa học, liên kết vùng để thúc đẩy sản phẩm đặc sản Tây Bắc

Ngày 4/11 báo điện tử Khoa học phát triển đưa tin, Vùng Trung du và miền núi phía Bắc nên xác định được một vài đối tượng để liên kết, nội dung liên kết. Tập trung bàn cách thực hiện cũng như nhu cầu cần cho việc liên kết để thúc đẩy sản phẩm đặc trưng của vùng.

Ý kiến này được đưa ra tại hội thảo "Khoa học và công nghệ thúc đẩy liên kết và phát triển vùng Tây Bắc" được tổ chức với mục tiêu trao đổi, thảo luận nhằm thúc đẩy liên kết vùng, ứng dụng khoa học thúc đẩy kinh tế Tây Bắc. Hội thảo diễn ra trong khuân khổ giao ban Khoa học và công nghệ vùng miền núi phía Bắc lần thứ 16 do Bộ KH&CN phối hợp với ĐH Quốc gia Hà Nội, Ban chỉ đạo Tây Bắc và UBND tỉnh Hòa Bình tổ chức ngày 3-4/11 tại Hòa Bình.

Phát biểu tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ KH&CN, Trần Văn Tùng cho biết: "Sau khi chương trình phát triển khoa học công nghệ vùng Tây Bắc được triển khai đã có nhiều nhiệm vụ khoa học công nghệ cấp Bộ, ngành, Trung ương và địa phương được đề xuất đặt hàng đến nay một số đề tài nghiên cứu đã kết thúc và có kết quả đáng được ghi nhận"...

Tại hội thảo, nhiều ý kiến thảo luận đã đưa ra kiến nghị cũng như giải pháp nhằm thúc đẩy sự liên kết vùng để hỗ trợ trong việc đưa các sản phẩm đặc trưng của vùng phát triển mạnh hơn nữa, góp phần vào phát triển kinh tế - xã hội...(Theo Khoa học phát triển 4/11).

 

Hà Trang (Tổng hợp)

 



 

 

 


Ý kiến của bạn
Tên của bạn : *
E_mail : *
Tiêu đề : *
Nội dung : * (Bạn vui lòng gõ tiếng Việt có dấu)
 
Mã bảo mật :   
   
Các tin khác

   
Xem tin theo ngày
   
 
Xem nhiều nhất

English
Thăm dò ý kiến
Bạn biết website “truyenthongkhoahoc.vn” qua nguồn thông tin nào?
Bạn bè giới thiệu
Qua Google
Qua sách báo, quảng cáo banner