Banner TOP trái 1
Banner TOP phải 3
Hoạt động KH&CN Thứ ba, 26/11/2024 , 03:40 pm
Cập nhật : 04/05/2013 , 10:05(GMT +7)
Điểm tin KH&CN từ ngày 27/4- 4/5
Tấm biển Dự án Nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận 2 tại điểm khoan thăm dò, khảo sát thực địa dự án.
ĐBSCL sẽ hiện đại hóa công nghệ sau thu hoạch lúa; Công bố kết quả điều tra, nghiên cứu và phát triển KH-CN; Ký kết đảm bảo an ninh điện hạt nhân Ninh Thuận; Việt Nam thử nghiệm thành công máy bay không người lái...là những thông tin KH&CN đáng chú ý tuần qua

ĐBSCL sẽ hiện đại hóa công nghệ sau thu hoạch lúa

Các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long đang triển khai nhiều dự án nâng cao chất lượng lúa gạo nhằm tăng tính cạnh tranh của mặt hàng này trên thị trường thế giới, trước hết là hiện đại hóa công nghệ sau thu hoạch.

Các dự án trên sẽ giúp Đồng bằng sông Cửu Long giảm chi phí sản xuất 30.000 đồng/tấn lúa, giúp tăng thu từ lúa trên 500 tỷ đồng mỗi năm. Giá trị tăng thêm của lượng lúa Hè Thu và Thu Đông do không còn bị hao hụt đạt khoảng 6.000 tỷ đồng.

Từ nay đến năm 2020, các tỉnh sẽ trang bị thêm từ 20.000-25.000 máy gặt đập liên hợp và máy sấy lúa, bảo đảm cơ giới hóa các khâu gặt, sấy cho ít nhất 80% diện tích đất lúa. Từ nay đến năm 2015, các tỉnh bảo đảm thu hoạch lúa bằng máy đạt ít nhất 50% diện tích đất.

Đến năm 2015, khu vực Đồng bằng sông Cửu Long xây dựng thêm 70 hệ thống sấy hiện đại, công suất từ 10-30 tấn lúa/giờ, gắn với các trung tâm chế biến gạo xuất khẩu, bảo đảm sấy 4 triệu tấn lúa/năm, cộng với số máy sấy trong dân, sẽ bảo đảm sấy 80% lượng lúa Hè Thu, Thu Đông hàng năm. (Theo vietnamplus, Chinhphu.vn)

Công bố kết quả điều tra, nghiên cứu và phát triển KH-CN

Mới đây, tại Hà Nội, Cục Thông tin KH-CN quốc gia, Bộ KH-CN đã tổ chức họp công bố kết quả điều tra, nghiên cứu và phát triển năm 2012 tập trung vào 6 lĩnh vực: Khoa học tự nhiên; Khoa học kỹ thuật và công nghệ: Y dược; Nông nghiệp; Khoa học xã hội và khoa học nhân văn.

Đây là năm đầu tiên Bộ KH-CN chính thức tổ chức cuộc điều tra nghiên cứu và phát triển trên quy mô toàn quốc nhưng đã huy động được sự tham gia tích cực của các cán bộ điều tra trong các đơn vị, tổ chức có liên quan trong cả nước, đặc biệt là đã tiếp cận được các phương pháp thống kê KHCN tiên tiến nhất của thế giới. Được biết, năm 2012 đã thu hút được gần 1.600 đơn vị thuộc UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; 795 đơn vị trực thuộc các bộ, ban, ngành tham gia. (Theo Đất Việt, Đại biểu nhân dân…)

Hải Phòng định hướng phát triển KHCN

Thành ủy Hải Phòng vừa ra nghị quyết về phát triển KHCN phục vụ sự nghiệp CNH, HĐH và hội nhập quốc tế thành phố đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030.

Theo đó, đến năm 2020, Hải Phòng phấn đấu trở thành một trong những trung tâm nghiên cứu và ứng dụng KHCN của vùng ven biển Bắc bộ và cả nước, vươn tới trình độ KHCN phát triển khá trong khu vực. Đến năm 2030, Hải Phòng trở thành một trong những trung tâm nghiên cứu đứng đầu cả nước, một số lĩnh vực đạt trình độ tiên tiến thế giới, nhất là trong lĩnh vực KHCN về biển.

Trước mắt, thành phố tập trung nghiên cứu, ứng dụng, phát triển công nghệ cao, công nghệ thông tin, công nghệ sinh học, công nghệ tự động hóa, công nghệ vật liệu mới, công nghệ năng lượng tái tạo và môi trường. Đến năm 2015, Hải Phòng phấn đấu đưa tỷ lệ giá trị sản phẩm công nghệ cao và công nghệ ứng dụng công nghệ cao đạt 30% trong tổng giá trị sản xuất công nghiệp, đạt 45% tổng GDP của thành phố và nâng lên 40% tổng giá trị sản xuất công nghiệp vào năm 2020; tốc độ đổi mới công nghệ, thiết bị đạt 20 - 25%/năm... (Theo Nhân dân, Đại biểu nhân dân)

Ký kết đảm bảo an ninh điện hạt nhân Ninh Thuận

Chiều 3/5, Công an tỉnh Ninh Thuận và Ban quản lý Dự án Điện hạt nhân Ninh Thuận đã thỏa thuận, ký kết và triển khai thực hiện Quy chế phối hợp bảo đảm an ninh, an toàn các dự án thành phần do Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) làm chủ đầu tư thuộc Dự án Nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận.

Hai bên thảo luận, thống nhất thông qua Quy chế qui định nội dung, biện pháp phối hợp đảm bảo an ninh và an toàn đối với các hoạt động của Dự án Điện hạt nhân Ninh Thuận, nhằm phát huy sức mạnh tổng hợp, nâng cao trách nhiệm, hiệu quả trong công tác bảo vệ an ninh nội bộ, an ninh kinh tế, phòng ngừa, phát hiện các hành vi vi phạm pháp luật, giữ gìn trật tự, an toàn cơ quan.

Quy chế cũng quy định rõ về nguyên tắc, nội dung nhiệm vụ của Ban quản lý dự án, nhiệm vụ của Công an tỉnh Ninh Thuận. Thời gian thực hiện quy chế kể từ ngày 3/5/2013 đến khi 2 đơn vị thống nhất sơ kết và xây dựng ký kết quy chế mới.

Tại lễ ký kết, các đại biểu đã nghe báo cáo, tham gia thảo luận tình hình thực hiện các dự án thành phần thuộc Dự án Nhà máy Điện hạt nhân Ninh Thuận; tình hình thực hiện công tác đảm bảo an ninh Dự án Điện hạt nhân Ninh Thuận và đề ra một số nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới. ( Theo TTXVN, ĐVO)

‘Viện nghiên cứu biển lưu động’ khởi hành ra Trường Sa

Ngày 2/5 tàu nghiên cứu biển mang tên ‘Viện sĩ Oparin’ bắt đầu khởi hành chuyến nghiên cứu, khảo sát vùng biển nước ta, trong đó đặc biệt chú trọng vùng Trường Sa. Chuyến nghiên cứu sẽ được tiến hành hơn 1 tháng.

PGS.TS Bùi Minh Lý, Viện trưởng Viện Nghiên cứu và ứng dụng công nghệ Nha Trang, Viện Hàn lâm khoa học và công nghệ Việt Nam, đã thông báo với Đất Việt như trên.

Con tàu nghiên cứu biển lưu động lần này mang theo 22 nhà khoa học của Viện Hàn lâm khoa học Nga và 12 nhà khoa học của Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam. Ngoài ra còn có đoàn thủy thủ 32 người.

Các nhà khoa học sẽ tập trung điều tra toàn diện về đa dạng sinh học và sinh hóa trên toàn vùng biển Việt Nam, bao gồm nghiên cứu các cộng đồng rạn san hô, thu thập và xác định các loại rong biển, sinh vật và vi sinh vật biển để tìm kiếm nguồn các chất chuyển hóa có hoạt tính sinh học mới.

Đây là lần thứ tư các nhà khoa học hai nước khảo sát chung về biển Việt Nam trên tàu ‘Viện sĩ Oparin’, sau các chuyến được thực hiện năm 2005, 2007 và 2010.

Kết quả các chuyến khảo sát đã bổ sung thêm các dữ liệu về đa dạng sinh học và đưa ra các biện pháp bảo tồn rạn san hô trong vùng biển Việt Nam. Các nghiên cứu hóa sinh đặc biệt là theo định hướng các chất chuyển hóa có hoạt tính sinh học để làm dược liệu đã bắt đầu được phía Việt Nam chủ động quan tâm và đẩy mạnh hợp tác  nghiên cứu sâu. (Theo Đất Việt)

Việt Nam thử nghiệm thành công máy bay không người lái

Hôm qua 3-5, tại Hà Nội, Liên hiệp Khoa học sản xuất công nghệ cao Viễn thông - Tin học (HTI, thuộc Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam) đã tiến hành thành công bay thử nghiệm 2 mẫu máy bay không người lái trong số 5 mẫu máy bay chuyên dụng khác đã hoàn thiện tại Viện Công nghệ không gian. Các loại máy bay này đều được thiết kế và chế tạo ở trong nước, chế độ bay tự động theo chương trình lập sẵn trên nền bản đồ số. Máy bay được trang bị máy ảnh tác nghiệp cả ban ngày và ban đêm đồng thời có các trang thiết bị nghiên cứu khoa học chuyên dụng khác. (Theo Tuổi trẻ, Dân trí, An ninh thủ đô, Sài gòn giải phóng, Vnexpress…)

Các nhà khoa học Việt - Nga hợp tác nghiên cứu biển

Đầu tháng 5/2013, dưới sự chủ trì của Trưởng đoàn thám hiểm, tiến sĩ người Nga Aminin Dmitri và Phó giáo sư - tiến sĩ Bùi Minh Lý, Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Ứng dụng công nghệ Nha Trang, 34 nhà khoa học Việt - Nga đồng hành trên tàu Akademic 0parin thực hiện cuộc khảo sát lần thứ tư về đa dạng sinh học và hóa sinh trên vùng biển Việt Nam.

Theo đó, tàu Akademic 0parin rời cảng Nha Trang khởi đầu hành trình khảo sát vùng biển Khánh Hòa, Ninh Thuận, Côn Đảo, Phú Quốc, Hải Phòng và một số rạn san hô...

Chuyến khảo sát hai tháng nằm trong chương trình thỏa thuận hợp tác giữa hai viện hàn lâm khoa học công nghệ Việt Nam và Nga để phục vụ công tác nghiên cứu biển (Theo Công an nhân dân, Dân Việt)

Tiến sĩ trẻ sáng chế xe máy chạy bằng gas

Tiến sĩ trẻ Nguyễn Ngọc Dũng (Phòng thí nghiệm động cơ đốt trong của Trường đại học Bách khoa TP.HCM) cùng một số cộng sự đã nghiên cứu thành công công trình khoa học xe gắn máy chạy với hai nhiên liệu xăng và LPG (gas).

Nói về ý tưởng để thực hiện công trình khoa học này, tiến sĩ Dũng cho biết: “Việt Nam có khoảng hơn 30 triệu người dùng xe máy, vì vậy chỉ cần 5 đến 10% trong số đó chuyển từ việc sử dụng bằng xăng sang dùng gas thì sẽ giảm được một lượng khí thải đáng kể ra môi trường. Xuất phát từ trăn trở đó, Dũng cùng những cộng sự của mình, trong đó có các bạn sinh viên đã tập trung nghiên cứu công trình thiết thực này trong vòng 2 năm”.

Nói về tính ưu việt của công trình này, tiến sĩ Dũng cho rằng: “Việc kết hợp giữa hai nhiên liệu xăng và gas giúp xe có thể đi được quãng đường xa hơn, giảm phát thải khí nhà kính, giảm ô nhiễm môi trường. Theo tính toán, nồng độ CO phát thải giảm khi xe tăng tốc độ, lượng phát thải CO giảm trên 60% khi xe đạt tốc độ từ 40 km/giờ; nồng độ phát thải CO2 giảm hơn 10% khi sử dụng nhiên liệu khí”. (Theo Thanh niên, Vietq, Sài gòn tiếp thị…)

Ngòi hẹn giờ điện tử lắp cho đạn cối

Các nhà khoa học Viện Vũ khí (Tổng cục Công nghiệp quốc phòng) đã bước đầu chế tạo thành công ngòi hẹn giờ điện tử lắp cho đạn cối. Ngòi có khả năng hẹn giờ từ 1 đến 99 giây, độ chính xác 0,01 giây.

Đây là kết quả thực hiện đề tài “Nghiên cứu thiết kế, chế thử ngòi hẹn giờ điện tử lắp cho đạn cối”, các nhà khoa học đã nghiên cứu, tính toán, xây dựng thành công bản vẽ sản phẩm và điều kiện kỹ thuật nghiệm thu ngòi hẹn giờ điện tử; tiến hành chế thử và nghiệm thu thành công về mặt nguyên lý và kết cấu của ngòi (cả về phần cơ khí và phần điện tử); thử nghiệm độ bền, độ tin cậy hoạt động của ngòi trên búa Mác-cét.

Việc nghiên cứu thiết kế, chế tạo thành công ngòi hẹn giờ điện tử lắp cho đạn cối là cơ sở để thiết kế ngòi điện tử hẹn giờ sử dụng cho các loại đạn pháo, đạn phản lực và các loại đạn khác, góp phần nâng cao khả năng SSCĐ của quân đội. (Theo Quân đội nhân dân)

Chuyển giao công nghệ - bước ngoặt của công nghiệp Việt Nam

Là chủ đề chính của Diễn đàn Công nghiệp hỗ trợ Việt Nam lần thứ 5 (Vietnam Manufacturing 2013) do Công ty Reed Tradex, Thái Lan phối hợp với Tổ chức Xúc tiến Thương mại Nhật Bản (JETRO) tổ chức ngày 9/5/2015, tại Hà Nội.

Với chủ đề “Chuyển giao công nghệ - bước ngoặt của Công nghiệp Việt Nam” sẽ là cơ hội để chia sẻ những cơ hội của ngành Công nghiệp ô tô và các ngành công nghiệp hỗ trợ Việt Nam; tạo cơ sở để đề xuất giải pháp nhằm duy trì và gia tăng vốn đầu tư Nhật Bản; lĩnh hội tri thức mới để tối đa hóa cơ hội mở rộng thị trường, đồng thời cũng là dịp để các nhà sản xuất, lãnh đạo doanh nghiệp gặp gỡ, giao lưu.

Diễn đàn hứa hẹn sẽ mang đến những nhận định về thực trạng, kinh nghiệm thực tiễn tốt nhất của các chuyên gia đến từ các cơ quan quản lý nhà nước và doanh nghiệp thuộc khu vực kinh tế tư nhân nhằm thu hẹp khoảng cách giữa các nhà công nghiệp Việt Nam và Nhật Bản để đạt được các mục tiêu chung (Theo truyenthongkhoahoc.vn)

Sử dụng nguồn xenlulo gỗ Việt Nam thay thế bột gỗ nhập ngoại

Nhóm nghiên cứu trẻ thuộc Bộ môn Thuốc phóng thuốc nổ, Khoa Vũ khí, Học viện Kỹ thuật Quân sự do TS. Phan Đức Nhân làm chủ nhiệm đề tài đã nghiên cứu chế tạo thành công quy trình công nghệ tinh chế bột gỗ nhà máy giấy, nhằm làm nguyên liệu điều chế Nitroxenlulo (NC) cho sản xuất thuốc phóng thay thế bột gỗ nhập ngoại.

TS. Phan Đức Nhân cho biết, nhóm đã bắt đầu nghiên cứu tinh chế xenlulo gỗ đạt các yêu cầu kỹ thuật dùng làm nguyên liệu điều chế NC cho sản xuất thuốc phóng trong quy mô phòng thí nghiệm từ đầu năm 2010. Kết quả nghiên cứu cho thấy, bằng nội lực trong nước hoàn toàn có thể tinh chế xenlulo gỗ Việt Nam thành sản phẩm thỏa mãn các yêu cầu kỹ thuật đối với bột gỗ dùng để sản xuất NC thay thế bột gỗ nhập ngoại. Hiện, bột gỗ tinh chế của Việt Nam sau khi được gửi đi phân tích chất lượng và chụp phổ theo các phương pháp tiêu chuẩn trên Phòng KCS, Nhà máy Z195 và Trung tâm Kỹ thuật Vũ khí, Học viện Kỹ thuật Quân sự đã đáp ứng đầy đủ các yêu cầu kỹ thuật đối với bột gỗ đưa vào nitro hóa để điều chế NC, có chất lượng tương đương với bột gỗ Canada và có giá thành thấp hơn. Do vậy, việc sử dụng bột gỗ tinh chế của Việt Nam thay thế bột gỗ Canada sẽ góp phần hạ giá thành sản phẩm và chủ động được nguyên liệu sản xuất hàng quốc phòng.

Hiện nay, Đề tài đã nghiên cứu thành công quy trình công nghệ tinh chế bột gỗ nhà máy giấy; quy trình công nghệ điều chế NC số 2 từ bột gỗ tinh chế; quy trình công nghệ ổn định NC số 2 điều chế từ bột gỗ tinh chế. (Theo Hà Nội mới)

Nâng cao chất lượng dầu gấc bằng công nghệ trích ly sạch

Đây là nghiên cứu của các nhà khoa học thuộc Khoa Công nghệ Thực phẩm, trường Đại học Nông lâm TP.Hồ Chí Minh do TS. Phan Tại Huân làm chủ nhiệm. Thành công của đề tài sẽ mở ra một hướng đi mới khi ứng dụng công nghệ này trong việc đa dạng hóa sản phẩm nông nghiệp tạo điều kiện phát triển cây gấc cho một số vùng nông thôn Việt Nam.

TS. Phan Tại Huân cho biết, trích ly bằng phương pháp Carbonic siêu tới hạn là một trong những kĩ thuật trích ly tiên tiến hiện nay trên thế giới đã được thương mại hóa cho các sản phẩm tự nhiên có hoạt tính sinh học cao. Công nghệ này cho phép thu hồi dầu gấc có hàm lượng các chất vi lượng chất cao hơn gấp nhiều lần so với công nghệ truyền thống (ép hoặc trích ly bằng dung môi).Đặc biệt, sản phẩm của đề tài đã tạo ra một chế phẩm dầu gấc giàu các chất chống oxi hóa không chứa dung môi hữu cơ độc hại. Đây không chỉ là một định hướng cho các nhà sản xuất vận dụng công nghệ tiên tiến để nâng cao giá trị nguồn thực phẩm, dược phẩm trong nước mà còn góp phần quảng bá về trái gấc với công nghệ trích ly sạch xanh nhằm thu hút các nhà đầu tư nước ngoài.

“Việc ứng dụng công nghệ này trong công nghiệp với qui mô lớn hơn sẽ mở ra một hướng mới trong việc đa dạng hóa sản phẩm nông nghiệp tạo điều kiện cho phát triển cây gấc cho một số vùng nông thôn Việt Nam”, TS. Huân chia sẻ (Theo tia sáng).

Q. Hoa (Tổng hợp)


Ý kiến của bạn
Tên của bạn : *
E_mail : *
Tiêu đề : *
Nội dung : * (Bạn vui lòng gõ tiếng Việt có dấu)
 
Mã bảo mật :   
   
Các tin khác

   
Xem tin theo ngày
   
 
Xem nhiều nhất

English
Thăm dò ý kiến
Bạn biết website “truyenthongkhoahoc.vn” qua nguồn thông tin nào?
Bạn bè giới thiệu
Qua Google
Qua sách báo, quảng cáo banner