Banner TOP trái 1
Banner TOP phải 3
Hoạt động KH&CN Thứ ba, 26/11/2024 , 09:31 am
Cập nhật : 01/11/2013 , 15:11(GMT +7)
Điểm tin KH&CN từ ngày 26/10-1/11
Công nghệ nano curcumin đã được chuyển giao để sản xuất thực phẩm chức năng CumarGold
Chế tạo thành công Nano Curcumin từ cây nghệ vàng; Sáng chế vào đời: Đã có nến, nhang thơm mà không độc; Hơn 1.000 công nghệ được chào bán tại Techmart Daknong 2013; Lần đầu tiên tổ chức giải thưởng Tạ Quang Bửu vinh danh các nhà khoa học; Công nghệ nano bạc cứu làng tôm;…là những thông tin KH&CN đáng chú ý trong tuần qua.

Chế tạo thành công Nano Curcumin từ cây nghệ vàng

Các nhà khoa học thuộc Viện hàn lâm khoa học Việt Nam đã công bố kết quả chế tạo thành công Nano Curcumin tại Việt Nam từ nguồn Curcumin chiết xuất từ cây nghệ vàng trồng trong nước.

Tại hội thảo “Ứng dụng công nghệ Nano trong y dược học, bước đầu ứng dụng Nano Curcumin trong phòng và trị bệnh” được tổ chức ngày 29- 10, các nhà khoa học thông báo kết quả nghiên cứu về hoạt tính sinh học của Curcumin, việc ứng dụng công nghệ Nano bào chế Curcumin trong thực tiễn lâm sàng phòng và hỗ trợ điểu trị các bệnh mạn tính.

Công nghệ nano tạo nên bước đột phá và cuộc cách mạng trong chẩn đoán và điều trị bệnh. Do các sản phẩm có kích thước nano dễ dàng xâm nhập vào mô, tế bào và dịch cơ thể người. Với các dược chất ít tan, công nghệ nano giúp tăng độ tan, tăng khả năng hấp thu, duy trì nồng độ cao trong máu để tăng hiệu quả điều trị. Đồng thời giảm liều lượng thuốc cho người bệnh, giảm độc tính, đặc biệt với các hoạt chất điều trị ung thư. (Theo Nhân Dân 29/10).

Sáng chế vào đời: Đã có nến, nhang thơm mà không độc

Viện Nghiên cứu và phát triển ngành nghề nông thôn Việt Nam (VIRI) với sự hỗ trợ của chương trình Đối tác đổi mới sáng tạo Việt Nam – Phần Lan (IPP) đã thực hiện thành công tiểu dự án “Sản xuất nến và hương tự nhiên có lợi cho sức khoẻ, cho thị trường nội địa và thương mại bình đẳng”.

Sau thời gian dài nghiên cứu và thử nghiệm, VIRI đã sản xuất thành công 48 loại sản phẩm, gồm: tinh dầu (18 loại), nhang (10 loại), nến (20 loại). Theo đó, nến được sản xuất hoàn toàn bằng nguyên liệu tự nhiên: sáp ong, sáp đậu tương, sợi bấc bằng lanh, tinh dầu… nên cháy lâu, cháy sạch và có mùi thơm tinh dầu quyện với hương mật ong. Nhang tự nhiên sử dụng 100% nguyên liệu từ cỏ cây trong tự nhiên như bời lời, quế, hồi, thảo quả, hương bài… nên không độc, ít khói, ít bụi, mùi thơm đặc biệt. (Theo Sài gòn giải phóng 30/10).

Người phụ nữ Thái chế tạo thành công máy tẽ ngô

Từ thực tế việc tẽ ngô bằng tay tốn quá nhiều công sức Cô Điêu Thị Xiêng xã Nghĩa An (Nghĩa Lộ, Yên Bái) đã tìm tòi, chế tạo thành công chiếc máy tẽ ngô từ ổ bi xe đạp hỏng, gỗ tạp.

Chiếc máy tẽ ngô nặng chỉ khoảng 2kg, mang đi mang lại rất tiện trong khi kinh phí đầu tư chỉ từ 150.000 - 200.000 đ/chiếc. Bình thường một lao động trong 8 giờ liên tục tẽ ngô bằng tay chỉ được khoảng 40-50 kg nhưng nếu dùng chiếc máy này thì tẽ được 300 kg, nhanh gấp 6 lần tẽ ngô bằng tay.

Chưa dừng lại ở đây, cô Xiêng cho biết, thời gian tới cô sẽ nghiên cứu nâng cao mẫu mã sản phẩm, tìm tòi thay thế chất liệu gỗ bằng các nguyên liệu khác, cải tiến để tẽ được nhiều bắp cùng lúc và tính đến làm giá đỡ cho máy để đứng cũng có thể tẽ ngô thay vì chỉ ngồi như hiện nay. (Theo Dân trí 30/10)

Khay đặt bắp được thiết kế đủ diện tích đặt một bắp ngô.

Hơn 1.000 công nghệ được chào bán tại Techmart Daknong 2013

Ngày 30.10, cục Thông tin Khoa học & công nghệ Quốc gia (bộ Khoa học và công nghệ) đã tổ chức họp báo về kế hoạch tổ chức Chợ công nghệ và thiết bị Nam Trung bộ - Tây Nguyên (Techmart Daknong 2013).

Theo đó, Techmart Daknong sẽ diễn ra từ ngày 12 - 15.11.2013 tại thị xã Gia Nghĩa, tỉnh Đắk Nông. Hơn 1.000 công nghệ, thiết bị, sản phẩm của hơn 200 Viện nghiên cứu, doanh nghiệp, trường đại học…sẽ được giới thiệu, chào bán tại Techmart.

Dựa trên điều kiện phát triển kinh tế xã hội đặc trưng vùng Nam Trung bộ - Tây Nguyên, các công nghệ, thiết bị tham gia Techmart chủ yếu tập trung vào các lĩnh vực: cơ khí – chế tạo máy, nông – lâm – thủy sản và chế biến thực phẩm, điện – điện tử - tự động hóa… (Theo Sài gòn tiếp thị 30/10).

Lần đầu tiên tổ chức giải thưởng Tạ Quang Bửu vinh danh các nhà khoa học

Ngày 30/10, Bộ Khoa học - Công nghệ đã họp báo về việc tổ chức xét, tặng giải thưởng Tạ Quang Bửu năm 2013. Đây là lần đầu tiên giải thưởng được tổ chức nhằm khích lệ, tôn vinh các nhà khoa học có những thành tựu nổi bật trong nghiên cứu khoa học cơ bản.

Giải thưởng được trao cho 7 lĩnh vực: Toán học, khoa học máy tính và thông tin, vật lí, hóa học, khoa học trái đất và môi trường, sinh học, khoa học tự nhiên khác. Các cá nhân nộp hồ sơ đăng kí xét giải thưởng gửi về Quỹ phát triển khoa học và công nghệ quốc gia, từ ngày 30/10/2013 đến hết ngày 15/1/2014. (Theo Công an nhân dân 31/10).

Công nghệ nano bạc cứu làng tôm

Trước tình trạng tôm chết hàng loạt tại các vùng nuôi tôm trọng điểm của ĐBSCL, các nhà khoa học thuộc Phòng thí nghiệm công nghệ nano TP.HCM đã đưa ra giải pháp cứu ao tôm bằng công nghệ nano bạc.

Các hộ nuôi tôm từ Cần Giờ đến Bạc Liêu, Sóc Trăng,... đang vật lộn để cứu ao tôm. Trước tình trạng này, các nhà khoa học đã phải đau đầu tìm ra giải pháp để cứu đàn tôm. Theo GS.TS Đặng Mậu Chiến, Giám đốc Phòng thí nghiệm Công nghệ Nano, Đại học quốc gia TP.HCM: “Công nghệ này được xử lý 2 lần/ao tôm, đầu tư khoảng 20-30 triệu đồng. Nếu sử dụng công nghệ này đến hết một vụ tôm thì lợi nhuận thu được khoảng 500-700 triệu đồng”.

Lợi ích kinh tế đã rõ ràng, tuy nhiên, hiện giờ quy mô ứng dụng công nghệ này vẫn còn hạn chế bởi nhiều hộ nông dân còn dè dặt. Nếu không có sự hỗ trợ từ chương trình đổi mới sáng tạo IPP, miễn phí cung cấp vật liệu này ứng dụng cho hộ nông dân nuôi tôm thì không thể nhân rộng sản phẩm ra thị trường. (Theo vtv.vn 31/10).

Tôm chết tại ao nuôi ở xã Vĩnh Phước, huyện Vĩnh Châu, tỉnh Sóc Trăng.

Phục tráng thành công giống lúa Bao thai Chợ Đồn

Ngày 31/10, tại xã Phương Viên, huyện Chợ Đồn (Bắc Kạn), Trung tâm Thực nghiệm Sinh học Nông nghiệp công nghệ cao - Viện di truyền nông nghiệp đã tổ chức nghiệm thu đề tài “Nghiên cứu phục tráng giống lúa Bao thai Chợ Đồn tỉnh Bắc Kạn."

Lúa Bao thai là một giống lúa bản địa mang tính đặc trưng ở huyện Chợ Đồn, tỉnh Bắc Kạn và có nhiều đặc tính quý như cơm ngậy, ngon, vị đậm và chịu đựng tốt với các yếu tố bất thuận ở địa phương.

Tiến sỹ Đỗ Tuấn Khiêm, Giám đốc Sở Khoa học-Công nghệ Bắc Kạn, khẳng định lúa Bao thai, sau khi được phục tráng, sẽ góp phần nâng cao đời sống của nông dân địa phương. Những giá trị văn hóa truyền thống của giống cũng được khôi phục. Nông dân địa phương sẽ có nhận thức tốt hơn về giá trị các nguồn gen địa phương. (Theo vietnamplus 31/10).

Hà Trang (Tổng hợp)


Ý kiến của bạn
Tên của bạn : *
E_mail : *
Tiêu đề : *
Nội dung : * (Bạn vui lòng gõ tiếng Việt có dấu)
 
Mã bảo mật :   
   
Các tin khác

   
Xem tin theo ngày
   
 
Xem nhiều nhất

English
Thăm dò ý kiến
Bạn biết website “truyenthongkhoahoc.vn” qua nguồn thông tin nào?
Bạn bè giới thiệu
Qua Google
Qua sách báo, quảng cáo banner