Banner TOP trái 1
Banner TOP phải 3
Hoạt động KH&CN Thứ hai, 25/11/2024 , 08:24 am
Cập nhật : 02/07/2016 , 01:07(GMT +7)
Điểm tin KH&CN từ ngày 25/6-1/7
Chính phủ họp báo công bố nguyên nhân sự cố môi trường tại 4 tỉnh miền Trung
Các nhà khoa học đã nỗ lực xác định nguyên nhân hải sản chết bất thường ở miền Trung; Huy động lực lượng khoa học Trung ương giải quyết các vấn đề của TP. Hồ Chí Minh; GS Nguyễn Đình Tứ - người sáng lập và phát triển ngành năng lượng nguyên tử Việt Nam;...là những thông tin khoa học và công nghệ (KH&CN) đáng chú ý trong tuần qua.

Các nhà khoa học đã nỗ lực xác định nguyên nhân hải sản chết bất thường ở miền Trung

Ngay sau khi có thông tin và báo cáo về hiện tượng hải sản chết bất thường tại một số tỉnh miền Trung, các đoàn công tác liên ngành đã được thành lập, đi tìm hiểu nguyên nhân. Sau gần ba tháng, các nhà khoa học đã loại trừ nhiều yếu tố và chứng minh hải sản chết do nguồn thải từ khu vực Vũng Áng (Hà Tĩnh).

Hội đồng chuyên gia KH&CN quốc gia được thành lập, huy động hơn 100 trăm nhà khoa học trong nước với những chuyên ngành có liên quan từ 30 đơn vị khác nhau. Mặt khác, Hội đồng cũng đã hợp tác chặt chẽ với các nhà khoa học nước ngoài (Australia, Nhật Bản, Đức, Pháp, Mỹ, Israel) để bổ sung dữ liệu đánh giá, tăng cường độ tin cậy, tính chính xác và tính khách quan.

Qua phân tích trong các mẫu cá chết, thử nghiệm và phân tích các mẫu nước dị thường thu được, phân tích ảnh vệ tinh, cùng kết quả mô phỏng lan truyền ô nhiễm đã chứng minh có một nguồn thải từ khu vực Vũng Áng (Hà Tĩnh), được kết hợp với Hydroxit Sắt, tạo thành một dạng phức sắt dạng keo chứa độc tố như Phenol, Xyanua.

Theo Bộ trưởng KH&CN Chu Ngọc Anh, trong quá trình điều tra nguyên nhân, Việt Nam không mời các tổ chức điều tra độc lập trong nước và nước ngoài. Tuy nhiên, chúng tôi đã mời các nhà khoa học quốc tế đến từ Hoa Kỳ, Pháp, Israel, Đức, Nhật Bản và Australia tham gia cùng chúng tôi trong quá trình thu thập mẫu, phân tích mẫu và xử lý kết quả, biện luận kết quả. Các kết quả phân tích độc chất đều được kiểm chứng giữa các phòng thí nghiệm của Việt Nam và cả quốc tế. (Theo báo Nhân Dân ngày 30/6).

Huy động lực lượng khoa học Trung ương giải quyết các vấn đề của TP. Hồ Chí Minh

Tại buổi làm việc của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc với UBND TP.Hồ Chí Minh mới đây, Bộ trưởng Bộ KH&CN Chu Ngọc Anh cho rằng thành phố đã làm rất tốt việc thực hiện cơ chế, chính sách KH&CN.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc làm việc với UBND TPHCM hôm 27/5

Trong đó đặc biệt là huy động nguồn lực xã hội hóa, áp dụng cơ chế đồng đầu tư đối với các dự án phát triển KH&CN. Tuy nhiên, thành phố cần có thêm các đột phá.

Trên tinh thần các kiến nghị của TP. Hồ Chí Minh, Bộ trưởng Chu Ngọc Anh cho biết, Bộ KH&CN sẽ đồng hành với thành phố để phát triển số doanh nghiệp khởi nghiệp từ đổi mới sáng tạo, tiếp tục tháo gỡ các vướng mắc về cơ chế, chính sách, coi TP. Hồ Chí Minh là nơi thí điểm, sau đó nhân rộng ra cả nước. Bộ trưởng cho rằng thành phố cần huy động tốt hơn nữa lực lượng khoa học trung ương trên địa bàn để giải quyết các vấn đề cụ thể của vùng kinh tế trọng điểm phía nam.

Trong thời gian tới, TP. Hồ Chí Minh sẽ tập trung vào 4 mục tiêu mà Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu ra trong buổi làm việc: Xây dựng thành phố thông minh, năng động, hiện đại; phát huy vai trò trung tâm nguồn lực chất lượng cao; khẳng định vai trò điểm nhấn thu hút đầu tư và khởi nghiệp; hướng tới nền kinh tế thị trường hài hòa, bền vững. (Theo Khám phá ngày 01/7).

GS Nguyễn Đình Tứ - người sáng lập và phát triển ngành năng lượng nguyên tử Việt Nam

Nhắc đến cố GS. Nguyễn Đình Tứ (01/10/1932 – 28/6/1996), người ta thường nghĩ ông là một nhà quản lý, một cán bộ lãnh đạo cao cấp của Đảng (Ủy viên Bộ Chính trị khóa VIII). Nhưng hơn hết, GS. Nguyễn Đình Tứ là một nhà khoa học tài năng, người sáng lập và phát triển ngành năng lượng nguyên tử Việt Nam.

Trong ký ức, tâm tưởng của nhiều nhà khoa học, như các GS. Vũ Đình Cự, Phạm Minh Hạc, Nguyễn Duy Quý, Trần Hữu Phát, Cao Chi… thì GS. Nguyễn Đình Tứ không chỉ là một cán bộ lãnh đạo mẫu mực, mà trước hết, ông là nhà vật lý tài năng, người xây dựng và phát triển ngành năng lượng nguyên tử Việt Nam.

Sau một thời gian chuẩn bị, Chính phủ đã có quyết định thành lập Viện Nghiên cứu hạt nhân do GS. Nguyễn Đình Tứ đề xuất. Đến năm 1986, chuyển thành Viện Năng lượng nguyên tử Quốc gia và năm 1994, đổi tên thành Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam. Tuy bộn bề công việc trong vai trò là Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Khoa giáo Trung ương, nhưng ông vẫn được Thủ tướng Chính phủ giao trách nhiệm làm Viện trưởng, rồi Chủ tịch Hội đồng Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam cho đến khi qua đời. Ngay dự án xây dựng Nhà máy điện hạt nhân mà mấy năm nay chúng ta đang triển khai ở Ninh Thuận cũng là khởi phát từ ý tưởng của GS. Nguyễn Đình Tứ. (Theo Nhân Dân 28/6).

Nông dân Việt sáng chế bơm vô ống phục vụ thủy lợi

Ông Đỗ Văn Trường - Chủ nhân của sáng chế bơm không dùng ống

Sau một thời gian nghiên cứu và thử nghiệm, nông dân hai lúa Đỗ Văn Trường (Ninh Bình) đã sáng chế thành công một chiếc máy bơm với đặc điểm không sử dụng ống, đó là sáng chế bơm vô ống.

Điểm mới làm nên sáng chế này đó chính là tác giả đã lắp đặt phần thân bơm ngay trên ống cống có sẵn của hệ thống thủy nông, tạo nên một hệ thống bơm mà không cần ống.

Một ưu điểm nữa của Bơm vô ống đó là có thể bơm được hai chiều bằng cách đảo pha điện để thay đổi chiều quay của động cơ. Kết cấu này sẽ giúp cung cấp nước tưới tiêu vào mùa khô và xả nước chống ngập úng vào mùa mưa mà không phải xây thêm cửa hút, cửa xả, bể điều tiết nước, góp phần giảm thiểu chi phí lắp đặt.

Qua thực tế sử dụng, bơm vô ống đã chứng minh được tính nằng cũng như hiệu quả vượt trội so với những hệ thống bơm trước đây, với cùng một lượng nước được bơm, lượng điện tiêu hao của bơm vô ống chỉ bằng 1/3 đến ¼ lần so với bơm trục đứng, trong khi đó chi phí lắp đặt chỉ bằng ¼ so với với việc xây lắp một trạm bơm, thoát nước như trước đây. Ngoài ra, Bơm vô ống còn có thể dễ dàng lắp đặt trong hợp tác xã nông nghiệp ở các máng cống lấy nước sẵn có và có thể sửa chữa, thay thế linh kiện đơn giản hơn rất nhiều khi xảy ra sự cố hay hỏng hóc. (Theo Dân trí 29/6).

Phú Thọ nghiên cứu, sản xuất thành công giống cá bỗng quý hiếm

Đề tài "Ứng dụng công nghệ sinh sản nhân tạo và thử nghiệm nuôi thương phẩm cá bỗng tại tỉnh Phú Thọ" do Chi cục Thủy sản Phú Thọ nghiên cứu triển khai thực hiện đã và đang đem lại hiệu quả cao trong việc nhân giống và phát triển loại giống cá này cho người dân nuôi theo hướng thương phẩm.

Thành công bước đầu của đề tài đã góp phần tái tạo nguồn gen quý, cũng như bảo vệ được nguồn lợi cá quý tự nhiên đang có nguy cơ cạn kiệt. 

Sau 2 năm thực hiện mô hình sản xuất giống cá bỗng: Tỷ lệ thành thục đạt trên 50%, tỷ lệ đẻ đạt hơn 73%, tỷ lệ thụ tinh đạt hơn 55%, tỷ lệ nở 62%, tỷ lệ ương từ bột lên hương đạt 51%... 

Ông Thiều Minh Thế, xã Xuân Lộc, huyện Thanh Thủy cho biết, được Chi cục Thủy sản Phú Thọ hỗ trợ 100% con giống (800 con/lồng) và 50% kinh phí làm lồng, hướng dẫn kỹ thuận nuôi ông đã mạnh dạn nuôi thí điểm 1 lồng. Sau 20 tháng nuôi, nuôi cá bỗng khỏe, nhanh lớn, bình quân trọng lượng đạt gần 2kg/con. (Theo vietnamplus.vn ngày 29/6).

Hà Trang (Tổng hợp)



 


Ý kiến của bạn
Tên của bạn : *
E_mail : *
Tiêu đề : *
Nội dung : * (Bạn vui lòng gõ tiếng Việt có dấu)
 
Mã bảo mật :   
   
Các tin khác

   
Xem tin theo ngày
   
 
Xem nhiều nhất

English
Thăm dò ý kiến
Bạn biết website “truyenthongkhoahoc.vn” qua nguồn thông tin nào?
Bạn bè giới thiệu
Qua Google
Qua sách báo, quảng cáo banner