Banner TOP trái 1
Banner TOP phải 3
Hoạt động KH&CN Thứ ba, 26/11/2024 , 12:52 am
Cập nhật : 26/09/2014 , 21:09(GMT +7)
Điểm tin KH&CN từ ngày 20-26/9
Thành lập Học viện Khoa học và Công nghệ; Thu hút chuyên gia nước ngoài hoạt động tại Việt Nam; Thành công ngay lần đầu tiên kẹp sửa van tim qua da; Sinh viên Đà Nẵng “Chống động đất”,… là những thông tin KH&CN đáng chú ý trong tuần qua.

Thành lập Học viện Khoa học và Công nghệ

Thủ tướng Chính phủ vừa có quyết định thành lập Học viện Khoa học và Công nghệ, trực thuộc Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam, có trụ sở chính tại Hà Nội.

Đây là cơ sở giáo dục công lập, có tư cách pháp nhân, con dấu và tài khoản riêng; có chức năng, nhiệm vụ đào tạo thạc sỹ, tiến sỹ chuyên ngành về khoa học tự nhiên và công nghệ; nghiên cứu khoa học và thực hiện các đề án phát triển nguồn nhân lực.

Dự kiến quy mô tuyển sinh đào tạo của học viện năm 2015 là 150 thạc sĩ, 150 tiến sĩ; năm 2016 là 300 thạc sĩ, 300 tiến sĩ. (Theo Tiền phong, 22/9)

Thu hút chuyên gia nước ngoài hoạt động tại Việt Nam

Chính phủ vừa ban hành Nghị định quy định về thu hút cá nhân hoạt động khoa học và công nghệ là người Việt Nam ở nước ngoài và chuyên gia nước ngoài tham gia hoạt động khoa học và công nghệ tại Việt Nam.

Nghị định có hiệu lực thi hành từ ngày 10/11/2014. Theo đó, người Việt Nam ở nước ngoài và chuyên gia nước ngoài tham gia hoạt động khoa học và công nghệ tại Việt Nam được hưởng chính sách quy định tại Nghị định này nếu đáp ứng một trong các điều kiện: Có sáng chế hoặc giống cây trồng được đăng ký quyền sở hữu trí tuệ phù hợp với nhiệm vụ khoa học và công nghệ thực hiện tại Việt Nam; có công trình nghiên cứu khoa học và công nghệ xuất sắc phù hợp với nhiệm vụ khoa học và công nghệ thực hiện tại Việt Nam; có bằng tiến sỹ, đã và đang giảng dạy, nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ tại cơ sở nghiên cứu có uy tín ở nước ngoài trong lĩnh vực chuyên môn phù hợp với nhiệm vụ khoa học và công nghệ tại Việt Nam; có bằng tiến sỹ, đã làm việc trên 3 năm ở vị trí nghiên cứu khoa học tại chương trình, dự án hợp tác quốc tế về khoa học và công nghệ hoặc bộ phận nghiên cứu của doanh nghiệp có uy tín ở nước ngoài. (Theo ven.vn, 25/9)

Sẽ có nhiều chính sách ưu đãi dành cho các chuyên gia khoa học công nghệ nước ngoài tham gia làm việc tại Việt Nam. Ảnh minh họa, nguồn TTXVN.

Việt Nam thử nghiệm thành công tàu lặn biển tự chế tạo

Ngày 21/9, tàu lặn Hòa Bình - tàu lặn loại nhỏ lần đầu tiên nghiên cứu, chế tạo tại Việt Nam đã được đưa vào thử nghiệm thành công tại Nhà máy đóng tàu Cam Ranh, Khánh Hòa. Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Nguyễn Quân tham gia buổi thử nghiệm.

Tàu lặn Hòa Bình là kết quả của dự án sản xuất thử nghiệm độc lập cấp Nhà nước Hoàn thiện thiết kế công nghệ và chế tạo tàu lặn cỡ nhỏ do Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) giao Công ty cổ phần Đầu tư và Phát triển công nghệ cao Vinashin triển khai từ năm 2010 với tổng kinh phí theo báo cáo khoảng 25,576 tỷ đồng trong đó ngân sách nhà nước hỗ trợ 2,368 tỷ đồng. Đây là Dự án sản xuất thử nghiệm cấp Nhà nước có hàm lượng khoa học cao và khả năng mở ra một triển vọng mới về việc đóng các loại tàu lặn phục vụ nghiên cứu nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Sự kiện này đánh dấu lần đầu tiên tại Việt Nam, Công ty Cổ phần Đầu tư và phát triển công nghệ cao Vinashin đã làm chủ quy trình thiết kế tầu lặn đạt tiêu chuẩn quốc tế được cơ quan đăng kiểm nước ngoài công nhận ổn định phù hợp với điều kiện Việt Nam và quốc tế; làm chủ các quy trình chế tạo, lắp ráp phù hợp với điều kiện Việt Nam. (Theo Đại biểu nhân dân, 21/9)

Việt Nam giành giải thưởng “Thành tựu xuất sắc” về đột biến tạo giống của IAEA

Ngày 24/9/2014, Việt Nam đã giành được 3 giải thưởng trong đó có một giải thưởng về “Thành tựu xuất sắc” về đột biến tạo giống trong tổng số 23 giải thưởng được IAEA trao đợt này cho các nước thành viên.

Các giải thưởng được trao lần này đã phải trải qua một quá trình xét duyệt rất chặt chẽ với các tiêu chí định lượng cụ thể về các kết quả đã đạt được trong lĩnh vực đột biến tạo giống bằng bức xạ. Thông qua Bộ KH&CN, Việt Nam đã gửi 3 hồ sơ đăng ký xét tặng giải thưởng và cả 3 hồ sơ đều được IAEA chấp nhận trao giải thưởng trong đó có một giải thưởng thành tựu xuất sắc.

Việt Nam được IAEA đánh giá là nước đứng hàng thứ 8 trên thế giới trong lĩnh vực nghiên cứu về đột biến tạo giống. Hiện nay hàng năm Việt Nam sản xuất 43 triệu tấn lúa, xuất khẩu 6 triệu tấn mang về trên 3 tỷ USD. Sản xuất lúa không chỉ đem lại an ninh lương thực cho Việt Nam mà còn giúp cho người nông dân tăng thu nhập, giảm đói nghèo trong thời gian qua. Các giống lúa đột biến hiện được gieo trồng trên 3,5 triệu ha và đã làm tăng thu nhập cho người nông dân trên hàng trăm triệu USD mỗi năm. (Theo khoahocphothong, 26/9)

Lần đầu tiên Việt Nam can thiệp kẹp sửa van tim qua da thành công

Ngày 21/09/2014, tại Viện Tim Mạch Quốc Gia Việt Nam – Bệnh viện Bạch Mai đã tiến hành can thiệp “Mitral clip” - kẹp sửa van hai lá (một trong bốn van tim) thành công để sửa chữa làm giảm mức độ hở van mà không cần phải tiến hành phẫu thuật mở tim.

Sau 6 tháng chuẩn bị, buổi can thiệp kẹp sửa van tim qua da tại Viện Tim mạch quốc gia Việt Nam với sự tham gia của các chuyên gia hàng đầu Việt Nam và Singapore đã thành công tốt đẹp.

Đây là một kỹ thuật phức tạp được phát triển đầu tiên bởi hãng Abbott – Mỹ và hiện đang được sử dụng rộng rãi trên thế giới. Kỹ thuật này đòi hỏi sự kết hợp của đơn vị can thiệp tim mạch để lái dụng cụ kẹp van dưới sự hướng dẫn của kỹ thuật siêu âm tim qua thực quản sử dụng đầu dò 3D – dựng hình buồng tim trong không gian. Việc tránh cho bệnh nhân phải chịu một cuộc phẫu thuật mở tim cũng giúp cho quá trình phục hồi của bệnh nhân được nhanh hơn và rõ ràng hơn. Kết quả là tình trạng hở van hai lá của bệnh nhân đã được giảm đáng kể.

Thành công bước đầu này hứa hẹn sẽ mang lại cho bệnh nhân thêm nhiều lợi ích hơn nữa nhờ sự tiến bộ của khoa học kỹ thuật được ứng dụng trong Y học. Hi vọng trong tương lai gần, kỹ thuật này sẽ được ứng dụng rộng rãi hơn nữa tại Việt Nam. (Theo Sức khỏe và Đời sống, 22/9)

Hợp tác về khoa học, công nghệ và hạt nhân

Tập đoàn General Electric (GE) và trường Đại học Bách Khoa Hà Nội (ĐHBKHN) vừa ký kết biên bản ghi nhớ về hợp tác song phương nhằm thúc đẩy các cơ hội đào tạo và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao trong các lĩnh vực khoa học và công nghệ. GE Hitachi Nuclear Energy (GEH) cũng ký Biên bản Ghi nhớ phụ với ĐHBKHN, hợp tác trong lĩnh vực kỹ thuật và công nghệ hạt nhân.

Biên bản ghi nhớ hợp tác giữa GE và trường ĐHBKHN nhằm tăng cường các chương trình đào tạo cho sinh viên và cơ hội việc làm cho sinh viên ra trường thông qua các chương trình thực tập tại GE, các khóa đào tạo thực hành, và các chương trình Đào Tạo Quản Lý của GE trong các lĩnh vực thiết bị y tế, kỹ thuật hạt nhân, hàng không và năng lượng. Trong khuôn khổ hợp tác, GE và trường ĐHBKHN cũng sẽ cùng nhau nghiên cứu và phát triển công nghệ mới trong các lĩnh vực thiết bị y tế, hàng không, vận tải và năng lượng.

Trong khi đó, biên bản ghi nhớ hợp tác phụ do GE Hitachi, nhà cung cấp lò phản ứng hạt nhân tiên tiến và dịch vụ hạt nhân hàng đầu thế giới, ký với ĐHBKHN hướng đến các khoa Cơ khí, Điện và Kỹ thuật Hạt nhân. Biên bản phụ này mang lại cơ hội thực tập, làm việc cho các sinh viên đại học và sau đại học tại các cơ sở của GE Hitachi tại Mỹ nhằm giúp họ làm quen với công nghệ hạt nhân cũng như các công việc liên quan tới thương mại, các khái niệm thương mại nói chung, giúp sinh viên phát triển nghề nghiệp. Hai bên cũng nhất trí tổ chức các buổi giảng bài và hội thảo kỹ thuật về công nghệ phản ứng hạt nhân nước sôi và một số vấn đề khác. (Theo Hà nội mới, 23/9)

Sinh viên Đà Nẵng “Chống động đất”

Đại diện cho Việt Nam, bốn sinh viên Hà Anh Tuấn, Đặng Quốc Đạo, Lưu Anh Tín, Hồ Thu Thanh Thư đến từ trường Đại học Duy tân (Đà Nẵng) đã xuất sắc giành được giải Nhất Cuộc thi “Thiết kế mô hình nhà chống động đất” diễn ra trong hai ngày 20 và 21-9 tại Đài Loan (Trung Quốc).

Cuộc thi do Trung tâm Quốc gia về nghiên cứu động đất Đài Loan (Trung Quốc), Trung tâm Khoa học và Công nghệ Quốc gia về giảm thiểu thiệt hại và Mạng lưới các Trung tâm Nghiên cứu Động đất châu Á – Thái Bình Dương tổ chức. Cuộc thi năm nay thu hút sự tham gia của 101 đội, trong đó có 42 đội ở khối Trung học, 16 đội ở khối Sau Đại học và 43 đội khối Đại học đến từ 10 nước trong khu vực châu Á – Thái Bình Dương.

Mô hình nhà chống động đất của các bạn thiết kế bảy tầng với tám trụ. Trong đó bốn trụ thép chính hình chữ V nhằm giảm khối lượng vật liệu nhưng vẫn bảo đảm chống xoắn khi có động đất. Sàn nhà thiết kế hình thoi giữ ổn định tổng thể mô hình. Và khi xây dựng nhà, phần nền sẽ được tăng cường vật liệu ở móng, trụ; sau đó càng xây lên cao, lượng vật liệu sẽ càng giảm. “Khi thiết kế như vậy, ngôi nhà của chúng mình không chỉ nhẹ mà còn chịu được lực 60 lần so với trọng lượng ngôi nhà bình thường. Và chịu được động đất ở 9 độ richte” – Hà Tuấn Anh chia sẻ. (Theo Nhân dân, 23/9).

Diệu Huyền (Tổng hợp)



 

 


Ý kiến của bạn
Tên của bạn : *
E_mail : *
Tiêu đề : *
Nội dung : * (Bạn vui lòng gõ tiếng Việt có dấu)
 
Mã bảo mật :   
   
Các tin khác

   
Xem tin theo ngày
   
 
Xem nhiều nhất

English
Thăm dò ý kiến
Bạn biết website “truyenthongkhoahoc.vn” qua nguồn thông tin nào?
Bạn bè giới thiệu
Qua Google
Qua sách báo, quảng cáo banner