Banner TOP trái 1
Banner TOP phải 3
Hoạt động KH&CN Thứ ba, 26/11/2024 , 06:40 pm
Cập nhật : 22/03/2013 , 12:03(GMT +7)
Điểm tin KH&CN từ ngày 18-23/3
Nhà máy điện nguyên tử Volgodonsk. (Nguồn: westron.kharkov.ru)
Khánh thành phòng thí nghiệm trọng điểm điện cao áp; Chuyên gia nguyên tử Việt Nam tới Nga thực tập; 3 giống lúa lai được đưa vào sản xuất; Thủ tướng yêu cầu xây nhanh nhà máy alumin Nhân Cơ...là những thông tin đáng chú ý tuần qua.

Chuyên gia nguyên tử Việt Nam tới Nga thực tập

50 chuyên gia nguyên tử đầu tiên của Việt Nam ngày 19/3 tới nhà máy điện nguyên tử Volgodonsk, tỉnh Saratov nước Nga thực tập và nâng cao trình độ nghiệp vụ.

Nhà máy Volgodonsk có hai tổ máy thứ nhất và thứ hai đi vào hoạt động các năm 2001 và 2009, đồng thời nhà máy đang xây dựng hai tổ máy thứ ba và thứ tư với công suất mỗi tổ máy 1.000 MW, kinh phí đầu tư 10 tỷ USD.

Nhà máy này sẽ nhận gần 900 công nhân xây dựng và kỹ sư Việt Nam tới thực tập và nâng cao trình độ nghiệp vụ trong ba năm (2013-2015), theo hiệp định ký năm 2012 giữa công ty Atomenergoproekt của Nga và Tổng công ty Sông Đà của Việt Nam.

Thời gian để các kỹ sư và công nhân Việt Nam thực tập và nâng cao trình độ nghiệp vụ tại nhà máy Volgodonsk là hơn một năm rưỡi. Trong tương lai, họ sẽ về phục vụ tại nhà máy điện nguyên tử đầu tiên của Việt Nam dự kiến được xây dựng tại tỉnh Ninh Thuận với sự giúp đỡ của Nga. (Theo VietNam Plus)

Thủ tướng yêu cầu xây nhanh nhà máy alumin Nhân Cơ

Văn phòng Chính phủ vừa có thông báo kết luận của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tại buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh Dăk Nông.

Theo đó, liên quan đến dự án xây dựng nhà máy alumin Nhân Cơ tại Dăk Nông, Thủ tướng đã giao: “Bộ Công thương chỉ đạo tập đoàn Công nghiệp than – khoáng sản Việt Nam và các cơ quan liên quan có biện pháp khắc phục, tháo gỡ vướng mắc để đẩy nhanh tiến độ hoàn thành dự án theo kế hoạch”.

Về chính sách ưu đãi đặc thù cho dự án điện phân nhôm, Thủ tướng đã đồng ý về nguyên tắc cho dự án này được áp dụng mức ưu đãi cao nhất theo quy định hiện hành; giao bộ Kế hoạch và đầu tư chủ trì, phối hợp với bộ Tài chính, bộ Công thương đề xuất, báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.

Theo kế hoạch, nhà máy Alumin Nhân cơ sẽ vận hành vào cuối năm 2012 nhưng đến nay công trình chỉ mới hoàn thành được 45%. Ban quản lý dự án Alumin Nhân cơ cho biết phải đến hết quý I-2014 nhà máy mới bắt đầu chạy thử. (Theo Tuổi trẻ, SGTT, Đất Việt)

Học sinh TPHCM thắng lớn tại cuộc thi khoa học kỹ thuật cấp quốc gia

Chiều 21/3, cuộc thi Khoa học kỹ thuật cấp quốc gia dành cho học sinh trung học năm 2013 khu vực phía Nam đã khép lại. Đoàn TPHCM giành chiến thắng “áp đảo” ở những vị trí đầu.

Cuộc thi Khoa học kỹ thuật cấp quốc gia dành cho học sinh trung học năm 2013 khu vực phía Nam do Bộ GD-ĐT tổ chức đã thu hút gần 200 giáo viên, học sinh đến từ 11 tỉnh, thành phía Nam với 47 dự án nghiên cứu khoa học thuộc các lĩnh vực tự nhiên, nhân văn, xã hội, kỹ thuật, môi trường... Các học sinh tham dự cuộc thi đã kết hợp được kiến thức đã học với niềm đam mê sáng tạo, nghiên cứu để tạo nên những đề tài mang tính ứng dụng cao, gắn với cuộc sống.

Được biết, trong tháng 3 này Cuộc thi Khoa học kỹ thuật cấp quốc gia dành cho học sinh trung học năm 2013 sẽ tiếp tục diễn ra ở khu vực miền Trung - Tây Nguyên và khu vực miền Bắc. (Theo Dân trí, Sài gòn giải phóng…)

3 giống lúa lai được đưa vào sản xuất

Cục Trồng trọt (Bộ NN-PTNT) vừa công nhận 3 giống lúa được đưa vào sản xuất. Trong đó, giống lúa lai 3 dòng Hương Ưu 3068 (MB8) là giống lúa lai tạo trong nước đầu tiên được công nhận có thể trồng ở cả 3 miền Bắc, Trung, Nam với năng suất 7,5 - 8 tấn/ha, hạt dài, ngon cơm, kháng được một số bệnh như đạo ôn, bạc lá, rầy nâu (nhược điểm cơ bản của lúa lai), chịu hạn và phù hợp cho cả 3 vụ xuân, hè thu, mùa.

Riêng giống lúa lai 2 dòng TH7-2 công nhận cho vụ xuân muộn và hè sớm các tỉnh phía Bắc; và giống lúa thuần MĐ1 cho các tỉnh trung du miền núi phía Bắc vụ xuân và mùa sớm.

Trước đó, Công ty TNHH TM Hạt giống lai Mahyco (Ấn Độ) đã mua lại bản quyền tổ hợp lúa lai của PGS-TS Nguyễn Thị Trâm với giá 4,2 tỷ đồng, mở ra hướng xuất khẩu giống lúa lai do Việt Nam lai tạo ra nước ngoài (Theo Báo Sài gòn giải phóng)

Phát hiện loài sa giông cá sấu mới ở Việt Nam

Các nhà khoa học Nhật và Việt Nam vừa phát hiện loài “sa giông cá sấu” mới tại môi trường sống hạn hẹp ở tỉnh Hà Giang và Cao Bằng, Việt Nam.

Sau khi phối hợp nghiên cứu và phân tích mẫu, các chuyên gia lưỡng cư Kanto Nishikawa (ĐH Kyoto, Nhật) và Nguyễn Thiên Tạo (Bảo tàng Thiên nhiên Việt Nam) xác định đây là một loài sa giông mới.

Nó được đặt tên khoa học là Tylototriton ziegleri nhằm vinh danh nhà khoa học Thomas Ziegler (làm việc tại Sở thú Cologne, Đức) - người có nhiều đóng góp trong việc nghiên cứu các loài bò sát và lưỡng cư tại Việt Nam. Con đực có chiều dài cơ thể khoảng 5,4-6,8cm, trong khi con cái đo được tới 7,1cm.(Theo Khám phá)

Giải thưởng sáng tạo KHCN Việt Nam 2012

Quỹ Hỗ trợ sáng tạo Kỹ thuật Việt Nam (VIFOTEC) vừa công bố Giải thưởng sáng tạo KHCN Việt Nam 2012 (trước đây là Giải thưởng KHCN VIFOTEC) dành cho 41 công trình, với tổng giá trị giải thưởng gần 900 triệu đồng.
Trong số 41 giải có năm giải nhất (40 triệu đồng), tám giải nhì (25 triệu đồng), 12 giải ba (20 triệu đồng), và 16 giải khuyến khích (15 triệu đồng).

Giải thưởng tập trung vào sáu lĩnh vực ưu tiên của nhà nước, trong đó lĩnh vực cơ khí- tự động hóa có 10 giải; lĩnh vực công nghệ vật liệu – 10 giải; lĩnh vực sinh học phục vụ sản xuất và đời sống – 8 giải; lĩnh vực công nghệ thông tin, điện tử, viễn thông - 6 giải; lĩnh vực công nghệ bảo vệ môi trường và sử dụng hợp lý tài nguyên – 5 giải.

Lễ trao giải sẽ diễn ra vào sáng 23/3 tại Hà Nội và được truyền hình trực tiếp trên kênh VTV2. (Theo Thanh Niên, Tuổi trẻ, Đất Việt, VnExpress, Dân trí…)

Đầu tư 500 tỷ đồng xây Viện Công nghệ cao HUTECH

Ngày 20/3, Ban Quản lý Khu Công nghệ cao TP Hồ Chí Minh đã trao Giấy chứng nhận đầu tư cho dự án Viện Công nghệ cao HUTECH thuộc Trường ĐH Kỹ thuật Công nghệ TP Hồ Chí Minh (HUTECH).

Dự án được xây dựng trong khu không gian khoa học thuộc Khu công nghệ cao (CNC) TP Hồ Chí Minh với tổng diện tích 42.600 m2 và vốn đầu tư 500 tỷ đồng, được triển khai làm 3 giai đoạn và thực hiện trong 5 năm.

Theo PGS, TS Khoa học Hồ Đắc Lộc, Hiệu trưởng Trường Đại học HUTECH, việc triển khai dự án sẽ tạo điều kiện giúp HUTECH thực hiện mục tiêu nghiên cứu và triển khai ứng dụng CNC trong các lĩnh vực công nghệ thông tin, công nghệ sinh học, công nghệ tự động hóa và trong tương lai hướng đến công nghệ năng lượng mới, năng lượng tái tạo; sản xuất thử nghiệm các sản phẩm là kết quả nghiên cứu; tư vấn chuyển giao kết quả nghiên cứu, thông tin khoa học và công nghệ, huấn luyện, bồi dưỡng chuyên môn các lĩnh vực công nghệ thông tin, công nghệ sinh học, công nghệ tự động hóa... (Theo chinhphu.vn, Tuổi trẻ, Sài gòn giải phóng, Thanh Niên….)

Thành lập Hội Công nghệ Vi mạch Bán dẫn TP.HCM

Với tên giao dịch quốc tế là “Ho Chi Minh Semiconductor Industry Association”, viết tắt là HSIA, Hội Công nghệ Vi mạch Bán dẫn TP.HCM nhiệm kỳ 2013-2018 đã chính thức được thành lập vào ngày 15/3.

Theo điều lệ thành lập, Hội Công nghệ Vi mạch Bán dẫn TP.HCM ra đời nhằm góp phần đẩy mạnh nghiên cứu, phổ biến, trao đổi kinh nghiệm và ứng dụng nhằm nâng cao trình độ nghiệp vụ chuyên môn, phát hiện, giúp đỡ, bồi dưỡng những người có năng khiếu trong lĩnh vực vi mạch bán dẫn. Sự ra đời của Hội thúc đẩy phát triển sản xuất vi mạch bán dẫn, ứng dụng thành tựu vi mạch  bán dẫn vào công cuộc xây dựng và phát triển của TP.HCM nói riêng và cả nước nói chung.

Trong dịp này Hội Công nghệ Vi mạch bán dẫn TP.HCM đã ký kết biên bản ghi nhớ hợp tác với  Hội Công nghệ Vi mạch Bán dẫn Nhật Bản và Singapore. (Theo Thanh Niên)

Bùn đỏ sẽ sản xuất được sắt, thép

Kết quả nghiên cứu bước đầu của Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam cho thấy từ bùn đỏ có thể sản xuất được sắt xốp, gang, thép, vật liệu ứng dụng trong xử lý môi trường, sản xuất vật liệu không nung…

Được biết, từ năm 2012, đơn vị nghiên cứu đã tiến hành thử nghiệm quy mô công nghiệp 1-10 tấn/mẻ. Kết quả, hiệu suất thu hồi sắt trung bình đạt trên 70%, xỉ lò có đủ tiêu chuẩn sản xuất clinker và vật liệu xây dựng không nung. Quá trình này còn tách được một lượng hóa chất xút. Tại mẻ thử nghiệm tiến hành tháng 5/2012, 10 tấn bùn đỏ có hiệu suất thu hồi sắt 71%, tạo ra 2,539 tấn thép có cường độ chịu lực cao… Sau khi tính toán, đơn vị đề xuất sản xuất sắt xốp (hàm lượng sắt 89 - 96%). Đây cũng là sản phẩm nguyên liệu đầu vào có nhu cầu cao trên thị trường sản xuất sắt, thép…(Theo Báo Công Thương, Kiến thức, Khám Phá, Quân đội nhân dân, Đại biểu nhân dân…)

Khánh thành phòng thí nghiệm trọng điểm điện cao áp

Mới đây, Viện Năng lượng (Bộ Công Thương) đã khánh thành Phòng thí nghiệm trọng điểm điện cao áp (HVLAB), tại Đông Anh, Hà Nội, có chức năng thử nghiệm và tư vấn trong lĩnh vực kỹ thuật điện cao áp, nghiên cứu giải pháp chống sét cho các công trình công nghiệp dân dụng.

Đây là 1 trong 16 phòng thí nghiệm điện trọng điểm của cả nước được đầu tư xây dựng với mục tiêu ứng dụng thành tựu khoa học, tiến bộ kỹ thuật vào đời sống.

Hiện hệ thống phòng thí nghiệm đã đi vào hoạt động, phục vụ tốt cho công tác vận hành thí nghiệm điện từ cấp điện áp 40 - 3.600 kV. Đây có thể coi là một Trung tâm nghiên cứu khoa học tầm cỡ quốc gia về điện cao áp, chuẩn đoán kỹ thuật thiết bị điện, các hiệu ứng điện trường cao và công nghệ vật liệu kỹ thuật điện. (Theo Chính phủ.vn, Báo Khám phá…)

Q. Hoa (Tổng hợp)


Ý kiến của bạn
Tên của bạn : *
E_mail : *
Tiêu đề : *
Nội dung : * (Bạn vui lòng gõ tiếng Việt có dấu)
 
Mã bảo mật :   
   
Các tin khác

   
Xem tin theo ngày
   
 
Xem nhiều nhất

English
Thăm dò ý kiến
Bạn biết website “truyenthongkhoahoc.vn” qua nguồn thông tin nào?
Bạn bè giới thiệu
Qua Google
Qua sách báo, quảng cáo banner