Banner TOP trái 1
Banner TOP phải 3
Hoạt động KH&CN Thứ ba, 26/11/2024 , 01:35 am
Cập nhật : 22/06/2014 , 15:06(GMT +7)
Điểm tin KH&CN từ ngày 14-20/6
Một góc lò phản ứng hạt nhân Đà Lạt. (Ảnh: Đặng Tuấn/TTXVN)
Thỏa thuận hạt nhân với Việt Nam sẽ tạo 50.000 việc làm cho Mỹ; Khai trương Trung tâm Thực hành khoa học Robot; Hội nghị Khoa học Quốc gia lần thứ VII - Nghiên cứu cơ bản và ứng dụng công nghệ thông tin;… là những thông tin KH&CN đáng chú ý trong tuần qua.

Thỏa thuận hạt nhân với Việt Nam sẽ tạo 50.000 việc làm cho Mỹ

Viện Năng lượng Hạt nhân (Nuclear Energy Institute-NEI) và các công ty năng lượng hạt nhân của Mỹ đã đồng thanh hối thúc Quốc hội nước này sớm phê chuẩn thỏa thuận hợp tác hạt nhân với Việt Nam, cho rằng tăng cường hợp tác với Việt Nam sẽ góp phần đẩy mạnh xuất khẩu và tạo thêm việc làm cho người dân Mỹ.

Theo đánh giá của Bộ Thương mại Mỹ, Hiệp định hợp tác hạt nhân 123 mà chính quyền Tổng thống Barack Obama đã ký với Việt Nam sẽ mở cửa thị trường Việt Nam cho các công ty của Mỹ, mang lại cho lĩnh vực xuất khẩu hạt nhân của Mỹ từ 10-20 tỷ USD, đồng thời tạo ra hơn 50.000 việc làm mới cho người lao động Mỹ với mức lương cao.

Quốc hội Mỹ có 90 ngày để xem xét và phê chuẩn thỏa thuận này. Nếu được Quốc hội thông qua và có hiệu lực, Hiệp định 123 sẽ tạo khuôn khổ pháp lý để các công ty của Mỹ tham gia hợp tác hạt nhân dân sự với Việt Nam theo các điều khoản không phổ biến vũ khí hạt nhân đã được hai bên nhất trí. (Theo vietnamplus.vn 20/6).

Khai trương Trung tâm Thực hành khoa học Robot

Ngày 19-6, tại Đà Nẵng, Trung tâm Thực hành khoa học Robot đã được khai trương và Khai giảng khóa học đầu tiên dành cho các học sinh tiểu học trên địa bàn TP Đà Nẵng.

Khóa học đầu tiên tại Đà Nẵng sẽ kéo dài trong ba tháng với chủ đề “Quản lý rác thải đô thị”. Chủ đề này sẽ giúp học sinh có cái nhìn về tác hại của rác thải, xây dựng ý thức của mình với rác và cách xử lý rác trong môi trường.

Các em học sinh sẽ được học về ba phần: Lý thuyết về kỹ thuật và khoa học máy tính cơ bản; Phần thực hành, lắp ráp giúp học sinh thành thạo với các thiết bị ngoại vi của máy tính, các công cụ văn phòng chuyên dụng; Phần lập trình thông minh trên máy tính. Khóa học sẽ kích thích óc sáng tạo, kỹ năng làm việc nhóm, tư duy hệ thống của các em. (Theo Nhân Dân 19/6).

Hội nghị Khoa học Quốc gia lần thứ VII - Nghiên cứu cơ bản và ứng dụng công nghệ thông tin

Trong hai ngày 19 và 20/6, tại Trường Đại học Công nghệ thông tin và Truyền thông - Đại học Thái Nguyên, Liên hiệp các hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam phối hợp với Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Khoa học và Công nghệ tổ chức Hội nghị Khoa học Quốc gia lần thứ VII - Nghiên cứu cơ bản và ứng dụng công nghệ thông tin (gọi tắt là FAIR - Fundamental and Applied IT Research).

Hội nghị đã nhận được hơn 230 báo cáo khoa học của các nhà chuyên môn tập trung nghiên cứu về một số lĩnh vực như: công nghệ mạng và truyền thông; xử lý ngôn ngữ tự nhiên và tiếng nói; công nghệ phần mềm; tính toán khoa học;… 

Hội nghị FAIR được tổ chức nhằm tạo cơ hội để các nhà khoa học trong lĩnh vực công nghệ thông tin và các lĩnh vực liên quan trên mọi miền đất nước hội tụ về đây để công bố các kết quả nghiên cứu mới nhất đã triển khai, ứng dụng trong thực tiễn cũng như các vấn đề cần nghiên cứu và giải quyết trong tương lai… (Theo Đại biểu nhân dân 19/6).

Toàn cảnh Hội nghị Khoa học Quốc gia lần thứ VII

Trao 26 giải thưởng Sáng tạo trẻ thành phố 

Chiều 14-6, tại Nhà Văn hóa Thanh niên đã diễn ra lễ tổng kết, trao giải cuộc thi Sáng tạo Thanh thiếu nhi lần thứ IX năm 2014 và Hội thi Tin học trẻ TPHCM lần thứ XXIII năm 2014.

Cuộc thi đã tiếp nhận 210 sản phẩm, mô hình của các thí sinh trực thuộc 21 quận, huyện đoàn dự vòng thi cấp thành phố. Ban tổ chức đã tuyển chọn và trao giải cho tác giả của 26 sản phẩm sáng tạo xuất sắc nhất. Trong đó, có thể kể đến như Hệ thống bảo tàng tương tác thông minh, Ứng dụng bãi giữ xe thông minh trên di động, Phần mềm Game City Driver, Xe robot điều khiển bằng ứng dụng trên Android… (Theo Sài gòn giải phóng 15/6).

Hà Nội nghiên cứu thành công giống lúa mới năng suất cao

Trung tâm Phát triển cây trồng Hà Nội cho biết đã nghiên cứu thành công giống lúa mới vụ Xuân 2014, kết quả thu hoạch lúa vụ Xuân đạt hiệu quả rất rõ rệt về chống đổ, khả năng chịu rét, chống nhiễm bệnh và năng suất đạt cao hơn giống lúa truyền thống từ 5-10 tạ/ha.

Qua đó, có kết quả chính xác trước khi đưa các giống lúa mới này ra sản xuất thử nghiệm trên diện rộng, đồng thời tiếp tục cho sản xuất thử nghiệm giống QR2 ở vụ mùa để có kết luận chính xác trước khi đưa vào cơ cấu giống lúa của Hà Nội, đưa giống Bắc thơm số 7 kháng bạc lá vào cơ cấu giống sản xuất lúa hàng hóa chất lượng cao năm 2014 để giảm bớt giống Bắc thơm số 7 hiện nay do dễ bị nhiễm bệnh bạc lá nhất là trong vụ mùa. (Theo Chính phủ 18/6).

Gỡ nỗi lo lò sấy

Lò sấy lúa cải tiến không trở mẻ của DN tư nhân Năm Nhã (An Giang) đã được nông dân và DN chế biến lúa gạo tin tưởng đầu tư lắp đặt ngày càng nhiều để phục vụ SX cánh đồng lớn.

Từ năm 2004 đến cuối năm 2013 DNTN Năm Nhã (An Giang) đã sản xuất được trên 2.000 lò sấy lớn nhỏ, giá bán ra từ 80 - 250 triệu đồng/lò. Trong đó, có gần 60 lò xuất sang Campuchia và 20 lò sấy nổi lưu động, đảm bảo độ bền từ 7 - 8 năm.

Ông Trương Văn Chính ở huyện Cái Bè (Tiền Giang) là chủ một DN chế biến gạo xuất khẩu thành đạt nhờ sử dụng 12 lò sấy cải tiến của DN Năm Nhã với công suất lớn, trung bình mỗi ngày sấy 500 tấn lúa.Ông Chính cho biết “Ưu điểm nổi bật của lò sấy Năm Nhã là lúa sấy không cần trở mẻ mà hạt vẫn đạt ẩm độ cần thiết, không gãy gạo, tỉ lệ tấm và gạo đạt tiêu chuẩn xuất khẩu. Riêng về lúa giống sau khi sấy có thể bảo quản trên 12 tháng”. (Theo Báo Nông nghiệp 19/6). 

Trình diễn lò sấy lúa Năm Nhã

Phòng thí nghiệm siêu cao tần đầu tiên

Ngày 19-6 trường ĐH Quốc tế, ĐHQG TP HCM cho biết trường đã xây dựng phòng thí nghiệm (PTN) siêu cao tần nhằm đào tạo và nghiên cứu lĩnh vực công nghệ cao về kỹ thuật siêu cao tần và vi mạch siêu cao tần đáp ứng sự phát triển về công nghệ không dây.

Được biết đây là PTN siêu cao tần đầu tiên và duy nhất hiện nay được xây dựng trong các trường ĐH với mức vốn đầu tư lên đến 27 tỷ đồng. PTN này được xây dựng sẽ hướng đến mục tiêu đi tiên phong về công nghệ Siêu cao tần tại Việt Nam, đặc biệt trong lĩnh vực dân dụng cũng như quốc phòng; chuyển giao công nghệ cho dân sự và quốc phòng như Radar, các mạch thu phát, chip cao tần và ăng-ten; cung cấp giải pháp đo thử thiết bị RF và siêu cao tần… (Theo Người lao động 20/6).

Hà Trang (Tổng hợp)

 


Ý kiến của bạn
Tên của bạn : *
E_mail : *
Tiêu đề : *
Nội dung : * (Bạn vui lòng gõ tiếng Việt có dấu)
 
Mã bảo mật :   
   
Các tin khác

   
Xem tin theo ngày
   
 
Xem nhiều nhất

English
Thăm dò ý kiến
Bạn biết website “truyenthongkhoahoc.vn” qua nguồn thông tin nào?
Bạn bè giới thiệu
Qua Google
Qua sách báo, quảng cáo banner