Banner TOP trái 1
Banner TOP phải 3
Hoạt động KH&CN Thứ ba, 26/11/2024 , 07:39 pm
Cập nhật : 19/01/2013 , 08:01(GMT +7)
Điểm tin KH&CN từ ngày 12-18/1
Chiếc máy cày mini đa năng đầu tiên ra đời giúp anh Huỳnh cũng như người dân đỡ vất vả.
Xây dựng trung tâm nghiên cứu xuất sắc ở lĩnh vực công nghệ; Phát hiện một loài nhông mới ở Việt Nam; Viện Khoa học xã hội Việt Nam hoàn thành 29 chương trình cấp bộ;… là những thông tin khoa học đáng chú ý trong tuần qua.

Xây dựng trung tâm nghiên cứu xuất sắc ở lĩnh vực công nghệ

Lựa chọn các đơn vị đào tạo và nghiên cứu khoa học mạnh ở các nước để phối hợp với các đơn vị trong nước xây dựng các trường ĐH và trường dạy nghề trình độ quốc tế, xây dựng các trung tâm nghiên cứu xuất sắc ở các lĩnh vực công nghệ.

Đó là kết luận của Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân - Trưởng Ban chỉ đạo quốc gia hội nhập quốc tế về giáo dục và khoa học, công nghệ tại phiên họp của Ban chỉ đạo vừa được Văn phòng Chính phủ công bố.
Theo Phó Thủ tướng, để phát triển khoa học, công nghệ và đào tạo nhân lực trình độ cao, phù hợp với mục tiêu trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại vào năm 2020, cần làm rõ mục tiêu, yêu cầu hợp tác quốc tế về giáo dục và khoa học, công nghệ ở tầm quốc gia.

Việc hình thành các trung tâm nghiên cứu xuất sắc cần dựa trên các trung tâm nghiên cứu mạnh của Việt Nam và phối hợp với một hoặc một số trung tâm nghiên cứu xuất sắc ở nước ngoài. (Theo Dân trí 15/1).

Phát hiện một loài nhông mới ở Việt Nam

Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam hôm 17.1 cho biết, một loài nhông mới với tên khoa học là Calotes bachae Hartmann, Geissler, Poyarkov, Ihlow, Galoyan, Roedder & Boehme, 2013, thuộc giống Nhông Calotes ở Việt Nam vừa được các nhà khoa học Đức và Nga công bố.

Đặc điểm nhận dạng chính của loài nhông này là: dài đầu và thân đạt tới 97mm; đuôi rất dài, gấp hơn 2 lần chiều dài đầu và thân; vảy thân nhỏ, kích cỡ không đều, hơi có gờ, sắp xếp thành các hàng không đồng nhất; có 44-50 hàng vảy quanh thân; có 2 gai nhỏ phía trên màng nhĩ;…

Nhông Calotes bachae - Ảnh: Vast

Theo TS Nguyễn Quảng Trường, Viện Sinh thái và Tài nguyên Sinh vật, loài nhông này khá phổ biến ở các sinh cảnh gần khu dân cư như vườn nhà, cây bụi ven đường hay các khu rừng trên núi đất thấp thuộc các tỉnh Kon Tum, Đắk Lắk, Lâm Đồng, Đồng Nai, Bình Phước Bà Rịa-Vũng Tàu, Tây Ninh, TP.HCM. (Theo Thanh niên 17/1).

Hai lúa” với chiếc máy cày mini đa năng

Anh Nguyễn Mạnh Huỳnh ở thôn An Vinh, xã Sông Phan (Hàm Tân - Bình Thuận) đã sáng chế, cải tiến thành công chiếc máy cày mini đa năng, phục vụ đắc lực cho việc gieo trồng của gia đình.

Chiếc máy do anh Huỳnh cải tiến ngoài chức năng lấp hàng, tém cỏ,  máy còn có thể cày được ruộng lúa, gieo sạ theo hàng, bón được phân trên nhiều loại đất, lại dễ sửa chữa và có nhiều phụ tùng thay thế, tháo lắp nhanh gọn. Nhờ cải tiến này mà chỉ trong 2 năm, anh Huỳnh đã bán ra thị trường 27 chiếc với giá 9 triệu đồng/chiếc, chủ yếu cho khách hàng các tỉnh miền Trung, miền Tây mà một số khách hàng đến từ Lào, Campuchia.

Với chiếc máy hoàn thiện này, anh mong muốn sẽ góp phần giúp bà con nông dân đẩy mạnh sản xuất, tiết kiệm công lao động cũng như chi phí, góp phần nâng cao thu nhập. (Theo Kinh tế nông thôn 17/1).

Viện Khoa học xã hội Việt Nam hoàn thành 29 chương trình cấp bộ

Ngày 17-1, Viện Khoa học xã hội Việt Nam tổng kết công tác năm 2012 và bàn phương hướng nhiệm vụ công tác năm 2013.

Năm 2012, Viện đã thực hiện nhiều nhiệm vụ nghiên cứu theo yêu cầu của Bộ Chính trị, Ban Bí thư và Chính phủ, đồng thời hoàn thành 29 chương trình cấp bộ và 49 đề tài thuộc các chương trình Tây Nguyên 3, Chương trình Nghị định thư, Quỹ Nafosted… Năm 2013, Viện đẩy mạnh nghiên cứu cơ bản kết hợp với việc thực hiện các nhiệm vụ chính trị được giao, triển khai hiệu quả Chương trình Tây Nguyên 3, xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về Trường Sa, Hoàng Sa, chủ quyền và quyền chủ quyền của Việt Nam ở biển Đông, chương trình nghiên cứu tổng thể về gia đình trong giai đoạn công nghiệp hóa và hiện đại hóa đất nước…(Theo Hà nội mới 18/1).

Dừa sáp được cấp chứng nhận nhãn hiệu hàng hóa

Ngày 16-1, ông Lê Văn Bé, Chủ tịch Hội Làm vườn tỉnh Trà Vinh, cho biết: Sản phẩm dừa sáp hay còn gọi là dừa đặc ruột, loại trái cây đặc sản của Hợp tác xã dừa sáp xã Hòa Tân, huyện Cầu Kè (Trà Vinh), vừa được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học-Công nghệ) cấp giấy chứng nhận nhãn hiệu hàng hóa. Dừa sáp đặc ruột, cơm dừa mềm xốp, nước sền sệt có mùi thơm đặc trưng, chỉ phát triển tốt ở vùng đất Cầu Kè. Giá dừa sáp hiện cao gấp nhiều lần so với dừa thường, dao động 90.000-120.000 đồng/trái.

Đến nay tỉnh Trà Vinh có bốn sản phẩm trái cây được Cục Sở hữu trí tuệ cấp giấy chứng nhận nhãn hiệu hàng hóa gồm: dừa sáp, măng cụt, xoài Châu Nghệ và quýt đường. (Theo phapluattp.vn 18/1).

Công nghệ dầu sinh học của Việt Nam được đánh giá cao

Sau khi xuất khẩu sang Lào, công nghệ sản xuất dầu sinh học từ hạt trẩu của một nhà khoa học Việt Nam được công ty Makkao Lào ứng dụng thành công, đạt hiệu quả cao.

Công nghệ này được PGS.TS Hồ Sơn Lâm, thuộc Viện Khoa học Vật liệu ứng dụng TP.HCM, chuyển giao cho Công ty gỗ Teak - Luang Prabang (công ty mẹ của Makkao Lào) vào tháng tháng 6/2012. Cùng với đó là quy trình pha chế thành dầu sinh học B5.

Thử nghiệm dầu sinh học do Lào sản xuất tại phòng thí nghiệm động cơ đốt trong, Đại học Quốc gia TP.HCM. Ảnh: Thái Ngọc

Công ty nhiên liệu sinh học Makkao Lào đã mang dầu B5 được chuyển giao từ PGS.TS Lâm đến phòng thí nghiệm trọng điểm động cơ đốt trong, Đại học Quốc gia TP.HCM thử nghiệm. Kỹ sư Võ Lê Hoài Phương, cán bộ thử nghiệm cho biết: Ngoài các thông số Nox, HC, CO, độ mờ khói của xăng B5 giảm hơn so với dầu diesel thương phẩm. Điều lạ là dầu B5 của Lào có nhiệt trị cao với diesel. (Theo Khám phá 18/1).

Thiết bị bắn tập súng ngắn K54 bài 5 nâng cao

Các nhà khoa học thuộc Khoa Vũ khí, Học viện Kỹ thuật quân sự đã nghiên cứu thiết kế, chế tạo thành công thiết bị bắn tập súng ngắn K54 bài 5 nâng cao (thiết bị B5-K54). Thiết bị sử dụng để hỗ trợ huấn luyện bắn súng ngắn K54 bài 1,1b và bài 5 nâng cao theo quy định của Bộ Tổng tham mưu.

Thiết bị gồm 4 khối chính: Khối thiết bị trên súng; khối thiết bị nối ghép; máy tính; hệ thống bia bài 5 nâng cao và hoạt động theo nguyên lý quang truyền hình.

Thiết bị B5-K54 cho phép theo dõi độ ổn định của đường ngắm trong quá trình rê súng nhằm khắc phục những thiếu sót trong quá trình luyện tập của người bắn; phát hiện và tính đến độ nghiêng mặt súng khi bắn; tự động cộng điểm thành tích rồi thông báo kết quả bắn ra loa; quản lý và lưu trữ thành tích bắn của cá nhân, đơn vị. Thiết bị có độ phân giải hiển thị cao; tư thế, động tác, yếu lĩnh bắn sát thực tế. Đặc biệt, lực tay cò hoàn toàn như thật và bảo đảm an toàn tuyệt đối cho mắt vì không phải sử dụng bức xạ la-de. (Theo Quân đội nhân dân 18/1).

Hà Trang (Tổng hợp)


Ý kiến của bạn
Tên của bạn : *
E_mail : *
Tiêu đề : *
Nội dung : * (Bạn vui lòng gõ tiếng Việt có dấu)
 
Mã bảo mật :   
   
Các tin khác

   
Xem tin theo ngày
   
 
Xem nhiều nhất

English
Thăm dò ý kiến
Bạn biết website “truyenthongkhoahoc.vn” qua nguồn thông tin nào?
Bạn bè giới thiệu
Qua Google
Qua sách báo, quảng cáo banner