Banner TOP trái 1
Banner TOP phải 3
Hoạt động KH&CN Thứ ba, 26/11/2024 , 03:38 pm
Cập nhật : 17/05/2013 , 15:05(GMT +7)
Điểm tin KH&CN từ ngày 11-17/5
Em Trần Quang Hưng và chiếc mũ bảo hiểm gắn thiết bị an toàn, chống mất trộm xe máy
Hội nghị sinh viên nghiên cứu khoa học thiết thực, hiệu quả; Hơn 17 nghìn tỷ đồng xây dựng trung tâm khoa học - công nghệ tại Huế; Các chính sách và giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp FDI đầu tư trong lĩnh vực công nghệ cao; Học sinh sáng chế mũ bảo hiểm chống... trộm xe máy;… là những thông tin khoa học đáng chú ý trong tuần qua.

Một Hội nghị sinh viên nghiên cứu khoa học thiết thực, hiệu quả

Đó là Hội nghị Sinh viên nghiên cứu khoa học năm 2013 của Trường Cao đẳng Công nghệ thuộc Đại học Đà Nẵng vào ngày 11/5.

15 công trình nghiên cứu được lựa chọn từ hàng trăm đề tài đăng ký của sinh viên nhà trường đã được báo cáo tại Hội nghị phiên toàn thể và tại các tiểu ban.

Nét mới mang lại hiệu quả thiết thực là trong quá trình trình chiếu, phân tích của sinh viên về phương pháp, phương tiện, nội dung nghiên cứu và kết quả, có sự tham gia phản biện của Hội đồng khoa học nhà trường, của sinh viên tham dự với nhiều câu hỏi, thắc mắc đặt ra làm nổi bật vấn đề, góp phần tháo gỡ khúc mắc, đưa tới những ý tưởng mới. (Theo Giáo dục và Thời đại 11/5).

Hơn 17 nghìn tỷ đồng xây dựng trung tâm khoa học - công nghệ tại Huế

UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế vừa phê duyệt đề án “Xây dựng Thừa Thiên - Huế trở thành một trong những trung tâm khoa học - công nghệ của cả nước”. Tổng mức đầu tư cho đề án này là hơn 17 nghìn tỷ đồng từ nguồn ngân sách trung ương, của địa phương và nguồn thu từ công tác xã hội hóa.

Theo đề án, giai đoạn từ nay đến 2020 sẽ tập trung vào 36 chương trình, đề án và dự án các nhỏ. Trong đó, sẽ ưu tiên thực hiện các đề án như: thành lập Khu Công nghệ cao tỉnh Thừa Thiên - Huế, Viện Nghiên cứu Bảo tồn di sản Huế, Viện Nghiên cứu Hán - Nôm, Viện Nghiên cứu Văn hóa Huế, Thư viện Hoàng Gia, Viện Nghiên cứu kinh tế và phát triển, Bảo tàng Thiên nhiên duyên hải miền trung và các trung tâm ứng dụng khoa học - kỹ thuật.

Thừa Thiên - Huế phấn đấu đến năm 2015, trung tâm khoa học - công nghệ đáp ứng cơ bản nhu cầu kiểm nghiệm hóa dược phẩm, mỹ phẩm, thực phẩm và kiểm định tất cả các loại hàng hóa, công trình, công nghệ trên địa bàn tỉnh. (Theo Nhân Dân 14/5).

Các chính sách và giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp FDI đầu tư trong lĩnh vực công nghệ cao

Tham dự hội thảo có Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công Nghệ của Trần Việt Thanh, Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Hàn Quốc tại Việt Nam Ha Chan Ho và các đại biểu là cán bộ quản lý các cơ quan của Bộ Khoa học Công nghệ, lãnh đạo của các doanh nghiệp Hàn Quốc tại Việt Nam hoạt động trong lĩnh vực công nghệ cao.

Khuyến khích phát triển công nghệ cao đối với các doanh nghiệp nói chung và các doanh nghiệp FDI nói riêng phục vụ mục tiêu phát triển KT-XH theo hướng phát triển bền vững dựa trên nền tảng công nghệ hiện đại; cơ chế, chính sách khuyến khích phát triển công nghệ cao của Việt Nam… là những nội dung được trao đổi tại hội thảo. Thông qua đó, các doanh nghiệp Hàn Quốc có cơ hội tìm hiểu thêm về cơ chế chính sách, trình tự thủ tục đăng ký cũng như trao đổi về các hoạt động cần triển khai để đáp ứng các điều kiện của Giấy chứng nhận hoạt động công nghệ cao. (Theo Đại biểu nhân dân 15/5).

 Sản xuất tại một doanh nghiệp FDI trong lĩnh vực công nghiệp phụ trợ tại Đồng Nai (Ảnh D.Q)

Một học sinh sáng chế mũ bảo hiểm chống... trộm xe máy

Em Trần Quang Hưng, học sinh lớp 10A, Trường THPT Cao Thắng, TP Huế, đã tự mày mò, nghiên cứu và sáng chế thành công chiếc mũ bảo hiểm gắn thiết bị an toàn và chống mất trộm xe máy cho người tham gia giao thông. Đề tài sáng chế độc đáo này đã giúp em Hưng giành được giải Ba toàn quốc trong cuộc thi Khoa học kỹ thuật (KHKT) học sinh trung học năm 2013...

Sản phẩm của Hưng hoạt động theo nguyên tắc, nếu người lái xe máy cài khóa dây mũ bảo hiểm thì mũ sẽ phát ra một tín hiệu qua sóng FM từ thiết bị thu phát sóng tới bộ thu gắn trên xe, xuất một dòng điện tới bóng LED báo hiệu đã cài chốt và một dòng điện đến Tranzitor để phân cực cho Tranzitor hoạt động, khởi động xe.

Trên chóp mũ bảo hiểm, Hưng gắn một công tắc, khiến người lái xe muốn khởi động xe thì phải đội mũ và cài khóa dây mũ. (Theo Công an nhân dân 15/5)

Chế tạo máy đục bìa tự động

Các chuyên gia của phòng nghiên cứu viện Dệt may (Hà Nội) đã nghiên cứu chế tạo được máy đục bìa tự động, đục được bìa 65 x 600mm và các loại bìa khác.

Khi đục các loại bìa khác nhau, chỉ cần tiến hành thay các thông số trong phần mềm mà không phải thao tác gì đối với phần cơ.

Mỗi nhịp máy đục được một hàng (gồm 12 lỗ và lỗ định vị), tốc độ 80 vòng/phút. Từ mẫu hoa văn đã thiết kế, phần mềm sẽ điều khiển trực tiếp máy đục bìa thông qua bộ giao diện điện tử được nối với máy tính thông qua cổng COM. Quá trình đục bìa được theo dõi trên màn hình. (Theo Sài gòn tiếp thị 16/5).

Trao thưởng đề tài nghiên cứu khoa học

Sáng 15-5, Trường ĐH Sư phạm TP.HCM tổ chức hội nghị sinh viên nghiên cứu khoa học và trao thưởng cho 23 đề tài cấp trường năm học 2012-2013.

Trong đó, ba giải nhất thuộc về các đề tài “Xây dựng phổ năng lượng của bài toán Micz - Kepler ba chiều bằng các bài toán từ Casimir” (của Lê Đại Nam - sinh viên năm 2 khoa vật lý), “Xây dựng bài tập vận động và bài tập tri nhận không gian cho học sinh lớp 1 mắc chứng khó đọc” (của nhóm sinh viên khoa giáo dục tiểu học) và đề tài “Ảnh hưởng của từ Hán Việt trong việc học tiếng Trung” (của sinh viên khoa tiếng Trung Trường ĐH Sư phạm TP.HCM). (Tuổi trẻ 16/5).

Quân đội Việt Nam chế tạo vũ khí Laser

Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam vừa phối hợp với Học viện Kỹ thuật quân sự hoàn thành đề tài “Chế tạo và chuyển giao một hệ thống thiết bị laser hồng ngoại hiện đại".

Được thực hiện trong vòng hai năm, 2010 – 2011, đề tài đã thu được những kết quả KHCN nhiều triển vọng, đáp ứng được chỉ tiêu đề ra ban đầu: nghiên cứu phát triển và chuyển giao cho phía Học viện KTQS một hệ thống quang học và laser rắn hiện đại, phát được hai bước sóng: hồng ngoại (1064nm) và khả kiến (532nm); có thể hoạt động ở chế độ phát liên tục hoặc chế độ xung ngắn (nanô giây, picô giây); cho phép thực hiện các nghiên cứu thực nghiệm tiên tiến về quang học, quang tử laser hồng ngoại và quang phi tuyến; và thiết bị được chế tạo đạt chất lượng của một sản phẩm thương mại hóa. (Theo VietQ.vn 16/5).

Thiếu tướng Vũ Thanh Hải (trái) nhận hồ sơ từ GS.TSKH Dương Ngọc Hải

Thử nghiệm thành công sơn chống đạn từ vỏ trấu

Ngày 16/5, tập đoàn sơn Kova đã tổ chức hội thảo giới thiệu những sản phẩm công nghệ cao mang tính đột phá này tại TP.HCM. Người nghiên cứu ra sản phẩm là PGS.TS Nguyễn Thị Hòe - một nhà khoa học đã từng giành được giải thưởng Kovalepxcaia.

Theo PGS.TS Nguyễn Thị Hòe, nguyên lý hoạt động của sơn chống đạn là khi một viên đạn bay với cường độ lớn, tiếp xúc vào sơn chống đạn sẽ làm các hạt sơn co cụm lại, đồng thời tiêu diệt năng lượng của viên đạn. Điều đặc biệt ở đây là sử dụng một nguyên liệu hết sức rẻ tiền vào việc sản xuất những sản phẩm công nghệ cao đó là vỏ trấu. Sau khi xử lý bằng công nghệ nano, toàn bộ tính chất vật lý, hóa học đều bị thay đổi và giá trị của nó tăng gấp nhiều lần so với bình thường. (Theo VTV 17/5).

Hà Trang (Tổng hợp)


Ý kiến của bạn
Tên của bạn : *
E_mail : *
Tiêu đề : *
Nội dung : * (Bạn vui lòng gõ tiếng Việt có dấu)
 
Mã bảo mật :   
   
Các tin khác

   
Xem tin theo ngày
   
 
Xem nhiều nhất

English
Thăm dò ý kiến
Bạn biết website “truyenthongkhoahoc.vn” qua nguồn thông tin nào?
Bạn bè giới thiệu
Qua Google
Qua sách báo, quảng cáo banner