Viện Khoa học Việt Nam - Hàn Quốc (VKIST) đề xuất Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN), Hội đồng Viện cho phép thí điểm một số cơ chế mới trong việc chuyển giao các kết quả, sản phẩm nghiên cứu hình thành từ nhiệm vụ KH&CN sử dụng ngân sách nhà nước cho doanh nghiệp để nhanh chóng đưa vào phục vụ sản xuất, kinh doanh.
Gắn kết các hoạt động nghiên cứu, chuyển giao công nghệ với doanh nghiệp
Đề xuất được đưa ra tại kỳ họp Hội đồng VKIST lần thứ hai, nhiệm kỳ II tổ chức sáng 20/10/2023 tại trụ sở Bộ KH&CN. Tham dự kỳ họp có ông Bùi Thế Duy - Thứ trưởng Bộ KH&CN, Chủ tịch Hội đồng VKIST; ông Nguyễn Quân - Nguyên Bộ trưởng Bộ KH&CN, Phó Chủ tịch Hội đồng VKIST, các ủy viên Hội đồng, bà Phan Thị My - Phó Trưởng ban phụ trách Khu Công nghệ cao Hòa Lạc, ông Vũ Đức Lợi, Phó Viện trưởng phụ trách VKIST; cùng đại diện Lãnh đạo các đơn vị chức năng thuộc Bộ KH&CN, đại diện lãnh đạo một số bộ, ngành có liên quan.
Phát biểu khai mạc kỳ họp, ông Bùi Thế Duy - Thứ trưởng Bộ KH&CN, Chủ tịch Hội đồng cho biết, VKIST là viện nghiên cứu trực thuộc Bộ KH&CN, được thành lập trên cơ sở Hiệp định giữa Chính phủ Việt Nam và Chính phủ Hàn Quốc. Dự án “Hợp tác xây dựng Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam - Hàn Quốc" tại Việt Nam do Chính phủ Hàn Quốc tài trợ và giao cho Bộ KH&CN là cơ quan chủ quản của dự án. Thứ trưởng Bùi Thế Duy khẳng định, sau khi kết thúc dự án, mô hình Viện đã được duy trì một cách bền vững và những mô hình hoạt động thành công từ VKIST cần được chắt lọc để đưa vào cải thiện mô hình tổ chức KH&CN công lập, đặc biệt việc chuyển đổi theo thông lệ quốc tế.
Phó Chủ tịch Hội đồng Viện, ông Nguyễn Quân chia sẻ và đánh giá cao nỗ lực của lãnh đạo Viện VKIST trong việc xây dựng hành lang pháp lý vì đây là nền tảng quan trọng nhất của mọi tổ chức. VKIST là tổ chức KH&CN công lập được xây dựng mang tính thí điểm được Chính phủ thành lập theo quy định tại Nghị định số 50/2015/NĐ-CP. Qua nhiều năm, hoạt động, VKIST phát sinh nhiều vấn đề cần điều chỉnh như: giao quyền sở hữu kết quả nghiên cứu sử dụng ngân sách nhà nước; cơ chế chuyển giao công nghệ; cơ chế tài chính cho hoạt động nghiên cứu, ứng dụng sử dụng ngân sách nhà nước…
Phó Chủ tịch Hội đồng VKIST, ông Nguyễn Quân chia sẻ tại kỳ họp.
Vì vậy, vấn đề đặt ra cần sửa đổi Nghị định số 50/2015/NĐ-CP để có cơ chế thí điểm dành riêng cho VKIST trên quan điểm nếu thành công sẽ nhân rộng cho các tổ chức KH&CN công lập. Cùng với đó là sửa các Luật như: KH&CN, Sở hữu trí tuệ… Bên cạnh đó, VKIST hoạt động theo mô hình của Viện KH&CN Hàn Quốc (KIST) nên vai trò của doanh nghiệp là đặc biệt quan trọng: vừa là nơi đặt hàng, vừa là đầu ra tiêu thụ sản phẩm nghiên cứu. Đặc biệt, cần phải có chính sách thu hút, tuyển dụng và giữ chân người tài về VKIST.
Trong bài trình bày “Báo cáo tóm tắt kết quả hoạt động nổi bật trong năm 2023 và định hướng đến năm 2025”, ông Vũ Đức Lợi, Phó Viện trưởng phụ trách VKIST cho biết: Với tầm nhìn “là nhà cung cấp giải pháp công nghệ cho các doanh nghiệp”, VKIST gắn kết các hoạt động nghiên cứu, chuyển giao công nghệ với các doanh nghiệp có tiềm năng áp dụng công nghệ ngay từ khi bắt đầu công tác nghiên cứu, tạo sự liền mạch và rút ngắn thời gian từ lúc có kết quả nghiên cứu đến lúc doanh nghiệp thực sự có nhu cầu sử dụng công nghệ, cũng như công nghệ tìm được đến đúng doanh nghiệp đang cần sử dụng nó.
Ông Vũ Đức Lợi, Phó Viện trưởng phụ trách VKIST báo cáo tại kỳ họp.
Đến nay, Viện đã phát triển được 10 công nghệ ở mức độ sẵn sàng chuyển giao và 08 công nghệ đang ở giai đoạn nghiên cứu hoàn thiện. Tuy nhiên, mới có 2 công nghệ được doanh nghiệp ứng dụng vào thực tiễn; có 2 công nghệ hình thành từ nhiệm vụ KH&CN sử dụng ngân sách nhà nước đã được doanh nghiệp đón nhận nhưng còn vướng mắc về định giá theo Nghị định 70/2018/NĐ-CP.
Trong năm 2023, VKIST đã thực hiện được 7 hợp đồng dịch vụ KH&CN. Viện đã ký Biên bản ghi nhớ thỏa thuận hợp tác với 07 doanh nghiệp và tổ chức KH&CN trong nước và quốc tế. Theo ông Vũ Đức Lợi, với sứ mệnh trở thành viện nghiên cứu ứng dụng, VKIST đã có một số công nghệ, sản phẩm có thể chuyển giao cho các đơn vị, doanh nghiệp để ứng dụng vào sản xuất, kinh doanh và có doanh nghiệp đã gửi công văn đề nghị VKIST thực hiện việc chuyển giao để nhanh chóng phát triển sản phẩm ra thị trường.
Xây dựng mạng lưới kết nối các doanh nghiệp tiềm năng
Về phương hướng, nhiệm vụ trong thời gian tới, VKIST sẽ phát triển bộ phận nghiên cứu thị trường và chuyển giao công nghệ; đẩy mạnh triển khai các dự án hợp tác nghiên cứu chung với khối doanh nghiệp, hướng tới mục tiêu đa dạng hóa nguồn thu; phục vụ vận hành mô hình viện nghiên cứu hợp đồng của VKIST; xây dựng cơ chế phù hợp trong hoạt động nghiên cứu KH&CN để tạo điều kiện cho các tổ chức, cá nhân trong, ngoài Viện khai thác tối đa các nguồn lực từ xã hội, doanh nghiệp vào hoạt động KH&CN của VKIST; lấy sản phẩm cuối cùng (output) là thước đo để đánh giá sự thành công cho hoạt động KH&CN của VKIST.
Toàn cảnh kỳ họp.
VKIST cũng hướng tới xây dựng mạng lưới kết nối các doanh nghiệp tiềm năng nơi có nhu cầu ứng dụng công nghệ vào sản xuất sản phẩm của mình. Hiện nay, VKIST đang từng bước thiết lập mạng lưới doanh nghiệp này xoay quanh các hướng nghiên cứu chính của VKIST. Các doanh nghiệp tiềm năng được giới thiệu các công nghệ mà Viện đang và sẽ thực hiện nghiên cứu, trao đổi nhu cầu sử dụng công nghệ của doanh nghiệp, qua đó đến gần hơn với nhu cầu áp dụng công nghệ của doanh nghiệp. Các doanh nghiệp cũng có thể “đặt hàng nghiên cứu” đối với VKIST thông qua các hình thức như hợp tác nghiên cứu chung, dịch vụ KH&CN. VKIST gọi đây là “nghiên cứu dựa theo nhu cầu của thị trường”, được coi là bước đi quan trọng trong công tác chuyển giao công nghệ cũng như mục tiêu hoạt động của Viện.
Ông Vũ Đức Lợi chia sẻ, với mô hình hoạt động mới, có tham khảo mô hình hoạt động của KIST, VKIST hướng tới thực hiện các hoạt động chuyển giao công nghệ trong và ngoài nước, đặc biệt là Hàn Quốc. VKIST đặt mục tiêu sẽ là Trung tâm công nghệ (Technology Hub) trong hoạt động chuyển giao nghệ giữa Việt Nam và Hàn Quốc, là đầu mối hỗ trợ doanh nghiệp Hàn Quốc tiếp cận thị trường Việt Nam cũng như hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam tiếp cận thị trường Hàn Quốc. Thông qua hoạt động này, VKIST là cầu nối trong hoạt động KH&CN nói chung, chuyển giao công nghệ nói riêng giữa Việt Nam và Hàn Quốc.
VKIST kết nối chặt chẽ với các trường đại học và viện nghiên cứu hàng đầu của Việt Nam và Hàn Quốc trong việc thực hiện các nghiên cứu KH&CN. Thông qua các hợp tác chặt chẽ này, làm gia tăng hàm lượng công nghệ trong các nghiên cứu, nâng cao năng lực nghiên cứu cho đội ngũ nghiên cứu của VKIST, đặc biệt những nghiên cứu của VKIST sẽ bắt kịp được với xu hướng công nghệ, dòng chảy công nghệ trong cộng đồng KH&CH Việt Nam.
Trong thời gian tới, VKIST sẽ tham gia các hoạt động hỗ trợ chuyển giao công nghệ có liên quan như “chợ công nghệ”, “tư vấn công nghệ”, đây cũng là phương thức mà VKIST mong muốn xây dựng để gắn kết cộng đồng trong công tác chuyển giao công nghệ, qua đó xây dựng thương hiệu, hình ảnh của VKIST.
Các đại biểu tham dự kỳ họp chụp ảnh lưu niệm.
VKIST đề xuất Bộ KH&CN, Hội đồng Viện cho phép thí điểm một số cơ chế mới trong việc chuyển giao các kết quả, sản phẩm nghiên cứu hình thành từ nhiệm vụ KH&CN có sử dụng ngân sách cho doanh nghiệp để nhanh chóng đưa vào phục vụ sản xuất, kinh doanh.
Bài và ảnh: Minh Châu