Ngày 25/12 tại Hà Nội, Văn phòng Hội đồng Chính sách Khoa học và Công nghệ (KH&CN) Quốc gia phối hợp với Cục Ứng dụng và Phát triển công nghệ tổ chức Hội thảo “Chính sách phát triển công nghệ thông qua hoạt động giải mã làm chủ công nghệ”. Hội thảo thu hút sự tham dự của các nhà quản lý, nhà khoa học, nghiên cứu và các doanh nghiệp trong lĩnh vực KH&CN.
Tại Hội thảo, các chuyên gia đầu ngành, nhà quản lý, lãnh đạo doanh nghiệp công nghệ đã đóng góp nhiều ý kiến và chia sẻ kinh nghiệm về hoạt động giải mã, làm chủ công nghệ hiện nay ở Việt Nam. Từ đó đề xuất nhiều giải pháp thiết thực để thúc đẩy các hoạt động giải mã, làm chủ công nghệ ở Việt Nam, tạo ra sự liên kết các bên tham gia để đầu tư giải mã, làm chủ công nghệ phục vụ đổi mới công nghệ của doanh nghiệp.
Ông Tạ Việt Dũng, Cục trưởng Cục Ứng dụng và Phát triển công nghệ cho biết, đối với Việt Nam hiện nay, việc gắn chặt phát triển năng lực nội sinh với đẩy mạnh hợp tác quốc tế là vô cùng quan trọng để có thể nhanh chóng thu hẹp khoảng cách về KH&CN. Biện pháp hữu hiệu trước mắt là nhập các công nghệ tiên tiến và công nghệ cao của nước ngoài, cũng như tận dụng tối đa các chuyên gia trong và ngoài nước hoạt động trong lĩnh vực xúc tiến chuyển giao công nghệ, nhất là với các nước công nghiệp phát triển như Mỹ, Nhật Bản, EU…
Tuy nhiên, để có thể nhanh chóng bắt kịp các nước phát triển phát triển khác trong khu vực và trên thế giới, Việt Nam cần có những cách đi đặc biệt để tiếp cận được với trình độ KH&CN của thế giới rồi áp dụng vào Việt Nam để tạo nên những đột phá về phát triển của các ngành kinh tế kỹ thuật. Bên cạnh việc đầu tư dài hơi để nghiên cứu từ cơ bản đến tất cả các vấn đề của kỹ thuật, cần có những bước đi mới, đột phá mà các nước đi trước như Hàn Quốc, Đài Loan, Trung Quốc đã rất thành công, đó là giải mã công nghệ.
Tại hội thảo, các đại biểu cho rằng, trong bối cảnh hiện nay, Việt Nam cần học tập kinh nghiệm quốc tế, đặc biệt là các nước châu Á trong xây dựng một nền KH&CN vững chắc. Cần quan tâm tới hoạt động chuyển giao công nghệ tiên tiến từ nước ngoài bởi đây là một quá trình dài hơi hàng chục năm, đòi hỏi có tính đồng bộ cao từ tìm kiếm đến giải mã và làm chủ công nghệ. Ngoài ra, cần có chiến lược riêng cho giải mã và làm chủ công nghệ từ nước ngoài…
Ngoài ra, các tham luận về kinh nghiệm trong quá trình tìm hiểu, hấp thụ công nghệ, tiến tới nghiên cứu sáng tạo công nghệ; tổ chức tìm kiếm công nghệ phục vụ nghiên cứ giải mã, làm chủ công nghệ; định hướng giải mã công nghệ để phát triển một số lĩnh vực công nghiệp chủ lực, trọng điểm… được các diễn giả trình bày tại Hội thảo đã được các đại biểu đặc biệt quan tâm thảo luận.
Tin, ảnh: Mai Chi