“Cơ chế hoạt động của blockchain như vậy đảm bảo sự tin cậy, minh bạch và bảo mật đối với các giao dịch giữa các chủ thể trong mạng lưới”, ông Hoàng nhấn mạnh.
Cũng theo đại diện Công ty MISA, Chính phủ nhiều nước như Mỹ, Anh, Liên minh Châu Âu, Estonia, Đan Mạch, Thụy sĩ, Dubai.. đã ứng dụng blockchain vào nhiều dịch vụ công và ngành kinh tế như: việc theo dõi và truy xuất nguồn gốc của các sản phẩm thịt; đăng ký và giao dịch bất động sản. 22 quốc gia thuộc Liên minh Châu Âu đã ký thỏa thuận cùng xây dựng cơ sở dữ liệu về thông tin y tế cho công dân sử dụng blockchain.
Còn tại châu Á, các quốc gia Singapore, Malaysia, Thái Lan, Hàn Quốc, Nhật Bản, Australia đã ứng dụng blockchain trong nhiều lĩnh vực như Y tế, Tài chính, Ngân hàng, An ninh mạng và các dịch vụ công. Tại Trung Quốc, Bộ Thông tin và Truyền thông nước này đã Thành lập Ủy ban Tiêu chuẩn Blockchain, tiêu chuẩn hoá blockchain được ưu tiên cao trong năm 2018. Số lượng hồ sơ xin cấp bằng sáng chế blockchain từ 5 quốc gia và khu vực tiên tiến nhất gồm Mỹ, EU, Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc với tổng cộng 1.248 vào năm 2017.
“Tuy vậy, theo kinh nghiệm của các quốc gia, để ứng dụng blockchain được vào cuộc sống, đặc biệt là các dịch vụ công của Chính phủ, thì cần có sự hỗ trợ và tham gia của các cơ quan chính phủ, bao gồm: tạo hành lang pháp lý, chuẩn hóa, chính phủ tiên phong ứng dụng, tạo môi trường thuận lợi để doanh nghiệp phát triển ứng dụng”, ông Hoàng chia sẻ.
Trên cơ sở điểm qua tình hình ứng dụng công nghệ blockchain trên thế giới và tại châu Á, Phó Chủ tịch Công ty MISA nêu đề xuất Bộ TT&TT nghiên cứu để xây dựng các cơ chế pháp lý cho việc ứng dụng blockchain tại Việt Nam, trong đó có việc công nhận tính pháp lý của các nền tảng ứng dụng blockchain: “Đưa vào Luật giao dịch điện tử các quy định công nhận tính pháp lý của dữ liệu lữu trữ trong blockchain và các giao dịch được ghi nhận qua Hợp đồng thông minh (smart contract) có tính pháp lý như hợp đồng văn bản hoặc hợp đồng dùng chữ ký điện tử”.
Cùng với đó, đại diện Công ty MISA cũng đề nghị xây dựng tiêu chuẩn kỹ thuật của các công nghệ blockchain cần phải đáp ứng, như lựa chọn các nền tảng mở phổ biến Hyperledger, Ethereum; đồng thời đề xuất Chính phủ thí điểm ứng dụng blockchain vào một số dịch vụ ngành như quản lý hóa đơn điện tử trong lĩnh vực thuế, quản lý đất đai trong lĩnh vực tài nguyên môi trường, bệnh án điện tử trong lĩnh vực y tế.
“Để thực hiện các việc trên, Bộ TT&TT nên thành lập một “Tiểu ban chính sách/tiêu chuẩn Blockchain” nhằm nghiên cứu, xây dựng các tiêu chuẩn công nghệ và pháp lý blockchain, nhằm thúc đẩy ứng dụng blockchain cho các dịch vụ công của Chính phủ”, đại diện lãnh đạo Công ty MISA nêu quan điểm.
|
Công ty cổ phần MISA giới thiệu giải pháp hóa đơn điện tử MeInvoice.vn ứng dụng công nghệ blockchain tại hội thảo Vietnam Finance 2018 chủ đề “Chuyển đổi số ngành tài chính”.
|
MISA là doanh nghiệp đã có bề dày 20 năm hoạt động trong lĩnh vực phần mềm. Tháng 7/2018, MISA đã chính thức giới thiệu giải pháp phần mềm hóa đơn điện tử có tên MeInvoice.vn. Điểm vượt trội của hóa đơn điện tử MeInvoice.vn so với những phần mềm hóa đơn điện tử khác là sản phẩm có áp dụng công nghệ Blockchain, đảm bảo tính an toàn, minh bạch và tin cậy của hóa đơn điện tử. Công nghệ Blockchain trên MeInvoice.vn được hiểu như một cuốn sổ cái, ghi nhận toàn bộ trạng thái và cập nhật đầy đủ thông tin về hóa đơn cho các bên tham gia đều có thể kiểm tra và xác thực thông tin.
Hiện tại, hóa đơn điện tử MeInvoice.vn đã được tích hợp trên nhiều phần mềm của MISA như phần mềm kế toán MISA SME.NET 2017, Phần mềm quản trị doanh nghiệp hợp nhất AMIS.VN, Phần mềm quản lý trường học QLTH.VN… giúp các doanh nghiệp Việt có thể thực hiện các công tác tài chính kế toán một cách thuận lợi và hiệu quả.