Banner TOP trái 1
Banner TOP phải 3
Tiềm lực KH&CN Chủ nhật, 24/11/2024 , 05:22 am
Cập nhật : 12/02/2012 , 23:02(GMT +7)
Để thành công, cần phải có kiến thức và đam mê
Ông Nguyễn Tăng Cường - Giám đốc Xí nghiệp Cơ khí Quang Trung.
Từ tháng 8.2010 đến tháng 12.2011, chỉ sau 16 tháng thi công, 4 tổ máy của công trình thủy điện Sơn La đã hòa vào lưới điện quốc gia, sớm hơn kế hoạch dự kiến 2 năm, làm lợi cho đất nước hàng nghìn tỉ đồng.

Một trong những yếu tố quyết định giúp Nhà máy thủy điện Sơn La “về đích trước thời hạn” là chiếc cầu trục gian máy siêu trường siêu trọng sức nâng 1.200 tấn và cẩu trục chân què do Xí nghiệp Cơ khí Quang Trung sản xuất.

Phóng viên đã có cuộc phỏng vấn ông Nguyễn Tăng Cường, Giám đốc Xí nghiệp Cơ khí Quang Trung, người được mệnh danh “Vua cần cẩu” về quá trình thiết kế, lắp đặt cầu trục và bài học thành công của Xí nghiệp.

Được biết, Xí nghiệp Cơ khí Quang Trung đã chế tạo thành công chiếc cẩu trục dùng để lắp đặt rotor nặng 1.000 tấn vào tổ máy của công trình thủy điện Sơn La. Quá trình thiết kế, lắp đặt cầu trục này diễn ra như thế nào, thưa ông?

- Sau khi hoàn tất việc xây dựng stator, các thiết bị rotor sẽ được đưa vào vị trí lắp đặt. Với nhà máy thủy điện Sơn La, công suất phát điện đến 400 MW/tổ máy, những thiết bị rotor này đều có trọng lượng trên ngàn tấn. Vì thế, cần cẩu 1.200 tấn là một trong những giải pháp kỹ thuật để lắp đặt thành công 6 tổ máy (trong đó có 4 tổ máy đã hoàn thiện việc lắp đặt và hòa lưới điện quốc gia).

Về quá trình, ban đầu Xí nghiệp cũng gặp khó khăn. Khi đặt vấn đề với các cơ quan quản lý nhà nước, đơn vị chủ dự án và những người có trách nhiệm để xin quyết định thực hiện, hầu hết đều cho rằng đây là vấn đề không tưởng, rất ít ý kiến ủng hộ. Nhưng cá nhân tôi vẫn tin rằng Việt Nam hoàn toàn có thể làm chủ được công nghệ thiết kế, chế tạo một sản phẩm đáp ứng yêu cầu của công trình.

Khi bắt tay vào nghiên cứu, chúng tôi gặp nhiều khó khăn về cơ sở vật chất, vốn. Nhưng từng bước, từng bước rất quyết tâm, rất thận trọng, cuối cùng, theo đúng tiến độ, chúng tôi đã thử tải thành công tại chỗ cẩu trục 1.400 tấn để được cấp phép cho sử dụng cẩu trục 1.200 tấn.

Quá trình vận chuyển cẩu đến công trường cũng là một câu chuyện ly kỳ. Sông Hồng vào mùa nước cạn. Khi vận chuyển đến cách Hà Nội 15km thì nước sông Hồng ít quá, tính từ đáy lòng sông lên chỉ có 90cm nước nên toàn bộ lô hàng bị mắc cạn. Rất nhiều phương án đã đưa ra nhưng đều không khả thi. Cuối cùng chúng tôi quyết định thả toàn bộ lô hàng đó xuống nước. Hội đồng và phía Tập đoàn Điện lực Việt Nam không chấp thuận, vừa vì phương án này chưa có tiền lệ và vì sự việc này liên quan đến một công trình trọng điểm, mang tầm quốc gia. Giằng co hàng tuần vẫn chưa có giải pháp. Cuối cùng tôi đã chủ động xin được chịu trách nhiệm, vì nếu không quyết định nhanh công trình Thủy điện Sơn La sẽ bị chậm một năm nữa.

Chúng tôi phải bơm ni-tơ vào trong các cần cẩu và thả nổi xuống sông, dùng xà lan kéo lên tới thủy điện Hoà Bình. Sau đó, lại dùng các công nghệ đặc biệt để đưa những thiết bị dầm cẩu trục có tảỉ trọng gần 2.000 tấn qua đập rồi kéo lên Sơn La. Những quyết định đầy táo bạo đó cũng là một trong những yếu tố giúp thủy điện Sơn La hoàn thành đúng tiến độ.
 
Câu chuyện cần cẩu chân què cũng khá ly kỳ. Ông có thể cho biết rõ hơn về điều này?

- Cần cẩu chân què có sức nâng chỉ 350 tấn thôi nhưng nó là một câu chuyện khá đặc biệt. Theo truyền thống, đập Sơn La phải được hoàn thiện đến độ cao 228m mới có thể tiến hành thử hàng chục ngàn tấn thiết bị khác và tích nước. Như vậy sẽ mất thêm 2 tháng để đợi xây dựng đến cao trình 228m và lắp đặt cẩu chân dê; mất khoảng 7 – 9 tháng để thử 17.000 tấn thiết bị ở các cửa van, cửa đập tràn, cửa nhận nước, cửa chắn rác… Sau khi thử xong phải báo cáo để Hội đồng Nhà nước nghiệm thu cửa van rồi mới cho tích nước, thời gian tích nước mất tối thiểu 7 tháng. Như vậy, sẽ mất đến 18 tháng chưa kể các thời gian khác.


Cần cẩu chân què có sức nâng 350 tấn.

Để rút ngắn thời gian, Xí nghiệp đã nghiên cứu riêng, thiết kế, chế tạo và lắp đặt cho công trình này một cần cẩu chân què. Chưa cần xây dựng đến độ cao 228m, cẩu chân què đảm bảo thử toàn bộ những cánh cửa van đó khi chỉ mới xây dựng đến độ cao 162m, tức là tiến hành song song việc xây dựng và việc thử nghiệm. Đây mới là điểm nút, điểm huyệt để thủy điện Sơn La về đích sớm 2 năm.

Được biết, Xí nghiệp đã có Trung tâm công nghệ cao. Ông có thể nói thêm về Trung tâm này?

- Trung tâm công nghệ cao CNC (Computer Numerical Control) của Xí nghiệp đi vào hoạt động từ năm 2009. Trung tâm được trang bị những dây chuyền công nghệ, các hệ điều khiển và lập trình gia công mới nhất của thế giới đến thời điểm hiện tại. Tất nhiên, để vận hành được những trung tâm gia công hiện đại này, đội ngũ kỹ sư đứng máy của chúng tôi cũng phải được đào tạo chuyên môn rất bài bản. Sự kết hợp giữa máy móc công nghệ mới và đội ngũ nhân lực tốt đã giúp chúng tôi tiết kiệm rất nhiều chi phí và thời gian, nâng cao năng suất lao động và chất lượng sản phẩm.

Theo ông, các doanh nghiệp cơ khí của chúng ta có cần thiết phải lập một Trung tâm như thế?

- Chắc chắn là rất cần! Nắm bắt được công nghệ và có những con người làm chủ được công nghệ mới chính là tiềm lực của quốc gia.

Xí nghiệp Cơ khí Quang Trung đã chế tạo được cẩu trục 1.200 tấn, cẩu trục chân què và nhiều sản phẩm công nghệ cao khác, hẳn ông được sự trợ giúp của một số đơn vị, tổ chức Nhà nước?

- Chúng tôi có nhận được nhiều sự giúp đỡ từ phía Nhà nước và các Cơ quan, Bộ, Ngành, được cho vay tới 279 tỷ đồng từ vốn ưu đãi nhà nước trên tổng số 6.200 tỷ đồng đầu tư của Xí nghiệp. Nhà nước cũng có những động viên, khuyến khích như tặng thưởng các Huân, huy chương, phong tặng danh hiệu Anh hùng lao động và nhiều phần thưởng cao quý khác. Chúng tôi đã và đang tham gia hàng chục đề tài khoa học cấp Nhà nước, một số dự án khoa học công nghệ và cũng nhận được hỗ trợ từ các cơ quan khoa học hàng chục tỷ đồng.

 Ông có thể cho biết những yếu tố tạo nên thành công của Xí nghiệp Cơ khí Quang Trung?

- Có rất nhiều yếu tố tạo nên thành công của Xí nghiệp. Tuy nhiên, có 3 yếu tố tôi đặc biệt nhấn mạnh đến, đó là niềm đam mê, tâm huyết với những việc mình đang làm; có kiến thức chuyên môn; có kiến thức khoa học công nghệ. Ba yếu tố đó luôn gắn bó và liên hệ mật thiết với nhau và đã giúp chúng tôi đạt được kết quả như ngày hôm nay.

 Hiện tại, mong muốn lớn nhất của ông là gì?

- Tôi mong muốn làm chủ được khoa học công nghệ, để có thể sản xuất ra nhiều hơn nữa những sản phẩm có hàm lượng công nghệ cao, tạo ra sức cạnh tranh không những trong nước mà còn với quốc tế.

Với những gì đã làm được và những kinh nghiệm thực tế, ông có thể đưa ra một vài gợi ý để xây dựng cơ chế chính sách cho ngành cơ khí Việt Nam?

- Theo tôi, để các cơ chế, chính sách nói chung và cơ chế chính sách phát triển ngành cơ khí nói riêng đến gần hơn với đời sống, trước khi ban hành cần lấy ý kiến rộng rãi hơn nữa. Có sự nghiên cứu rất kỹ lưỡng, điều tra lấy số liệu từ các doanh nghiệp đã có kinh nghiệm trên thương trường. Trong các văn bản cần đưa ra những chính sách cụ thể, có mục tiêu, kế hoạch và định lượng rõ ràng. Có như vậy, các chính sách mới nhanh đi vào cuộc sống bởi đã có sự đồng thuận từ trước đó.

Chúng ta cũng cần có cơ chế thu hút nhân lực và đào tạo đội ngũ cán bộ trong ngành cơ khí chế tạo. Hiện, lĩnh vực này chưa tạo được môi trường hấp dẫn. Khi lĩnh vực cơ khí chế tạo đem lại một thu nhập cao, chắc chắn sẽ thu hút đông đảo nhân lực tham gia.

Xin cảm ơn ông!

Nguyễn Hạnh thực hiện

Nguồn tin: Lao động cuối tuần

Ý kiến của bạn
Tên của bạn : *
E_mail : *
Tiêu đề : *
Nội dung : * (Bạn vui lòng gõ tiếng Việt có dấu)
 
Mã bảo mật :   
   
Các tin khác

   
Xem tin theo ngày
   
 
Xem nhiều nhất

English
Thăm dò ý kiến
Bạn biết website “truyenthongkhoahoc.vn” qua nguồn thông tin nào?
Bạn bè giới thiệu
Qua Google
Qua sách báo, quảng cáo banner