Banner TOP trái 1
Banner TOP phải 3
Tiềm lực KH&CN Chủ nhật, 24/11/2024 , 03:15 am
Cập nhật : 29/08/2012 , 09:08(GMT +7)
Để sản phẩm chủ lực thực sự là… chủ lực
Sản phẩm Chuối ngự Đại Hoàng của tỉnh Hà Nam. Ảnh: Nguyễn Hạnh
Xây dựng chiến lược phát triển sản phẩm chủ lực quốc gia dựa vào thế mạnh của từng vùng, miền; ban hành chính sách hỗ trợ các doanh nghiệp có sản phẩm chủ lực đổi mới công nghệ; việc lựa chọn sản phẩm chủ lực phải gắn với sản phẩm chủ lực của ngành và toàn quốc…

Đó là những kiến nghị nhằm phát triển sản phẩm chủ lực của địa phương nói riêng và vùng Đồng bằng sông Hồng (ĐBSH) nói chung của các đại biểu tham dự hội nghị “Ứng dụng khoa học và công nghệ phát triển sản xuất, nâng cao hiệu quả kinh tế của các sản phẩm chủ lực Vùng ĐBSH” do Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN), UBND tỉnh Hà Nam phối hợp tổ chức mới đây.

Hoạt động ứng dụng KH&CN bước đầu có kết quả

Vùng ĐBSH hiện có 11 tỉnh với diện tích tự nhiên là 2,06 triệu ha và gần 20 triệu dân, là vùng có vị trí đặc biệt quan trọng trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH) và an ninh quốc phòng của cả nước. Những điều kiện kinh tế, xã hội, tự nhiên rất thuận lợi của vùng kết hợp với việc đầu tư nghiên cứu khoa học, đổi mới và phát triển công nghệ đã tạo nên thế mạnh trong việc phát triển các sản phẩm chủ lực ở các lĩnh vực.

Nhờ đầu tư nghiên cứu, các nhà khoa học đã tạo ra nhiều giống cây trồng, giống vật nuôi mới và các quy trình công nghệ sản xuất tiên tiến, phù hợp với đặc điểm của Vùng ĐBSH. Các chương trình lớn như Chương trình Nông thôn miền núi, Chương trình Hỗ trợ phát triển tài sản trí tuệ... đã giúp nhiều địa phương, doanh nghiệp tại Vùng ĐBSH ứng dụng kết quả nghiên cứu vào sản xuất kinh doanh; thực thi bảo hộ sở hữu trí tuệ, nhãn hiệu hàng hóa, chỉ dẫn địa lý góp phần nâng cao chất lượng, sức cạnh tranh của sản phẩm hàng hóa sản xuất trong vùng.

Cụ thể trong lĩnh vực nông nghiệp, các nghiên cứu được chuyển giao và ứng dụng hiệu quả trong đời sống đã khẳng định rõ vai trò của KH&CN đối với đời sống, sản xuất. Năm 2006, PGS.TS. Nguyễn Văn Hoan (Viện Nghiên cứu lúa lai – Đại học Nông nghiệp Hà Nội) đã bán bản quyền công nghệ sản xuất hạt F1 của giống lúa lai VL20 cho Công ty cổ phần Kỹ thuật Nông nghiệp công nghệ cao (Hải Phòng) với giá 300 triệu đồng. Năm 2008, PGS.TS.Nguyễn Thị Trâm (Viện Sinh học Nông nghiệp - Đại học Nông nghiệp Hà Nội) bán bản quyền trọn gói công nghệ sản xuất hạt giống lúa lai TH3-3 cho Công ty TNHH Cường Tân (Nam Định) với giá 10 tỷ đồng. Năm 2008, Viện Cây lương thực và cây thực phẩm đã bán bản quyền công nghệ sản xuất hạt F1 của giống HYT103 cho Công ty Đại Dương của tỉnh Tứ Xuyên, Trung Quốc với giá 500 triệu đồng.

Bên cạnh đó việc chuyển giao quy trình công nghệ như quy trình sản xuất giống hoa và hoa chất lượng cao; khoai tây giống bằng công nghệ khí canh; quy trình công nghệ nuôi cá, ngao, tu hài... cũng đã được chuyển giao, ứng dụng hiệu quả trong sản xuất.

Trong lĩnh vực công nghiệp, đã hình thành và phát triển các ngành công nghiệp trọng điểm của vùng như công nghiệp cơ khí, luyện kim; điện tử và công nghệ thông tin; sản xuất vật liệu xây dựng; chế biến nông sản, thực phẩm, đồ uống; công nghiệp hoá chất; dệt may, da giầy; khai thác và chế biến khoáng sản... Các sản phẩm công nghiệp quan trọng của vùng gồm máy công cụ, động cơ điện, phương tiện giao thông, thiết bị điện tử, hàng dệt kim, giấy viết...

Hiện 11 tỉnh, thành phố của vùng đã xây dựng và đang triển khai thực hiện Đề án ứng dụng KH&CN phát triển sản xuất, nâng cao hiệu quả kinh tế các sản phẩm chủ lực địa phương. Kết quả thực hiện Đề án bước đầu đã đem lại hiệu quả kinh tế cao. Ví như ở Hà Nội năm 2010, doanh thu của 53 sản phẩm công nghiệp chủ lực đạt trên 44.400 tỷ, chiếm 20,3% doanh thu công nghiệp trên địa bàn. Trong đó, nhiều sản phẩm đem lại doanh thu hàng nghìn tỷ đồng. Các doanh nghiệp có sản phẩm chủ lực đã đóng góp quan trọng vào sản xuất công nghiệp của Thủ đô, giá trị sản xuất công nghiệp năm 2010 đạt hơn 30.840 tỷ đồng, tăng 27,2% so với năm 2009 và chiếm 26,73% tỷ trọng sản xuất công nghiệp của toàn Thành phố.

Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân tham quan gian hàng trưng bày sản phẩm ứng dụng KH&CN tại Hà Nam.

Một số sản phẩm chủ lực đã tạo được thương hiệu và có chỗ đứng vững chắc trên thị trường như: Ôtô khách, ôtô bus, máy biến áp công suất đến 220 kV- 250 MVA đạt tiêu chuẩn Châu Âu, các sản phẩm động cơ điện, sản phẩm gia dụng bằng Inox... của các doanh nghiệp Hà Nội; vải thiều Thanh Hà, nhãn lồng Hưng Yên; chuối ngự Đại Hoàng, rau sắng, gà móng Tiên Phong... của tỉnh Hà Nam; đồ mộc Ninh Phong, đá mỹ nghệ Ninh Vân, cói và rượu Kim Sơn, dê núi... của tỉnh Ninh Bình; các loại sơn tàu biển, sơn giao thông của doanh nghiệp tại Hải Phòng...

Giải pháp nào cho sản phẩm chủ lực?

Mặc dù đã đạt được nhiều thành tựu về ứng dụng KH&CN nhưng theo đánh giá của nhiều đại biểu tham dự hội nghị, vai trò của KH&CN với phát triển kinh tế xã hội vùng ĐBSH còn hạn chế, KH&CN chưa thực sự được coi là động lực then chốt.

Các đại biểu kiến nghị với những lợi thế sẵn có, Vùng ĐBSH vẫn cần ưu tiên phát triển một số loại cây như: lúa chất lượng cao, đậu tương, cây ăn quả (nhãn, vải, chuối, bưởi,…), sản xuất rau, hoa, dâu tằm,…; cần thúc đẩy liên kết 3 nhà (nhà nước, doanh nghiệp, nhà khoa học); đẩy mạnh nghiên cứu ứng dụng ở các địa phương, gắn hoạt động nghiên cứu, chuyển giao công nghệ với kế hoạch phát triển KT - XH của địa phương; xây dựng chiến lược phát triển sản phẩm chủ lực quốc gia dựa vào thế mạnh của từng vùng, miền về nhân lực, nguyên liệu, lợi thế và có lộ trình liên kết triển khai; hỗ trợ thị trường trong và ngoài nước trong việc tiêu thụ sản phẩm...

Bà Nguyễn Thị Xuân Thu, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) cho rằng, việc chọn được sản phẩm chủ lực đã khó nhưng để sản phẩm chủ lực thực sự là chủ lực hay không còn phụ thuộc vào sự ưu tiên đầu tư của địa phương, cơ chế chính sách liên quan đến đất đai, hỗ trợ đổi mới công nghệ, phát triển theo chuỗi sản phẩm. Cần có sự chỉ đạo của Chính phủ trong việc giao các viện nghiên cứu phối hợp với địa phương xác định các sản phẩm chủ lực có lợi thế của từng địa phương, phù hợp với quy hoạch phát triển vùng và cùng địa phương xây dựng kế hoạch, chiến lược phát triển những sản phẩm đó.

Kinh nghiệm ở các địa phương đã thực hiện có hiệu quả Đề án ứng dụng KH&CN phát triển các sản phẩm chủ lực cho thấy, sự quan tâm, đầu tư của lãnh đạo các cấp và việc ban hành các cơ chế, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp có sản phẩm chủ lực rất quan trọng. Ông Nguyễn Văn Sửu – Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội cho biết, từ năm 2005, Thành phố đã thực hiện Chương trình phát triển sản phẩm chủ lực và xác định mục tiêu phát triển các ngành chủ lực có lợi thế đồng thời xây dựng cơ chế hỗ trợ đặc thù thúc đẩy công nghiệp và sản phẩm công nghiệp. Cụ thể, hỗ trợ về đất đai; xây dựng và phát triển thương hiệu, quảng bá sản phẩm; xúc tiến thương mại; hỗ trợ 100% kinh phí khi thực hiện xây dựng các tiêu chuẩn quản lý chất lượng quốc tế; tôn vinh, công bố giới thiệu rộng rãi các sản phẩm chủ lực trên hệ thống thông tin đại chúng của Thành phố; ưu tiên hỗ trợ kinh phí đối với các đề tài nghiên cứu ứng dụng thuộc các lĩnh vực: nghiên cứu ứng dụng công nghệ, thiết bị hiện đại nhằm tăng năng suất, chất lượng; hoàn thiện công nghệ, thiết bị tiên tiến…

Thứ trưởng Bộ KH&CN Nghiêm Vũ Khải cho biết, Bộ đã và đang rà soát lại những cơ chế, chính sách trước đây và sẽ điều chỉnh trong các văn bản mới. Những cơ chế không phù hợp, cản trở hoạt động KH&CN sẽ kiên quyết thay đổi. Trong các văn bản đã ban hành cũng như những văn bản đang soạn thảo, những vấn đề nút thắt tạo điều kiện đưa KH&CN thực sự trở thành động lực then chốt trong phát triển KT - XH của đất nước cũng như các vùng, địa phương; cơ chế chính sách nhằm tạo điều kiện thuận lợi nhất cho hoạt động KH&CN luôn được chú trọng. Một trong những định hướng quan trọng là nâng cao năng lực KH&CN, tăng cường ứng dụng tiến bộ KH&CN tại các địa phương. Tiềm lực của đất nước không chỉ nằm ở Trung ương hay những cơ sở lớn mà chính là việc ứng dụng có hiệu quả KH&CN trong thực tiễn. Điều này lại diễn ra chủ yếu ở địa phương.

Phát biểu tại hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Thiện Nhân cho rằng, các Bộ, ngành cần kết hợp với UBND cấp tỉnh quy hoạch, xác định sản phẩm KH&CN chủ lực của vùng và mỗi địa phương. Trên cơ sở đó tập trung xây dựng, triển khai các nhiệm vụ KH&CN như vấn đề giống, chuyển giao công nghệ, xây dựng thương hiệu, bảo quản, chế biến, tiêu thụ sản phẩm. Phó Thủ tướng yêu cầu thời gian tới, Bộ KH&CN chủ trì, phối hợp với Bộ NN&PTNT, Bộ Công Thương tổ chức hội thảo chuyên đề bàn về việc các doanh nghiệp tham gia vào chuỗi hoạt động nghiên cứu, sản xuất, tiêu thụ sản phẩm như thế nào để các sản phẩm chủ lực có chỗ đứng vững chắc trên thị trường và đem lại nhiều lợi ích nhất cho người sản xuất.

Cũng theo Phó Thủ tướng, người đứng đầu các ngành, Chủ tịch UBND tỉnh có trách nhiệm xác định các nhiệm vụ KH&CN của ngành đó trên cơ sở nhu cầu của ngành, địa phương, đề xuất của giới khoa học. Việc xác định nhiệm vụ nghiên cứu phục vụ khoa học liên ngành do Bộ KH&CN xây dựng và tổ chức triển khai. Cần chủ động triển khai việc giao nhiệm vụ KH&CN thông qua cơ chế đặt hàng dựa trên yêu cầu thực tiễn của vùng và các địa phương.

Cần quy hoạch lại hệ thống các cơ quan nghiên cứu khoa học. Đồng thời khuyến khích các trường đại học thành lập các trung tâm nghiên cứu để tập trung nghiên cứu và đưa sản phẩm nghiên cứu đến với cuộc sống. Trường đại học, ngoài cán bộ giảng dạy có thể bổ sung số biên chế nghiên cứu để tăng năng lực KH&CN. Cần tạo điều kiện và có chính sách ưu đãi đối với nhà nghiên cứu xuất sắc, đầu đàn.

Những năm qua, Đảng và Nhà nước ta luôn coi KH&CN có một vị trí, vai trò đặc biệt quan trọng trong phát triển KT-XH. Để KH&CN thực sự đóng vai trò động lực và nền tảng đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện sản xuất nông nghiệp là chủ đạo ở nước ta hiện nay, hoạt động KH&CN ở các miền, vùng, địa phương có tầm quan trọng đặc biệt. KH&CN cần và tất yếu phải gắn liền với phát triển KT-XH ở địa phương, góp phần nâng cao chất lượng, sức cạnh tranh của sản phẩm hàng hóa chủ lực, hình thành vùng kinh tế tập trung, trọng điểm của các địa phương nói riêng và vùng nói chung.

Nguyễn Hạnh

Nguồn tin: Lao động cuối tuần

Ý kiến của bạn
Tên của bạn : *
E_mail : *
Tiêu đề : *
Nội dung : * (Bạn vui lòng gõ tiếng Việt có dấu)
 
Mã bảo mật :   
   
Các tin khác

   
Xem tin theo ngày
   
 
Xem nhiều nhất

English
Thăm dò ý kiến
Bạn biết website “truyenthongkhoahoc.vn” qua nguồn thông tin nào?
Bạn bè giới thiệu
Qua Google
Qua sách báo, quảng cáo banner