Tiếp tục đổi mới mạnh mẽ hơn nữa nhận thức, tư duy về khoa học và công nghệ (KH&CN) trong điều kiện mới; khắc phục sự xói mòn tâm huyết và cống hiến của các nhà khoa học; thay đổi chính sách đầu tư và cơ chế tài chính cho hoạt động KH&CN; chú trọng đến sử dụng cán bộ KH&CN và trọng dụng người tài…
Đó là những ý kiến góp ý rất hữu ích, thiết thực để phát triển KH&CN thời gian tới của các đại biểu tham dự buổi làm việc của Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng với Bộ KH&CN ngày 10.9 mới đây.
Tại buổi làm việc, các đại biểu đã tập trung đánh giá thành tựu, kết quả nổi bật, cũng như những khó khăn, tồn tại, hạn chế trong hoạt động KH&CN. Đồng thời xác định rõ những công việc cần tiến hành trong thời gian tới, để tiếp tục đổi mới và nâng cao hiệu quả hoạt động KH&CN.
KH&CN đạt được những thành tựu đáng tự hào
Báo cáo tình hình hoạt động KH&CN thời gian qua theo tinh thần Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc (Khóa XI) và Chương trình, kế hoạch công tác của Chính phủ, Bộ trưởng Bộ KH&CN Nguyễn Quân cho biết: Hoạt động của ngành KH&CN nói chung và của Bộ KH&CN nói riêng trong những năm qua tập trung vào thực hiện Chiến lược phát triển KH&CN.
Các định hướng, nội dung, nhiệm vụ KH&CN đã bám sát Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của đất nước và Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI. Kết quả hoạt động KH&CN đã đáp ứng tốt và kịp thời hơn nhu cầu phát triển kinh tế xã hội, nhất là phục vụ trực tiếp quá trình chuyển đổi cơ cấu kinh tế và hội nhập quốc tế trong bối cảnh kinh tế thế giới và đất nước đang gặp nhiều khó khăn, thách thức.
Hệ thống pháp luật về KH&CN với 8 đạo luật và gần 300 văn bản hướng dẫn thi hành đã tạo thuận lợi cho các nhà khoa học, doanh nhân, người quản lý… tham gia tích cực vào hoạt động sáng tạo, đồng thời tạo động lực cho KH&CN phát triển và góp phần đàm phán thành công gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO). Nhiều đề tài, dự án do Nhà nước đầu tư đã có kết quả tốt, ứng dụng vào đời sống, sản xuất, kinh doanh...
Năm 2011 đánh dấu sự đầu tư hiệu quả của Nhà nước thông qua Dự án quy mô lớn Chế tạo giàn khoan tự nâng 90m nước; lần đầu tiên Việt Nam tự thiết kế, chế tạo thành công máy biến áp điện lực 3 pha 500 kV - 3x150 MVA với chất lượng tương đương của Châu Âu; các giáo sư, bác sĩ tại Bệnh viện Nhi Trung ương đã nghiên cứu sử dụng tế bào gốc từ tủy xương điều trị thành công bệnh nhân được chẩn đoán là ly thượng bì bọng nước bẩm sinh (một căn bệnh nguy hiểm đối với trẻ em, tỷ lệ tử vong rất cao). Sự kiện này đưa Việt Nam trở thành nước thứ 2 trên thế giới (chỉ sau Mỹ) thành công với công nghệ này.
Tại buổi làm việc, các đại biểu đều khẳng định KH&CN thời gian qua đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng, đóng góp lớn cho sự phát triển kinh tế xã hội. Nguyên Bộ trưởng Bộ KH&CN Hoàng Văn Phong cho rằng, thành tựu KH&CN của nước ta không hề nhỏ. Nếu nhìn ngang, không nước nào có thu nhập bình quân đầu người ở mức 1.000 – 1.500 USD/người/năm có được những kết quả nghiên cứu và thành tựu KH&CN như nước ta hiện nay. Nhiều tổ chức nước ngoài đã đánh giá, riêng đối với ngành nông nghiệp, KH&CN đóng góp 35% vào thành tựu của ngành này. Việt Nam hiện là chuyên gia hàng đầu của ngành nông nghiệp đối với Châu Phi và Nam Mỹ.
Theo đánh giá của Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân, cơ chế quản lý hoạt động KH&CN đã chuyển biến tích cực trong việc xác định các nhiệm vụ khoa học từ chỗ chủ yếu do giới khoa học đề xuất đến kết hợp nhu cầu thực tiễn và đặt hàng của quản lý nhà nước. Hiện cơ chế chuyển từ giám sát các định mức theo đầu vào sang căn cứ vào hiệu quả lũy tiến đầu ra để chọn đề tài cũng đang được thực hiện. Hoạt động của các đơn vị sự nghiệp đã chuyển đổi mạnh mẽ theo tinh thần tự chủ, tự chịu trách nhiệm. Thị trường KH&CN tuy còn mới nhưng 10 năm qua đã có nhiều chuyển biến, hoạt động giao dịch của quốc gia, địa phương đã trở thành định kỳ.
Tại buổi làm việc, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khẳng định mặc dù điều kiện kinh tế tài chính có hạn, điểm xuất phát thấp nhưng hoạt động KH&CN đã đạt được những thành tựu rất đáng tự hào. Những thành tựu KH&CN bao gồm cả khoa học xã hội, khoa học tự nhiên, khoa học kỹ thuật, KH&CN, nghiên cứu cơ bản, nghiên cứu ứng dụng... đã đóng góp quan trọng vào công cuộc xây dựng và bảo vệ đất nước.
Trước đây nước ta dân ít, ruộng nhiều, nhưng làm không đủ ăn. Bây giờ ruộng đất thu hẹp lại, dân đông hơn (86,7 triệu người), nhưng không những đủ lương thực mà còn xuất khẩu 7 triệu tấn gạo/năm. Vẫn con người ấy, đồng ruộng ấy, kết quả ấy có được rõ ràng là nhờ KH&CN. Xuất khẩu cà phê, hạt điều..., những thành tựu nghiên cứu ứng dụng trong lĩnh vực y tế, công nghiệp, xây dựng... biết bao công trình đã được xây dựng, đi vào vận hành, phục vụ hiệu quả sản xuất và đời sống của nhân dân, làm thay đổi bộ mặt đất nước. Trình độ dân trí không ngừng được nâng lên.
Cần tiếp tục đổi mới nhận thức và tư duy về KH&CN
Mặc dù đã đạt được nhiều thành tựu nhưng hoạt động KH&CN cũng còn nhiều khó khăn, hạn chế. Theo nguyên Bộ trưởng Bộ KH&CN Hoàng Văn Phong, KH&CN chưa đạt được vai trò là động lực then chốt cho phát triển kinh tế - xã hội. Việc phân bổ Ngân sách Nhà nước dành cho KH&CN còn dàn trải. KH&CN cần trở thành lực lượng sản xuất trực tiếp và có vai trò dẫn dắt toàn bộ nền kinh tế của đất nước phát triển. Thời gian tới, để KH&CN phát triển cần tập trung vào hai điểm mấu chốt: thay đổi chính sách đầu tư và cơ chế tài chính cho hoạt động KH&CN; sử dụng cán bộ KH&CN và trọng dụng người tài.
Phó Chủ tịch thường trực Hội đồng Lý luận Trung ương Phùng Hữu Phú cho rằng, thời gian tới cần tiếp tục đổi mới mạnh mẽ hơn nữa nhận thức về KH&CN và giáo dục đào tạo. Phải xác định được vị trí của KH&CN nằm ngoài hay nằm trong kinh tế. Đảng và Nhà nước đã xác định KH&CN và giáo dục đào tạo là quốc sách hàng đầu nhưng thực tế không phải là quốc sách hàng đầu. Nguyên nhân do chúng ta đã tách KH&CN và giáo dục khỏi kinh tế. Phải hiểu rằng, nói đến kinh tế trước hết phải nói đến KH&CN. KH&CN là linh hồn, là sức mạnh của kinh tế. Muốn phát triển kinh tế nhanh, bền vững, không có cách nào khác là phải nắm và phát triển mạnh KH&CN. Vấn đề này cần được hiểu sâu sắc hơn, tuyên truyền rộng rãi và phải ngấm vào máu thịt của từng cán bộ, trước hết là lãnh đạo.
Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân nhận định, KH&CN và giáo dục đào tạo chưa trở thành cấu phần trong các hoạt động của ngành, địa phương. Kế hoạch hoạt động của các ngành cũng chưa kèm theo kế hoạch phát triển KH&CN. Cần đầu tư xây dựng kế hoạch KH&CN 5 năm trên cơ sở kế hoạch 10 năm của các ngành, địa phương. Đây là công cụ để xây dựng mô hình phát triển mới mà ở đó, vai trò người đứng đầu rất quan trọng. Các bộ trưởng cần đặt hàng KH&CN phải làm gì cho ngành phát triển và lãnh đạo tỉnh phải đặt hàng KH&CN làm gì cho địa phương. Hiện Bộ KH&CN đang cụ thể hóa vấn đề này.
Cũng theo Phó Thủ tướng, ngành KH&CN cần đẩy mạnh quy hoạch nhân lực KH&CN. Tập trung ưu đãi cho 3 đối tượng: cán bộ KH&CN đầu đàn; người phụ trách đề tài, đề án cấp quốc gia; cán bộ KH&CN trẻ xuất sắc. Đồng thời, hoàn chỉnh quy hoạch hệ thống mạng lưới nghiên cứu khoa học. Trong đó, coi các trường đại học là cấu thành của hệ thống KH&CN cả nước, xây dựng các trung tâm xuất sắc làm nòng cốt cho từng nhóm nội dung nghiên cứu.
.jpg)
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu tại buổi làm việc.
Phát biểu tại buổi làm việc Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cho rằng, mặc dù KH&CN có nhiều thành tựu rất đáng tự hào trong điều kiện đất nước còn nhiều khó khăn nhưng cũng còn những hạn chế chưa được khắc phục. Có hai nút thắt lớn trong cơ chế chính sách đó là cơ chế tài chính và vấn đề đầu tư cho KH&CN. Vướng về cơ chế chính sách cũng là vướng về nhận thức.
Tổng Bí thư nhấn mạnh, phải tiếp tục đổi mới mạnh mẽ hơn nữa nhận thức, tư duy về KH&CN trong điều kiện mới. Đại hội lần thứ III của Đảng đã khẳng định đi lên chủ nghĩa xã hội bằng 3 cuộc cách mạng, trong đó cách mạng KH&CN là then chốt. Các nghị quyết của Đảng sau này cũng đã xác định phát triển KH&CN cùng với giáo dục đào tạo là quốc sách hàng đầu, động lực để phát triển, nền tảng của công nghiệp hóa (CNH – HĐH) đất nước.
Trong điều kiện đẩy mạnh CNH – HĐH để đến năm 2020 nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại, nước ta đang chuyển đổi mô hình kinh tế từ chiều rộng sang chiều sâu, từ chỗ sử dụng nhiều nhân công, nhiều tài nguyên sang sử dụng chất xám. Phát triển KH&CN để phục vụ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế. Nội dung này cần phải được làm nổi bật.
Cùng với đó, ngành KH&CN cần đổi mới mạnh mẽ hơn nữa cơ chế chính sách để phát triển KH&CN; đổi mới hệ thống tổ chức làm công tác nghiên cứu triển khai thực hiện nhiệm vụ KH&CN; đổi mới công tác quản lý, làm sao để phát huy thế mạnh nguồn nhân lực, khuyến khích người tài, tạo môi trường dân chủ và thuận lợi cho cán bộ KH&CN yên tâm công tác.
Trong đó, đặc biệt nhấn mạnh đến vai trò của Bộ KH&CN, thực sự là trung tâm khoa học, trung tâm trí tuệ và nhân văn; đẩy mạnh công tác đào tạo, bồi dưỡng, xây dựng đội ngũ cán bộ làm công tác KH&CN, quan tâm đến việc sử dụng cán bộ KH&CN hiện tại và có chính sách trọng dụng người tài…
Nguyễn Hạnh