Tại Diễn đàn hợp tác hạt nhân châu Á về “Nâng cao nhận thức cộng đồng về năng lượng nguyên tử”, tổ chức ngày 21 – 25/2 tại Hà Nội, vấn đề nóng và được đặc biệt quan tâm là nhà máy điện hạt nhân có an toàn? Làm thế nào để người dân chấp nhận năng lượng hạt nhân? Những ý kiến mang tính gợi ý của các nhà khoa học trong nước và quốc tế đã được ghi lại nhân dịp Diễn đàn được tổ chức.
TS Sueo Machi, nguyên Phó Tổng Giám đốc Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế; nguyên Ủy viên Ủy ban Năng lượng nguyên tử Nhật Bản, Điều phối viên Quốc gia của Nhật Bản thuộc Diễn đàn Hợp tác hạt nhân châu Á:
Phát triển điện hạt nhân là tất yếu ở Việt Nam
Trong thiết kế nhà máy điện hạt nhân, yếu tố đảm bảo an toàn đã được tính đến. Nếu trong quá trình vận hành có xảy ra lỗi nào đó thì hệ thống đảm bảo an toàn sẽ có vai trò khắc phục.
Việt Nam và Nhật Bản có nhiều điểm khác biệt. Nhật Bản đã từng hứng chịu thảm họa bom nguyên tử, song không phải vì vậy mà người dân Nhật Bản quay lưng với điện hạt nhân. Là quốc gia nghèo tài nguyên nhưng hiện nay, 80% người dân Nhật Bản đã chấp nhận điện hạt nhân để đảm bảo an toàn năng lượng quốc gia.
Còn ở Việt Nam, tài nguyên dầu khí, than đá có nhiều nhưng nhu cầu điện năng của xã hội rất cao, đòi hỏi phải có nguồn năng lượng mới. Điện mặt trời sạch nhưng giá thành đắt gấp 10 lần điện hạt nhân, nguồn điện từ gió cũng đắt gấp 2 lần điện hạt nhân. Phát triển điện hạt nhân là tất yếu ở Việt Nam.
Công nghệ điện hạt nhân của Nga đã được kiểm chứng từ năm 1954 đến nay và đã được nhiều nước trên thế giới sử dụng như Cộng hòa Séc, Hungary, Bungari...Tôi đã từng đến nhà máy điện hạt nhân đầu tiên của Nga ở Obninsk, thậm chí tới cả nơi chế tạo bom nguyên tử, tôi thấy công nghệ của Nga rất an toàn. Người dân không nên quá lo ngại về độ an toàn của nhà máy điện hạt nhân vì hiện nay công nghệ rất tiên tiến. 45 năm qua, các nhà máy điện hạt nhân ở Nhật Bản vẫn hoạt động an toàn.
Bà Francoise Bidard, đại diện phòng Quan hệ Quốc tế, Ban tư vấn Thiết kế Điện hạt nhân Pháp :
Cho người dân thấy rõ, họ sẽ được hưởng lợi gì từ những dự án điện hạt nhân.
Điều rất quan trọng, đó là các thông tin về hoạt động của nhà máy phải được công bố thường xuyên, nhất là khi có những sự cố nhỏ. Sự chấp nhận của công chúng đối với các cơ sở điện hạt nhân cần có những điều kiện như: Hệ thống công cụ pháp luật và pháp quy phải đảm bảo minh bạch tuyệt đối. Cần phải có các nhà khai thác vận hành có kinh nghiệm vững chắc. Việc phát triển năng lượng hạt nhân cần phải có sự cam kết của các nhà lãnh đạo. Và cơ hội phát triển kinh tế - xã hội gắn liền với việc xây dựng nhà máy điện hạt nhân là điều kiện rất quan trọng để nâng cao khả năng chấp thuận của công chúng.
TS. Ngô Đặng Nhân, Cục trưởng Cục An toàn bức xạ và hạt nhân khẳng định
Khai thác, vận hành nhà máy điện hạt nhân phải do người Việt Nam đảm nhận
Nguy cơ xảy ra sự cố mất an toàn bức xạ luôn tiềm ẩn và có thể xảy ra bất cứ lúc nào. Bảo đảm an toàn bức xạ và hạt nhân là yêu cầu số một trong việc triển khai mọi chương trình phát triển ứng dụng năng lượng nguyên tử, trong đó có điện hạt nhân.
Chiến lược này chỉ có thể thành công nếu các nhà lãnh đạo, các nhà quản lý và người dân tin tưởng rằng an toàn bức xạ, an toàn hạt nhân cho các ứng dụng năng lượng nguyên tử được bảo đảm bằng cam kết của Nhà nước, bằng luật pháp, bằng các biện pháp quản lý nhà nước và các giải pháp kỹ thuật khả thi, tin cậy.
Việc bảo đảm an toàn trong các hoạt động ứng dụng thiết bị bức xạ, nguồn phóng xạ trong phát triển kinh tế - xã hội, đặc biệt là sử dụng năng lượng nguyên tử trong các nhà máy điện hạt nhân ở Việt Nam phải do người Việt Nam thực hiện. Để đạt được điều này, trước mắt còn rất nhiều việc phải làm mà trong đó có việc giải bài toán nhân lực (cả về số lượng, trình độ và kinh nghiệm) và bài toán cơ chế (để cải thiện môi trường làm việc và ngăn “chảy máu chất xám”).
Tham dự Diễn đàn hợp tác hạt nhân châu Á về “Nâng cao nhận thức cộng đồng về năng lượng nguyên tử”, tổ chức ngày 21 – 25/2 tại Hà Nội có các điều phối viên dự án thông tin đại chúng về phát triển điện hạt nhân của các nước Trung Quốc, Indonesia, Malaysia, Hàn Quốc, Nhật Bản, Thái Lan, Việt Nam. Diễn đàn này còn có đại diện của Cơ quan năng lượng nguyên tử quốc tế về thông tin đại chúng. Phía Việt Nam có lãnh đạo Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam, Cục Năng lượng nguyên tử.Dự án thông tin đại chúng về phát triển điện hạt nhân là một trong những dự án quan trọng của Diễn đàn này. Việc thực hiện tốt dự án này sẽ góp phần đáng kể trong việc tăng cường các ứng dụng năng lượng nguyên tử vì mục đích hoà bình.
Nguyễn Uyên