Những vướng mắc trong cơ chế quản lý đang được xem là nguyên nhân chính dẫn đến lực cản lớn của sự phát triển khoa học - công nghệ.
Những vướng mắc này sẽ được tháo gỡ bằng các giải pháp đặt ra trong Chiến lược Phát triển KH-CN giai đoạn 2011-2020 cùng với Đề án đổi mới cơ chế quản lý KH-CN được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt mới đây.
Gỡ rối, tháo nút thắt
Chỉ trong hơn 2 giờ đồng hồ, các khách mời đã giải đáp được khá nhiều câu hỏi của bạn đọc gửi đến báo Đất Việt trong suốt thời gian qua. Câu chuyện về cơ chế tài chính, cách đãi ngộ nhân tài vẫn được xem là chiếm ưu thế.
Thẳng thắn chia sẻ thực tế này, Thứ trưởng Nghiêm Vũ Khải bày tỏ, rất nhiều người thực hiện nhiệm vụ KH-CN có sử dụng ngân sách nhà nước phàn nàn về định mức, thủ tục, quy trình thanh quyết toán kinh phí. “Thậm chí có những nhà khoa học có uy tín đã từng nói tại diễn đàn Quốc hội rằng việc nghiên cứu khoa học không "đau đầu bằng việc làm thế nào để thanh quyết toán”, thứ trưởng Nghiêm Vũ Khải chia sẻ.
Nhiều bạn đọc đã cho rằng, chính sự “gây khó dễ” này đã khiến không ít nhà khoa học đã chọn cách “dễ làm, khó bỏ” và điều này thực sự gây tổn hại cho nền khoa học nước nhà. Dù không đồng tình với quan điểm này, song TS Trần Việt Hùng cho rằng, chính bộ máy quản lý và cơ chế quản lý hoạt động KH-CN, cơ chế đầu tư tài chính cho KH-CN đã tạo ra tình thế bắt buộc các nhà khoa học phải làm như vậy. “Nếu chúng ta vẫn tiếp tục quy định mỗi đề tài/dự án KHCN phải hoàn thành trong 2 năm, hoặc có khi chỉ trong 1 năm, nếu chúng ta vẫn cho rằng những đề tài không tạo ra sản phẩm KH-CN như đăng ký ban đầu là những đề tài không hoàn thành nhiệm vụ... thì các nhà khoa học chỉ có thể chọn những đề tài nhỏ, có độ rủi ro không cao hoặc không rủi ro để thực hiện. Tất nhiên, kèm theo đó là giá trị khoa học cũng không nhiều”, TS Hùng thẳng thắn.
|
Tổng biên tập báo Đất Việt Vũ Hữu Nghị (đứng) phát biểu chào mừng các khách mời đã đến tham dự giao lưu. (Ảnh: K.Anh) |
Theo GS Dương Ngọc Hải, căn cứ vào định hướng chiến lược KH-CN mới những khó khăn về cơ chế, thủ tục hành chính được điều chỉnh theo hướng phù hợp với thông lệ quốc tế. “Rất may là trong định hướng về thủ tục tài chính mới thì đây cũng là một trong những vấn đề sẽ được hoàn thiện để đáp ứng được thực chất của vấn đề trong nghiên cứu khoa học”, GS Hải kỳ vọng.
Tin tưởng sẽ thành công
Trong chiến lược phát triển KH-CN tới năm 2020 đặt ra rất nhiều chỉ tiêu quan trọng, trong đó quan trọng nhất là chỉ tiêu đầu tư cho KH-CN…. (toàn xã hội đạt 1,5 GDP, đến năm 2020 hơn 2% GDP). Theo nhiều độc giả, đây là công việc cực kì khó khăn. Tuy nhiên, TS Hùng tin tưởng từ nay đến năm 2015 chỉ còn chưa đến 3 năm, vì vậy chỉ tiêu 1,5% GDP cho KH-CN không phải là thấp. Song nếu thu hút được sự quan tâm đầu tư của xã hội, đặc biệt là các doanh nghiệp thì sau 2015 tốc độ xã hội đầu tư cho KH-CN có thể có sự phát triển đột biến vượt mức 2% như Chiến lược đề ra.
Thứ trưởng Nghiêm Vũ Khải cũng tự tin, nếu chúng ta có biện pháp khuyến khích, ưu đãi hấp dẫn thì có thể huy động nhiều hơn các nguồn đóng góp ngoài ngân sách nhà nước. Do đó, mục tiêu toàn xã hội đạt 1,5 GDP năm 2015 và đến năm 2020 hơn 2%GDP là khả thi. Thậm chí phải phấn đấu cao hơn vì chỉ tiêu nêu trên là thấp về tỉ lệ, nhỏ về giá trị tuyệt đối so với nhiều nước trong khu vực và thế giới.
Còn GS. Dương Ngọc Hải muốn chứng minh bằng con số từ chính viện nghiên cứu của ông. Năm 2006, Viện KH-CN Việt Nam có 159 công bố quốc tế và đến năm 2011 thì con số này là 334. Lý do là vì mỗi năm, Viện phát triển và lớn mạnh hơn nhiều về cơ sở vật chất, điều kiện làm việc, trang thiết bị và từ đó cho kết quả nghiên cứu khác nhau. Theo GS Hải, khi cơ chế quản lý tài chính và quản lý khoa học đổi mới, sẽ tạo một môi trường làm việc thuận lợi cho khoa học. Điều này được thể hiện trong Đề án rất đậm nét. “Từ văn bản đến thực tế sẽ cần phải có thời gian để chứng minh, song giới khoa học rất kỳ vọng vào những thay đổi của Đề án mới này”, GS Hải nói.