Thực hiện "Chiến lược ứng dụng năng lượng nguyên tử vì mục đích hòa bình đến năm 2020" được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt ngày 3-1-2006, nhiều địa phương và doanh nghiệp đã tích cực triển khai và đẩy mạnh ứng dụng năng lượng nguyên tử trong nhiều lĩnh vực, đóng góp hiệu quả cho sự phát triển của đất nước. Tuy nhiên, để ứng dụng này đến gần hơn với cuộc sống, Việt Nam cần tăng cường truyền thông, nâng cao nhận thức về vai trò của năng lượng nguyên tử trong phát triển kinh tế - xã hội.
Hiệu quả trong nhiều lĩnh vực
Sau hơn 15 năm triển khai Chiến lược ứng dụng năng lượng nguyên tử vì mục đích hòa bình đến năm 2020, các nhà khoa học đã ứng dụng kỹ thuật hạt nhân trong nhiều lĩnh vực, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội.
Thạc sĩ Đỗ Ngọc Điệp, Trung tâm Thông tin và Tư vấn hạt nhân, Cục Năng lượng nguyên tử, Bộ Khoa học và Công nghệ cho biết, năng lượng nguyên tử mang lại nhiều lợi ích, như: Thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và hạn chế tình trạng khai thác quá mức các nguồn tài nguyên gây tổn hại đa dạng sinh học, nguồn nước ngọt, không khí sạch và đất canh tác cũng như đe đọa sự phát triển bền vững. Hiện tại, năng lượng nguyên tử đang được ứng dụng rộng rãi trong các ngành: Y tế (chẩn đoán và điều trị ung thư), nông nghiệp (chiếu xạ nông sản xuất khẩu, tạo giống cây trồng…), công nghiệp (kiểm tra, đánh giá công trình) và tài nguyên môi trường.
Việc chọn tạo giống bằng phương pháp chiếu xạ gây đột biến đã tạo ra một loạt giống cây trồng có năng suất cao, phẩm chất tốt hơn, góp phần bảo đảm an ninh lương thực và xuất khẩu. Các kỹ thuật kiểm tra không phá hủy hệ điều khiển hạt nhân và kỹ thuật đồng vị phóng xạ đã được ứng dụng hiệu quả trong nhiều ngành công nghiệp về hóa dầu và hải quan. Việt Nam hiện có 9 cơ sở được trang bị 12 thiết bị chiếu xạ quy mô công nghiệp, phục vụ xuất khẩu trái cây và thủy hải sản sang các thị trường “khó tính”, như: Hoa Kỳ, Nhật Bản, EU, Australia...
Là một trong những người tiên phong nghiên cứu về ứng dụng đồng vị bền trong truy xuất nguồn gốc tại Việt Nam, Thạc sĩ Hà Lan Anh, Viện Khoa học và Kỹ thuật hạt nhân, Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam chia sẻ: “Sử dụng kỹ thuật phân tích đồng vị nặng phân biệt giữa các vật liệu giống hệt nhau về hóa học trong nghiên cứu giám định thực phẩm, giúp xác định nước hoa quả hay củ cải đường có bị cho thêm đường vào sản phẩm nguyên chất hay không. Kỹ thuật này giúp chứng minh, xác thực nguồn gốc đường trong sản phẩm”.
Một trong những hướng đi tiềm năng khác là ứng dụng năng lượng nguyên tử trong "nông nghiệp xanh". Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam đã hợp tác với các doanh nghiệp để triển khai giải pháp công nghệ vi lượng đất hiếm trong nông nghiệp, từ đó phát triển nông nghiệp theo hướng hữu cơ và bền vững. Giám đốc Công ty cổ phần Atomfeed Việt Nam Nguyễn Trọng Tín cho hay, việc sử dụng đất hiếm với liều lượng thích hợp không những làm tăng năng suất, chất lượng sản phẩm nông nghiệp, mà còn làm tăng khả năng kháng bệnh, giảm chi phí thuốc trừ sâu, giảm độc hại cho người sử dụng.
Một trong những điểm nhấn mới của kỹ thuật hạt nhân là trong thời gian dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, các trang thiết bị và hướng dẫn do Cơ quan năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) cung cấp đã giúp các cơ quan chuyên môn của Việt Nam ứng dụng kỹ thuật RT-PCR và phát hiện chính xác vi rút SARS-CoV-2.
Hướng đi nhiều tiềm năng
Ứng dụng năng lượng nguyên tử đã khẳng định dấu ấn hiệu quả trên nhiều lĩnh vực. Hiện tại, một trong những rào cản khiến năng lượng nguyên tử khó lan tỏa giá trị, là nhiều người vẫn hình dung năng lượng nguyên tử như một thứ gì đó phức tạp và xa rời thực tế nên có phần e ngại.
Theo Thạc sĩ Đặng Thị Thu Hồng, Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam (Bộ Khoa học và Công nghệ), để làm chủ công nghệ trong lĩnh vực năng lượng nguyên tử, Việt Nam cần tiếp tục đầu tư về nguồn nhân lực. Bên cạnh đó, cần có chủ trương, chính sách để hỗ trợ sản xuất. Đặc biệt, thông qua công tác tuyên truyền, truyền thông tạo môi trường thúc đẩy việc ứng dụng năng lượng nguyên tử vào cuộc sống.
Còn theo Tiến sĩ Trần Bích Ngọc, Phó Cục trưởng Cục Năng lượng nguyên tử, Bộ Khoa học và Công nghệ, trong giai đoạn tới, ngành Năng lượng nguyên tử cần xác định một số lĩnh vực tiềm năng trọng tâm để tập trung phát triển mạnh hơn. Đáng mừng là, ngày 22-1-2021, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 108/QĐ-TTg phê duyệt nhiệm vụ lập quy hoạch phát triển, ứng dụng năng lượng nguyên tử thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. "Việt Nam có thể tập trung vào những ứng dụng giúp giải quyết các vấn đề "nóng" và mới nổi trên thế giới, như: Kiểm soát và ngăn chặn bệnh truyền nhiễm từ động vật, bảo vệ môi trường, xu hướng chuyển đổi số, truy xuất nguồn gốc...", Tiến sĩ Trần Bích Ngọc nói.
Về vấn đề này, Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Phạm Công Tạc cho biết, thời gian tới, Bộ tiếp tục liên kết với các bộ, ngành, doanh nghiệp, địa phương để nhân rộng các mô hình ứng dụng năng lượng nguyên tử, nhằm thúc đẩy ứng dụng năng lượng nguyên tử, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội.