Banner TOP trái 1
Banner TOP phải 3
Năng lượng nguyên tử Thứ bảy, 23/11/2024 , 06:43 am
Cập nhật : 30/11/2010 , 12:11(GMT +7)
Đẩy mạnh ứng dụng kỹ thuật hạt nhân
Một số sản phẩm dược chất phóng xạ được sản xuất tại Viện
Lần đầu tiên 7 loại thuốc phóng xạ sản xuất tại Viện Nghiên cứu hạt nhân Đà Lạt thuộc Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam đã được Bộ Y tế cấp số đăng ký và được phép lưu hành tại Việt Nam.Đây là một trong rất nhiều thành công của Viện khi ứng dụng kỹ thuật hạt nhân vào phục vụ phát triển kinh tế - xã hội.

 Nhiều nghiên cứu phục vụ cuộc sống

Tháng 2, Cục quản lý dược, Bộ Y tế đã công bố 7 loại thuốc sản xuất tại Trung tâm Nghiên cứu và điều chế đồng vị phóng xạ của Viện được phép lưu hành. Các loại thuốc này được sử dụng dưới dạng tiêm và uống nhằm chuẩn đoán và điều trị các bệnh về tuyến giáp, bệnh lý của các cơ quan chức năng trong cơ thể, giúp tuần hoàn máu. Viện trưởng Viện Nghiên cứu hạt nhân, PGS.TS Nguyễn Nhị Điền cũng cho biết, đây là kết quả của 26 năm thử nghiệm lâm sàng thành công trên nhiều bệnh nhân tại các bệnh viện và cơ sở y tế trong cả nước. Điều này cũng khẳng định Viện Nghiên cứu hạt nhân nói riêng và Việt Nam nói chung đã làm chủ được công nghệ sản xuất thuốc phóng xạ; đáp ứng các tiêu chuẩn, quy trình, quy phạm của quốc gia và quốc tế.

 

Hiện nay, Viện đã sản xuất và cung cấp dược chất phóng xạ cho 23 khoa y học hạt nhân trong nước, phục vụ chẩn đoán và điều trị cho khoảng 300.000 lượt bệnh nhân mỗi năm. Các loại đồng vị chính được sản xuất là tấm áp P-32 điều trị các bệnh ngoài da; dung dịch I-131 dưới dạng tiêm hoặc uống để chẩn đoán và điều trị bệnh tuyến giáp; Tc-99m và các dược chất dưới dạng kit in-vivo đánh dấu để chẩn đoán chức năng và bệnh lý các cơ quan nội tạng của cơ thể như thận, gan, phổi, hệ tiêu hóa, ung thư vú, ... và có thể xác định các khối u bất thường trong não. Các loại kit in-vitro miễn dịch học phóng xạ T3, T4 cũng được sản xuất và sử dụng tại một số bệnh viện. Hàng năm, Viện đã cung cấp khoảng 250Ci (đơn vị đo phóng xạ) chất phóng xạ các loại cho ngành Y tế.

 

Đến cuối năm 2009, có khoảng 7000 nhân viên bức xạ của gần 1200 cơ sở bức xạ trong nước được Viện cung cấp dịch vụ định liều bức xạ cá nhân bằng kỹ thuật liều kế TLD (Liều kế nhiệt phát quang). Ngoài ra, PGS.TS Nguyễn Nhị Điền cũng cho biết, Viện có khả năng và sẵn sàng hỗ trợ kỹ thuật cho các cơ sở bức xạ khác trong nước để thực thi tốt hơn các quy định của Luật năng lượng nguyên tử liên quan đến an toàn và kiểm soát bức xạ. 

 

Trong nông nghiệp, Viện đã thành công trong việc sản xuất và cung cấp các chế phẩm phục vụ nông nghiệp như chế phẩm kích thích tăng trưởng và bảo vệ thực vật (T&D) từ các polysacarit tự nhiên và chế phẩm phòng và trị nấm bệnh OLICIDE từ các chitin, chitosan vỏ tôm-cua biến tính bức xạ; chế phẩm polymer trương nước và phân giải nước chậm để chống hạn cho cây trồng, ...

 

Đặc biệt lĩnh vực đột biến tạo giống mới và nhân giống các loại cây hoa quý và cây nông nghiệp; bảo quản giống và chuyển giao qui trình nuôi trồng các loại nấm dược liệu (nấm linh chi) và thực phẩm (nấm bào ngư, nấm rơm) cũng được thực hiện. Các sản phẩm này đã được chuyển giao cho nhiều cơ sở sản xuất, hộ gia đình trong khu vực Đà Lạt và 4 huyện lân cận. Đến nay các cơ sở sản xuất đã làm chủ được cả khâu bảo quản, nhân giống và công nghệ nuôi trồng các loại nấm trên.

 

Tham gia chương trình nghiên cứu phục vụ địa phương Lâm Đồng, trong giai đoạn từ 1998 - 2008, Viện Nghiên cứu hạt nhân đã thực hiện 12 đề tài, dự án sản xuất thử nghiệm với tổng kinh phí hơn 1.330 triệu đồng (trong đó có 8 đề tài nghiên cứu và 4 dự án sản xuất thử nghiệm thu hồi 60% kinh phí). Liên quan đến lĩnh vực nông nghiệp có đề tài “Chuyển giao quy trình công nghệ nuôi trồng nấm Linh chi trên địa bàn tỉnh”, đề tài “Nghiên cứu sản xuất vật liệu polyme trương nước để ứng dụng trên một số diện tích cây trồng vùng khô hạn của tỉnh”, dự án “Ứng dụng các tiến bộ của công nghệ sinh học để sản xuất cây giống hoa địa lan” ... đã được cơ quan quản lý khoa học của địa phương đánh giá cao.

 

Hướng theo mô hình tự chủ

 

PGS.TS Nguyễn Nhị Điền cho biết, định hướng hoạt động của Viện theo cơ chế của Nghị định 115/2005/NĐ-CP với mô hình tự chủ một phần kinh phí. Chính vì vậy, Viện sẽ đẩy mạnh công tác triển khai ứng dụng kỹ thuật hạt nhân theo hướng nghiên cứu mở rộng các lĩnh vực và loại hình dịch vụ, triển khai mới theo nhu cầu ngày càng tăng của xã hội. Trong đó, tập trung vào một số lĩnh vực chính như sản xuất đồng vị phóng xạ dùng trong y tế, phát triển các kỹ thuật phân tích, nghiên cứu và quan trắc môi trường phóng xạ khí và biển, tạo các chế phẩm mới về công nghệ sinh học và công nghệ bức xạ như tạo giống mới, sản xuất phân vi sinh từ phụ phế thải nông nghiệp, ...; trong lĩnh vực an toàn bức xạ, an toàn hạt nhân và quản lý chất thải phóng xạ, góp phần phát triển nguồn nhân lực hạt nhân, ... Viện đang thuyết minh dự án xây dựng Trung tâm phân tích và kiểm định tại Viện đạt tiêu chuẩn quốc tế phục vụ cho các nhiệm vụ của địa phương, khu vực Tây Nguyên và duyên hải miền Trung trong công tác phân tích - kiểm nghiệm - kiểm định nông sản, hàng hóa xuất nhập khẩu, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm và bảo vệ môi trường, …

 

Hiện nay, Viện đang xây dựng và hoàn thiện các phòng thí nghiệm về định liều chiếu ngoài, phát triển các kỹ thuật phân tích và nghiên cứu môi trường để được công nhận theo chuẩn ISO-17025:2005, ISO-14001 và các phòng thí nghiệm sản xuất dược chất phóng xạ đạt tiêu chuẩn GMP (Tiêu chuẩn thực hành sản xuất tốt).

 

Với khả năng và tiềm lực hiện có, Viện nghiên cứu hạt nhân đã làm chủ trong quản lý và vận hành an toàn Lò phản ứng; các công nghệ sản xuất thuốc phóng xạ đáp ứng các tiêu chuẩn, quy trình, quy phạm của quốc gia và quốc tế; và các lĩnh vực truyền thống khác của Viện, góp phần hình thành và mở rộng thị trường ứng dụng kỹ thuật hạt nhân vào các ngành kinh tế cũng như xây dựng tiềm lực cho sự phát triển của ngành hạt nhân. Đội ngũ các nhà khoa học của Viện đã có nhiều kinh nghiệm để tham gia vào các đề án thuộc Kế hoạch tổng thể thực hiện Chiến lược ứng dụng năng lượng nguyên tử vì mục đích hòa bình đến năm 2020 cũng như chương trình phát triển điện hạt nhân của nước ta trong tương lai. Nhiều kết quả nghiên cứu của viện đã được ứng dụng hiệu quả, góp phần phát triển kinh tế - xã hội đất nước.

Thu Uyên

 


Ý kiến của bạn
Tên của bạn : *
E_mail : *
Tiêu đề : *
Nội dung : * (Bạn vui lòng gõ tiếng Việt có dấu)
 
Mã bảo mật :   
   
Các tin khác

   
Xem tin theo ngày
   
 
Xem nhiều nhất

English
Thăm dò ý kiến
Bạn biết website “truyenthongkhoahoc.vn” qua nguồn thông tin nào?
Bạn bè giới thiệu
Qua Google
Qua sách báo, quảng cáo banner