Banner TOP trái 1
Banner TOP phải 3
Tiềm lực KH&CN Thứ bảy, 23/11/2024 , 06:01 am
Cập nhật : 28/12/2015 , 18:12(GMT +7)
Đẩy mạnh nghiên cứu công nghệ sinh học trong y học
Thời gian qua đã có nhiều CNSH được ứng dụng vào y học
Nghiên cứu ứng dụng công nghệ sinh học (CNSH) trong y tế ở nước ta được quan tâm và đầu tư muộn hơn so với trong lĩnh vực nông nghiệp, chỉ mới bắt đầu từ khoảng 10 năm trở lại đây. Đây cũng là khoảng thời gian hình thành và phát triển đội ngũ các nhà y học làm việc trong lĩnh vực CNSH (công nghệ y sinh) với định hướng tiếp cận và ứng dụng trực tiếp thành tựu CNSH phục vụ y học lâm sàng và dược.

Chủ động nghiên cứu

Có thể nói việc nghiên cứu sản xuất chủ động vắc-xin trong nước bằng những công nghệ tiên tiến là một trong những thành tựu của CNSH trong lĩnh vực y học dự phòng. Các nghiên cứu dịch tễ học phân tử của các tác nhân gây bệnh (SARS, cúm gia cầm, virus viêm gan, viêm não, lao,…) diễn biến theo thời gian giúp cho công tác dự đoán và phòng bệnh cũng đã được đầu tư nghiên cứu ở nước ta. 

GS.TS. Tạ Thành Văn, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Y Hà Nội cho biết, các kỹ thuật chẩn đoán gen đối với các bệnh lý của hệ di truyền giúp cho việc chẩn đoán sớm, chẩn đoán trước sinh giúp cho việc tư vấn di truyền đã được phát triển vượt bậc trong những năm gần đây. Nhiều kỹ thuật đã trở thành thường quy ở Trường Đại học Y Hà Nội, Bệnh viện Phụ Sản Trung ương, Bệnh viện Nhi Trung ương, Bệnh viện Từ Dũ…Các kỹ thuật đã đạt tới đỉnh cao như kỹ thuật chẩn đoán tiền làm tổ. 

Bên cạnh đó, nằm trong định hướng y học cá thể, kỹ thuật chẩn đoán gen phục vụ cho đáp ứng điều trị cũng đã được nghiên cứu ứng dụng và phát triển. Đặc biệt phải kể đến các kỹ thuật xét nghiệm gen trong xác định tính đáp ứng điều trị ung thư đã được nghiên cứu triển khai và nhân rộng nhằm tăng hiệu quả điều trị, giảm chi phí và kéo dài cuộc sống cho bệnh nhân ung thư.

Một số sản phẩm công nghệ sinh học ứng dụng trong điều trị đã được đầu tư nghiên cứu ở quy mô phòng thí nghiệm như protein tái tổ hợp, kháng thể đơn dòng, vật liệu nano, các hợp chất tự nhiên…

Các chế phẩm hỗ trợ điều trị, tăng cường khả năng miễn dịch của con người cũng đã được đầu tư nghiên cứu. Một số đã được thử nghiệm lâm sàng và đưa vào ứng dụng trên bệnh nhân. Nổi bật nhất là các chế phẩm từ các nguồn dược liệu trong nước, điều trị đáo tháo đường, gút, cao huyết áp, xơ vữa động mạch…

Trong thời gian qua, hướng nghiên cứu ứng dụng màng sinh học, tế bào gốc và các chế phẩm của nó trong điều trị cũng đã được đầu tư nghiên cứu áp dụng. Việc ứng dụng tế bào gốc nguồn gốc tủy xương, mô mỡ đã được điều trị thử nghiệm đối với một số bệnh ung thư, nhồi máu cơ tim, bệnh lý xương khớp, chấn thương thần kinh… và bước đầu đem lại kết quả hứa hẹn. 

Và liệu pháp điều trị gen đối với bệnh nan y đã được đầu tư nghiên cứu ở mô hình tế bào. Nhóm nghiên cứu của Trường Đại học Y Hà Nội đã nắm bắt và làm chủ được công nghệ này, làm tiền đề cho việc triển khai ở mô hình động vật thực nghiệm trước khi tiến hành trên người.

Đầu tư phát triển nghiên cứu ứng dụng

Ông Nguyễn Văn Liễu, Vụ trưởng Vụ KH&CN các ngành Kinh tế kỹ thuật chia sẻ, trong 10 năm nghiên cứu ứng dụng CNSH trong y tế ở nước ta đã đạt được những thành tựu đáng tự hào so với sự đầu tư còn khiêm tốn. Định hướng ưu tiên của CNSH chưa thực sự phù hợp với thực tiễn và nhu cầu của nền kinh tế và tiềm lực của nước ta. Nhiều mục tiêu chỉ là những dự định để chúng ta vươn tới chứ không phải là những mục tiêu thực tiễn trong khoảng thời  gian 5 đến 10 năm  tới. Điều này dẫn đến việc đầu tư lãng phí, hiệu quả thấp. Một số nhiệm vụ đưa ra không có tính kết nối, liên tục.

Quy trình đề xuất, xét duyệt và giao nhiệm vụ chưa hợp lý dẫn đến việc không chọn được một cách tối ưu chủ nhiệm đề tài và cơ sở để giao nhiệm vụ. Việc đầu tư đối với các nhiệm vụ thường không hoàn chỉnh từ đầu đến cuối, dẫn đến việc triển khai dở dang và không tạo ra sản phẩm cuối cùng để đưa vào ứng dụng. Đặc biệt đối với CNSH trong y học, các sản phẩm phải qua một quy trình thử nghiệm lâm sàng nghiêm ngặt và tốn kém mới có thể đem ra ứng dụng trên bệnh nhân. Hiện nay, phân đoạn này vẫn bỏ ngỏ và khó tìm được nguồn tài trợ.

GS. TS. Tạ Thành Văn nhận định, trong thời gian tới sẽ đầu tư phát triển nghiên cứu ứng dụng công nghệ gen và tế bào trong chẩn đoán và điều trị. Trước mắt chỉ nên ưu tiên đầu tư cho các bệnh lý phổ biến, ảnh hưởng lớn tới cộng đồng và xã hội. Đồng thời, đầu tư sản xuất các chế phẩm sinh học có giá trị ứng dụng và hiệu quả cao. 

Cùng với đó là thành lập trung tâm nghiên cứu ứng dụng động vật thực nghiệm trong đó có động vật chuyển gen. Ưu tiên mô hình nghiên cứu mang lại hiệu quả cao và có tính ứng dụng phổ biến: mô hình ruồi giấm chuyển gen, cá chuyển gen và sau đó đến chuột. Các mô hình này sẽ được ứng dụng trong việc phát triển thuốc mới từ nguồn dược liệu phong phú trong nước.  Đầu tư nghiên cứu dịch tễ học phân tử các tác nhân gây bệnh, chẩn đoán sớm các độc tố trong thực phẩm và các chế phẩm. Nghiên cứu sự phân bố của các kiểu gen nguy cơ trong cộng đồng để có định hướng dự phòng.

Bài, ảnh: Hoài Phương

 


Ý kiến của bạn
Tên của bạn : *
E_mail : *
Tiêu đề : *
Nội dung : * (Bạn vui lòng gõ tiếng Việt có dấu)
 
Mã bảo mật :   
   
Các tin khác

   
Xem tin theo ngày
   
 
Xem nhiều nhất

English
Thăm dò ý kiến
Bạn biết website “truyenthongkhoahoc.vn” qua nguồn thông tin nào?
Bạn bè giới thiệu
Qua Google
Qua sách báo, quảng cáo banner