Banner TOP trái 1
Banner TOP phải 3
Hoạt động KH&CN Chủ nhật, 24/11/2024 , 09:53 pm
Cập nhật : 29/07/2017 , 22:07(GMT +7)
Đẩy mạnh hoạt động khoa học và công nghệ trong các cơ sở giáo dục đại học
. Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Chu Ngọc Anh phát biểu tại Hội nghị
Ngày 29/7, tại Hà Nội đã diễn ra Hội nghị Phát triển khoa học và công nghệ (KH&CN) trong các cơ sở giáo dục đại học giai đoạn 2017 – 2025. Tham dự, chủ trì Hội nghị có Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ và Bộ trưởng Bộ KH&CN Chu Ngọc Anh.

Hội nghị còn có sự tham dự của Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ  và Môi trường của Quốc hội Phan Xuân Dũng; Giám đốc Đại học Quốc gia TPHCM Huỳnh Thành Đạt; đại diện Ngân hàng Thế giới Ngài Francisco Marmolejo; đại diện lãnh đạo các cơ quan ban ngành Trung ương, địa phương; lãnh đạo các trường đại học trên cả nước và các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân có liên quan.

Cung cấp 90% nguồn nhân lực KH&CN

Phát biểu tại Hội nghị, PGS.TS. Vũ Văn Tích, Trưởng nhóm nghiên cứu Đại học Quốc gia Hà Nội cho biết, Đảng và Chính phủ rất quan tâm về vai trò, vị trí của các trường đại học trong hoạt động KH&CN. Điều này đã được khẳng định qua Nghị quyết 20-NQ/TW Hội nghị lần thứ 6 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về phát triển KH&CN phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế.

Ngoài ra, Quyết định số 418/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về Chiến lược phát triển KH&CN giai đoạn 2011 – 2020 chỉ rõ: “Phát triển KH&CN với giáo dục đào tạo là quốc sách hàng đầu, là động lực then chốt để phát triển đất nước nhanh, bền vững. KH&CN phải đóng vai trò chủ đạo để tạo bước phát triển đột phá về lực lượng sản xuất, đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế, đẩy mạnh quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước”.

Hiện nay, hoạt động đào tạo nhân lực của các trường đại học cung cấp hơn 90% nhân lực KH&CN trong cả nước, 10% được đào tạo tại nước ngoài. Sản phẩm đào tạo nhân lực KH&CN của các trường đại học phục vụ trực tiếp các hoạt động quản lý điều hành của các doanh nghiệp và cơ quan quản lý hiện nay.

Bên cạnh đó, các sản phẩm từ hoạt động KH&CN của các trường đại học góp phần giải quyết trực tiếp các vấn đề thách thức của các ngành kinh tế ở Việt Nam hiện nay như: tạo ra các giống mới cho ngành nông nghiệp; giải pháp cho ngành công nghệ thông tin; làm chủ công nghệ đối với các sản phẩm siêu trường, siêu trọng,…

Về số lượng công bố khoa học, công bố quốc tế, PGS.TS. Vũ Văn Tích cho biết, công bố quốc tế giai đoạn 2011 – 2016 của 16 trường đại học khối kỹ thuật công nghệ có 1733/5.738 bài của cả nước (chiếm khoảng hơn 30% công bố ngành Giáo dục trên cả nước).

Ngoài ra, khối trường đại học nông – lâm – ngư – y đã góp phần biên soạn 184 sách và giáo trình; đăng tải trên 7023 bài báo trên các tạp chí chuyên ngành trong và ngoài nước, trong đó có 3.349 bài đăng trên các kỷ yếu hội thảo quốc gia và quốc tế.

Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ phát biểu tại Hội nghị

Các nhà khoa học thuộc các trường đại học đã đạt được nhiều giải thưởng cao quý quốc tế và quốc gia, chiếm tỷ trọng giải thưởng cao so với tổng số lượng đạt được trong cả nước qua: Giải thưởng Hồ Chí Minh, Giải thưởng khoa học cấp quốc gia, Giải thưởng VIFOTEC,…

Kết quả hoạt động KH&CN của các nhà khoa học từ các trường đại học đã góp phần không nhỏ vào việc nâng cao tiềm lực KH&CN của toàn ngành KH&CN, qua đó nâng cao tiềm lực KH&CN trong thời gian gần đây. Ngày 15/6/2017 tại Geneva, Thụy Sỹ, Tổ chức Sở hữu Trí tuệ Thế giới (WIPO) kết hợp với Trường Đại học Cornell (Hoa Kỳ) và Học viện Kinh doanh INSEAD (Pháp) đã công bố Báo cáo Chỉ số đổi mới sáng tạo (ĐMST) toàn cầu năm 2017 (Global Innovation Index 2017, gọi tắt là GII 2017). Theo đó, Việt Nam đã tăng hạng khá ấn tượng, từ vị trí 59/128 lên vị trí 47/127 nước và nền kinh tế (tăng 12 bậc). Đây là thứ hạng cao nhất Việt Nam từng đạt được từ trước đến nay. Việt Nam còn đứng vị trí số 1 về chỉ số GII 2017 trong số các nước có thu nhập trung bình thấp.

Về tiềm lực KH&CN trong ngành giáo dục, hiện nay, khu vực các trường đại học đóng góp hơn 50% tổng số nhân lực KH&CN trong cả nước. 

Chuyển giao công nghệ, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội

Đánh giá về hoạt động chuyển giao công nghệ tại tác trường đại học thời thời gian qua, PGS.TS. Vũ Văn Tích cho hay, hoạt động KH&CN tại các trường đại học nằm hầu hết ở các lĩnh vực của đời sống xã hội, từ phát hiện tài nguyên thiên nhiên, phát triển hạ tầng, KH&CN trong y tế, môi trường, quốc phòng, an ninh,… đã góp phần quan trọng cho sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Chỉ tính riêng trong lĩnh vực sản xuất nông nghiệp, KH&CN giữ vai trò đặc biệt trong tăng trưởng, đóng góp khoảng 30 – 40% vào tăng trưởng nông nghiệp. Trong công nghiệp, hoạt động KH&CN đã hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy phát triển doanh nghiệp, nâng cao năng suất, chất lượng, giảm giá thành sản phẩm, tạo ra sản phẩm mới thay thế nhập khẩu trong các ngành kinh tế mũi nhọn. Khối trường đại học kỹ thuật công nghệ giai đoạn 2011 – 2015 đã có 1.729 hợp đồng chuyển giao công nghệ đã được ký kết và thực hiện.

Ngoài mang lại thành công trong nghiên cứu nông – lâm – ngư, nghiên cứu khoa học trong y – dược là một trong những thế mạnh của các trường đại học, nhiều nghiên cứu về y – dược mang lợi thế cho các trường đại học Việt Nam ngang tầm với các nước phát triển trên thế giới, chỉ tính riêng giai đoạn 2011 – 2016 đã có tổng cộng 570 sản phẩm ứng dụng được tạo ra, trong đó có 62 sản phẩm thuộc lĩnh vực y – dược, 508 sản phẩm ứng dụng thuộc lĩnh vực nông – lâm – ngư.

Lĩnh vực Khoa học Xã hội và Nhân văn cũng góp nhiều vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ tổ quốc, nhiều kết luận của Khoa học Xã hội và Nhân văn đã được dùng làm cơ sở để soạn thảo các nghị quyết, hoạch định các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, góp phần vào công cuộc đổi mới của đất nước.

Toàn cảnh Hội nghị

Đặc biệt hoạt động chuyển giao công nghệ của các nhóm nghiên cứu mạnh đã thu hút đầu tư của các doanh nghiệp cho phát triển các phòng thí nghiệm, trung tâm nghiên cứu. Những năm qua, Đại học Quốc gia Hà Nội đã hình thành các phòng thí nghiệm do Toshiba, Samsung,… tài trợ thu hút các nhà đầu tư từ khối doanh nghiệp Nhật Bản lên đến 7 triệu USD cho phát triển phòng thí nghiệm phát triển năng lượng sạch sản xuất Biodiegen.

Tại Hội nghị, phần lớn các đại biểu đồng ý với các giải pháp, kiến nghị để nâng cao hoạt động KH&CN trong các trường đại học như: thành lập các công viên khoa học, thông qua điều chỉnh quy hoạch các khu công nghệ cao, khu nông nghiệp công nghệ cao,… tại các địa phương và của các bộ, ngành nằm cạnh các trường đại học và tổ chức phối hợp hoạt động theo mô hình Technopolis – tương tự như Khu Công nghệ cao Hòa Lạc và Đại học Quốc gia Hà Nội.

Đồng thời đầu tư tập trung một số trung tâm KH&CN của đất nước gắn với các đại học quốc gia và các đại học vùng cũng như một số đại học trọng điểm trên cả nước. Ngoài ra, cần tăng cường đầu tư phát triển một số đại học 4.0 mang tư tưởng dẫn dắt, khai phóng, để tổ chức nghiên cứu và đào tạo cho một số ngành nghề mới, lĩnh vực KH&CN mới gắn với cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4,… Đặc biệt cho phép các trường đại học thành lập Văn phòng TLO, TTO  nhằm thúc đẩy phát triển thị trường KH&CN và tài sản trí tuệ.

Phát biểu tại Hội nghị, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Chu Ngọc Anh đánh giá cao các hoạt động nghiên cứu khoa học tại các trường đại học thời gian qua. Điều này đã góp phần nâng cao tiềm lực KH&CN của đất nước, trong đó có việc nâng cao năng lực cho đội ngũ giảng viên, đặc biệt là giảng viên trẻ. Ngoài ra, hoạt động nghiên cứu, chuyển giao công nghệ trong lĩnh vực cơ sở hạ tầng của đất nước cũng như nhiều sản phẩm đến từ khối y – dược, nông – lâm – ngư đã cho ra đời nhiều sản phẩm có chất lượng cao, sánh với các nước khu vực và thế giới.

Đặc biệt, Bộ trưởng Chu Ngọc Anh nhấn mạnh đến sự liên kết tự thân trong các khối, nhóm nghiên cứu đến từ các trường đại học với doanh nghiệp. Theo Bộ trưởng đây là tín hiệu đáng mừng và bày tỏ ủng hộ những giải pháp, các cơ chế chính sách nhằm hỗ trợ tối đa các trường trong và ngoài công lập trong hoạt động nghiên cứu. 

Tuy nhiên, Bộ trưởng Chu Ngọc Anh lưu ý các trường cần xác định rõ việc phân cấp các tiêu chí nghiên cứu cho từng nhóm, từng trường và đặc biệt là minh bạch thông tin công bố nghiên cứu trong các trường; đầu tư cho các nhiệm vụ trọng điểm với các giải pháp KH&CN gắn với đào tạo nguồn nhân lực lực chất lượng cao.

 

Bộ trưởng Bộ KH&CN Chu Ngọc Anh và Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ ký kết “Chương trình phối hợp công tác giữa Bộ  KH&CN và Bộ Giáo dục và Đào tạo giai đoạn 2017-2025”

Phát biểu tại Hội nghị, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ cho rằng, Hội nghị có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong việc phát triển hoạt động nghiên cứu khoa học ở các cơ sở giáo dục đại học trong thời gian tới. Đây là dịp để các nhà lãnh đạo, nhà khoa học, nhà giáo dục đưa ra một số điểm còn hạn chế trong nghiên cứu khoa học tại các cơ sở giáo dục đại học hiện nay. Từ đó, đề xuất các giải pháp để tháo gỡ khó khăn; phát huy tiềm lực KH&CN, đẩy mạnh hợp tác quốc tế về KH&CN; đề xuất các hướng nghiên cứu chiến lược trọng tâm phục vụ phát triển ngành Giáo dục và Đào tạo giai đoạn 2017-2025; đưa ra các kiến nghị, giải pháp để phát triển KH&CN trong các cơ sở giáo dục đại học trực thuộc Bộ trong giai đoạn 2017-2025.

Tại Hội nghị, Bộ Khoa học và Công nghệ và Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ký kết Chương trình phối hợp công tác giai đoạn 2017-2025 nhằm đẩy mạnh hơn nữa công tác nghiên cứu khoa học trong giáo dục và đào tạo trong thời gian tới.

Ngũ Hiệp


Ý kiến của bạn
Tên của bạn : *
E_mail : *
Tiêu đề : *
Nội dung : * (Bạn vui lòng gõ tiếng Việt có dấu)
 
Mã bảo mật :   
   
Các tin khác

   
Xem tin theo ngày
   
 
Xem nhiều nhất

English
Thăm dò ý kiến
Bạn biết website “truyenthongkhoahoc.vn” qua nguồn thông tin nào?
Bạn bè giới thiệu
Qua Google
Qua sách báo, quảng cáo banner