Để hưởng ứng công tác phân loại chất thải rắn sinh hoạt (CTRSH) được triển khai rộng rãi trên cả nước, đáp ứng các yêu cầu về bảo vệ môi trường, thời gian qua, Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) đã đẩy mạnh tuyên truyền về hoạt động này. Đặc biệt, Bộ đã ban hành, triển khai nhiều chương trình KH&CN nhằm nghiên cứu, đẩy mạnh và khuyến khích phân loại chất thải rắn tại nguồn, giảm thiểu, tái chế, tái sử dụng chất thải phát sinh hạn chế chôn lấp trực tiếp như hiện nay.
Thời gian qua, Bộ KH&CN đã tập trung vào những hoạt động: Tuyên truyền về mục đích, ý nghĩa của công tác phân loại CTRSH theo hướng hiệu quả, sáng tạo; đổi mới phương thức, hình thức truyền thông, ứng dụng công nghệ, kết hợp các kênh thông tin, mạng xã hội, chú trọng vào các hoạt động thực tiễn có sức lan tỏa, ảnh hưởng mạnh mẽ đến nhận thức của cộng đồng.
Đặc biệt, Bộ KH&CN đã phê duyệt Chương trình KH&CN cấp quốc gia giai đoạn đến năm 2030 “Nghiên cứu ứng dụng và phát triển công nghệ tiên tiến xử lý chất thải rắn trong chương trình KH&CN”, mã số KC.06/21-30 được triển khai từ năm 2021 với mục tiêu: Ứng dụng và phát triển được các công nghệ tiên tiến xử lý, tái chế chất thải; quan trắc, giám sát và kiểm soát ô nhiễm môi trường phù hợp với điều kiện của Việt Nam và xu hướng của thế giới; Phát triển được công nghệ sản xuất, chế tạo thiết bị, phương tiện, sản phẩm phục vụ phòng ngừa, giảm thiểu và xử lý chất thải, bảo vệ môi trường, đáp ứng nhu cầu trong nước và xuất khẩu; Hỗ trợ phát triển sản xuất thiết bị, phương tiện và sản phẩm bảo vệ môi trường quy mô công nghiệp để thay thế nhập khẩu, phát triển doanh nghiệp thuộc lĩnh vực công nghiệp môi trường.
Bên cạnh đó, mới đây, Bộ KH&CN đã phối hợp với UBND tỉnh Bến Tre tổ chức Hội thảo “Công nghệ xử lý chất thải rắn sinh hoạt - Thực trạng và giải pháp” với mục tiêu giúp các tỉnh, thành phố của vùng Đồng bằng sông Cửu Long nắm bắt được thực trạng và lựa chọn công nghệ xử lý CTRSH phù hợp với thực tế của các địa phương.
Thứ trưởng Bộ KH&CN Trần Hồng Thái phát biểu tại Hội thảo“Công nghệ xử lý chất thải rắn sinh hoạt - Thực trạng và giải pháp”.
Bộ KH&CN đã và đang đẩy mạnh các hoạt động hỗ trợ nghiên cứu khoa học, đổi mới công nghệ thông qua các chương trình, nhiệm vụ KH&CN; thực hiện việc thẩm định công nghệ đối với các dự án đầu tư; thẩm định và ban hành các quy chuẩn kỹ thuật quốc gia, tiêu chuẩn quốc gia; các hoạt động liên quan đến sở hữu trí tuệ góp phần thúc đẩy việc phát triển và ứng dụng công nghệ xử lý CTRSH vào thực tế.
Bên cạnh đó, cần áp dụng tối đa xu thế công nghệ tái chế, tái sử dụng và tận dụng năng lượng, tài nguyên từ rác thải; các nhà máy xử lý CTRSH khi đưa vào sử dụng cần bảo đảm được vận hành đáp ứng các tiêu chí về bảo vệ môi trường, bảo đảm tính khả thi về hiệu quả đầu tư, vận hành và tính bền vững; khuyến khích mô hình xử lý tập trung, quy mô đủ lớn và công nghệ hiện đại, với quy mô xử lý từ 500 tấn trở lên...
Thới gian tới, Bộ KH&CN tiếp tục bám sát vào nội dung của các Nghị quyết, khung Chương trình do Thủ tướng Chính phủ và Bộ KH&CN phê duyệt; đồng thời khẳng định luôn duy trì sự hỗ trợ và đầu tư cho nghiên cứu và phát triển, cũng như tạo ra môi trường kinh doanh thích hợp để khuyến khích đầu tư đổi mới công nghệ trong lĩnh vực này để đưa công nghệ là yếu tố trung tâm quan trọng của cuộc cách mạng xử lý chất thải, đồng thời tạo điều kiện cho sự hợp tác đa ngành, lĩnh vực, đa cấp độ giữa các cơ quan, tổ chức, cá nhân liên quan.
Phân loại rác tại nguồn phải được hoàn thành chậm nhất là vào ngày 31/12/2024.
Với vai trò là đầu mối truyền thông của Bộ KH&CN, Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển truyền thông KH&CN đã chủ động xây dựng kế hoạch, phối hợp với các cơ quan báo chí hợp tác đẩy mạnh truyền thông về các chương trình KH&CN cấp quốc gia, Hội thảo liên quan đến chủ đề CTRSH do Bộ KH&CN tổ chức, các chương trình do Bộ Tài Nguyên và Môi trường phát động; đặc biệt tuyên truyền về mục đích, ý nghĩa của công tác phân loại CTRSH trên Cổng thông tin điện tử của Bộ, Trang Thông tin điện tử truyenthongkhoahoc.vn và trang fanpage Khoa học, Công nghệ và Đổi mới sáng tạo trên facebook.
Theo Điều 79 của Luật Bảo vệ môi trường năm 2020, việc phân loại rác tại nguồn phải được hoàn thành chậm nhất là vào ngày 31/12/2024. Để thực hiện thành công, hiệu quả việc phân loại rác tại nguồn của Luật Bảo vệ môi trường năm 2020, các cấp, các ngành cần có những biện pháp quyết liệt để huy động mọi nguồn lực của Nhà nước, doanh nghiệp và xã hội; bảo đảm các trang thiết bị thu gom, vận chuyển, xử lý CTRSH đồng bộ và đáp ứng yêu cầu bảo vệ môi trường; đẩy mạnh việc tuyên truyền, tác động về ý nghĩa của việc phân loại rác tại nguồn và nguy cơ xảy ra nếu không phân loại để người dân hiểu cũng như thực hiện; tiến hành khảo sát, đánh giá, phân loại đối tượng để có cách triển khai, lộ trình thực hiện phù hợp… |
Tin, ảnh: Thùy Linh