Chiều 16/8, tại Phú Yên đã diễn ra Hội thảo: “Ứng dụng và đổi mới công nghệ trong sản xuất, chế biến các sản phẩm nông nghiệp chủ lực tỉnh Phú Yên”.
Hội thảo là một trong những chuỗi hoạt động trình diễn, kết nối cung cầu công nghệ lĩnh vực nông lâm, thủy sản tỉnh Phú Yên năm 2019 do UBND tỉnh Phú Yên phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ; Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn; Vụ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn - Ban Kinh tế Trung ương tổ chức.
Chủ trì Hội thảo có các đồng chí Phan Đình Phùng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; đồng chí Tạ Việt Dũng, Cục trưởng Cục Ứng dụng và Phát triển công nghệ; ông Lê Văn Cựu, Giám đốc Sở KH&CN Phú Yên; ông Đào Lý Nhĩ, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Phú Yên cùng với sự tham dự của các nhà khoa học, các chuyên gia và gần 100 đại biểu đến từ các cơ quan quản lý của tỉnh, viện, trường, hiệp hội, hội đoàn thể, doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh.
Trong khuôn khổ Hội thảo, các nhà quản lý, khoa học, chuyên gia đã trình bày tham luận về các chủ đề như: Cơ cấu lại ngành nông nghiệp - những vấn đề đặt ra và định hướng phát triển; thu hút đầu tư ứng dụng KH&CN, công nghệ cao phục vụ hiện đại hóa nông nghiệp nông thôn; thách thức đối với cây mía Phú Yên trong bối cảnh hội nhập; xu hướng, thực trạng và giải pháp phát triển công nghệ bảo quản, chế biến nông lâm thủy sản Việt Nam - Ứng dụng công nghệ tiên tiến trong bảo quản, chế biến nông lâm thủy sản; phát triển nông nghiệp thông minh trong điều kiện biến đổi khí hậu. Các báo cáo, tham luận tại Hội thảo đã nhận được nhiều sự quan tâm, đóng góp ý kiến của đại biểu tham dự.
Theo ông Nguyễn Văn Tiến, Vụ trưởng Vụ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn – Ban kinh tế Trung ương: Việt Nam có tiềm năng và lợi thế phát triển một nền nông nghiệp theo hướng hiện đại, đa chức năng dựa trên cơ sở phát huy lợi thế so sánh gắn với thị trường tiêu thụ. Để đẩy nhanh quá trình đó, có nhiều giải pháp nhưng trọng tâm cần tập trung khắc phục tình trạng sản xuất nhỏ, manh mún, thiếu liên kết, thúc đẩy nhanh quá trình tổ chức lại sản xuất, liên kết sản xuất, ứng dụng khoa học và công nghệ, sản xuất nông sản hàng hóa theo chuỗi giá trị gắn với thị trường .
Trong những năm vừa qua, kinh tế nông nghiệp Phú Yên tiếp tục tăng trưởng, góp phần quan trọng trong việc bảo đảm an ninh lương thực, tạo nguồn nguyên liệu cung cấp cho ngành chế biến, từng bước xây dựng nền nông nghiệp toàn diện theo hướng hiện đại, góp phát triển kinh tế xã hội đối với tỉnh Phú Yên. Tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm (GRDP) ngành Nông nghiệp 30 năm qua đạt bình quân 13,5%/năm, giá trị sản xuất. Đời sống của người dân nông thôn ngày càng được cải thiện. Tỉnh đã thu hút được nhiều doanh nghiệp đầu tư sản xuất, kinh doanh vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn; toàn tỉnh có 146 doanh nghiệp đang hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, nhiều doanh nghiệp trở thành nòng cốt trong kết nối sản xuất với thị trường tiêu thụ, thúc đẩy phát triển sản xuất nông nghiệp công nghệ cao.
Tuy nhiên, trong thời gian qua sản xuất nông nghiệp của tỉnh gặp nhiều khó khăn do thời tiết biến đổi bất thường, những tiến bộ khoa học kỹ thuật và công nghệ mới chưa được phổ biến rộng rãi và ứng dụng có hiệu quả trong sản xuất nên năng suất thấp, chi phí và thiệt hại do dịch bệnh khá lớn. Mức độ cơ giới hóa trong sản xuất vẫn còn thấp, chưa đồng đều giữa các khâu nên sản phẩm tạo ra chưa cạnh tranh được với thị trường. Với xu thế hội nhập và phát triển hiện nay, trong thời gian tới Phú Yên cần phải nhanh chóng và biến các tiềm năng lợi thế này thành giá trị thông qua việc tăng cường ứng dụng công nghệ trong sản xuất nông nghiệp để hạn chế những rủi ro, góp phần tăng năng suất, chất lượng sản phẩm, giảm thiểu sự rủi ro dưới tác động biến đổi khí hậu, đủ sức cạnh tranh trên thị trường.
Theo ông Nguyễn Trọng Lực - Trung tâm Úng dụng và chuyển giao công nghệ Phú Yên cho biết: Để thực hiện tốt đề án tái cơ cấu nông nghiệp, ngành Nông nghiệp cần đẩy mạnh ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật, áp dụng quy trình sản xuất tốt, an toàn vệ sinh thực phẩm, nhất là công nghệ cao, đổi mới công nghệ trong sản xuất, cơ giới hóa trong sản xuất thay đổi các phương thức sản xuất truyền thống để nâng cao năng suất, chất lượng và gia tăng chất lượng sản phẩm nông lâm thủy sản. Đổi mới công nghệ gắn với phát triển sản xuất liên kết theo chuỗi giá trị, gắn với xây dựng thương hiệu sản phẩm, sở hữu trí tuệ, và phát triển giống, vật nuôi bản địa. Ứng dụng công nghệ thông minh, công nghệ 4.0 vào sản xuất sẽ thay đổi phương thức quản lý, từ sản xuất đến chế biến, tiêu thụ hàng hóa và truy suất nguồn gốc nhằm mục tiêu xây dựng nền nông nghiệp Phú Yên hiện đại trong thời kỳ hội nhập và toàn cầu hóa. Bên cạnh đó cần có những chính sách hỗ trợ và thúc đẩy việc nghiên cứu ứng dụng các công nghệ mới, thông minh, nông nghiệp hữu cơ và xây dựng mô hình nông nghiệp thông minh phát triển tại địa phương.
Ông Tạ Việt Dũng, Cục trưởng Cục Ứng dụng và Phát triển công nghệ cho biết: Sở KH&CN Phú Yên đã thành lập điểm kết nối cung cầu công nghệ đặt tại Trung tâm ứng dụng và chuyển giao công nghệ Phú Yên, đây là đầu mối để nắm bắt các nhu cầu công nghệ nhằm giúp tìm kiếm các công nghệ mới. Bên cạnh đó thông qua các nhu cầu công nghệ từ phía doanh nghiệp đề xuất để từ đó xem xét, lựa chọn các nhiệm vụ KH&CN phù hợp thông qua các chương trình hỗ trợ của Nhà nước. Tại Phú Yên có nhiều doanh nghiệp đã nhận được sự hỗ trợ của Nhà nước để ứng dụng và đổi mới công nghê nhằm đẩy mạnh sản xuất, chế biến các sản phẩm nông nghiệp chủ lực.
Đại diện Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết: Để hỗ trợ tỉnh Phú Yên và vùng Duyên hải Nam Trung bộ trong việc đẩy mạnh các hoạt động KHCN, ứng dụng và chuyển giao các thành tựu nghiên cứu và phát triển công nghệ cao vào các lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi, lâm nghiệp, thủy sản, bảo quản-chế biến nông sản, sản xuất chế phẩm sinh học và thức ăn chăn nuôi, liên kết các hoạt động nghiên cứu, ứng dụng công nghệ cao, sản xuất sản phẩm ứng dụng công nghệ cao trong lĩnh vực nông nghiệp; đào tạo nhân lực công nghệ cao trong lĩnh vực nông nghiệp cho Vùng; tổ chức hội chợ, triển lãm, trình diễn sản phẩm nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, thu hút nguồn đầu tư, nhân lực công nghệ cao trong nước và ngoài nước thực hiện hoạt động ứng dụng công nghệ cao trong nông nghiệp trong Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao và trong Vùng; Thủ tướng Chính phủ đã quyết định thành lập khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao Phú Yên (Quyết định thành lập số 2292/QĐ-TTg ngày 27/11/2013 của Thủ tướng Chính phủ). Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao Phú Yên sẽ là hạt nhân công nghệ cho phát triển vùng nôngnghiệp ứng dụng công nghệ cao cho vùng Duyên hải Nam Trung bộ.
Kết luận tại hội thảo, ông Phan Đình Phùng - Phó Chủ tịch UBND tỉnh đánh giá cao những kết quả hội thảo đạt được. Với sự góp mặt, trao đổi của những nhà quản lý, các nhà cung cấp công nghệ, các doanh nghiệp đang có nhu cầu về đổi mới công nghệ… những khó khăn, những vấn đề thực tế về công nghệ đã phần nào được giải đáp và những nối kết ban đầu này sẽ là cơ sở cho những ký kết, hợp tác, hợp đồng nghiên cứu về công nghệ sẽ trở thành hiện thực, đóng góp vào sự phát triển lớn mạnh của thị trường khoa học và công nghệ tỉnh, góp phần xứng đáng vào sự phát triển về nông nghiệp và kinh tế - xã hội tỉnh Phú Yên nói riêng và khu vực Nam Trung bộ và Tây Nguyên, cả nước nói chung.
Hội thảo là cơ hội để các nhà khoa học, nhà quản lý và các doanh nghiệp cùng nhau trao đổi, thảo luận về khả năng hợp tác, triển khai ứng dụng công nghệ vào lĩnh vực nông, lâm, thủy sản nhằm thúc đẩy ứng dụng, chuyển giao công nghệ, góp phần đưa nhanh tiến bộ KH&CN vào sản xuất các sản phẩm chủ lực, sản phẩm có thế mạnh của địa phương; nâng cao năng suất chất lượng sản phẩm hàng hóa và năng lực canh tranh của doanh nghiệp.
Tin, ảnh: Đăng Minh