Theo đúng kế hoạch, Việt Nam dự kiến sẽ xây dựng hai nhà máy điện hạt nhân đầu tiên công suất 2.000 MW, dự kiến vận hành vào năm 2020, cần ít nhất khoảng 2.000 người có trình độ đại học. Đó la chưa kể nguồn nhân lực này phải được chuẩn bị trước đó từ 10-15 năm. Hơn lúc nào hết, ngành năng lượng nguyên tử đang ở trong trạng thái “khát” nhân lực.
Thiếu nguồn nhân lực trầm trọng
Theo tính toán của Tổ chức Năng lượng nguyên tử Quốc tế (IAEA) cho biết, nhân lực cần cho nhà máy điện hạt nhân công suất 2.000 MW là khoảng 1.000 người có trình độ đại học, cao đẳng. Như vậy, với tốc độ đào tạo hiện nay của các trường mỗi năm có được hơn 100 kỹ sư ra trường thì trong tương lai ngành này thiếu nguồn nhân lực trầm trọng.
Hiện nay, cả nước có sáu đơn vị được Chính phủ giao đào tạo nhân lực cho ngành năng lượng nguyên tử là Đại học Điện lực (Hà Nội), Đại học Đà Lạt (Lâm Đồng), Đại học Khoa học tự nhiên (ĐHQG Hà Nội), Đại học Bách khoa Hà Nội, Đại học Khoa học tự nhiên (ĐHQG TP.HCM), Viện Năng lượng nguyên tử VN, tổng chỉ tiêu hằng năm 350 sinh viên. Ước tính đến năm 2020 có hơn 2.000 sinh viên được đào tạo chuyên ngành năng lượng nguyên tử, nhưng cũng chỉ đáp ứng 1/2 nhu cầu của cả nước.
Ngoài ra còn có Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam đào tạo trình độ tiến sĩ vật lý hạt nhân, Viện Vật lý và điện tử, Viện Khoa học và công nghệ Việt Nam đào tạo thạc sĩ và tiến sĩ vật lý hạt nhân.
Trong khoảng 600 cán bộ làm việc trong ngành hạt nhân thì phần lớn là cán bộ của Viện Năng lượng nguyên tử. Con số này đang suy giảm chừng 20% trong 10 năm qua do nhiều nguyên nhân: chuyển ngành khác, làm việc cho công ty nước ngoài, ở nước ngoài dài hạn. Không những vậy, nguồn nhân lực này cũng đang bị già hoá, tuổi trung bình của cán bộ Viện hiện là 45, hầu như không có cán bộ giỏi dưới 35 tuổi để đi đào tạo tại nước ngoài.
Nhìn về tương lai, có lẽ không mấy người có thể lạc quan bởi có một thực tế đáng buồn, sức hấp dẫn của ngành học này với các em học sinh gần như không có. Nếu như tại các khoa của mọi trường đại học, thí sinh nộp hồ sơ dự thi vào trường luôn phải chen chân quyết liệt thì từ hơn chục năm nay, các khoa vật lý hạt nhân ở các trường chính như Đại học Bách khoa Hà Nội, Đại học Khoa học Tự nhiên - Đại học Quốc gia Hà Nội luôn rơi vào tình trạng ế ẩm, điểm chuẩn dù hạ thấp hơn hẳn những ngành khác nhưng chẳng mấy khi thu hút đủ sinh viên theo học. Sở dĩ có tình trạng này là do các em không nhận thức rõ tương lai sau khi tốt nghiệp.
Giải tỏa “cơn khát”
Trước cảnh báo về sự thiết hụt trầm trọng nhân lực trong bố cảnh nhà máy điện hạt nhân đang gấp rút triển khai, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có đề án trình Thủ tướng Chính phủ về xây dựng chương trình đào tạo hạt nhân trong các trường đại học. Đề án chỉ rõ, năm 2020 về nhân lực phục vụ nhà máy điện hạt nhân, dự kiến đào tạo được 2.400 kỹ sư các chuyên ngành điện hạt nhân, trong đó 200 người tốt nghiệp tại nước ngoài; 350 thạc sĩ và tiến sĩ các chuyên ngành này, trong đó 150 người đào tạo ở các nước có ngành điện hạt nhân phát triển.
Ngoài ra, trong lĩnh vực quản lý, ứng dụng kỹ thuật hạt nhân dự kiến đào tạo 650 kỹ sư, 250 thạc sĩ và tiến sĩ; 100 thạc sĩ và tiến sĩ làm công tác giảng dạy trong cơ sở đào tạo ngành hạt nhân...; cử 500 lượt các nhà quản lý, nhà khoa học ngành kỹ thuật hạt nhân đi khảo sát, học tập kinh nghiệm ở nước ngoài.
Các học sinh tham quan và nghe chuyên gia giới thiệu tại Hệ thống công nghệ xử lý thải phóng xạ lỏng, tại Lò phản ứng hạt nhân Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng (ảnh VG)
Hàng loạt ưu đãi đối với sinh viên ngành năng lượng nguyên tử được đưa ra. Theo ông Lý Tiến Hùng - Vụ Khoa học công nghệ và môi trường (Bộ GD-ĐT), để có thể đào tạo ra một kỹ sư công nghệ hạt nhân cần khoảng 2 tỉ đồng. Theo quy chế, sinh viên đạt loại giỏi được học bổng gấp 15 lần học phí và gấp tám lần đối với sinh viên đạt học lực khá. Sinh viên năm cuối nếu được xếp loại khá giỏi sẽ được xét tuyển tu nghiệp tại các nước có nền công nghệ hạt nhân phát triển như Nga, Nhật... Đối với học viên cao học, nghiên cứu sinh trong thời gian tu nghiệp tại nước ngoài sẽ được giữ nguyên lương.
Ông Hùng cho biết mỗi năm có 80 học viên được đưa đi đào tạo hệ đại học tại Nga. Sinh hoạt phí cấp cho các học viên này gấp 1,2 lần so với học các ngành khác. Đối với những học viên đang học tại Nga, nếu cam kết làm việc 15 năm cho EVN sau khi tốt nghiệp sẽ được tài trợ 200 USD/tháng. Đại diện EVN cho biết mới chỉ có 161 du học sinh cam kết làm việc cho EVN sau khi về nước, trong khi EVN cần khoảng 280 kỹ sư được đào tạo ở Nga.Trong hai năm tới, EVN cần 60 chuyên gia được đào tạo kỹ thuật điện hạt nhân tại Nhật Bản. Tuy nhiên, hiện đơn vị này mới tuyển được 24 người.
Bên cạnh đó, Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) cũng rất quan tâm đến việc đào tạo nhân lực điện hạt nhân tại Việt Nam. Đặc biệt, đối với một nước mới phát triển điện hạt nhân như Việt Nam, khó khăn trong việc đào tạo nguồn nhân lực là điều không thể tránh khỏi. Ngoài ra, Việt Nam còn hợp tác với các trường đại học của nhiều nước có nền kĩ thuật hạt nhân phát triển như Pháp, Mỹ, Nga, Hàn Quốc... Với những sự nỗ lực đó, hy vọng, trong thời gian tới, cơn khát nhân lực ngành năng lượng nguyên tử sẽ được giải tỏa.
Minh Châu