Banner TOP trái 1
Banner TOP phải 3
Bình luận khoa học Thứ năm, 21/11/2024 , 08:19 pm
Cập nhật : 17/09/2015 , 16:09(GMT +7)
Đầu tư “tới ngưỡng”- sản phẩm mới tới thị trường
Cần có sự đầu tư “tới ngưỡng” cho nghiên cứu khoa học
“Tới ngưỡng“ ở đây được hiểu đó là: đủ về tài chính, cơ chế chính sách, về sự nhạy bén nắm bắt thị trường. Chính vì thế, thời gian tới, Bộ KH&CN sẽ tái cơ cấu lại các chương trình KH&CN quốc gia và lấy doanh nghiệp làm chủ thể, lấy sản xuất làm mục đích.

Vấn đề này đã được thảo luận rất sôi nổi tại hội thảo “Quản lý và phổ biến, ứng dụng kết quả nghiên cứu khoa học và Công nghệ khu vực phía Nam" vừa được tổ chức tại Đà Lạt vừa qua.

“Tới ngưỡng” để hình thành, phát triển các sản phẩm Việt bằng công nghệ cao

Nhận thức rõ được những rào cản trong việc đưa hoạt động KH&CN bức phá, một trong những nhiệm vụ trọng tâm của Phương hướng, mục tiêu, nhiệm vụ KH&CN chủ yếu giai đoạn 2011- 2015 và Chiến lược phát triển KH&CN giai đoạn 2011- 2015 đã nhấn mạnh: “Tập trung các nguồn lực thực hiện các chương trình, đề án KH&CN quốc gia”. Theo đó, định hướng nghiên cứu, ứng dụng trong các Chương trình quốc gia đó là: Lấy Doanh nghiệp làm trung tâm để đổi mới và ứng dụng công nghệ; tập trung các nguồn lực đầu tư có trọng điểm, trọng tâm, đầu tư “tới ngưỡng” để hình thành, phát triển các sản phẩm hàng hóa thương hiệu Việt Nam bằng công nghệ cao, công nghệ tiên tiến, nâng cao năng lực đổi mới công nghệ của doanh nghiệp và tiềm lực công nghệ quốc gia.

Theo ông Lê Đình Hanh, Văn phòng các Chương trình trọng điểm cấp Nhà nước, Bộ KH&CN, mục tiêu của các Chương trình quốc gia bao gồm: Chương trình sản phẩm quốc gia, phát triển 10 sản phẩm dựa trên công nghệ tiên tiến và do các doanh nghiệp KH&CN sản xuất; phát triển và mở rộng thị trường của sản phẩm quốc gia. Chương trình Công nghệ cao đặt mục tiêu, làm chủ và phát triển, tạo được 10 công nghệ cao đạt trình độ tiên tiến trong khu vực thuộc Danh mục công nghệ cao được ưu tiên đầu tư phát triển. Bên cạnh đó, Chương trình Đổi mới công nghệ, Chương trình hỗ trợ Doanh nghiệp KH&CN, Chương trình hợp tác sản phẩm địa phương, Chương trình tìm kiếm và chuyên giao công nghệ cũng đặt ra mục tiêu số lượng doanh nghiệp đổi mới công nghệ tăng trung bình 15%/năm (có 5% doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao); hình thành và phát triển 3000  doanh nghiệp KH&CN; 50% các nhiệm vụ sản phẩm địa phương có cán bộ phía Việt Nam tham gia; 60% số công nghệ do mạng lưới chuyên gia tìm kiếm công nghệ giới thiệu về Việt Nam được chuyển giao và ứng dụng.

Cho đến nay, các Chương trình trọng điểm cấp Nhà nước đã đạt một số kết quả rất khả quan. Có thể kể đến dự án CNC.05.DAPT/14 “Hoàn thiện công nghệ chế tạo robot phục vụ đào tạo” do công ty Robotics Việt Nam chủ trì thực hiện trong thời gian 24 tháng (từ 8/2014- 7/2016). Sau 10 tháng triển khai, dự án đã nghiên cứu và chế tạo thành công 1 robot dạy học tay máy 5 bậc tự do (VNR-T1) với thời gian hoạt động liên tục 4 giờ, độ chính xác lặp lại giao động khoảng 1cm. Đơn vị chủ trì cũng đã nhận được đơn đặt hàng robot từ các trường đại học như Đại học Việt – Đức, Đại học Bách khoa TP Hồ Chí Minh.

Sản phẩm robot trong dự án CNC.05.DAPT/14 “Hoàn thiện công nghệ chế tạo robot phục vụ đào tạo”

 

Hay như Bộ KH&CN đã phối hợp với Bộ Công thương thẩm định và phê duyệt dự án “Nghiên cứu thiết kế cơ sở, chi tiết công nghệ chế tạo, tích hợp giàn khoan tự nâng 400ft phù hợp với điều kiện Việt Nam và nghiên cứu phát triển, hoàn thiện giàn khoan dầu khí di động phục vụ phát triển kinh tế biển, an ninh quốc phòng” gồm 6 nhiệm vụ do Công ty Cổ phần chế tạo giàn khoan Dầu khí (PV Shipyard) chủ trì thực hiện trong 24 tháng. Dự kiện sản phẩm của dự án là Giàn khoan dầu khí di động Tam Đảo 5 có thể tiến hành khoan ở độ sâu mực nước biển 120m với tổng trị giá của giàn khoan là 230 triệu đôla (tương đương 4600 tỷ đồng).

Một dự án nữa có thể kể đến là dự án ĐM.07.DN/13 “Nghiên cứu ứng dụng kết hợp công nghệ sinh học, công nghệ canh tác tiên tiến và công nghệ thông tin trong sàng lọc, chọn tạo và sản xuất hạt giống trồng mới”, do Công ty TNHH Việt Nông chủ trì thực hiện trong thời gian 30 tháng (từ tháng 12/2013 đến 5/2016). Tính đến thời điểm này, đơn vị đã chủ trì thành công trong việc nghiên cứu đổi mới quy trình chọn tạo 12 giống rau màu đạt các tiêu chuẩn; một số giống đã bán trên thị trường; một số giống đang được khảo nghiệm để đăng ký bảo hộ.

Sẽ tái cơ cấu lại các chương trình KH&CN quốc gia

Sau nhiều năm triển khai các chương trình KH&CN quốc gia, có thể nhìn nhận những vướng mắc khi triển khai chương trình đó là: Chưa có nguồn vốn từ ngân sách Nhà nước thực hiện các dự án đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng cho KH&CN – nhất là lĩnh vực công nghệ cao; Một số quy định quản lý tài chính đối với nguồn ngân sách Nhà nước chưa phù hợp; Việc phân cấp, giao các Bộ, ngành quản lý Chương trình Phát triển sản phẩm quốc gia, Chương trình Phát triển công nghệ cao chưa thực sự đạt hiệu quả.

Từ những vướng mắc trên, các đại biểu đã đề nghị: các Bộ, Ngành có liên quan xem xét, bố trí thực hiện các dự án đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật thuộc Chương trình quốc gia trên cơ sở đề xuất của Bộ KH&CN. Bên cạnh đó, áp dụng thí điểm cơ chế chỉ định thầu đối với các gói thầu có tính chất nghiên cứu, thử nghiệm, mua bán bản quyền sở hữu trí tuệ trong các nhiệm vụ thuộc Chương trình quốc gia để đảm bảo tiến độ và hiệu quả triển khai nhiệm vụ KH&CN; Sớm có hướng dẫn cơ chế vay vốn ưu đãi và hỗ trợ toàn bộ lãi suất vay để triển khai thí điểm một số nhiệm vụ thuộc Chương trình quốc gia; Thúc đẩy các Bộ, Ngành được phân cấp giao quản lý Chương trình tập trung đẩy nhanh tiến độ triển khai các Chương trình được phân cấp giao quản lý.

Cùng với các ý kiến trao đổi thực trạng về đưa nhanh kết quả nghiên cứu vào ứng dụng còn có ý kiến nêu ra cần được chia sẻ liên quan đến thủ tục hành chính, có những sản phẩm đã có kết quả nghiên cứu nhưng không sử dụng được vì liên quan đến thủ tục cấp phép, đơn vị nghiên cứu không được cấp phép mà phải là doanh nghiệp đứng ra xin giấy phép.

Nội dung về cơ chế đặt hàng được các đại biểu trao đổi rất nhiều tại hội thảo, chia sẻ về vấn đề này thứ trưởng Bộ KH&CN, ông Trần Việt Thanh cho rằng, một trong những yếu tố cực kỳ quan trọng là xác định đúng nhiệm vụ, xác  định được mục tiêu cụ thể, rõ ràng, thuộc những vấn đề chính sách, hoặc do thực tiễn sản xuất đặt ra. Những cấp làm nhiệm vụ đặt hàng là đưa ra các địa chỉ ứng dụng, chịu trách nhiệm tham gia quản lý (giám sát, bố trí kinh phí ứng dụng nhân rộng). Trong tổ chức thực hiện các nhiệm vụ KH&CN cần nhìn rõ các đặc điểm nổi trội, các vấn đề mang tính hệ thống, sự liên kết, phối hợp với nhau giữa các bộ, ngành để trở thành chuỗi giá trị. Sự gắn kết của các tổ chức KH&CN giữa trung ương với địa phương cần chặt chẽ hơn để tăng tính chủ động, tính tự chịu trách nhiệm của cán bộ nghiên cứu khoa học tại địa phương. Thời gian tới, Bộ KH&CN sẽ tái cơ cấu lại các chương trình quốc gia và lấy doanh nghiệp làm chủ thể, lấy sản xuất làm mục đích.

Qua trao đổi tại hội thảo đã có những đơn vị kết nối với nhau, giữa Sở KH&CN, các đơn vị nghiên cứu, doanh nghiệp cũng đã có những đặt hàng về nhiệm vụ KH&CN cũng như các  sản phẩm từ nghiên cứu KH&CN.

Bài và ảnh: Minh Châu


Ý kiến của bạn
Tên của bạn : *
E_mail : *
Tiêu đề : *
Nội dung : * (Bạn vui lòng gõ tiếng Việt có dấu)
 
Mã bảo mật :   
   
Các tin khác

   
Xem tin theo ngày
   
 
Xem nhiều nhất

English
Thăm dò ý kiến
Bạn biết website “truyenthongkhoahoc.vn” qua nguồn thông tin nào?
Bạn bè giới thiệu
Qua Google
Qua sách báo, quảng cáo banner