Banner TOP trái 1
Banner TOP phải 3
Tiềm lực KH&CN Chủ nhật, 24/11/2024 , 10:38 am
Cập nhật : 04/05/2010 , 16:05(GMT +7)
Đầu tư tiềm lực khoa học & công nghệ:Động lực phát triển kinh tế xã hội
Đảng và Nhà nước ta đã khẳng định, phát triển khoa học và công nghệ (KH&CN) cùng với giáo dục và đào tạo là quốc sách hàng đầu, là nền tảng và động lực đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước.

Cũng như đối với nhiều ngành kinh tế - kỹ thuật khác, KH&CN đóng vai trò quan trọng trong việc đổi mới công nghệ, phát triển và nâng cao sức cạnh tranh của các sản phẩm, hàng hoá của ngành công thương.

Để đáp ứng các yêu cầu ngày càng cao trong quá trình hội nhập và phát triển, công tác đầu tư xây dựng tiềm lực KH&CN có vai trò hết sức quan trọng và luôn được các tổ chức KH&CN, các tập đoàn, tổng công ty, doanh nghiệp trong ngành công thương đặc biệt quan tâm.

Đầu tư tiềm lực KHCN


Đổi mới tổ chức và cơ chế quản lý hoạt động KH&CN là một trong những giải pháp quan trọng để nâng cao năng lực và hiệu quả hoạt động nghiên cứu KH&CN đã được xác định trong Chiến lược phát triển KH&CN Việt Nam đến năm 2010 và Nghị định 115/2005/NĐ-CP của Chính phủ về cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm của tổ chức KH&CN công lập.

Sau một thời gian thực hiện chuyển đổi theo Nghị  định 115, các viện nghiên cứu - triển khai của Bộ Công Thương đã có sự chuyển biến tốt trong hoạt động. Ngoài việc tổ chức thực hiện các nhiệm vụ nghiên cứu được giao từ nguồn ngân sách nhà nước, các đơn vị đã năng động, tích cực hơn trong việc tiếp cận thị trường, triển khai các kết quả nghiên cứu vào sản xuất.

Ngành công thương đã và đang thực hiện nhiều dự án đầu tư chiều sâu nhằm nâng cao tiềm lực KH&CN cho các tổ chức KH&CN. Từ 2001 đến 2009, Nhà nước đã phê duyệt và cấp kinh phí trên 260 tỉ đồng cho các viện nghiên cứu thực hiện 25 dự án.

Bên cạnh đó, Bộ KH&CN đã giao ngành công thương chủ trì xây dựng ba phòng thí nghiệm trọng điểm quốc gia, gồm Phòng thí nghiệm Điện cao áp  (tổng kinh phí khoảng 96,8 tỉ đồng); Phòng thí nghiệm công nghệ hàn và xử lý bề mặt (tổng kinh phí khoảng 46,7 tỉ đồng); Phòng thí nghiệm công nghệ lọc - hoá dầu (tổng kinh phí khoảng 66,9 tỉ đồng).

Dây chuyền sản xuất tấm lợp không amiăng.

Ngoài ra, hàng năm các viện nghiên cứu trực thuộc Bộ được cấp kinh phí từ nguồn sự nghiệp khoa học mua sắm trang thiết bị, chống xuống cấp phòng thí nghiệm. Một số tập đoàn lớn như Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, Tập đoàn Công nghiệp than - khoáng sản Việt Nam... cũng quan tâm đầu tư tiềm lực KH&CN. Nhờ đó, dự kiến, sau năm 2010, Viện Dầu khí có thể tự chủ trong nghiên cứu, phân tích các mẫu dầu khí phục vụ công tác tìm kiếm, thăm dò và khai thác dầu khí ở trong nước và khu vực.

Hay như Công ty Liên doanh Vietsopetro, từ năm 2001 đến 2009 đã đầu từ khoảng 11 triệu USD trang bị thiết bị hiện đại cho Viện Nghiên cứu và Thiết kế dầu khí biển. Một số viện nghiên cứu đã thu hút, tìm kiếm tài trợ từ nước ngoài giúp nâng cao năng lực nghiên cứu KH&CN.

Bên cạnh việc đầu tư cơ sở hạ tầng cho nghiên cứu, hàng năm, ngành công thương còn có chương trình đào tạo trong và ngoài nước nhằm nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ cho cán bộ nghiên cứu khoa học. Thông qua dự án hợp tác với nước ngoài hoặc liên doanh thực hiện các hợp đồng tư vấn chuyển giao công nghệ, các tổ chức KH&CN cũng đã kết hợp rất tốt trong việc đào tạo nguồn nhân lực.

Hiệu quả  phát triển kinh tế


Nhờ  tích cực đầu tư phát triển tiềm lực KH&CN, hoạt động KH&CN ngành công thương trong những năm qua đã đạt được một số kết quả đáng ghi nhận. Nhiều công trình nghiên cứu đã được áp dụng thành công vào lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, góp phần đáp ứng nhu cầu trong nước, nâng cao tỉ lệ nội địa hoá trong chế tạo thiết bị, giảm nhập siêu, nâng cao năng suất, giảm giá thành, tăng sức cạnh tranh của hàng hoá nội địa.

Trong lĩnh vực cơ khí - điện tử - tin học: Cụm công trình "Nghiên cứu, thiết kế và chế tạo các sản phẩm cơ điện tử cho công nghiệp" với 51 sản phẩm tiêu biểu đã được tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về KH&CN năm 2005; các công trình "Nghiên cứu, thiết kế chế tạo động cơ RV165-2 có tính năng kỹ thuật tiên tiến và kiểu dáng hiện đại phục vụ lâm ngư nghiệp", "Chế tạo động cơ điện phòng nổ có công suất đến 18,5 kW", "Nghiên cứu, thiết kế, chế tạo dây chuyền công nghệ sản xuất phân bón hỗn hợp NPK theo phương pháp tạo hạt thùng quay dùng hơi nước" đã được nhận Giải thưởng VIFOTEC năm 2008.

Với lĩnh vực khoáng sản - luyện kim - hoá chất, các công trình "Nghiên cứu ứng dụng công nghệ, chế tạo các thiết bị phục vụ khai thác và chế biến khoáng sản titan ven biển Việt Nam", "Nghiên cứu khoa học công nghệ và ứng dụng triển khai sản xuất thuốc tập hợp tuyển quặng apatít Lào Cai loại III" đã được nhận Giải thưởng Nhà nước về KH&CN năm 2005.

Máy đúc áp lực cao.
Các công trình "Nghiên cứu chế tạo chất nhũ tương nền dùng chế tạo thuốc nổ nhũ tương rời", "Nghiên cứu chế tạo chất chống đóng khối cho urê VHCKK-2000", "Nghiên cứu thiết lập quy trình công nghệ sử dụng quặng apatít tuyển ẩm không qua sấy để sản xuất supe lân thương phẩm 16-16,5% P2O5 hữu hiệu" đã được nhận Giải thưởng VIFOTEC các năm 2007, 2008.

Trong lĩnh vực năng lượng, dự án sản xuất thử nghiệm "Xây dựng dây chuyền sản xuất, lắp ráp các thiết bị trạm pin mặt trời phục vụ miền núi và hải đảo (ứng dụng tại đảo Lý Sơn)" đã xây dựng dây chuyền sản xuất trong nước thiết bị điều khiển cho trạm pin mặt trời, ứng dụng lắp đặt cho các dàn pin tại đảo Lý Sơn, mở ra triển vọng nội địa hoá sản xuất thiết bị pin mặt trời.

Công trình "Nghiên cứu và áp dụng công nghệ, thiết bị tuyển than bã sàng cho các mỏ than vùng Quảng Ninh bằng công nghệ huyền phù tang quay và công nghệ huyền phù tự sinh nhằm nâng cao chất lượng than, tận thu tài nguyên và bảo vệ môi trường" được trao Giải nhất Giải thưởng VIFOTEC năm 2007...

Đới với công nghiệp tiêu dùng, đã áp dụng công nghệ hiện đại thông qua kỹ thuật nuôi cấy Invitro để sản xuất và cung cấp hạt giống thuốc lá chất lượng cao phục vụ cho các vùng trồng thuốc lá trong cả nước, tiết kiệm ngoại tệ nhập hạt giống... Nghiên cứu tạo các giống bông mới như bông lai VN04-3, VN04-4 có khả năng sinh trưởng tốt, cho năng suất, chất lượng cao thích ứng điều kiện tự nhiên và có khả năng chống chịu sâu bệnh. Nghiên cứu ứng dụng enzyme sản xuất thức ăn cho gia súc, gia cầm, nâng cao chất lượng thịt, trứng, sữa...

Tuy nhiên, sự đầu tư cho phát triển tiềm lực KH&CN ở một số viện nghiên cứu vẫn chưa thực sự đồng đều. Đội ngũ cán bộ làm công tác nghiên cứu chưa cân đối. Khả năng quản trị và trình độ ngoại ngữ của một bộ phận cán bộ quản lý và nghiên cứu còn hạn chế... Mặt khác, do thu nhập chưa được cải thiện nên có hiện tượng một số cán bộ có trình độ chuyển sang làm việc cho khu vực tư nhân hoặc đầu tư nước ngoài, dẫn đến thiếu hụt cán bộ có năng lực.

Để KH&CN thực sự trở thành động lực thúc đẩy và đóng góp ngày càng nhiều hơn vào sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước nói chung, của ngành Công thương nói riêng, Nhà nước cần tiếp tục tăng cường xây dựng và phát triển tiềm lực KH&CN, tạo ra sự bình đẳng trong đầu tư phát triển tiềm lực KH&CN, không phân biệt viện nghiên cứu trực thuộc Bộ hay viện nghiên cứu trực thuộc tập đoàn, tổng công ty. Đồng thời, lãnh đạo các tập đoàn, tổng công ty cần nhận thức đúng về vai trò, tầm quan trọng và quan tâm đến hoạt động của KH&CN và các tổ chức KH&CN phải thực sự năng động, tích cực và chủ động trong việc tìm kiếm các nguồn vốn đầu tư cho KH&CN.

 
TS. Nguyễn Huy Hoàn - Phó Vụ trưởng Vụ KH&CN, Bộ Công Thương

Ý kiến của bạn
Tên của bạn : *
E_mail : *
Tiêu đề : *
Nội dung : * (Bạn vui lòng gõ tiếng Việt có dấu)
 
Mã bảo mật :   
   
Các tin khác

   
Xem tin theo ngày
   
 
Xem nhiều nhất

English
Thăm dò ý kiến
Bạn biết website “truyenthongkhoahoc.vn” qua nguồn thông tin nào?
Bạn bè giới thiệu
Qua Google
Qua sách báo, quảng cáo banner