Nhiều kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ tại các địa phương đã đóng góp đáng kể cho sự phát triển kinh tế - xã hội. Tuy nhiên, hoạt động này thời gian qua khá trầm lắng và bộc lộ nhiều bất cập, đặc biệt là việc sử dụng kinh phí cấp cho khoa học và công nghệ (KHCN) không đúng mục đích diễn ra phổ biến.
TS Hồ Ngọc Luật - Vụ trưởng, Trưởng ban Ban KHCN địa phương (Bộ KHCN) đã trao đổi với Hànộimới xung quanh câu chuyện này.
- Thưa ông, kinh phí từ ngân sách quốc gia đầu tư cho hoạt động KHCN địa phương hiện đang được thực hiện ra sao?
- Trong tổng đầu tư 2% chi ngân sách nhà nước cho KHCN, kinh phí dành cho đầu tư phát triển (ĐTPT) chiếm khoảng 43% tổng đầu tư, trong đó khoảng 22% được phân bổ thông qua ngân sách địa phương. Như vậy, hằng năm Nhà nước dành khoảng 22% của 2% tổng chi ngân sách nhà nước làm kinh phí ĐTPT cho KHCN địa phương.
Thời gian qua có thực trạng là tỷ lệ giải ngân kinh phí ĐTPT cho KHCN ở các địa phương rất thấp. Cụ thể: các địa phương chỉ giải ngân được 8,5% kinh phí của năm 2006 và đạt 49,32% trong năm 2010. Số địa phương sử dụng nguồn kinh phí này đúng mục đích rất ít và chủ yếu dùng chi cho các lĩnh vực khác như: làm đường giao thông; xây bệnh viện; khu xử lý chất thải rắn, bãi rác thải; lập mạng lưới quan trắc tài nguyên...
Sử dụng nguồn kinh phí từ ngân sách quốc gia đầu tư cho hoạt động KHCN địa phương trong các lĩnh vực xử lý chất thải rắn, bãi rác thải chưa đạt hiệu quả. Ảnh: Đức Nghiêm
- Vậy đâu là nguyên nhân của tình trạng sử dụng chưa có hiệu quả, thậm chí không đúng mục đích nguồn kinh phí ĐTPT cho KHCN?
- Nguyên nhân cơ bản là do lãnh đạo các tỉnh, thành phố chưa thực sự quan tâm thực hiện nghiêm túc chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về dự toán ngân sách, đồng thời chưa có nhận thức đúng về tầm quan trọng của việc đầu tư nâng cao tiềm lực KHCN.
Mặt khác, Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KHĐT) khi giao dự toán ngân sách không ghi rõ mục chi ĐTPT cho KHCN theo yêu cầu của điểm b, khoản 1, Điều 15 Luật Ngân sách. Do đó, các Sở KHĐT không tham mưu cho lãnh đạo địa phương để dành riêng khoản kinh phí cho KHCN cũng như chỉ đạo xây dựng, chuẩn bị các dự án để bố trí kinh phí thực hiện.
- Có thể thấy hiệu quả đem lại từ đầu tư cho KHCN địa phương còn khá thấp. Ông có thể cho biết cụ thể về điều này?
- Hoạt động KHCN địa phương, cụ thể trong nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ vẫn chưa là động lực để phát triển những sản phẩm chủ lực của địa phương. Những nhiệm vụ KHCN có tính đột phá về công nghệ và giải quyết nhu cầu liên tỉnh hoặc cả vùng hầu như chưa có trong khi số đề tài, dự án KHCN nhiều nhưng qui mô nhỏ và chưa được nhân rộng. Hoạt động KHCN trong các doanh nghiệp chưa mạnh.
Tuy nhiên, hoạt động KHCN địa phương giai đoạn 2006-2010 không phải không có "điểm sáng" mà rõ nhất là trong lĩnh vực nông nghiệp. Đây là lĩnh vực KHCN có nhiều đóng góp hiệu quả và thành công nhất. Các nhà lãnh đạo và chuyên gia kinh tế đều khẳng định, trong mức 25-26% giá trị TFP (năng suất các yếu tố tổng hợp) đóng góp vào tăng trưởng kinh tế bình quân hằng năm hiện nay, giá trị TFP trong ngành nông nghiệp cao nhất (33%). Cụ thể, giá trị gia tăng tổng sản phẩm nông nghiệp của năm 2008 so với năm 2007 là 93.919 tỷ đồng, trong đó KHCN đóng góp khoảng 31.306 tỷ đồng. Ước tính đầu tư quốc gia cho phát triển KHCN ngành nông nghiệp năm 2008 vào khoảng 5.200 tỷ đồng, như vậy hiệu quả đầu tư khoảng 6 lần.
- Hiện nhiều địa phương quan tâm đến công tác xã hội hóa đầu tư cho KHCN và công việc này đang được thực hiện ra sao thưa ông?
- Theo chủ trương của Chính phủ, các địa phương đã và đang đẩy mạnh thực hiện chương trình hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư vào hoạt động KHCN; gắn kết giữa nhà khoa học với doanh nghiệp, giữa nghiên cứu và ứng dụng. Theo đó, Nhà nước sẽ hỗ trợ kinh phí tối đa 30% cho việc thực hiện đề tài nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ của doanh nghiệp, hỗ trợ đổi mới công nghệ, sản xuất sản phẩm mới.
Nhiều địa phương thành lập, đưa vào hoạt động Quỹ Phát triển KHCN. Quỹ này hỗ trợ cho doanh nghiệp, tổ chức KHCN vay để thực hiện các nhiệm vụ KHCN, dự án sản xuất thử nghiệm, đổi mới công nghệ, đầu tư ứng dụng công nghệ mới. Đồng thời, hướng dẫn các doanh nghiệp, công ty trích 10% lợi nhuận trước thuế theo Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp để đầu tư vào hoạt động KHCN, lập quỹ phát triển KHCN. Tuy nhiên, đến nay số quỹ này còn rất ít. Nếu khuyến khích được nhiều doanh nghiệp lập quỹ, đây sẽ là nguồn lực lớn hơn nhiều so với nguồn ngân sách đầu tư cho KHCN. Tuy nhiên, biện pháp khuyến khích doanh nghiệp đầu tư cho KHCN ở nước ta hiện nay chưa thông thoáng và thiếu một cơ chế vĩ mô cho các tổ chức, cá nhân hoạt động KHCN trong việc tìm kiếm, khai thác nguồn tài chính khác nhau.
- Theo ông cần có những giải pháp nào để việc đầu tư cho KHCN địa phương có hiệu quả cao hơn?
- Theo tôi, đã đến lúc cần cơ cấu lại tỷ lệ giữa kinh phí ĐTPT cho KHCN và kinh phí sự nghiệp khoa học cho phù hợp theo hướng kinh phí ĐTPT phải cân đối với kinh phí sự nghiệp. Đồng thời quy định lại rõ ràng vai trò, quyền hạn của Bộ KHCN, Bộ Tài chính, Bộ KHĐT trong công tác xây dựng dự toán ngân sách và quyết định phương án phân bổ kinh phí ngân sách KHCN hằng năm. Nhà nước cũng cần ban hành cơ chế mới nhằm khắc phục một số bất cập trong các quy định hiện hành về dự toán và sử dụng kinh phí ngân sách nhà nước trong thực hiện các đề tài, dự án KHCN.
- Xin cảm ơn ông!
Hạnh - Tuyết (thực hiện)