Banner TOP trái 1
Banner TOP phải 3
Hoạt động KH&CN Thứ hai, 25/11/2024 , 05:20 pm
Cập nhật : 11/06/2015 , 20:06(GMT +7)
Đào tạo nhân lực vi mạch trên dự án cụ thể
ICDREC và Công ty CM Engineering ký hợp đồng hợp tác trong lĩnh vực thiết kế vi mạch tương tự.
Ban chỉ đạo Chương trình Phát triển công nghiệp vi mạch TPHCM, Trung tâm Nghiên cứu và Đào tạo Thiết kế vi mạch ICDREC vừa tổ chức “lễ tốt nghiệp” cho 15 học viên thiết kế vi mạch tương tự Analog +1.

Đáng nói ở đây, các học viên này được đào tạo trên nền hạ tầng mà TPHCM đã xây dựng từ Chương trình Vi mạch TPHCM là Design House, Trung tâm kiểm định lõi IP… để ứng dụng thực tế vào học tập và thiết kế ra sản phẩm vi mạch cụ thể. Chưa hết, những học viên này còn nhận việc ngay lập tức để thực hiện dự án phát triển chip cho một công ty vi mạch của Nhật.

Trên hệ sinh thái công nghiệp vi mạch của thành phố

Đây là khóa đào tạo nhân lực đầu tiên của đề án đào tạo lĩnh vực thiết kế vi mạch điện tử thuộc Chương trình Phát triển công nghiệp vi mạch TPHCM giai đoạn 2013 - 2020. Qua 10 tháng học tập và nghiên cứu, 15 học viên đã hoàn thành tốt nội dung chương trình đào tạo. Sản phẩm của các học viên khi kết thúc khóa đào tạo này là bản thiết kế lõi IP cứng Delta-Sigma Modulator (DSM) 24-bit. Bản thiết kế này đã được gửi đi chế tạo ở nước ngoài. Kết quả kiểm tra các đặc tính kỹ thuật của chip Analog này đáp ứng được các yêu cầu thiết kế ban đầu đặt ra. Những học viên tốt nghiệp khóa đào tạo này là nguồn nhân lực ban đầu trong thiết kế vi mạch tương tự Analog +1 của Chương trình Phát triển công nghiệp vi mạch TPHCM.

Thạc sĩ Lê Trầm Ngọc Dũng, Trưởng phòng Đào tạo ICDREC cho biết: Chương trình Đào tạo Analog +1 đóng vai trò là cầu nối, giúp cho các kỹ sư - cử nhân có thêm kỹ năng, kiến thức phù hợp với môi trường làm việc công nghiệp. Qua thực tế đào tạo đã gắn kết giữa lý thuyết và thực hành, thực hiện theo hướng “Đào tạo trên dự án cụ thể” và có chế tạo sản phẩm chip vật lý. Khóa đào tạo đã được tổ chức thực hiện thành công dựa trên hệ sinh thái công nghiệp vi mạch của thành phố là Design House (là hạ tầng về phần mềm thiết kế cho ngành công nghiệp bán dẫn, trong đó các phần mềm thiết kế được dùng chung), trung tâm kiểm định lõi IP, hợp tác với các trường đại học. Gần như toàn bộ lực lượng học viên hoàn thành khóa đào tạo được đưa vào thực hiện trong các dự án trong và  ngoài nước.

Theo ông Lê Thái Hỷ, Giám đốc Sở TT-TT TPHCM, sau lớp này sẽ tiếp tục nhiều lớp khác gắn liền với Chương trình Phát triển công nghiệp vi mạch TPHCM. Mỗi lớp gắn liền với từng đề án cụ thể để sát với thực tế phát triển công nghiệp vi mạch TPHCM. Và ở đây cũng thấy rõ các lớp đào tạo thiết kế vi mạch tại TPHCM là nhân lực phục vụ theo theo đơn đặt hàng từ doanh nghiệp, khẳng định mô hình hợp tác giữa nghiên cứu và công nghiệp…

Mở cánh cửa với thị trường Nhật

Theo ông Ngô Đức Hoàng, Giám đốc ICDREC, kế hoạch đào tạo nhân lực trong Chương trình Phát triển công nghiệp vi mạch TPHCM giai đoạn 2013 - 2020 là 2.000 người với hai mảng chính là thiết kế (1.500 người) và chế tạo (500 người, phục vụ cho nhà máy). Riêng mảng thiết kế vi mạch, tính đến nay đã đào tạo được 125 người, còn thiếu rất nhiều so với kế hoạch.

Cũng tại buổi lễ này, ICDREC và Công ty CM Engineering (Nhật Bản) đã ký hợp đồng hợp tác trong lĩnh vực thiết kế vi mạch tương tự. Đây được xem là một bước tiến mới trong việc hợp tác phát triển ngành công nghiệp vi mạch giữa Việt Nam và Nhật Bản nói chung, cũng như sự hợp tác phát triển trong lĩnh vực thiết kế vi mạch tương tự nói riêng. Sự thành công của việc hợp tác sẽ tạo tiền đề thúc đẩy hơn nữa việc tạo ra các sản phẩm vi mạch chất lượng cao phục vụ cho nhu cầu của xã hội. Đồng thời tạo nền tảng vững chắc trong việc phát triển các chương trình đào tạo các kỹ sư giỏi phục vụ cho ngành công nghiệp vi mạch Việt Nam trong thời gian tới. Phía công ty CM Engineering cho biết tại Việt Nam có nhiều công ty thiết kế vi mạch nhưng đơn vị này chọn ICDREC vì các kỹ thuật và công nghệ của ICDREC đưa ra đã thuyết phục được họ. Hơn nữa ICDREC đã nhìn thấy xu hướng của chip cảm biến không dây nên đã có những đầu tư khá rõ ràng về công nghệ cũng như nhân lực… 

Thạc sĩ Ngô Quang Vinh, Phó Giám đốc ICDREC cho biết: “Sau gần 2 năm khảo sát năng lực của ICDREC mà chủ yếu là Phòng Thiết kế vi mạch Analog, CM Engineering mới đặt hàng gia công, điều này đã chứng minh tính hiệu quả của chương trình đào tạo và Design House. Tôi có thể khẳng định, không có Design House sẽ không có phần mềm để làm, không đào tạo nhân lực sẽ không có đủ người để thực hiện hợp đồng này cũng như những dự án sắp tới của ICDREC nói riêng, của Chương trình Phát triển công nghiệp vi mạch TPHCM nói chung”. Ngay sau lễ bế giảng lớp đào tạo, 15 học viên thiết kế vi mạch tương tự Analog +1 nói trên đã bắt tay vào dự án thiết kế chip với Công ty CM Engineering… mở cánh cửa đầu tiên thiết kế vi mạch cho Nhật Bản.

 

Nguồn tin: Sài gòn giải phóng

Ý kiến của bạn
Tên của bạn : *
E_mail : *
Tiêu đề : *
Nội dung : * (Bạn vui lòng gõ tiếng Việt có dấu)
 
Mã bảo mật :   
   
Các tin khác

   
Xem tin theo ngày
   
 
Xem nhiều nhất

English
Thăm dò ý kiến
Bạn biết website “truyenthongkhoahoc.vn” qua nguồn thông tin nào?
Bạn bè giới thiệu
Qua Google
Qua sách báo, quảng cáo banner