Phát biểu chỉ đạo tại Techfest - Whise 2023, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nêu rõ: Chính phủ sẵn sàng lắng nghe và điều chỉnh chính sách, tạo điều kiện thuận lợi tốt nhất, ban hành, thực thi chính sách ưu đãi vượt trội, mô hình thí điểm, cơ chế đặc thù, đầu tư mạo hiểm, chấp nhận rủi ro để Việt Nam trở thành điểm đến hấp dẫn khởi nghiệp đổi mới sáng tạo (KNĐMST) của khu vực và thế giới, nơi thử nghiệm các ý tưởng KNĐMST hay mô hình kinh doanh mới.
Ngày 25/11/2023, tại TP. Hồ Chí Minh, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã tham dự chương trình “Dấu ấn Ngày hội KNĐMST quốc gia” và “Tuần lễ ĐMST khởi nghiệp TP. Hồ Chí Minh 2023” (Techfest - Whise 2023).
Cùng dự sự kiện có Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP. Hồ Chí Minh Nguyễn Văn Nên; các đồng chí Ủy viên Trung ương Đảng: Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) Huỳnh Thành Đạt; Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng; lãnh đạo Bộ, ngành, doanh nghiệp, tổ chức quốc tế, tổ chức chính trị xã hội ở Trung ương và địa phương.
Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo - Nhiệm vụ chính trị quan trọng
Với chủ đề “Phát huy tài nguyên đất nước - Nâng tầm Hệ sinh thái KNĐMST Việt Nam hội nhập quốc tế”, Techfest - Whise 2023 do Bộ KH&CN và UBND TP. Hồ Chí Minh chủ trì, tổ chức từ ngày 23-25/11 nhằm mang đến cơ hội kết nối nguồn lực tài chính, phát triển thị trường trong nước và quốc tế; chia sẻ kiến thức cho các sáng lập viên, giúp doanh nghiệp phát huy hiệu quả nguồn lực và thúc đẩy phát triển kinh tế.
Phát biểu khai mạc sự kiện, Bộ trưởng Bộ KH&CN Huỳnh Thành Đạt cho cho rằng, hệ sinh thái quốc gia là tổng thể của các hệ sinh thái địa phương. Không có một mô hình hệ sinh thái cụ thể nào giống nhau, cũng không thể áp dụng một cách máy móc các mô hình ở quốc gia khác, thậm chí ở một địa phương khác vào một tỉnh, thành phố cụ thể.
Hiện nay, trên cả nước đã có gần 200 khu làm việc chung, khoảng 70 vườn ươm doanh nghiệp, 30 tổ chức thúc đẩy kinh doanh và 108 quỹ đầu tư mạo hiểm. Tuy nhiên, nguồn lực quan trọng nhất hỗ trợ cho KNĐMST chính là hành lang pháp lý thuận lợi cùng chính sách ưu đãi; nguồn lực tài chính phù hợp và sự liên kết chặt chẽ giữa khu vực doanh nghiệp với các trường đại học/viện nghiên cứu.
"Các chuyên gia cũng đã khẳng định, không thể có một thung lũng Silicon thứ hai ở ngay tại Hoa Kỳ, chứ không nói tới các quốc gia khác. Theo đó, Isarel có Tel Aviv, Ấn Độ có Bangalore, Trung Quốc có Thẩm Quyến… Bởi ở mỗi nơi, tổng hòa của các thành tố: chính sách, hạ tầng, cơ sở vật chất, con người, nền tảng văn hóa, giáo dục - đào tạo, nền tảng nghiên cứu, phát triển rất khác biệt", Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt nói.
Bộ trưởng tin tưởng, quy mô và hiệu quả hoạt động của hệ sinh thái KNĐMST của Việt Nam sẽ ngày càng được mở rộng và nâng tầm chất lượng hoạt động; thu hút ngày càng nhiều các nguồn lực trong và ngoài nước; đóng góp ngày càng thiết thực hơn cho mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước khi cùng chung tay với tư duy mở, hợp tác đa phương, tương tác nhiều chiều và thực thi ĐMST thực chất và hiệu quả.
Bộ trưởng Bộ KH&CN Huỳnh Thành Đạt tin tưởng quy mô và hiệu quả hoạt động của hệ sinh thái KNĐMST của Việt Nam sẽ ngày càng được mở rộng và nâng tầm.
Theo Chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh Phan Văn Mãi, hiện nay, TP. Hồ Chí Minh là trung tâm kinh tế, văn hóa, KH&CN lớn nhất cả nước và được xếp hạng 114/1.000 thành phố có hệ sinh thái năng động toàn cầu, đứng thứ ba trong khu vực ASEAN về giá trị hệ sinh thái, với tác động kinh tế lên đến 5,22 tỷ USD, chỉ đứng sau Singapore và Jakarta (Indonesia). TP. Hồ Chí Minh đang hướng tới mục tiêu trở thành đô thị sáng tạo ngang tầm khu vực trong 10 năm tới, trung tâm KNĐMST năng động bậc nhất ở Đông Nam Á và khu vực, cùng với nỗ lực trở thành trung tâm tài chính quốc tế. TP. Hồ Chí Minh cam kết đầu tư phát triển hệ sinh thái KNĐMST và luôn đồng hành với cộng đồng khởi nghiệp, hướng tới sự thành công và phát triển bền vững.
Chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh Phan Văn Mãi cho biết, TP. Hồ Chí Minh đang hướng tới mục tiêu trở thành trung tâm KNĐMST năng động bậc nhất ở Đông Nam Á và khu vực.
Đảng, Nhà nước đã có nhiều chủ trương, chính sách thúc đẩy KNĐMST
Sau khi lắng nghe các ý kiến, đặc biệt là chia sẻ của 4 đại diện cộng đồng KNĐMST, phát biểu tại chương trình, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nêu rõ, đây là năm thứ 9 sự kiện Techfest quốc gia được tổ chức, thể hiện quyết tâm của Đảng, Nhà nước và cộng đồng doanh nghiệp nhằm thúc đẩy phát triển hệ sinh thái ĐMST, tinh thần KNĐMST, đồng thời truyền tải thông điệp của Chính phủ: "Đẩy mạnh KNĐMST một cách tổng thể, toàn diện, hướng tới Việt Nam trở thành trung tâm ĐMST khu vực và thế giới, với môi trường đầu tư kinh doanh thông thoáng, cởi mở; hiện thực hóa khát vọng phát triển đất nước hùng cường, thịnh vượng, nhân dân ngày càng được ấm no, hạnh phúc, phát huy giá trị văn hoá, bản sắc, tinh thần con người Việt Nam".
Theo Thủ tướng, KH&CN, KNĐMST là một xu thế tất yếu, khách quan, sự lựa chọn mang tính chiến lược, ưu tiên hàng đầu để phát triển nhanh, bền vững đất nước; vừa có thời cơ, thuận lợi, vừa có khó khăn, thách thức, điều quan trọng là chúng ta phải có sự kiên trì, bản lĩnh và trí tuệ để phát huy tối đa thời cơ, thuận lợi và hóa giải khó khăn, thách thức để phát triển đất nước.
KNĐMST sẽ tạo dựng giá trị trên cơ sở khai thác tài sản trí tuệ, công nghệ, mô hình kinh doanh mới; là chìa khóa mở ra cánh cửa phát triển đột phá cho doanh nghiệp và là động lực quan trọng phát triển nhanh và bền vững của các quốc gia, nhất là trong thời đại của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư.
Những năm qua, Đảng, Nhà nước đã có nhiều chủ trương, chính sách thúc đẩy KNĐMST. Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đã khẳng định: "Phát triển mạnh mẽ KH,CN&ĐMST và chuyển đổi số và tạo bứt phá về năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh", "Phát triển nhanh và bền vững dựa chủ yếu vào KH,CN&ĐMST và chuyển đổi số".
Thủ tướng nêu rõ, Chính phủ luôn khẳng định sự ủng hộ và tạo mọi điều kiện, môi trường thuận lợi nhất cho hoạt động KNĐMST. Chúng ta phải coi KNĐMST là một trong những nhiệm vụ chính trị quan trọng góp phần thúc đẩy mạnh mẽ tăng trưởng kinh tế, nâng cao năng lực cạnh tranh và hiệu quả sản xuất kinh doanh, tăng năng suất lao động, mở ra không gian phát triển mới.
Năm 2023, Việt Nam xếp thứ 46/132 quốc gia và nền kinh tế về ĐMST toàn cầu, đứng thứ 4 trong khu vực ASEAN và nằm trong top dẫn đầu của các nền kinh tế đang phát triển. Đầu tư cho KNĐMST vẫn giữ được mức phát triển tương đối tốt so với khu vực ASEAN (với 56 dự án, tổng vốn đầu tư 500 triệu USD). Trong thành quả chung của đất nước, có đóng góp quan trọng của hoạt động KNĐMST.
Từ thực tiễn chỉ đạo, điều hành, Thủ tướng cho rằng KNĐMST đã làm thay đổi đời sống kinh tế, xã hội một cách nhanh chóng và mạnh mẽ, đặc biệt là trong ứng dụng KH&CN vào đời sống, sản xuất, chuyển đổi số, thương mại điện tử, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao... KNĐMST đang là động lực mới, mở ra không gian phát triển mới, góp phần phát triển nhanh và bền vững.
"Chính phủ luôn sẵn sàng lắng nghe và điều chỉnh chính sách, tạo điều kiện thuận lợi tốt nhất nhằm thực thi những mô hình thí điểm, đặc thù để thúc đẩy ĐMST nói chung và KNĐMST nói riêng", Thủ tướng khẳng định.
Để công cuộc KNĐMST ngày càng hiệu quả, thực chất cần phải có chiến lược bài bản, thực hiện có trọng tâm, trọng điểm. Quan điểm xuyên suốt của Chính phủ là lấy người dân, doanh nghiệp là trung tâm, là chủ thể, là mục tiêu và là động lực, nguồn lực của KNĐMST.
Thủ tướng lưu ý, KNĐMST phải triển khai một cách khoa học, bài bản và có trọng tâm, trọng điểm; trước mắt tập trung vào 4 nhóm ưu tiên chính: KNĐMST trong công nghệ thông tin, an ninh mạng, dịch vụ kỹ thuật số như công nghệ tài chính, thương mại điện tử, logistics…; KNĐMST trong công nghệ y tế, giáo dục; KNĐMST trong công nghệ môi trường và năng lượng; KNĐMST trong phát triển nông nghiệp công nghệ cao.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính: Chính phủ sẵn sàng lắng nghe và điều chỉnh chính sách, chấp nhận rủi ro để Việt Nam trở thành điểm đến hấp dẫn KNĐMST của khu vực và thế giới.
Dành ưu đãi vượt trội, cơ chế đặc thù và mô hình thí điểm cho KNĐMST
Để sớm thu hẹp khoảng cách phát triển và đưa Việt Nam trở thành một quốc gia hàng đầu về KNĐMST, các bộ, ngành, địa phương, cơ quan, đơn vị cần có giải pháp gắn KNĐMST với tri thức, KH&CN và đặc thù riêng của đất nước, con người Việt Nam, mỗi tập thể và mỗi cá nhân. Trong đó, Thủ tướng yêu cầu tập trung thực hiện tốt một số nhiệm vụ sau:
Một là, tăng cường nhận thức về vị trí, vai trò, tầm quan trọng của KNĐMST. Gắn KNĐMST với giải quyết những điểm nghẽn, khó khăn, thách thức của đất nước, địa phương, cơ quan, đơn vị, nhất là những vấn đề liên quan đến thích ứng với biến đổi khí hậu, phát triển kinh tế xanh, kinh tế số, kinh tế tuần hoàn, kinh tế tri thức, giải quyết các bài toán về cạn kiệt tài nguyên, già hóa dân số, phát triển bền vững, tăng cường hiệu quả quản trị quốc gia, nâng cao năng suất, chất lượng lao động…
Hai là, tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy, chính quyền; có công cụ và chính sách đột phá nhằm thúc đẩy ứng dụng công nghệ và ĐMST để nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp, địa phương, quốc gia. Khuyến khích những ý tưởng mới, những kế hoạch sáng tạo, những cá nhân dám nghĩ, dám làm, dám đột phá để giải quyết các vấn đề đặt ra trong thực tế trên đất nước và góp phần giải quyết các vấn đề toàn cầu.
Thủ tướng Phạm Minh Chính và lãnh đạo các bộ, ngành, thực hiện nghi thức Dấu ấn tại Techfest - Whise 2023.
Ba là, tập trung xây dựng, hoàn thiện chính sách thúc đẩy thị trường vốn, nhân lực, KH&CN, sản phẩm mới… liên quan đến KNĐMST theo hướng phù hợp với cơ chế thị trường và thông lệ quốc tế. Đồng bộ hóa các quy định, quy chế, chính sách có liên quan; có cơ chế thí điểm, đầu tư mạo hiểm, chấp nhận rủi ro nhằm tháo gỡ các nút thắt, rào cản, tạo điều kiện, môi trường thuận lợi cho KNĐMST; khuyến khích đặt hàng, công nhận sản phẩm, dịch vụ mới để tạo niềm tin cho thị trường.
Bốn là, phát triển đồng bộ hệ thống ĐMST quốc gia, ngành, vùng, các khu công nghệ cao, "vườn ươm sáng tạo", trong đó lấy doanh nghiệp làm trung tâm và các viện, trường là chủ thể nghiên cứu và ĐMST. Thúc đẩy mạng lưới KNĐMST, phát triển các tổ chức trung gian, môi giới, sàn giao dịch vốn, các quỹ đầu tư, các tổ chức hỗ trợ về pháp lý, quản lý… để hình thành hệ sinh thái làm "bệ đỡ" cho KNĐMST. Xây dựng văn hóa khởi nghiệp quốc gia, đặc biệt trong thế hệ trẻ.
Năm là, phát triển mạnh mẽ nguồn nhân lực cho KNĐMST, trang bị kiến thức, kỹ năng và khuyến khích tinh thần KNĐMST từ các bậc học phổ thông và ngay từ những ngày đầu khi thanh niên có ý tưởng lập nghiệp. Đẩy mạnh phát triển giáo dục KH&CN, kỹ thuật làm nền tảng phát triển doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo. Có chiến lược, kế hoạch cụ thể đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao trong lĩnh vực KH&CN gắn với nhu cầu của doanh nghiệp và xã hội, đáp ứng đòi hỏi của sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước trong giai đoạn hiện nay.
Sáu là, tăng cường thu hút, đa dạng hóa các nguồn lực tài chính hỗ trợ KNĐMST từ nhiều nguồn khác nhau. Đẩy mạnh các phương thức hợp tác đầu tư phù hợp, hiệu quả trong hoạt động KNĐMST.
Nhấn mạnh cần thúc đẩy KNĐMST theo cả chiểu rộng và chiều sâu, tập trung vào các ngành mới nổi, các địa bàn, địa phương trọng điểm, Thủ tướng giao Bộ KH&CN triển khai một số mô hình thí điểm tại TP. Hồ Chí Minh và tiếp tục nhân rộng nếu hiệu quả.
Thủ tướng Chính phủ, Bí thư Thành uỷ TP. Hồ Chí Minh và Bộ trưởng Bộ KH&CN đã trao giải Cuộc thi tìm kiếm tài năng KNĐMST quốc gia.
Thủ tướng Phạm Minh Chính và lãnh đạo các bộ, ngành thăm các gian hàng tại Techfest - Whise 2023.
Bài, ảnh: PV