Xây dựng những quy định cụ thể về quản lý an toàn bức xạ hạt nhân; tăng cường thông tin tuyên truyền; đầu tư nguồn lực cho hoạt động thanh tra của các cơ quan quản lý và có chế tài xử phạt đủ sức răn đe.
Cục trưởng Cục An toàn bức xạ và hạt nhân cho rằng đó là một số vấn đề cần thực hiện để giảm nguy cơ dẫn đến mất nguồn phóng xạ hiện nay.
PV: Thưa ông, thời gian vừa qua xảy ra một số sự cố thất lạc thiết bị có chứa nguồn phóng xạ. Xin ông có thể cho biết đâu là những nguyên nhân chính của những vấn đề này?
- Ông Vương Hữu Tấn: Theo tôi nguyên nhân chính vẫn là nhận thức của chủ cơ sở và những người sử dụng trực tiếp nguồn phóng xạ chưa cao. Họ nghĩ còn đơn giản và chưa thấy hết trách nhiệm của mình khi xảy ra mất nguồn phải chịu liên đới như thế nào. Xét cho cùng đó là văn hóa an toàn, văn hóa an ninh. Gần đây, khái niệm này đã được thông tin nhiều trên các phương tiện truyền thông quốc tế, trong nước bắt đầu làm quen dần với khái niệm đó.
Trên thực tế, văn hóa an toàn, văn hóa an ninh ở các cơ sở sử dụng nguồn phóng xạ còn rất thấp. Văn hóa thể hiện từ nhận thức của người lãnh đạo và những người trực tiếp làm công việc quản lý nguồn phóng xạ, đến những quy định ban hành chưa có ở trong nội quy của các cơ sở đó để xác định trách nhiệm của từng nhân viên trong một dây chuyền quản lý như thế nào. Có như vậy để khi xảy ra sự cố biết được trách nhiệm thuộc về ai.
Tiếp đó là chế tài xử lý chưa đủ mạnh. Ví dụ vụ mất nguồn phóng xạ tại nhà máy thép Pomina 3, Bà Rịa Vũng Tàu xử phạt hành chính 93 triệu. Tôi cho rằng đối với một doanh nghiệp sản xuất sắt thép hàng năm thì đây là con số rất nhỏ, chưa đủ để răn đe họ.
Đó là nguyên nhân có thể dẫn đến tái diễn sự cố. Gần đây, khi kiểm tra tại Trung tâm Tư vấn cầu đường Phú Yên, Sở Khoa học công nghệ Phú Yên phát hiện nguồn tia phóng xạ cường độ nhỏ lọt ra ngoài, có nguy cơ gây mất an toàn về sức khỏe đối với những người ở gần. Nguồn phóng xạ rò rỉ được xác định từ một máy đo độ chặt nền đường để trong két sắt đựng tiền, đặt dưới chân cầu thang của trung tâm. Thực tế, Phú Yên biết nguồn đó từ rất lâu nhưng không xin cấp phép.
Khoảng năm 2001–2002, theo đề nghị của tỉnh Phú Yên, sau khi hoàn thành dự án nâng cấp quốc lộ 1 (đoạn qua tỉnh Phú Yên), Ban Quản lý dự án 1 (PMU1 thuộc Bộ Giao thông vận tải) bàn giao toàn bộ gói thiết bị làm đường, trong đó có máy đo độ chặt nền đường có sử dụng nguồn phóng xạ nguy hiểm.
Thiết bị này sau đó được giao cho Trung tâm Tư vấn cầu đường Phú Yên nhưng đơn vị này không sử dụng, đem cất vào kho. Năm 2013, Trung tâm Tư vấn cầu đường Phú Yên chuyển trụ sở đến nơi khác. Đơn vị tiếp quản trụ sở cũ không chấp nhận để chiếc máy có chứa nguồn phóng xạ này tại đây nên Trung tâm Tư vấn cầu đường Phú Yên cất thiết bị vào trong két sắt đựng tiền, đặt dưới chân cầu thang trụ sở mới, thay vì cất giữ bảo vệ theo đúng quy cách là được che chắn bằng container có chì bảo vệ, nên dẫn đến tình trạng hiện nay.
PV: Hiện nay những quy định nhằm quản lý nguồn phóng xạ tương đối đầy đủ, nhưng mức độ tuân thủ dường như chưa được như mong muốn. Vậy khó khăn ở cơ quan quản lý là gì, thưa ông?
-Ông Vương Hữu Tấn: Chúng ta đã xây dựng khuôn khổ pháp lý quản lý nguồn phóng xạ khá đầy đủ cho tất cả các quy trình từ khi nguồn đó vào Việt Nam cho đến khi không còn dùng được. Tuy nhiên, hầu như các văn bản đó chưa đi vào cuộc sống khiến các cơ quan quản lý gặp một số khó khăn trong việc quản lý nguồn phóng xạ.
Trước hết là do các cơ sở có các nguồn phóng xạ không chấp hành nghiêm các văn bản. Vào tháng 9/2014 tại TP. Hồ Chí Minh một thiết bị chụp ảnh với nguồn phóng xạ Iridium Ir-192 có hoạt độ 42,45 Curie (Ci) của Công ty Apave bị mất cắp trong nhà trọ ở Quận Tân Bình. Vụ mất thiết bị chụp ảnh phóng xạ này đã gây ra sự lo lắng và xôn xao trong dư luận trong cả nước.
Quy định khi chụp ảnh nguồn phóng xạ ở một công trường phải thiết lập kho lưu giữ khi không làm việc ở đó hoặc đưa về công ty có đủ điều kiện đảm bảo an ninh. Nhưng họ không tuân thủ dẫn đến sự việc trên.
Hay như tại nhà máy thép Pomina 3, Bà Rịa Vũng Tàu, khi thay đổi hiện trạng nguồn phóng xạ nhà máy phải báo cơ quan quản lý. Khi tháo phải để vào kho đảm bảo an toàn an ninh. Đó là văn hóa an toàn, văn hóa an ninh mình chưa được tuân thủ. Các công ty quan tâm đến hiệu quả kinh tế, lợi nhuận hơn là việc đầu tư cho vấn đề đảm bảo an toàn. Đây là yếu tố cần cảnh báo cho các cơ quan, vì khi xảy ra sự cố chính cơ quan đó phải chịu trách nhiệm thiệt hại cả về kinh tế.
Hơn nữa, thanh tra chưa có đủ nguồn lực kể cả con người và cơ sở vật chất kỹ thuật để tổ chức thanh tra theo đúng quy định của Thông tư 19/2012/TT-BKHCN về việc Quy định về kiểm soát và bảo đảm an toàn bức xạ trong chiếu xạ nghề nghiệp và chiếu xạ công chúng. Có những nguồn hàng năm phải được thanh tra nhưng hiện nay chúng ta chưa thực hiện được vì ta không đủ nhân lực. Cục An toàn bức xạ và hạt nhân hiện nay công chức thanh tra có 2 người, hợp đồng 13 người. Ở các Sở KH&CN cũng vậy, có rất nhiều sở chưa đến 1 người phụ trách mảng an toàn thì khó thực hiện được. Họ chưa có đủ phương tiện để làm thanh tra theo đúng quy định của pháp luật. Đó là những hạn chế hiện nay cần khắc phục.
PV: Vậy theo ông giải pháp trong thời gian tới để tăng cường mức độ hiệu quả công tác quản lý thiết bị có chứa nguồn phóng xạ này là gì?
-Ông Vương Hữu Tấn: Để tăng cường quản lý có hai vấn đề môt là kỹ thuật hai là quản lý. Về kỹ thuật hiện nay ta có giải pháp ngắt thiết bị giám sát an ninh. Ví dụ các nguồn phóng xạ cố định, cường độ lớn trên 1000 chúng tôi đã có dự án hợp tác với Hoa Kỳ để lắp đặt các thiết bị giám sát cố định khi có bất kỳ sự cố đột nhập, lấy cắp thì đều có báo và xử lý ngay được.
Đối với nguồn phóng xạ di động hiện nay Bộ đã ban hành Thông tư 23 sửa đổi trong đó yêu cầu các cơ sở sử dụng nguồn phóng xạ di động phải lắp đặt thiết bị giám sát an ninh nguồn phóng xạ để khi xảy ra những sự cố nhanh chóng phát hiện và có giải pháp thu hồi lại được.
Còn các cơ sở thu mua sắt thép, phế liệu trong quyết định của Thủ tướng đã yêu cầu lắp đặt các thiết bị giám sát nguồn phóng xạ. Cũng như các nhà máy chế biến sắt thép sử dụng nguồn phế liệu trong nước phải có thiết bị giám sát, vât liệu đầu vào như thế nào để có thể sẵn sàng cảnh báo khi phát hiện và nhanh chóng thu hồi lại được. Những vấn đề đó chúng ta đã đặt ra, sắp tới phải giám sát thực hiện để các cơ sở thực hiện tốt giải pháp kỹ thuật đã nêu ra.
Còn về quản lý, các cơ sở cũng phải xây dựng những quy định cụ thể, những quy định nội bộ về quản lý an toàn để phân định rõ trách nhiệm của từng nhân viên trong quy trình quản lý nguồn để khi xảy ra biết trách nhiệm thuộc về ai. Sắp tới trong quá trình thanh tra, kiểm tra, cơ quan quản lý cần đến từng cơ sở xem họ làm việc đó như thế nào. Song song với đó là phải tổ chức thông tin tuyên truyền nhiều hơn nữa vì nhận thức của chủ cơ sở cũng như của xã hội chưa cao. Hơn nữa là tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra. Đồng thời là đầu tư nguồn lực cho hoạt động thanh tra của các cơ quan quản lý gồm Cục An toàn bức xạ và hạt nhân cũng như các Sở KH&CN để họ có thể làm tốt chức năng thanh tra. Tiếp đó là có chế tài xử lý đủ sức răn đe. Nếu làm được sẽ giảm nguy cơ dẫn đến mất nguồn phóng xạ làm mất an ninh cho xã hội.
Bài, ảnh: Phương Nga