Banner TOP trái 1
Banner TOP phải 3
Hoạt động KH&CN Thứ ba, 26/11/2024 , 09:22 am
Cập nhật : 08/10/2013 , 09:10(GMT +7)
Đại tướng thời bình: Đi vào trận mới
Đại tướng Võ Nguyên Giáp cùng một số đại biểu tại Hội nghị Toán học 1977 ở Hà Nội
Năm 1980, theo sự phân công của Đảng, Đại tướng Võ Nguyên Giáp giữ chức Phó Thủ tướng, phụ trách công tác khoa học, kỹ thuật, thôi giữ nhiệm vụ Bộ trưởng Bộ Quốc phòng.

Ông đi vào trận mới, với bộ óc của một nhà chiến lược có tài và một trái tim đầy nhiệt huyết của người chiến sĩ-trí thức yêu nước, thương dân, mong đánh thắng cái nghèo, cái lạc hậu trong nền kinh tế sau chiến tranh.

Ông quan tâm trước hết đến nông dân, bởi đây là bộ phận đông nhất, bao gồm hơn 80% dân số cả nước, lại là đội quân chủ lực của cách mạng và kháng chiến, đã từng hy sinh nhiều nhất cho cách mạng, mà đến khi hòa bình lập lại còn là bộ phận nghèo nhất trong nước.

Vốn xuất thân là một nhà trí thức giàu hiểu biết xã hội và khoa học, lại đã từng có mấy chục năm rời thành thị, đi vận động cách mạng ở rừng núi và nông thôn, đã từng viết luận văn về Vấn đề dân cày từ năm 1937, nay ở cương vị mới, ông chủ trương động viên lực lượng khoa học kỹ thuật trong cả nước ra phục vụ nhiệm vụ phát triển nông nghiệp, lấy khoa học làm động lực để nâng cao năng suất nông nghiệp, cải thiện đời sống cho nông dân.

Ông đã triệu tập một hội nghị khoa học kỹ thuật toàn quốc phục vụ nông nghiệp, có đại biểu của Bộ Nông nghiệp, Bộ Lâm nghiệp, Bộ Hải sản, Bộ Thủy lợi, Bộ Cơ khí luyện kim, Bộ Điện-Than, Tổng cục Hóa chất để lập một chương trình liên Bộ, liên ngành, tập hợp nhiều binh chủng hợp thành để cùng tiến quân vào mặt trận khoa học hóa, hiện đại hóa nông nghiệp bằng ba biện pháp chủ chốt: Thủy lợi hóa, cơ khí hóa, hóa học hóa.

Sau những buổi nghe báo cáo và tham luận nhằm thu thập nhiều ý kiến của tập thể nhiều ngành, Phó Thủ tướng Võ Nguyên Giáp đã có một bài phát biểu súc tích về vấn đề “Đẩy mạnh cuộc cách mạng khoa học kỹ thuật trong nông nghiệp nước ta”, trong đó ông nêu một ý kiến mà đến ngày nay, hơn 30 năm sau, chúng ta còn thấy nó mang ý nghĩa thời sự cập nhật.

Con đường ông đã vạch ra từ độ ấy, là con đường đưa nông nghiệp nước ta thành một nền nông nghiệp nhiệt đới tiến lên sản xuất lớn ngày càng hiện đại, có năng suất lao động cao, có sản phẩm hàng hóa nhiều để thỏa mãn ngày càng đầy đủ hơn những nhu cầu về lương thực, thực phẩm, về nguyên liệu cho công nghiệp, về nguồn hàng xuất khẩu, đồng thời đáp ứng yêu cầu xây dựng quốc phòng vững mạnh.

“Đó là con đường làm cho nông nghiệp ngày càng thực sự trở thành cơ sở để phát triển công nghiệp, góp phần quan trọng vào công cuộc xây dựng nền kinh tế công-nông nghiệp ngày càng hiện đại của nước ta”.

Đối với Đảng và Nhà nước, quan điểm của Phó Thủ tướng Võ Nguyên Giáp là “Chúng ta phải làm cho cách mạng khoa học kỹ thuật thật sự trở thành một trong những nội dung chủ yếu của sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng, của sự quản lý của chính quyền các cấp”.

Còn đối với nhân dân “chỉ trên cơ sở động viên và tổ chức được hàng triệu, hàng chục triệu nông dân lao động, công nhân, đặc biệt là thanh niên cùng hăng hái vươn lên, tiến quân mạnh mẽ vào mặt trận khoa học kỹ thuật, bằng cách thay đổi lề lối canh tác theo chỉ dẫn của nhà khoa học, thì mới có thể “tạo đà cho nông nghiệp phát triển thắng lợi” trên đồng ruộng nông thôn.

Việc mở mang những vùng kinh tế quy mô lớn, theo Phó Thủ tướng Võ Nguyên Giáp “đòi hỏi đầu tư khoa học kỹ thuật, điều tra nghiên cứu rất nghiêm túc để xây dựng những kế hoạch tổng thể có chất lượng”.

“Khoa học kỹ thuật không những phải xác định đúng phương hướng sản xuất, mà còn phải giải quyết đúng đắn mối quan hệ giữa nông nghiệp với lâm nghiệp và vấn đề nước.

Có đất đai, lại phải có nước thì mới có sự sống, mới có nông nghiệp. Rừng là một điều kiện thiên nhiên có mối liên hệ rất mật thiết với trữ lượng nước. Nước ta lại nằm bên bờ biển Thái Bình Dương, cho nên đất, nước, rừng, biển đều có mối quan hệ qua lại,  tác động lẫn nhau”.

Có thể nói rằng, rừng và biển có tầm quan trọng rất to lớn không những về mặt tiềm năng các sản phẩm quý giá có thể cung cấp cho xã hội, mà còn có cả việc giữ gìn môi trường và cân bằng sinh thái tốt nhất đối với toàn bộ đất đai nước ta, đối với việc phát triển các ngành kinh tế quốc dân trong cả nước và ở từng vùng”.

Những ý kiến trên đây của Đại tướng đã vạch ra từ năm 1978 quả là những tư tưởng chỉ đạo có giá trị của một nhà chiến lược kinh tế uyên bác.

Chỉ tiếc rằng, lúc bấy giờ, chiến lược phát triển nông nghiệp hợp lý và toàn diện như thế chưa được thực hiện liên ngành, đồng bộ.

(Trích từ sách “Võ Nguyên Giáp hào khí trăm năm” của tác giả Trần Thái Bình)

Nguồn tin: Báo điện tử Chính phủ

Ý kiến của bạn
Tên của bạn : *
E_mail : *
Tiêu đề : *
Nội dung : * (Bạn vui lòng gõ tiếng Việt có dấu)
 
Mã bảo mật :   
   
Các tin khác

   
Xem tin theo ngày
   
 
Xem nhiều nhất

English
Thăm dò ý kiến
Bạn biết website “truyenthongkhoahoc.vn” qua nguồn thông tin nào?
Bạn bè giới thiệu
Qua Google
Qua sách báo, quảng cáo banner