Bắt đầu cùng không ít những khó khăn, thách thức song với những quyết sách đúng đắn, sau 15 năm, trường Đại học Công nghệ (ĐHCN) – ĐHQG Hà Nội đã và đang trở thành đơn vị nghiên cứu có uy tín trong và ngoài nước.
Quyết sách của những nhà khoa học tâm huyết
PGS.TS.NGƯT Phùng Xuân Nhạ, GĐ ĐHQG Hà Nội cho biết, cách đây 10 năm, ngày 25 tháng 5 năm 2004, Thủ tướng Chính phủ đã ký quyết định số 92/2004/QĐ-TTg thành lập Trường ĐHCN, trên cơ sở Khoa Công nghệ và Trung tâm Hợp tác Đào tạo và Bồi dưỡng Cơ học thuộc ĐHQGHN. Trường có nhiệm vụ đào tạo nguồn nhân lực trình độ đại học, sau đại học và bồi dưỡng nhân tài thuộc lĩnh vực khoa học, công nghệ; nghiên cứu và triển khai ứng dụng khoa học, công nghệ đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Tiền thân là một Khoa trực thuộc ĐHQGHN phát triển thành một Trường đại học thành viên thuộc ĐHQGHN. Khi mới thành lập trường cũng gặp nhiều khó khăn. GS.VS.NGƯT Đào Trọng Thi - Ủy ban Van hóa – Giáo dục – Thanh Thiếu niên và Nhi đồng Quốc hội, Nguyên Bí thư Đảng ủy, Nguyên GĐ ĐHQGHN cho biết, khi ĐHCN còn là một khoa trực thuộc ĐHQG Hà Nội mang mô hình rất đặc biệt và đặc thù mà chỉ có ở ĐHQG Hà Nội. Đó là khó khăn về cả nhân lực và vật lực.
GS.VS.NGƯT Đào Trọng Thi nhận định, một trong những giải pháp quan trọng hóa giải được những khó khăn đó là việc Trường, Khoa đã mời được GS.VS. Nguyễn Văn Hiệu – một nhà Vật lý nổi tiếng của Việt Nam tham gia. Với sự nhiệt huyết của GS.VS. Nguyễn Văn Hiệu đã thu hút được số lượng lớn các nhà khoa học có uy tín ở Viện Khoc học Việt Nam đến với Khoa để thành lập nên một đơn vị mới. Từ đây Khoa Công nghệ ngày càng lớn mạnh với nhiều nhà khoa học lớn từ nhiều nguồn khác nhau về hội tụ. Tuy mới thành lập nhưng đơn vị đã có mối quan hệ rộng rãi với nhiều cơ quan nghiên cứu hàng đầu ở Việt Nam.
Ngay khi được thành lập, Lãnh đạo Khoa đã quan tâm chuẩn bị đội ngũ giảng viên trình độ cao và ba giải pháp đã được thực hiện đồng bộ. Khoa lựa chọn các cán bộ xuất sắc đi đào tạo sau đại học ở nước ngoài. Tạo cơ chế phù hợp thu hút những cán bộ khoa học trẻ của Việt Nam đi làm Nghiên cứu sinh, tiến sĩ ở nước ngoài về nước. Khoa đã thí điểm xếp lương bậc 3 đối với giảng viên có trình độ tiến sĩ ngay khi tuyển dụng. Chính sách này đi trước một bước so với quy định của Nhà nước về chế độ tiền lương. Trong giai đoạn này, khoa đã tuyển mới được 7 tiến sĩ. Bên cạnh đó, Khoa còn thu hút, mời các Giáo sư Việt kiều tham gia giảng dạy và nghiên cứu.
Đây được xác định là yếu tố quyết định cho sự thành công của Khoa Công nghệ cũng là trường ĐHCN hiện nay.
Việc thành lập Trường ĐHCN thuộc ĐHQGHN là quyết định sáng suốt của Đảng và Nhà nước, khẳng định tầm quan trọng của việc đào tạo, nghiên cứu các lĩnh vực về khoa học kỹ thuật và công nghệ, từng bước hoàn thiện cơ cấu đa ngành, đa lĩnh vực của ĐHQGHN, đóng góp thiết thực vào sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, GS.VS.Nguyễn Văn Hiệu nhận định.
Định hướng trở thành một trường đại học nghiên cứu
Sau 10 năm thành lập, Trường ĐHCN đã đạt được nhiều thành tựu, trưởng thành về mọi mặt, có đội ngũ cán bộ khoa học trình độ cao; môi trường làm việc và học tập trong sáng, năng động và sáng tạo; môi trường nghiên cứu tích cực và hiện đại. Trường đã từng bước khẳng định được chất lượng trong đào tạo, uy tín trong khoa học, vị thế trong hợp tác; là địa chỉ tin cậy của các cơ quan quản lý, các đối tác và người sử dụng lao động.
Với định hướng trở thành một trường đại học nghiên cứu, trong thời gian qua nhà trường đã thu hút và xây dựng được đội ngũ giảng viên có trình độ cao thuộc hàng đầu của đất nước, tâm huyết với sự nghiệp giáo dục và đào tạo. Tỷ lệ giảng viên cơ hữu có trình độ tiến sĩ trở lên trên 75%, tỷ lệ giáo sư và phó giáo sư đạt trên 26%.
Nhà trường đã phát triển được môi trường nghiên cứu tích cực theo quan điểm “mỗi giảng viên là một nhà khoa học”, “tích hợp hoạt động đào tạo với nghiên cứu khoa học”. Các nhà khoa học của trường chủ trì nhiều đề tài nghiên cứu cấp Nhà nước, cấp bộ ngành đạt kết quả tốt. Số lượng các công trình khoa học được công bố trên các tạp chí, hội nghị quốc tế tăng hằng năm, tính bình quân đạt khoảng 2 bài/năm/giảng viên cơ hữu.
ĐHCN phấn đấu thành ĐH nghiên cứu (ảnh: ĐHQGHN)
Nhiều sản phẩm công nghệ giải quyết các bài toán thực tiễn của xã hội như, sản phẩm Khối tổ hợp công suất phát 8 đường dùng cho máy nhận biết mã chủ quyền quốc gia; máybiến đo và xác định chiều của từ trường trái đất; Quy trình và kết quả giải mã hệ gen 01 người Việt Nam đầu tiên…
GĐ ĐHQG Hà Nội, Phùng Xuân Nhạ chia sẻ, trường ĐHCN là đơn vị tiên phong và triển khai có hiệu quả trong cả nước về mô hình hợp tác Trường - Viện - Doanh nghiệp, góp phần gia tăng các nguồn lực để qua đó thúc đẩy và nâng cao chất lượng các hoạt động đào tạo, nghiên cứu khoa học và phát triển nhà trường. Một số hướng nghiên cứu đã đạt trình độ hàng đầu quốc gia, tiếp cận trình độ quốc tế như: vật liệu và linh kiện nano từ tính, công nghệ tính toán tin - sinh phân tích hệ gen người, công nghệ thiết kế chip... Một số kết quả nghiên cứu của các nhà khoa học của Trường ĐHCN được tặng giải thưởng quốc tế, giải thưởng Nhân tài đất Việt, các giải thưởng tại các cuộc thi sáng tạo công nghệ, các hội chợ, triển lãm công nghệ và chuyển giao, ứng dụng vào thực tiễn.
Hoàn Phương