Mỏng, mềm mại, khi đắp vào vết thương sẽ như một lớp “da tạm” ngăn chặn sự xâm nhập của vi khuẩn, hạn chế sự thoát dịch, kích thích quá trình phát triển biểu mô, làm lành vết thương nhanh chóng… là ưu điểm của màng trị bỏng (màng sinh học) Acetul do tiến sĩ - dược sĩ Huỳnh Ngọc Lan (Khoa Dược, Trường Đại học Y Dược TPHCM) vừa nghiên cứu và chế tạo thành công. Đề tài mở ra một hướng mới trong điều trị bỏng tại Việt Nam.
Nguyên liệu thiên nhiên
Theo TS Huỳnh Ngọc Lan, hầu hết các ca bỏng nặng (từ độ 3 trở lên) hoặc tai nạn giao thông đều có chung đặc điểm là tình trạng tổn thương mất da. Từ đó vi khuẩn xâm nhập vào các mảng vết thương hở gây nhiễm trùng. Ngoài ra, mất da cũng làm cơ thể mất đi một lượng lớn nước và muối khoáng, chất điện giải do sự bay hơi liên tục từ bề mặt vết thương. Trong những trường hợp như vậy, các bác sĩ đều phải sử dụng một lớp màng bảo vệ trong suốt quá trình điều trị.
Trên thế giới, việc sử dụng màng sinh học trong điều trị bỏng không phải điều mới mẻ và tại Việt Nam, theo kinh nghiệm dân gian, sử dụng dầu mù u và tinh dầu tràm để kháng khuẩn và làm lành vết thương cũng không xa lạ. Từ đây, nhóm nghiên cứu nói trên đã kết hợp hai phương pháp kể trên để tạo ra một loại màng mới với tên gọi Acetul, có công dụng tốt hơn các loại màng có trên thị trường.
TS Huỳnh Ngọc Lan cho biết, thành phần chính tạo nên màng Acetul là Cellulose vi khuẩn kết hợp với hoạt chất mau lành vết thương từ dầu mù u và tinh dầu tràm Trà Úc. Cellulose vi khuẩn là sản phẩm sau quá trình lên men bằng cách sử dụng một số loài vi khuẩn có lợi. Dầu mù u sử dụng ở đây đã được tinh chế, có khả năng làm mau lành vết thương, tăng sự tạo mô hạt, đẩy nhanh sự tăng sinh của tế bào. Bên cạnh đó, tinh dầu tràm Trà Úc có tính kháng viêm, kháng khuẩn và làm giảm mùi hôi ở những vết thương nhiễm khuẩn, tạo cảm giác dễ chịu khi sử dụng.
Nhờ thành phần chế tạo hoàn toàn từ thiên nhiên nên màng có độ nhẹ và mỏng hơn rất nhiều so với các màng được làm từ polyme truyền thống. Chính yếu tố này đảm bảo cho màng có tính vật lý tương tự như một lớp da tạm khi đắp lên vết thương, giúp giảm đau rát cho người bệnh. Bên cạnh đó, nhờ màng có cấu trúc với mật độ lỗ thấm đến từng micro mét nên có tính cản khuẩn tuyệt đối. Dầu mù u và tinh chất dầu tràm có trong màng sẽ đảm nhiệm chức năng chống viêm, phù nề và kích thích tái tạo mô vết thương.
Công trình từ nỗi đau người bệnh
TS Huỳnh Ngọc Lan cùng nhóm nghiên cứu đã bỏ ra không ít thời gian và công sức. “Với dầu mù u và tinh chất dầu tràm Trà Úc, cũng như lên men vi khuẩn để tạo màng Cenlulose đã được chúng tôi nghiên cứu và tìm hiểu từ những năm 2003, nhưng để có cơ sở khoa học chắc chắn, nhóm nghiên cứu lựa chọn cách hoàn thiện các nghiên cứu thành phần trước khi kết hợp chúng lại với nhau. Đến năm 2007, chúng tôi bắt tay vào thực hiện.
Từ đây, lại phát sinh khó khăn lớn. Màng Cenlulose khi gặp dầu mù u trở nên khô cứng và khó hòa tan. Trong khi ý tưởng ban đầu là một chiếc màng vừa mỏng vừa mềm, nhẹ. Cho nên phải đến năm 2010, khó khăn mới được giải quyết và màng Acetul đầu tiên được ra đời. Suốt 3 năm sau đó là quãng thời gian liên tục thử nghiệm và cải tiến tại Viện Bỏng quốc gia... Với chúng tôi, 10 năm không dài, màng sinh học ra đời cũng không khiến chúng tôi quá vui nếu kết quả cuối cùng không mang lại lợi ích cho bệnh nhân”, TS Lan nhớ lại.
Còn với màng Acetul, ngoài những đặc tính tương tự như các loại màng ngoại nhập, điểm khác biệt đến từ yếu tố nguyên liệu thiên nhiên và một mức giá cực rẻ cho bệnh nhân nghèo.
Theo TS Huỳnh Ngọc Lan, hiện nay, Việt Nam đang sử dụng chủ yếu hai loại màng trị bỏng là màng bạc Nano của Trung Quốc và màng Collagen của Pháp. Màng bạc Nano có tính sát khuẩn lớn, được dùng chủ yếu trong những ca bỏng nặng nhưng có giá thành khá cao. Màng Collagen giá thành thấp hơn nhưng khi sử dụng, màng này dính chặt vào vết thương, khi cần thay màng, người bệnh phải chịu sự đau đớn. Màng Acetul vừa khắc phục được các nhược điểm kể trên, vừa giúp Việt Nam chủ động được nguồn hàng do sản xuất được trong nước.
“Sắp tới, sau khi sản phẩm được Bộ Y tế công nhận và đăng ký bảo hộ sáng chế, chúng tôi dự kiến sẽ đề xuất với Sở KH-CN TPHCM cho phép lập chương trình sản xuất thử nghiệm. Nếu được bệnh nhân đón nhận, màng Acetul sẽ được chúng tôi chuyển giao cho những nhà sản xuất có đủ điều kiện. Từ đó, sản xuất ra những chiếc màng trị bỏng hiệu quả mà người dân nghèo nào cũng có khả năng sử dụng”, TS Lan cho biết thêm.