Mục tiêu của Trung tâm Vệ tinh Quốc gia phải tuyển và đào tạo ít nhất 70 kỹ sư năm 2015, khoảng 150 kỹ sư vào năm 2020 và khoảng 300 kĩ sư vào năm 2030.
Theo Trung tâm Vệ tinh Quốc gia, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam, Chương trình đào tạo nhân lực vệ tinh cơ bản của Dự án Trung tâm Vũ trụ Việt Nam, đến nay Trung tâm đã cử 35 cán bộ trẻ sang Nhật Bản tham gia khóa đào tạo Thạc sĩ về Công nghệ Vũ trụ theo các lĩnh vực điều khiển quỹ đạo, điều khiển tư thế, cấu trúc, nhiệt, lệnh và thu thập xử lý dữ liệu, cung cấp nguồn, hệ thống đẩy, phần mềm và lắp ráp tên lửa phóng.
Chương trình chia thành 3 khóa học: 2013-2015, 2014-2016, 2015-2017. Mục đích của chương trình là đào tạo thạc sĩ công nghệ vũ trụ một cách toàn diện thông qua việc thiết kế, chế tạo và thử nghiệm vệ tinh. Hiện nay đã có 22 cán bộ của Trung tâm đang học tập và nghiên cứu tại các trường đại học nêu trên, với đoàn khóa 3 sẽ nâng tổng số cán bộ đi học tại Nhật Bản theo Dự án hiện nay là 35 người.
Nội dung của các khóa học về lý thuyết sẽ theo chương trình chuẩn Thạc sĩ ngành Công nghệ vũ trụ của các trường Đại học và Học viện có ngành công nghệ vũ trụ mạnh của Nhật Bản. Về phần thực hành sẽ tuân theo chương trình riêng cho khóa học: Thiết kế, chế tạo, lắp ráp và thử nghiệm 01 vệ tinh micro 50kg.
Đào tạo nguồn nhân lực trình độ cao ngành công nghệ vũ trụ là một hợp phần quan trọng thuộc Dự án Trung tâm Vũ trụ Việt Nam sử dụng nguồn vốn ODA của Chính phủ Nhật Bản, có thể tóm tắt theo các bước sau: Bước 1: Vệ tinh cơ bản - Kiến thức cơ bản về công nghệ vũ trụ & Thiết kế, chế tạo và thử nghiệm vệ tinh micro. Tiếp nhận chuyển giao công nghệ chế tạo vệ tinh micro từ các trường Đại học của Nhật Bản; Bước 2: Vệ tinh nâng cao - tiếp nhận chuyển giao công nghệ tại các cơ sở chế tạo vệ tinh ở Nhật Bản. Thiết kế, xây dựng quy trình sản xuất, lắp ráp, tích hợp và thử nghiệm Vệ tinh LOTUSat-1 tại Nhật Bản; Bước 3: Lắp ráp và thử nghiệm Vệ tinh LOTUSat-2 tại Việt Nam.
Nhân lực là một trong những yếu tố quan trọng nhất trong việc phát triển khoa học và công nghệ nói chung và công nghệ vũ trụ nói riêng. Việc đầu tư phát triển công nghệ bền vững gắn với phát triển nguồn nhân lực. Do đó, đào tạo nhân lực phục vụ chế tạo vệ tinh nhỏ và ứng dụng công nghệ vũ trụ là một phần quan trọng của dự án Trung tâm Vũ trụ Việt Nam. Để đáp ứng mục tiêu đủ nguồn nhân lực có trình độ cho việc chế tạo, thử nghiệm và điều hành hai vệ tinh, TTVTQG đã đặt ra kế hoạch phải tuyển và đào tạo ít nhất 70 kỹ sư năm 2015, khoảng 150 kỹ sư vào năm 2020 và khoảng 300 kĩ sư vào năm 2030. Mục tiêu của dự án chú trọng đào tạo nhân lực từ cơ bản đến nâng cao đảm bảo khả năng tự nghiên cứu, thiết kế, chế tạo vệ tinh Made in Vietnam nhằm đáp ứng nhu cầu nhân lực Công nghệ Vũ trụ Việt Nam trong tương lai.
Tin và ảnh: Minh Châu