Đây là hoạt động trong khuôn khổ Chương trình Phối hợp giữa Trung tâm Công nghệ sinh học Đà Nẵng với Hội Nông dân huyện Hòa Vang; giữa Trung tâm Công nghệ sinh học Đà Nẵng và UBND xã Hòa Tiến năm 2017.
Vừa qua, tại Hội trường UBND xã Hòa Tiến và Hội trường Mặt trận tổ quốc Việt Nam huyện Hòa Vang, cán bộ kỹ thuật Trung tâm CNSH Đà Nẵng đã triễn khai 2 lớp tập huấn kỹ thuật về Nâng cao kỹ thuật nuôi trồng và các biện pháp xử lý bệnh hại trên nấm sò và nấm Linh chi.
Tại lớp tập huấn, ThS Phan Tiến Dũng, Phó trưởng trạm Sản xuất Kinh doanh đã báo cáo về thực trạng nuôi trồng nấm trên địa bàn Đà Nẵng nói chung và tại huyện Hòa Vang. Theo đó, trong những năm vừa qua số hộ cá thể cũng như các Tổ hợp tác/HTX sản xuất nấm ngày càng tăng lên, tuy nhiên đa số bà con chưa nắm hết quy trình kỹ thuật nuôi trồng cũng như công tác vệ sinh, khử trùng lán trại định kỳ vì thế tỷ lệ nhiễm nấm dại càng cao, đặc biệt tiêu chuẩn kỹ thuật nhà cấy giống và lán trồng không đảm bảo nên nhiều hộ đã bị côn trùng gây hại, có nơi thiệt hại lên đến 100%. Nhiều hộ đã bỏ nghề trồng nấm. Ngoài ra, diễn biến của khí hậu, thời tiết tại địa phương ngày càng phức tạp, ảnh hưởng không nhỏ tới hoạt động sản xuất nông nghiệp trong đó có nghề trồng nấm của bà con nông dân.
Qua thực trạng đó, ThS Phan Tiến Dũng đã đưa ra nhiều giải pháp giúp bà con nông dân nâng cao hiệu quả sản xuất cũng như giảm thiểu tối đa về nấm bệnh và côn trùng gây hại, đó là: chọn địa điểm sản xuất phải xa khu vực chăn nuôi, xa đường giao thông và khu vực ô nhiễm, nguồn nước tưới phải đảm bảo, không nhiễm phèn; công tác chuẩn bị nhà xưởng phải đáp ứng các tiêu chí về độ thông thoáng; phòng cấy giống và ươm sợi nhiệt độ không quá 30oC; lán trồng phải có lưới ngăn côn trùng và hệ thống tưới đảm bảo duy trì ẩm độ từ trên 80% để kích thích hình thành mầm quả thể, định kỳ khử trùng phòng cấy giống bằng lưu huỳnh và lán trồng bằng Benkocid (như quy trình đã hướng dẫn); mạnh dạn đầu tư máy móc thiết bị cần thiết như là máy sàng nguyên liệu để loại bỏ dăm nhọn làm hỏng bịch; nồi hấp đảm bảo công suất và nhiệt độ để đảm bảo thanh trùng nguyên liệu; máy sấy, máy đóng túi.. để nâng cao chất lượng nấm chế biến; thay đổi phương pháp đóng túi, phương pháp cấy và ươm sợi để khắc phục ảnh hưởng của nhiệt độ đến sự phát triển của giống; hạn chế tối đa nguy cơ lây nhiễm và điều khiển nấm ra theo ý muốn.
Với sự tham gia của hơn 60 hộ nông dân trồng nấm và nhiều bà con quan tâm, lớp tập huấn đã diễn ra sôi nổi với nhiều ý kiến thảo luận của bà con và ý kiến giải đáp thắc mắc của cán bộ kỹ thuật Trung tâm. Lãnh đạo huyện và xã mong muốn có thêm nhiều lớp tập huấn tương tự để giúp bà con nông dân tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc đồng thời ứng dụng công nghệ sinh học vào sản xuất đạt hiệu quả góp phần đưa nghề trồng nấm trên địa bàn huyện phát triển bền vững.