PGS.TS. Hoàng Dũng, Trưởng Ban KH&CN, ĐHQG TP.HCM cho biết, nhằm xây dựng, phát triển đội ngũ cán bộ nghiên cứu khoa học gắn với nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước và hội nhập quốc tế. Trường đã đặt ra mục tiêu phát triển theo hướng xây dựng đại học nghiên cứu.
Chú trọng phát triển tiềm lực KH&CN
ĐHQG TP.HCM đã thực hiện lộ trình 04 bước: xây dựng nền tảng KH&CN; hình thành các mũi nhọn nghiên cứu; xây dựng các trung tâm nghiên cứu xuất sắc; và đưa các kết quả nghiên cứu phục vụ nhu cầu xã hội.
Đến nay, ĐHQG TP. HCM đã xây dựng hệ thống 60 phòng thí nghiệm (PTN) với trang bị hiện đại phục vụ NCKH và đào tạo theo các lĩnh vực KH&CN trọng điểm như KH&CN vật liệu, công nghệ thông tin, điện tử - viễn thông, cơ khí - tự động hóa, năng lượng, công nghệ sinh học, khoa học trái đất và môi trường, nghiên cứu cơ bản trong khoa học tự nhiên, khu vực học Nam bộ. Đồng thời tích cực khai thác, phát huy và phối hợp các thế mạnh toàn ĐHQG mà từng trường đại học đơn lẻ không thể có được.
Nhằm khắc phục tình trạng phân tán các PTN theo các đơn vị thành viên, ĐHQG TP.HCM chủ trương tập hợp các PTN có tính năng gần nhau, có thể bổ sung lẫn nhau vào cùng khu vực để các nhà khoa học có thể dễ dàng khai thác sử dụng chung trang thiết bị, trao đổi ý tưởng và hợp tác cùng thực hiện các đề tài. Qua đó cũng dễ dàng trong việc đầu tư, tạo mọi điều kiện cho các PTN hoạt động. Hiện, ĐHQG TP.HCM đang xây dựng cơ sở cho Viện Tài nguyên và Môi trường, chuẩn bị xây các tòa nhà KH&CN Vật liệu, Vi cơ điện tử, CN Tế bào tại khu viện nghiên cứu 35,2 ha ở cơ sở Linh Trung, Thủ Đức.
Các nhà khoa học trẻ Việt Nam tại phòng thí nghiệm MANAR (Ảnh: ĐHQG TPHCM)
Tại các đơn vị thành viên của ĐHQG TP.HCM đã hình thành các nhóm nghiên cứu tiềm năng theo các chương trình KH&CN trọng điểm. Sau từng năm, các nhóm này đã dần khẳng định mình qua các công trình nghiên cứu có nhiều công bố quốc tế hoặc gắn với nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, đào tạo được nhiều nghiên cứu sinh và học viên cao học trình độ cao, đoạt các giải thưởng KH&CN trong nước và quốc tế, được cộng đồng khoa học đánh giá cao.
Thành tựu đột phá.
Từ “nền móng” là các nhóm nghiên cứu tiềm năng, ĐHQG TP. HCM tập trung đầu tư xây dựng các nhóm nghiên cứu trọng điểm và một số trung tâm nghiên cứu xuất sắc như Phòng thí nghiệm Tế bào gốc, ICDREC, Phòng thí nghiệm Công nghệ Nano, Trung tâm John Von Neumann (JVN), Trung tâm MANAR… Các trung tâm này được ưu tiên đầu tư cả về cơ sở vật chất, đội ngũ cán bộ đến thí điểm cơ chế hoạt động thông thoáng hơn nhằm tạo ra các sản phẩm KH&CN đột phá đồng thời góp phần đổi mới cơ chế quản lý hoạt động KH&CN.
Theo PGS.TS. Hoàng Dũng, sau nhiều năm kiên trì đầu tư và phát triển, đổi mới cơ chế quản lý hoạt động KH&CN đến nay đã hình thành các đơn vị nghiên cứu mạnh. Trong số đó, có thể kể đến một vài đơn vị điển hình như: Phòng Thí nghiệm Công nghệ Nano đã trở thành một trung tâm nghiên cứu và đào tạo sau đại học mạnh của cả nước về KH&CN Nano, được cộng đồng khoa học trong và ngoài nước công nhận.
Hay Trung tâm Nghiên cứu và đào tạo thiết kế vi mạch (ICDREC) cho ra đời các sản phẩm nghiên cứu của ICDREC được đánh giá cao như: Chip vi xử lý đầu tiên thiết kế thành công tại Việt Nam; Chip VN8-01; Chip VN16-32... Đến nay, ICDREC đã trở thành trung tâm NCKH và chuyển giao công nghệ hàng đầu Việt Nam trong lĩnh vực công nghệ vi mạch, góp phần thúc đẩy phát triển nền công nghệ vi mạch của TP. Hồ Chí Minh và cả nước.
Trong lĩnh vực Công nghệ sinh học, Phòng thí nghiệm Tế bào gốc đã đi tiên phong cả nước trong nghiên cứu về nghiên cứu và ứng dụng tế bào gốc trong y học tái tạo như tái tạo niêm mạc mắt cho bệnh nhân mắt, tái tạo da cho bệnh nhân bỏng, biệt hóa thành công nhiều loại tế bào gốc, chuyển gen thành công tế bào gốc người, biệt hóa và tái tạo tế bào tiết insulin...
Đặc biệt, sự ra đời của Trung tâm MANAR vào năm 2011 trên cơ sở chương trình hợp tác giữa ĐHQG TP.HCM với Đại học California tại Los Angeles (UCLA) – với mục tiêu trở thành một trung tâm nghiên cứu xuất sắc được cộng đồng khoa học thế giới thừa nhận. Với các nghiên cứu tập trung vào những vấn đề thời sự của thế giới như tạo ra vật liệu lưu trữ khí tự nhiên, các nguồn năng lượng sạch, và thông qua phương pháp đào tạo mentoring Trung tâm hướng tới việc tạo ra một mô hình KH&CN mới mang tính đột phá.
Phương Nga