Banner TOP trái 1
Banner TOP phải 3
Chính sách KH&CN Thứ bảy, 23/11/2024 , 05:44 pm
Cập nhật : 11/07/2011 , 14:07(GMT +7)
ĐH Quốc gia TP.HCM: Khi cơ chế tự chủ trở thành “cơ hội vàng”
Nghiên cứu chế tạo điốt phát sáng (LED)
Nghị định 115/2005/NĐ-CP của Chính phủ (NĐ 115) về cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm của các tổ chức khoa học và công nghệ (KH&CN) công lập ra đời đã được đánh giá như là “khoán 10”, trao “cơ hội vàng” cho các tổ chức KH&CN. Thực tế qua 6 năm NĐ 115 được ban hành, hầu hết các đơn vị tham gia chuyển đổi đã có những chuyển biến tốt trong công tác nghiên cứu, sản xuất, kinh doanh, chuyển giao công nghệ (CGCN), chứng tỏ “khoán 10” đã và đang đi vào cuộc sống. Đại học Quốc gia Tp. Hồ Chí Minh (ĐHQG TPHCM) là một trong những minh chứng rất rõ về điều này.

Làm lợi hàng trăm tỷ đồng từ chuyển giao kết quả nghiên cứu

CGCN là hoạt động thế mạnh của ĐHQG TPHCM và khi chuyển đổi hoạt động sang mô hình tự chủ, tự chịu trách nhiệm các đơn vị lại có thể hoạt động tốt hơn nhờ có hành lang pháp lý ổn định cho hoạt động sản xuất kinh doanh, tăng tính chủ động sáng tạo. Theo thông tin từ ĐHQG TPHCM, giai đoạn 2009 – 2010, mặc dù gặp khó khăn do kinh tế suy thoái, nhưng doanh thu CGCN toàn ĐHQG HCM vẫn đạt 76,3 tỷ đồng năm 2009 và 86,3 tỷ đồng năm 2010. So với giai đoạn 2001 – 2005, doanh thu từ các hợp đồng CGCN trong 5 năm 2006 – 2010 tăng 1,46 lần với hơn 400 tỷ đồng. Số lượng các kết quả nghiên cứu công nghệ cao trong lĩnh vực vi mạch, vật liệu mới, công nghệ sinh học, môi trường… tại các đơn vị thuộc ĐHQG TPHCM được chuyển giao cho các cơ quan, địa phương và doanh nghiệp đã tăng mạnh.

Cụ thể, giai đoạn 2006 – 2010, doanh thu từ CGCN của Khu Công nghệ phần mềm (ITP) đạt khoảng 15 tỷ đồng, dự kiến con số này sẽ đạt khoảng 1 triệu USD vào năm 2015. ITP đã chuyển đổi hoạt động sang mô hình tổ chức KH&CN tự chủ, tự chịu trách nhiệm theo NĐ 115. Sau khi chuyển đổi, ITP bắt đầu chuyên môn hóa sâu sắc các hoạt động với sự hình thành 3 công ty cổ phần (Công ty Cổ phần (CTCP) đầu tư và phát triển hạ tầng Trí Việt, CTCP KH&CN iGREEN về dữ liệu, CTCP KH&CN ISePRO (chuyên về an ninh thông tin). Nhiều sản phẩm công nghệ do ITP nghiên cứu đã được chuyển giao và ứng dụng hiệu quả như phần mềm phân tích biến dạng lún (cho phép phân tích và đánh giá biến dạng lún của mặt đất), phần mềm quản lý đất đai (giúp lưu trữ, quản lý hồ sơ đất đai, hỗ trợ tác nghiệp trong truy xuất, hiển thị, in và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nhanh chóng và tiện lợi),…

Chip vi xử lý 32 bit VN1632 do ICDREC thiết kế, chế tạo

Cũng phải kể đến những nghiên cứu có giá trị lớn của Trung tâm Nghiên cứu và đào tạo thiết kế vi mạch (ICDREC). ICDREC đã thiết kế và chuyển giao thành công nhiều sản phẩm như chip SigmaK3 công nghệ 0.25um – chip vi xử lý đầu tiên của Việt Nam, ứng dụng cho các thiết bị điện tử dân dụng như máy lạnh, máy giặt, các thiết bị y tế; chip VN8-01; chip vi xử lý 32 bit VN1632,… Trong đó, chip VN8-01 đã được chuyển giao cho Tổng công ty Bảo đảm An toàn Hàng hải II. Nhóm tác giả của sản phẩm này đã nhận được giải nhì cuộc thi “Nhân tài Đất Việt”. Năm 2011, ICDREC cũng đã đoạt giải nhì cuộc thi Thiết kế vi mạch quy mô lớn (LSI – Large Scale Integrated) lần thứ 14 tại Nhật Bản.

Phòng thí nghiệm công nghệ Nano (LNT) – một tổ chức nghiên cứu cơ bản cũng đã kiện toàn lại cơ cấu tổ chức và hoạt động theo NĐ 115. Qua việc thực hiện đề tài Độc lập cấp Nhà nước, LNT đã chế tạo thành công điốt phát sáng (LED) ánh sáng trắng dùng trong công nghiệp chiếu sáng nhằm mục đích tiết kiệm năng lượng. Với công nghệ này, LNT đã chế tạo thành công các bóng đèn LED có ánh sáng khác nhau. Sản phẩm này đã được cấp Bằng Độc quyền sáng chế và đã có hợp đồng chuyển giao với Công ty Red Sun Energy JSC.

Chủ động tháo gỡ vướng mắc trong quá trình tự chủ

Nhiều đơn vị thuộc ĐHQG TPHCM cho biết, họ đều nhận thấy rõ những lợi ích khi chuyển đổi sang cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm như tạo hành lang pháp lý ổn định cho hoạt động sản xuất kinh doanh, tự chủ về tài chính; giúp các tổ chức KH&CN có hướng đi mới; tăng cường tính chủ động, trách nhiệm, tính sáng tạo của các tổ chức KH&CN; tạo điều kiện gắn nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ với sản xuất, kinh doanh và đào tạo nhân lực, đẩy nhanh quá trình xã hội hóa các hoạt động KH&CN;…

PGS.TS. Nguyễn Thanh Nam – Phó trưởng ban KH&CN – ĐHQG TPHCM cho biết, các cơ quan chủ quản và các tổ chức KH&CN của ĐHQG TPHCM đã chủ động tìm ra những giải pháp giải quyết những vướng mắc gặp phải trong quá trình thực hiện cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm. Cụ thể, giải quyết vấn đề phân chia tài sản rạch ròi giữa phục vụ nghiên cứu khoa học (tính hao mòn) và phục vụ sản xuất kinh doanh (tính khấu hao) bằng cách đưa ra tỷ số B/R (business/research: tỷ lệ doanh thu từ sản xuất kinh doanh/ chi phí cho nghiên cứu khoa học) được xác định vào cuối mỗi năm tài chính. Dựa trên tỉ số này, đơn vị KH&CN sẽ tính toán phần giá trị tài sản tính hao mòn và phần giá trị tài sản tính khấu hao theo quy định của NĐ 115.
 
Còn với một số tài sản thuộc loại tài sản trí tuệ (sản phẩm đề tài nghiên cứu, thương hiệu trường đại học,…) chưa có cơ sở định giá, ĐHQG TPHCM và cơ quan chủ quản chưa giao cho tổ chức KH&CN nhưng vẫn cho phép tổ chức KH&CN sử dụng nhằm khai thác các loại tài sản tiềm năng nhưng chưa định giá này.

Ông Nam cho biết thêm, để thống nhất các quy định trong điều lệ tổ chức và hoạt động của tổ chức KH&CN phù hợp với tình hình mới sau chuyển đổi, ĐHQG TPHCM đã xây dựng và ban hành Điều lệ mẫu cho tất cả các tổ chức KH&CN trực thuộc.

Để thực hiện mục tiêu “Xây dựng ĐHQG TPHCM trở thành đại học định hướng nghiên cứu hàng đầu ở Việt Nam, phát triển tiềm lực KH&CN nhằm tạo ra những sản phẩm có ý nghĩa khoa học, thực tiễn cao làm thế mạnh KH&CN riêng của mình…”, ĐHQG TPHCM đã xác định những hành động cụ thể, trong đó hoạt động nghiên cứu KH&CN, chuyển giao công nghệ được đề cập như kim chỉ nam cho hành động. Trong quá trình thực hiện chiến lược dài hạn ấy, chắc chắn việc thực hiện có hiệu quả cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm của các tổ chức KH&CN công lập sẽ góp phần lớn thúc đẩy CGCN, gắn kết nghiên cứu KH&CN với sản xuất kinh doanh, giúp ĐHQG TPHCM sớm tiệm cận với những mục tiêu đã đề ra.

75% số tổ chức KH&CN của ĐHQG TPHCM hoạt động theo NĐ 115 và NĐ 80

ĐHQG TP HCM có 27 tổ chức KH&CN, trong đó có 22 tổ chức hoạt động hiệu quả thuộc đối tượng điều chỉnh của NĐ 115 và 2 tổ chức thuộc đối tượng điều chỉnh của Nghị định 80/2007/NĐ-CP về doanh nghiệp KH&CN, 3 tổ chức chuẩn bị giải thể. Tính đến ngày 31/5/2011, ĐHQG TP HHCM đã phê duyệt đề án chuyển đổi cho 12 tổ chức. Cùng với 6 tổ chức mới hoạt động theo NĐ 115 và NĐ 80, tổng số tổ chức KH&CN hoạt động theo cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm của ĐHQG TPHCM là 18 (chiếm 75%). 6 tổ chức còn lại cũng đang trong quá trình hoàn thiện đề án. Dự kiến trong quý 3 năm 2011, các đề án này cũng sẽ được phê duyệt.

Nguyễn Hạnh

Nguồn tin: (Lao động cuối tuần)

Ý kiến của bạn
Tên của bạn : *
E_mail : *
Tiêu đề : *
Nội dung : * (Bạn vui lòng gõ tiếng Việt có dấu)
 
Mã bảo mật :   
   
Các tin khác

   
Xem tin theo ngày
   
 
Xem nhiều nhất

English
Thăm dò ý kiến
Bạn biết website “truyenthongkhoahoc.vn” qua nguồn thông tin nào?
Bạn bè giới thiệu
Qua Google
Qua sách báo, quảng cáo banner