Trong mấy năm gần đây, bưởi Phúc Trạch có nhiều biểu hiện suy giảm năng suất, chất lượng, mất mùa liên tiếp, nhiều hộ nông dân đã quay lưng lại với cây bưởi.
Trước thực trạng này, Viện Nghiên cứu rau quả - Viện Khoa học nông nghiệp Việt Nam đã tiến hành triển khai đề tài: “Nghiên cứu tìm hiểu nguyên nhân gây suy giảm năng suất, chất lượng bưởi Phúc Trạch và biện pháp khắc phục”.
Xác định nguyên nhân
Bưởi Phúc Trạch là một trong những giống bưởi ngon của Việt Nam, đem lại giá trị kinh tế cao cho nhân dân huyện Hương Khê – Hà Tĩnh. Năm 2004 bưởi Phúc Trạch được cấp giấy chứng nhận đăng kí nhãn hiệu hàng hoá. Tuy nhiên, trong mấy năm gần đây bưởi Phúc Trạch có hiện tượng suy giảm năng suất, và mất mùa liên tục khiến cho nhiều hộ nông dân trồng bưởi chuyển sang trồng gió trầm.
Các nhà khoa học Viện Nghiên cứu rau quả tìm ra nguyên nhân làm cho cây bưởi Phúc Trạch suy giảm năng suất và chất lượng trong nhiều năm qua là do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu nhiệt độ khí tăng cao, độ ẩm không khí giảm thấp và chịu ảnh hưởng trực tiếp của gió nóng trong thời kì cây ra hoa, thời tiết đã làm rối loạn sinh lý, sinh hoá trong cây, ức chế hình thành từng rời ở cuống hoa, cuống quả gây nên hiện tượng rụng hoa, quả đồng loạt. Bên cạnh đó, kỹ thuật canh tác lạc hậu; thiếu đầu tư chăm sóc của người dân dẫn đến cây sinh trưởng, phát triển kém, sâu bệnh gây hại nhiều.
TS Ngô Hồng Bình – Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu rau quả, chủ nhiệm đề tài cho biết: Đề tài được triển khai trên diện tích 6 ha của 24 hộ dân thuộc các xã Phúc Trạch, Hương Trạch và Hương Đô (huyện Hương Khê, Hà Tĩnh) nhằm tìm hiểu nguyên nhân suy giảm năng suất; các biện pháp kỹ thuật nâng cao năng suất, phẩm chất bưởi Phúc Trạch, xây dựng mô hình thâm canh tổng hợp; hợp tác quốc tế và tập huấn kĩ thuật, chuyển giao công nghệ hướng tới khôi phục lại thương hiệu của sản phẩm bưởi Phúc Trạch.
Bưởi Phúc Trạch hồi sinh
Sau khi lựa chọn các vườn bưởi để làm thử nghiệm, các nhà khoa học đã áp dụng biện pháp thâm canh tổng hợp như: bón phân, tưới nước hợp lí, cắt tỉa, tạo tán, thụ phấn bổ sung bằng cách sử dụng phấn hoa của cây bưởi chua…nhằm làm tăng khả năng ra hoa, đậu trái; khoanh vỏ để chống rụng quả do ảnh hưởng của nắng hạn và các yếu tố thời tiết bất thường; phun thuốc và bao quả để phòng chống sâu bệnh hại và bảo vệ mã quả trước ảnh hưởng của thời tiết, đặc biệt là phòng chống bệnh đốm đen. Kết quả cho thấy, công đoạn thụ phấn bổ sung lúc bưởi ra hoa nâng cao tỷ lệ đậu quả đạt 100%, sau thời gian sinh trưởng đến công đoạn cắt tỉa chọn để lại từ 50 – 70 quả/cây, lúc đó cho quả vào bao để tránh các loại côn trùng, sâu bệnh hại.
Nhiều gia đình áp dụng các biện pháp kĩ thuật mới trong chăm sóc cây đã cho kết quả tốt: vườn cây sinh trưởng, phát triển, ít sâu bệnh, ra hoa và đậu quả tốt, da bưởi trơn mịn, hương vị bưởi đặc trưng rất hấp dẫn. Đặc biệt, cây cho năng suất cao, khi chưa thực hiện dự án vườn bưởi chỉ cho năng suất từ 5 – 7 tấn, nhưng khi áp dụng quy trình thâm canh và thụ phấn bổ sung, năng suất đã tăng lên 20 tấn/ha, với giá bán trung bình tại vườn là 20.000đ/quả, tổng thu đạt 400 triệu đồng/ha, trừ chi phí đầu tư bà con còn lãi ròng trên 200 triệu đồng/ha.
Chị Hoàng Thị Tuân, xã Hương Đô cho biết: cách đây 3 năm toàn bộ vườn bưởi 0,4 ha của gia đình ra rất nhiều hoa nhưng mỗi cây chỉ đậu được dăm bảy quả, thậm chí có những cây không đậu quả nào. Sau khi được Viện Nghiên cứu rau quả lựa chọn thực hiện mô hình chăm sóc tổng hợp, triển khai thụ phấn bổ sung và bao quả, cho tỉ lệ đậu quả 3 năm liền đạt 80-100%.
UBND tỉnh Hà Tĩnh cũng đã phê duyệt dự án “ Bảo tồn quỹ gen và phát triển bưởi Phúc Trạch theo hướng sản xuất hàng hoá” giai đoạn 2010 – 2020 do Trung tâm khuyến nông - khuyến ngư Hà Tĩnh làm chủ đầu tư với nguồn kinh phí lên tới 76,6 tỷ đồng.
Đây là một trong những tín hiệu tốt giúp bà con trồng bưởi ở Hà Tĩnh nói chung và huyện Hương Khê nói riêng yên tâm phát triển, phấn đấu đến năm 2015 toàn huyện đạt từ 1.500 – 1.700 ha bưởi đưa đặc sản bưởi Phúc Trạch trở thành sản phẩm hàng hoá chính phục vụ trong nước và xuất khẩu.
Đăng Minh