Ngày 12/6, lần đầu tiên Bộ trưởng Bộ KH&CN Nguyễn Quân trả lời chất vấn tại kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIII.
Trước phiên chất vấn và trả lời chất vấn, cử tri mong muốn, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ sẽ đưa ra nhiều giải pháp khắc phục những bất cập trong việc áp dụng hiệu quả những kết quả nghiên cứu khoa học phục vụ đời sống, tăng năng suất lao động, hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư đổi mới công nghệ, phát triển thị trường khoa học công nghệ…
Nhiều cử tri mong muốn Bộ trưởng Bộ KH&CN Nguyễn Quân trả lời chất vấn lần này sẽ đưa ra được những giải pháp nâng cao hiệu quả áp dụng kết quả nghiên cứu khoa học phục vụ đời sống, sản xuất, quản lý xã hội, nhất là trong sản xuất nông nghiệp.
Cử tri Trần Xuân Hồng, chuyên gia khoa học công nghệ kỳ vọng Bộ trưởng Nguyễn Quân sẽ làm rõ các hỗ trợ về chính sách tài chính phục vụ công tác nghiên cứu và đầu tư sản xuất thử nghiệm mô hình.TS Trần Xuân Hồng nói: “Đối với các nhà khoa học Việt Nam, thực tế cho thấy khả năng huy động vốn đối ứng và thực hiện các dự án sản xuất thử nghiệm rất khó. Bên cạnh đó, khối các nhà sản xuất chưa mạnh dạn tham gia vào quá trình sản xuất thử nghiệm để hoàn thiện các kết quả nghiên cứu thích ứng với điều kiện thực tế. Tôi nghĩ rằng, mảng chính sách này phải có sự nghiên cứu và phối hợp giữa các Bộ, ngành, khối doanh nghiệp và khối nghiên cứu thì mới có thể đẩy mạnh việc ứng dụng các kết quả nghiên cứu vào thực tiễn được”.
Theo ý kiến của các cử tri, thời gian qua, ngành khoa học công nghệ đã có nhiều nỗ lực trong việc ứng dụng khoa học công nghệ để tăng năng suất lao động, hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư đổi mới công nghệ, phát triển thị trường khoa học công nghệ. Cụ thể, Bộ KH&CN triển khai chương trình 72 của Chính phủ, nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm hàng hóa của doanh nghiệp Việt Nam đến năm 2020, đã hướng dẫn cho hơn 1.200 doanh nghiệp áp dụng những giải pháp về quản lý, nâng cao hiệu suất sử dụng thiết bị… giúp doanh nghiệp nâng cao năng suất lao động trung bình từ 20 đến 30%. Tuy nhiên, độ phủ rộng của chương trình chưa được như mong muốn.
Cử tri Nguyễn Anh Tuấn, Viện trưởng Viện Năng suất Việt Nam kiến nghị: “Tôi nghĩ trong thời gian tới cần phải triển khai mạnh hơn những chương trình giúp doanh nghiệp có thể tự khảo sát, đánh giá được thực trạng, nhu cầu về việc áp dụng những biện pháp về quản lý cũng như các giải pháp về mặt công nghệ trong nâng cáo năng suất lao động. Tăng cường ở diện rộng cho các doanh nghiệp để tạo thành phong trào cho các doanh nghiệp khác tham gia. Khi doanh nghiệp nhìn ra những vướng mắc, những nút thắt trong vấn đề nâng cao năng lực cạnh tranh cũng như nâng cao năng suất hoặc đáp ứng yêu cầu khách hàng phải có những cơ quan có thể có những hỗ trợ cho người ta giải quyết được những vấn đề này”.
Cử tri cũng kỳ vọng Bộ Khoa học và Công nghệ có những giải pháp, chính sách hỗ trợ người dân đam mê sáng tạo, giúp đưa những sáng chế của họ vào cuộc sống, để nhiều người dân có thể hưởng lợi từ những sáng chế đó.
Cử tri Đào Viết Thoàn, một nhà sáng chế không chuyên ở Thái Bình mong muốn: “Tôi mong những sáng chế, những phát minh mới mang lại hiệu quả cho xã hội, cho cộng đồng nên khuyến khích, động viên, khen thưởng. Đồng thời có hỗ trợ về mặt kinh tế xã hội, đầu tư, nâng đỡ để họ phát triển nhiều hơn, để xã hội ngày một tốt hơn”./.